Hai đứa trẻ dân tộc Hmong tại một ngôi làng ở huyện miền
núi Mù Cang Chải, tỉnh Tây Bắc
Ngành giáo dục ở VN ngày càng quan tâm và chú trọng đến
những vùng xa xôi, hẻo lánh để tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập, nâng
cao kiến thức của những người ở độ tuổi đến trường, đặc biệt đối với người thiểu
số.
Hội thảo Phổ biến kết quả nghiên cứu trẻ em ngoài nhà trường
của VN do Bộ Giáo dục Đào tạo (GDĐT) vừa tổ chức trong tháng 9, công bố con số
1.127.345 trẻ em từ 5 đến 14 tuổi chưa từng đi học, bỏ học hoặc có nguy cơ bỏ học.
PGS-TS Lê Khánh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính
của Bộ GDĐT cho biết trong số hơn 1 triệu trẻ em này, đa phần thuộc thành phần
nghèo khó, sống ở các khu vực xa xôi, hẻo lánh, là trẻ em dân tộc thiểu số,
khuyết tật, trẻ phải lao động, trẻ em di cư…Tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số chưa
bao giờ đi học khá cao. Trong đó, dân tộc H’Mông chiếm tỷ lệ cao nhất, 23,02%.
Nghèo đói và hủ tục là các nguyên nhân chính cản trở việc tiếp cận trường học của
trẻ em thiểu số được TS Nguyễn Phong, chuyên gia tư vấn của nghiên cứu này, nêu
ra.
Trao đổi với một số gia đình người thiểu số dân tộc Hà
Lăng, ở xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy, thuộc vùng sâu-vùng xa của tỉnh Kon Tum, đài
RFA được cho biết rằng người dân địa phương rất vui mừng khi thấy trường học được
dựng lên. Dù cách xa đến 2-3 cây số, họ vẫn cho con đi học vì họ mong rằng con
cái của họ biết được mặt “cái chữ”, biết tính được “con số”, không như thế hệ của
họ chỉ biết ruộng nương mà thôi. Thế nhưng, ước mơ đó lại không hề dễ dàng như
họ tưởng. Vì sao lại như thế, một phụ huynh chia sẻ:
“Bây giờ gia đình nào họ cũng muốn cho con được đến trường
đi học nhưng có vấn đề là không còn như trước. Bây giờ tự túc hết cho nên nhiều
địa phương, không giống anh em người Kinh, rất khó khăn, thiếu thốn đủ mọi bề.
Chính vì lý do đó nên các em nhỏ không được đến trường vì từ sách vở rồi đóng
tiền cho nhà trường và này khác… nên anh em địa phương không có đủ điều kiện
cho con đến trường được”.
Tại buổi Hội thảo Phổ biến kết quả nghiên cứu trẻ em
ngoài nhà trường của VN, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Vinh Hiển tuyên bố qua số liệu
công bố sẽ thúc đẩy ngành giáo dục tìm ra phương pháp tiếp cận mới trong xây dựng
chính sách giáo dục, thay đổi chiến lược “đưa trẻ em đến trường” thành “đưa trường
đến trẻ em”. Chiến lược mới sẽ được triển khai cụ thể như thế nào và khi nào được
triển khai? Có lẽ hơn ai hết, nhiều trẻ em, đặc biệt là trẻ em dân tộc thiểu số
đang nóng lòng chờ đợi.
Cũng là sự chờ đợi nhưng mỏi mòn và tuyệt vọng hơn, đó là
sự chờ đợi cơ hội tìm được công ăn việc làm của các cử nhân dân tộc thiểu số tốt
nghiệp đại học. Những người trẻ này đã phải nỗ lực bội phần để vượt qua muôn
vàn khó khăn mới vào được đại học, tốt nghiệp ra trường. Họ là những tân cử
nhân của các trường đại học uy tín như Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Khoa
học Xã hội và Nhân văn, Đại học Sư Phạm, Đại học Nông Lâm…với ước mơ có cuộc sống
ổn định và đóng góp cho cộng đồng.
Có rất nhiều sinh viên khi họ vào trường đại học, họ được
vay một số khoản tiền nhất định nhưng khi ra trường họ không có tiền để trả, có
khi nợ kéo dài 4-5 năm sau cũng chưa trả nổi.
- Nhà thơ Inrasara
- Nhà thơ Inrasara
Tìm hiểu vì sao uớc mơ thiết thực ấy lại trở nên viễn
vông? Hòa Ái được nhà thơ Inrasara, dân tộc Chăm, cho biết nhiều bạn trẻ người
Chăm bị thất nghiệp sau khi ra trường. Nhiều người phải làm các công việc như
phụ hồ, hái cà phê, lượm điều hoặc làm các lao động chân tay khác không phù hợp
với chuyên ngành được đào tạo. Phần lớn các cử nhân người Chăm lại phải trở về
làm nghề nông trên mảnh ruộng nhỏ bé của mình. Nhà thơ Inrasara nói:
“Nhiều người trở lại nghề nông hoặc là thất nghiệp gần
như toàn phần. Có rất nhiều sinh viên khi họ vào trường đại học, họ được vay một
số khoản tiền nhất định nhưng khi ra trường họ không có tiền để trả, có khi nợ
kéo dài 4-5 năm sau cũng chưa trả nổi. Đó là một nguy cơ rất lớn đối với các em
dân tộc thiểu số đã tốt nghiệp đại học, nhất là người Chăm”.
Dân tộc Chăm tập trung ở 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận,
không giống như những dân tộc thiểu số khác ở miền núi cao mà họ ở đồng bằng,
hòa lẫn với người Kinh nên cuộc sống hàng ngày được tiếp xúc với thế giới văn
minh. Các bạn trẻ người Chăm gần như không có mặc cảm trong việc học tập và
trình độ học ở phổ thông hay đại học của họ cũng không thua kém gì với đa số bạn
học người Kinh. Dù rất tự tin khi cầm tấm bằng tốt nghiệp đại học trên tay
nhưng họ phải chấp nhận thất nghiệp như một sự an bày.
Nhà thơ Inrasara cho biết tình hình chung ở VN hiện có
nhiều sinh viên ra trường không có việc làm và riêng đối với dân tộc thiểu số
ngày nay dường như không còn có sự ưu tiên nào. Tuy nhiên, đây không phải là
nguyên nhân chính khiến cho các cử nhân dân tộc thiểu số bị lâm vào cảnh bế tắc.
Ông nói:
“Thất nghiệp vì lý do thứ nhất, là vì không phải họ tuyển
những người đã tốt nghiệp mà họ đã tuyển rồi mới cử người để đưa đi thi và học.
Tức là quan hệ quen biết là chính mà người dân tộc thiểu số nói chung quen biết
rất ít. Thứ hai nữa còn vấn đề rất tiêu cực ở VN là phải chạy vạy, gọi là “văn
hóa chạy”. “Chạy” thì phải có tiền. Điều này thực tế ai cũng biết vì xảy ra
hàng ngày, gây bức xúc cho đồng bào, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nói
riêng cũng như những người nghèo nói chung. Khi ra trường, họ không có đủ khoản
nhất định để có thể gọi là “chạy chổ”, “chạy ghế”, “chạy” một nơi nào đó để làm
việc”.
Không một số liệu nào ghi nhận có bao nhiêu em nhỏ trong
tổng số hơn 1 triệu trẻ em không được đến trường có ước mơ cắp sách đi học và
có bao nhiêu em nhỏ hàng ngày phải chứng kiến cảnh sống thất vọng, chán nản vì
thất nghiệp của các anh chị mình nhưng hệ lụy tương lai về nạn thất học chắc chắn
là rất lớn, bởi vì câu hỏi “học để làm gì” đã có lời đáp, nhất là thắc mắc của
các em nhỏ dân tộc thiểu số.
Trong khi Bộ GDĐT loay hoay tìm giải pháp cho “đầu vào” lẫn
“đầu ra”, đặc biệt đối với người thiểu số, thì hành trình học chữ của họ vẫn
còn lắm gian nan.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét