Nghệ Thuật múa Xòe dân tộc Thái (Văn Hóa Tây Bắc)


Thành phần của hồ sơ: đảm bảo theo quy định tại Thông tư 04 
Lý lịch: đầy đủ, theo đúng mẫu số 3 của Thông tư 04, đảm bảo các thông tin về di sản và giá trị di sản.
Hồ sơ ảnh: số lượng đủ, kích cỡ đúng quy định, chất lượng ảnh tốt, nội dung ảnh đảm bảo nhận diện đầy đủ di sản.
VCD: đảm bảo về nội dung, chất lượng và thời lượng.
Bản đồ vị trí: đầy đủ, rõ ràng
Báo cáo khảo sát điền dã: đầy đủ

Bản cam kết bảo vệ và phát huy giá trị di sản: đầy đủ, 44 bản
Văn bản số 798/SVHTTDL-DSVH ngày 31/7/2012 của Sở VHTTDL Điện Biên về việc trao quyền sử dụng tài liệu DSVHPVT Nghệ thuật Xòe Thái.
Danh mục tài liệu trong hồ sơ: đầy đủ
Tờ trình đề nghị đưa di sản vào Danh mục quốc gia: đầy đủ
Quá trình thẩm định hồ sơ
Hồ sơ đã được bổ sung, chỉnh sửa theo góp ý của Cục Di sản văn hóa:
- Bổ sung cam kết bảo vệ di sản của cộng đồng;
- Chỉnh sửa, bổ sung, biên soạn lại nội dung trong lý lịch theo Mẫu của Thông tư;
- Làm rõ giá trị tiêu biểu của di sản;
- Cụ thể hóa các giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
- Bổ sung, chỉnh sửa phim về Nghệ thuật Xòe Thái;
- Bổ sung ảnh để có thể nhận diện di sản phù hợp với phần nội dung của lý lịch;
- Thống nhất tên gọi di sản ở tất cả các thành phần hồ sơ.
Ý kiến đánh giá:
Nghệ thuật Xòe Thái ở Điện Biên, thuộc loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian, có từ lâu đời và đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của đồng bào Thái vùng Tây Bắc nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng. Nghệ thuật Xòe Thái phổ biến nhất là Xòe vòng, bắt nguồn từ lễ Xên pang (Lễ tạ ơn). Khi chiêng, trống vang lên, mọi người hân hoan đến với vòng xòe, cùng nắm tay nhau nối vòng tay lớn, xiết chặt vòng xòe và đưa những bước chân nhịp nhàng hòa mình trong không khí náo nức, rộn ràng. Trong múa xòe còn kết hợp với hát đối, ứng thơ và cuộc vui có thể kéo dài thâu đêm. Sau xòe vòng, người Thái còn có các điệu xòe khác như xòe khăn, xòe nón, xòe nhạc, xòe quạt, xòe sạp, xòe chai. Nghệ thuật Xòe Thái là phương tiện kết nối cộng đồng, biểu tượng của tình đoàn kết và là sân chơi giải trí sau những ngày lao động vất vả. Dù có những khó khăn nhất định nhưng Nghệ thuật Xòe Thái vẫn được cộng đồng, chính quyền bảo tồn và phát huy.
Di sản Nghệ thuật Xòe Thái ở tỉnh Điện Biên đáp ứng các tiêu chí quy định tại Điều 10, Thông tư 04/2010 đối với DSVHPVT để đưa vào Danh mục DSVHPVTQG.


NGHỆ THUẬT XÒE THÁI

I. Tóm tắt về di sản văn hóa phi vật thể được đề cử
Tên gọi:             Nghệ thuật Xòe Thái
Tên gọi khác:   Xòe, Xé, Xék, Múa dân gian dân tộc Thái
Loại hình:       Nghệ thuật trình diễn dân gian
Địa điểm phân bố:    
Phân bố tại 10 huyện, thị xã, thành phố (huyện Điện Biên, Mường Chà, Điện Biên Đông, Tuần Giáo, Mường Ảng, Tủa Chùa, Mường Nhé, Nậm Pồ, thị xã Mường Lay, thành phố Điện Biên Phủ), tỉnh Điện Biên.
Chủ thể văn hóa:
Cộng đồng người Thái trong tỉnh Điện Biên
Mô tả về di sản:
Người Thái ở Điện Biên chiếm 37,99% dân số trong toàn tỉnh, gồm có ngành Thái Đen và Thái Trắng. Người Thái có bề dày văn hóa được ghi chép qua các bộ sử thi dân gian, tục ngữ, ca dao, dân ca, đáng chú ý là thơ ca dân gian với những Xống chụ xôn xao (tiễn dặn người yêu); Khun Lú, Nàng Ủa. Người Thái nổi tiếng với làn điệu khắp (hát) như khắp báo xao (hát nam nữ), khắp lôồng tôồng (hát ngoài đồng), khắp ca (khi chèo thuyền). Đặc biệt, người Thái nổi tiếng với Nghệ thuật Xòe với nhiều điệu thức khác nhau như: Xòe vòng, xòe khăn, xòe quạt, xòe nón, xòe nhạc, xòe chai, xòe thắt đai lưng (xòe khăn), xòe sạp..., trong đó, tiêu biểu phải kể đến Xòe vòng. Những người cao tuổi của cộng đồng cho biết Xòe có từ lâu đời, xuất phát từ trong lao động sản xuất, từ nhu cầu của con người muốn được thư giãn, giải trí sau những giờ lao động vất vả, mệt nhọc. Xòe đã trở thành nếp sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của đồng bào Thái Tây Bắc nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng.
Đối với tỉnh Điện Biên, Mường Lay là nơi ghi dấu về sự phát triển của những điệu Xòe. Người có công mở rộng và phát triển Nghệ thuật Xòe của địa phương phải kể đến quan thổ ty Đèo Văn Long. Mặc dù khét tiếng về sự tàn ác, bóc lột nhân dân lao động nhưng Đèo Văn Long đã biết phát hiện và khai thác nghệ thuật Xòe, đã tuyển chọn những cô gái xinh đẹp, hát hay, múa giỏi để thành lập các đội Xòe nhằm phục vụ mục đích riêng cho chế độ cai trị của mình và hàng năm cấp lương thực, thuốc men, quần áo cho gia đình các cô gái, thay vào đó những cô gái đẹp phải phục tùng mệnh lệnh, phải múa bất cứ khi nào được gọi. Đèo Văn Long đã đưa những đội Xòe đi biểu diễn ở nhiều nơi như Hà Nội, Huế, Sài Gòn, thậm chí còn phục vụ cả vua Bảo Đại và những vị quan cai trị Pháp khi Đèo Văn Long bắt tay với Pháp thống trị nhân dân. Hiện tại vẫn còn một số nghệ nhân đã từng là gái xòe được tuyển chọn vào Đội xòe của Đèo Văn Long như bà Điêu Thị Nụn (huyện Mường Chà) – là người đã nhiều năm gắn bó và truyền dạy cho bao thế hệ về Nghệ thuật Xòe, tham gia xây dựng hồ sơ khoa học cho loại hình di sản này, bà cho biết: Xòe có từ thời xa xưa và những người tham gia Đội xòe là những cô gái xinh đẹp mới 16, 17 tuổi, có tài hát múa, những cô gái này do trưởng bản lựa chọn và đưa lên cho Đèo Văn Long. Các gái xòe theo quy định chỉ được biểu diễn chứ không được đem lòng yêu quan khách, họ tham gia Đội xòe được khoảng 3 – 5 năm thì nghỉ về lập gia đình và có người trẻ lên thay. Đội xòe khi đó gồm 12 người, không quy định ai là đội trưởng. Dưới sự bảo trợ của quân Pháp, Đèo Văn Long đã tổ chức cho Đoàn gồm những gái xòe với hơn 50 người đi máy bay vào Sài Gòn biểu diễn. Trước kia, vua Bảo Đại đã từng lên Mường Lay tới 03 lần để gặp gỡ quan Pháp thường trú tại khu vực Đồi Cao và ông không bỏ lỡ dịp được xem các cô gái Thái biểu diễn Nghệ thuật Xòe. Sau khi kết thúc biểu diễn, Bảo Đại đã lệnh thưởng cho các cô gái váy, áo, tiền Đông Dương, được miễn đi dân công và được cho ruộng đất. Bà cũng cho biết nhạc cụ trong nghệ thuật Xòe là trống, chiêng, đặc biệt là tính tảu. Giờ đây khi âm thanh tính tảu vang lên bà sẽ mường tượng và nhớ về những điệu Xòe ngày xưa như múa khăn, múa nón, múa quạt, múa nhạc (quả lúc lắc) và múa dọ - một vật dụng trong sinh hoạt của người Thái.


Theo điều tra của ngành VHTTDL, Xòe vòng là điệu múa mang ý nghĩa truyền thống và phổ biến nhất của người Thái, bắt nguồn từ lễ Xên Pang (Lễ tạ ơn), mọi người cầm tay nhau nhảy múa xung quanh mâm cúng, sau đó phát triển thành điệu xòe quanh cây nêu, quanh đống lửa như ngày nay.
Xòe vòng, tiếng Thái gọi là Xé cống, là một hình thức múa vòng của người Thái, những người múa nắm tay nhau nên còn có tên gọi là xé khăm khen (múa cầm tay). Xòe thường diễn ra vào dịp tết nguyên đán, mừng nhà mới, có trong sinh hoạt văn hóa tại các trường học, hội Hạn Khuống, lễ mừng cơm mới, trong đám cưới, lễ xên bản, khi có khách quý, ngày quốc khánh, các ngày lễ trọng đại của Tỉnh, Tuần văn hóa du lịch và các Hội thi, Hội diễn… Thông thường để tổ chức một cuộc Xòe vòng thì công tác chuẩn bị là hết sức quan trọng. Người trưởng bản hoặc ban tổ chức phải chuẩn bị đầy đủ về địa điểm với không gian rộng, các phương tiện vật dụng, các đạo cụ, nhạc cụ, âm thanh, ánh sáng cần thiết cho một đêm múa xòe, phải thông báo cho nhân dân ở trong bản được biết và tranh thủ hoàn tất các công việc trong nhà để mọi thành viên trong gia đình đi tham gia hội xòe. Nhạc cụ trong Nghệ thuật Xòe không thể thiếu chiếc trống, ngoài ra còn có chiêng, chũm chọe, tính tẩu. Dưới ánh trăng thanh, quanh đống lửa bập bùng tiếng trống gọi xòe được cất lên đã trở thành âm thanh quen thuộc đi vào tiềm thức của người dân trong mỗi bản mường.
Khi múa Xòe vòng, người chơi đặc biệt chú ý tới đội hình, động tác và âm nhạc.
Người chơi nắm tay nhau xếp đội hình múa thành vòng tròn, vòng xòe ban đầu hẹp và dần được mở rộng. Khi nhiều người tham gia sẽ đứng thành hai vòng hoặc ba vòng, nam nữ đứng xen kẽ nhau để xòe, các vòng tròn chuyển động ngược chiều nhau.
Động tác của Xòe vòng gồm 02 bước chính và 02 bước phụ. Bước thứ nhất tiến, chân sau bước lên ngang với bàn chân trước dậm nhẹ rồi lùi chân sau, chân trước rút về ngang với bàn chân sau dậm tiếp theo nhịp. Cùng với nhịp chân, cánh tay được nắm chặt vào nhau rồi nâng lên hạ xuống tiến hành đồng thời phụ họa với bước chân dậm nhẹ, lúc tiến, lúc lùi theo nhịp của trống, của nhạc. Các động tác cứ như vậy được lặp đi lặp lại nhiều lần và vòng xòe dần dần được  mở rộng bởi mỗi lúc mọi người đến xòe một đông.
 Khi vòng xòe được chuyển động từ trái sang phải thì bước chân phải trước, dậm chân trái theo rồi lùi chân trái về, chân phải trở về dậm nhịp tại vị trí bên trái. Và ngược lại, nếu vòng xòe đi từ phải sang trái thì bước chân trái trước, dậm chân phải theo rồi lùi chân phải về, chân trái trở về dậm nhịp tại vị trí bên phải. Những bước chân không bước rộng mà được bước lên bước xuống nhẹ nhàng; bước nhẹ êm (có khi như lướt) và nhún nhẹ nhàng; kết hợp với bước chân như vậy là động tác vung tay đưa lên đưa xuống không hết đà (chỉ ở ngang người)…Chúng ta có thể bắt gặp những điệu Xòe xuất hiện ở nhiều nơi dù ở ngoài trời, trong nhà hay trên sân khấu, ở không gian nào cũng dễ dàng thiết lập vòng xòe để mọi người có thể nhún nhảy, uốn mình thả hồn theo tiết tấu, nhịp điệu của những nhạc cụ dân tộc.
Nhạc cụ sử dụng trong Xòe vòng gồm: trống, chiêng, chũm chọe. Trước năm 1954 chỉ có nhà phìa tạo mới có trống chiêng vì nhà giàu và có thế lực mới có điều kiện mua sắm và sử dụng các nhạc cụ này, người dân không được mua và chơi ở nhà riêng, ngày lễ tết muốn được đánh trống, chiêng phải lên nhà phìa tạo xin phép để đánh vì có trống chiêng mới có thể múa vòng (Xòe vòng) được. Trống được làm bằng da trâu sau khi  đã vệ sinh sạch sẽ và phơi khô một thời gian nhất định; thân trống được làm bằng cây gỗ rỗng có chiều dài khoảng 1,2m. Hai mặt trống một bên phải bịt là da của con trâu đực, một bên là da con trâu cái để tạo âm thanh trầm bổng. Sau này, các âm thanh của một số nhạc cụ như tính tẩu, đàn nhị cũng được các nghệ nhân vận dụng và sáng tạo để đưa vào hòa tấu cùng với tiếng trống, tiếng chiêng. Trước năm 1954, múa xòe thể hiện rõ tính giai cấp, dân múa với dân, quan múa với quan. Sau giải phóng Tây Bắc 1954, phong trào múa vòng phát triển, giờ đây, vòng xòe không phân biệt tuổi tác, giới tính, không phân biệt dân tộc này hay dân tộc khác, mọi người đều có thể xòe, thậm chí cả những em bé mới cảm nhận được âm thanh của tiếng trống, tiếng chiêng cũng được mẹ địu trên lưng và cùng nhún mình theo bước xòe của mẹ. Xòe thực sự có ý nghĩa lớn trong đời sống tinh thần, góp phần làm nên sự phong phú cho đời sống văn hóa cộng đồng.
Khi tiếng trống, tiếng chiêng khai hội vang lên như mời gọi mọi người cùng hân hoan đến với vòng xòe. Trong khi xòe mọi người còn kết hợp với hát đối, ứng thơ cuộc vui có thể kéo dài thâu đêm tới sáng. Bên ánh lửa bập bùng cả bản cả mường cùng ngất ngây trong men rượu nồng say, tắm mình trong vũ điệu xòe dân gian truyền thống, hòa mình trong âm hưởng rộn ràng của các làn điệu dân ca đằm thắm và âm thanh của các loại nhạc cụ trống, chiêng, đàn tính...để tâm hồn được thăng hoa tỏa sáng, mọi lo toan của cuộc sống như được trút bỏ và cảm nhận một cuộc sống tươi vui, nhộn nhịp.
Như vậy,  Xòe vòng là điệu Xòe phổ biến nhất, trong ánh lửa bập bùng và âm thanh rạo rực của nhịp trống, chiêng, tính tảu, chũm chọe mọi người  cùng nắm tay nhau nối vòng tay lớn, xiết chặt vòng xòe và đưa những bước chân nhịp nhàng hòa mình trong không khí náo nức, rộn ràng. Sau Xòe vòng, người Thái dần phát triển thành nhiều điệu xòe khác như:
- Xòe khăn: là điệu múa được tiếp thu từ múa lễ thức “kin pang then”. Các cô gái được bà then dạy múa để mua vui cho những vị khách trên trời mời về dự lễ. Điệu Xòe này còn có tên gọi khác là “Xòe thắt đai lưng” tức mảnh khăn dài thường ngày dùng để thắt đai ngang eo cô gái khi biểu diễn được khoác lên mình các cô gái xòe để biến những động tác sinh hoạt hàng ngày thành những động tác múa duyên dáng, uyển chuyền. Múa khăn có động tác đứng vung khăn ra đằng trước, vung quá đầu, vung ngang ngực, vung sang bên cạnh và động tác ngồi vung khăn.
- Xòe nón: Múa nón Mường Lay (Điện Biên) tiếp thu những động tác múa nón Phong Thổ (Lai Châu) như: đưa nón sang hai bên người, nhún ngang, đưa nón sau gáy, nghiêng nón hai bên đầu, lao nón, xoay nón trên đầu, ngồi chống nón trước mặt; và sáng tạo những động tác riêng, cụ thể: động tác nâng nón, động tác ngửa nón, động tác nâng nón sau lưng, động tác đọ nón, động tác xoay nón trước ngực.
Xòe nón còn được sáng tạo kết thành đội hình như bông hoa khoe sắc vô cùng sinh động trên nền nhạc dân gian truyền thống.
- Xòe nhạc: Người múa đeo chùm  nhạc (từ 3 – 5 quả), đeo vào ngón giữa, có thể đeo cả hai tay nhưng thông thường đeo ở tay phải, quả nhạc nằm hướng trên mu bàn tay. Khi múa, hai bàn tay xấp chồng lên nhau, tay phải ở trên; từ tư thế này hai tay đánh nhạc ra hai bên mở xế gần 45 độ, sau đó hai tay múa như vuốt nhẹ trở vào và về tư thế ban đầu. Khi múa chùm nhạc phát ra âm thanh vang như tiếng chuông reo hòa với âm thanh của các loại nhạc cụ khác. Xòe nhạc có các động tác như: múa ngồi, đứng tại chỗ và nhảy đổi chỗ cho nhau, động tác bước vội, xòe tay chiến.
- Xòe quạt: có hai kiểu, múa một quạt và múa hai quạt. Múa một quạt thường đi đôi với khăn, người múa cầm quạt xòe ở tay phải, khăn (gập đôi) ở tay trái. Còn múa hai quạt thì cầm quạt xòe ở hai tay, quạt cũng có khi xòe khi gập. Với điệu múa này tạo ra được sự duyên dáng, uyển chuyển, linh hoạt của người biểu diễn.
- Xòe sạp (múa sạp): Ban đầu Xòe sạp chỉ thực hành đối với số ít người cùng tham gia vì chỉ có hai cây tre hoặc hai cái chày để gõ. Sau đó, người chơi sáng tạo sử dụng nhiều cây tre với nhiều người ngồi gõ cho mọi người cùng tham gia múa. Người múa chia ra một tốp đập sàn và một tốp múa, mỗi tốp có đội hình là những đôi trai gái, càng nhiều cặp tham gia càng khiến đội hình thêm phong phú, sinh động. Với người múa là phụ nữ, họ thường khoác trên mình khăn lụa dài hoặc khăn piêu hay cầm chiếc quạt với màu sắc rực rỡ để múa khi vung lên, khi uốn lượn quanh người. Động tác khi lướt nhẹ nhàng, uyển chuyển, lúc dồn dập. Đội hình biến đổi ngang, dọc, chéo, tròn tất cả đều diễn ra trên dàn sạp nhưng vẫn chú ý đúng nhịp và hai chân không bị kẹp khi hai sạp con chập vào nhau. Hai tốp sạp và tốp múa thay nhau  tạo không khí luôn rộn ràng trong tiếng trống, tiếng chiêng. Người Thái  thường tổ chức múa sạp khi có lễ hội, trong ngày tết, các cuộc vui.
- Xòe chai: là điệu múa sử dụng đạo cụ là chiếc chai thường được giữ cân bằng trên đỉnh đầu của người múa kết hợp với những động tác uyển chuyển, khéo léo mà không bị rơi, ý nghĩa của điệu múa này là để mời rượu.
Trừ Xòe vòng không phân biệt giới tính, tuổi tác tham gia, chúng ta dễ nhận thấy Xòe Thái chủ yếu dành cho nữ, nữ múa là chính; tính chất múa nhẹ nhàng, uyển chuyển nhưng linh hoạt. Trong khi múa, bước chân thường nhẹ êm, không nhảy cao, không bước rộng, khi ngửa người, không uốn lưng nhiều. Nếu có nam tham gia thì cũng không có động tác quay, nhảy bước lớn, ít động tác thể hiện sự dũng mãnh mang tính chiến đấu như các dân tộc khác. Nghệ thuật Xòe Thái là loại múa đồng diễn, múa đông người, múa tập thể. Đội hình thường gặp là vòng tròn, hai hàng dọc ngang có thêm nhảy đổi chỗ cho nhau.
Trong số những điệu Xòe, Xòe vòng là điệu Xòe không hạn chế về số người tham gia, động tác đơn giản nhịp nhàng, múa mà không cần có đạo cụ, chỉ là cái nắm tay ấm áp tình người và chân bước theo nhịp điệu xòe. Còn lại, những điệu Xòe khăn, Xòe nón, Xòe quạt, Xòe sạp, Xòe nhạc, Xòe chai là những điệu Xòe mang tính chất biểu diễn, bắt buộc phải có nhạc cụ, đạo cụ, giới hạn người tham gia…
Trang phục của người Thái cũng góp phần làm đẹp thêm cho Nghệ thuật Xòe: các cô gái Thái càng đẹp hơn nhờ mặc áo cánh ngắn đủ màu sắc đính hàng khuy bạc hình bướm, hình nhện, hình ve sầu… chạy trên đường nẹp xẻ ngực, bó sát thân kết hợp với váy vải màu thâm, hình ống; thắt eo bằng dải lụa màu xanh lá cây; đeo dây xà tích bạc ở bên hông thật đẹp. Ngày lễ có thể mặc thêm áo dài đen, xẻ nách hoặc kiểu chui đầu, hở ngực có hàng khuy bướm của áo cánh, chiết eo, vai phồng đính vải trang trí ở sườn nách và đôi vai ở phía trước như của người Thái Trắng. Nữ Thái Đen đội khăn piêu nổi tiếng với các hình hoa văn thêu nhiều màu sắc rực rỡ. Trang phục Nam người Thái, quần được cắt theo kiểu chân què có cạp để thắt lưng trước kia được thắt bằng dây rừng, ngày nay loại quần này ít được phổ biến; áo cánh xẻ ngực có túi ở hai bên gấu vạt, áo người Thái trắng có thêm một túi ở ngực trái; cài khuy tết bằng dây vải. Màu quần áo phổ biến là màu chàm. Ngày lễ mặc áo đen dài, xẻ nách, bên trong mặc  một lần áo trắng.
Nghệ thuật Xòe là kết quả sáng tạo nghệ thuật xuất phát từ lao động của cộng đồng người Thái nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của chính họ và của quần chúng nói chung. Sau những ngày lao động mệt nhọc, hòa mình với Nghệ thuật  Xòe không chỉ giúp người ta tìm lại cảm giác thư thái và hứng khởi mà còn làm cho mối quan hệ làng bản, quan hệ xã hội thêm gắn bó hơn, dễ gần nhau hơn. Hiện nay tại các bản văn hóa du lịch Thái của tỉnh Điện Biên, múa Xòe đang là một “sản phẩm du lịch” thu hút khách tham quan trong và ngoài nước không những làm phong phú thêm đời sống văn hóa Thái mà còn góp phần mang lại nguồn thu nhập cho bà con trong dịch vụ du lịch cộng đồng.
Giá trị của di sản văn hóa phi vật thể:
Nghệ thuật Xòe Thái góp phần làm giàu cho nghệ thuật múa dân gian Việt Nam.
Nghệ thuật Xòe Thái là phương tiện giao tiếp để kết nối các cộng đồng xích lại gần nhau và đã trở thành biểu tượng của tình đoàn kết, là sự kết tinh những kinh nghiệm sống và lối tư duy sáng tạo trong đời sống sinh hoạt thường ngày của người Thái. Nghệ thuật Xòe Thái đã cho chúng ta cảm nhận được nhịp sống và hơi thở của con người Tây Bắc và thực sự trở thành nét đẹp văn hóa đại diện của một nền văn hóa nước Việt.
Nghệ thuật Xòe Thái có vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng người Thái, là sân chơi giải trí sau những ngày lao động vất vả, giúp con người được vui vẻ, thư giãn, phục hồi sức khỏe để sau đó tiếp tục tham gia lao động, sản xuất năng xuất, hiệu quả hơn.
Hiện trạng di sản văn hóa phi vật thể:
Hiện nay, trong xu thế hội nhập của đất nước có sự giao thoa, ảnh hưởng của văn hóa nước ngoài nên Nghệ thuật Xòe truyền thống đang có nguy cơ bị mai một. Vòng xòe đoàn kết đôi khi kết hợp với những điệu nhảy và âm nhạc hiện đại đã phá vỡ tính nguyên bản của Nghệ thuật Xòe Thái truyền thống. Thế hệ trẻ không thể hiện được động tác nhịp nhàng, tinh tế như những người cao tuổi.
Tuy nhiên, Nghệ thuật Xòe Thái vẫn đang được duy trì và phát triển, không chỉ trong cộng đồng dân tộc Thái mà còn có sức sống mãnh liệt và lan tỏa tới nhiều dân tộc khác tại các tỉnh thành trong cả nước và vượt ra cả thế giới.
Các biện pháp bảo vệ:
Nghệ thuật Xòe Thái đã được các cấp, các ngành quan tâm và bảo vệ, tiếp tục duy trì theo truyền thống.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tham mưu với tỉnh tổ chức múa xòe trong các sự kiện văn hóa, lễ hội truyền thống như Lễ hội Hoàng Công Chất ở đền Bản Phủ, lễ hội truyền thống Kin Pang Then…, thu hút đông đảo cán bộ, nhân dân và du khách cùng tham gia.
Các đội văn nghệ thuộc các bản, đặc biệt là các bản văn hóa du lịch đã góp phần bảo vệ và phát triển Nghệ thuật Xòe Thái. Hàng năm, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, sự tài trợ của Quỹ Đan Mạch, đã có nhiều dự án về bảo tồn dân ca, dân vũ và truyền dạy nhạc cụ dân tộc, trong đó có nghệ thuật Xòe Thái. Hằng năm, từ nguốn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia, ngành VHTTDL đã đầu tư, hỗ trợ cho nhà văn hóa bản những phương tiện như tăng âm, loa đài, trống...phục vụ sinh hoạt của đồng bào.
Trong những năm gần đây, các ngành trong tỉnh phối hợp triển khai thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện học sinh tích cực” đã lồng ghép chương trình nghệ thuật trình diễn dân gian, trong đó có Nghệ thuật Xòe Thái vào các chương trình ngoại khóa trong trường học.
Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng đã ban hành Nghị quyết số 09/NQ/TU ngày 20/12/2012 về chương trình bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Điện Biên, gắn với phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015, định hướng đến 2020 với nhiệm vụ chủ yếu là bảo tồn văn hóa các dân tộc; đầu tư  phát triển, nâng cao giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc, phát huy vai trò các nhân tố xã hội tham gia bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc.

Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên đã phê duyệt Đề án Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội,  giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020, trong đó có Nghệ thuật Xòe Thái./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét