Hoa ban nở rộ vào dịp tháng 2, tháng 3 dương. Khoảng thời
gian này những người yêu thích thiên nhiên thường chuẩn bị cho mình chuyến hành
trình mùa xuân lên Tây Bắc đầy thú vị. Không chỉ đến để thưởng thức vẻ đẹp của
những loài hoa nơi núi rừng mà còn đến để tận hưởng không gian trong lành, tươi
mới của mùa xuân và ghi lại khoảnh khắc ấn tượng trong cuộc đời.
Tiết trời tháng 2 âm lịch bắt đầu có nắng ấm. Những cơn mưa
xuân lất phất như đánh thức cả rừng hoa ban sau một giấc ngủ dài. Cây ban như
loại cây sim sống bền bỉ. Trên đồi cằn cỗi, cỏ tranh khô héo, nhưng cây ban vẫn
xanh tươi. Hoa ban năm cánh trắng, phơn phớt hồng tím. Lá ban hình móng bò, người
Thái bảo hình “đôi trái tim ghép lại”.
Nhụy ban rất ngọt, các loài ong rất ưa thích. Cánh hoa ban
vừa ngọt, vừa bùi, người Thái thường lấy về đồ chín trộn với giấm, vừng thành một
món nộm, ăn rất lạ. Quả ban giống như quả bồ kết, hạt già đồ chín ăn ngon như hạt
đậu. Người Thái rất yêu hoa ban, nên ngày Tết trên bàn thờ luôn có cành hoa
ban, dâng cúng, tỏ lòng thành kính với tổ tiên. Với tuổi trẻ, hoa ban là ước mơ
trẻ mãi không già, nhiều nghị lực và tình yêu bền vững.
Hàng nghìn đời nay, hoa Ban đã rất tự nhiên đi vào đời sống
văn hoá – tâm linh của nhân dân Tây Bắc, nhất là bà con thuộc nhóm ngôn ngữ Tày
– Thái. Với đồng bào Thái, có lẽ không ai là không trải qua tuổi thanh xuân nồng
cháy, với những trò chơi thú vị hái hoa Ban và hát giao duyên. Trong ký ức của
người đi xa, cùng với nỗi nhớ mường nhớ bản, nhớ người yêu, còn có nỗi nhớ da
diết hoa Ban vào mỗi độ xuân về.
Đến đây chợt nhớ tới câu chuyện về sự tích của loài hoa
này. Chuyện kể rằng xưa kia nàng Ban và chàng Khum thông minh yêu nhau. Nhà
chàng ở cách nhà nàng một dãy núi, đêm đêm chàng vẫn vượt qua mấy đoạn đường rừng,
lội qua mấy suối tìm đến nhà nàng để tỏ tình đôi lứa và hẹn nhau ngày cưới.
Nhưng tội nghiệp thay, bố mẹ nàng không chấp thuận cho nàng lấy chàng trai
nghèo khổ. Giãi bày mãi mà cha mẹ không chấp nhận, vào một buổi sớm mùa xuân,
nàng bỏ nhà ra đi. Nàng đi mãi, đi mãi hết đồi này núi kia, hết ngày này đến
ngày khác mà vẫn không tìm được chàng. Đi mãi cho đến khi nàng gục xuống và hóa
thân vào đất, nơi nàng nằm xuống đã mọc lên muôn ngàn cây hoa cứ đến mùa xuân
là bừng nở ra vô vàn cánh hoa trong trắng nõn nà ngan ngát hương thơm như gương
mặt, như búp tay, như thân thể của nàng. Chàng Khun khi đến nơi hò hẹn ở nhà
nàng nhưng không thấy nàng đâu, chỉ thấy chiếc khăn piêu để lại. Biết chuyện chẳng
lành chàng vội chạy đi tìm nàng. Chạy hết đồi nọ, núi kia, chàng gọi nàng đến
khản cổ mà không thấy tiếng nàng đáp lại. Chàng gọi mãi cho đến khi kiệt sức và
biến thành con chim Lộc Khum. Từ đấy mỗi khi mùa xuân về hoa ban nở trắng rừng,
chim Lộc Khum lại hót, chim hót gọi nàng suốt một mùa hoa.
Cũng về sự tích hoa ban, người Thái lại có câu chuyện cảm động
rằng: Để tỏ lòng thương tiếc Chương Han – người anh hùng dân tộc dám chống lại
các thế lực đàn áp, độc ác – nhân dân buộc những mảnh khăn tăng lên các cành
cây. Về sau, thời gian như có phép nhiệm màu đã hoá những mảnh khăn tang thành
những đoá hoa Ban trắng trong, tinh khiết.
Dù là sự tích nào thì hoa Ban vẫn mãi là biểu tượng kiêu
hãnh trong kho tàng văn học dân gian các dân tộc thiểu số Tây Bắc bởi đó là biểu
trưng cho sự thuần khiết, trong trắng của người phụ nữ, cũng là biểu tượng
cho cuộc sống hạnh phúc, tình yêu và cả sự no ấm, tấm lòng hiếu thảo của con
cái với cha mẹ, sự tôn kính các vị thần linh…
Tháng ba mùa hoa ban, cả đất trời Tây Bắc bỗng sáng bừng, rạng
rỡ. Muốn một lần ngắm Ban thì hãy đến với núi rừng Tây Bắc, đến với lễ hội Hoa Ban,
cùng thưởng thức những hương vị thanh mát, ngọt ngào của những đóa hoa, tìm một
dáng váy thướt tha gùi ban trên núi, để rồi lạc bước lãng du trong rừng hoa
khoe sắc bạt ngàn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét