Sự tích về cây tính tẩu
Trong tiếng Thái, "tính" có nghĩa là đàn, còn
"tẩu" là quả bầu. Đây là nhạc cụ phổ biến không chỉ của người Thái mà
còn của một số dân tộc vùng Tây Bắc, như Tày, Nùng... Nhưng, tính tẩu của người
Thái có đặc trưng riêng, cả về cấu tạo lẫn âm thanh.
Người Thái sử dụng tính tẩu trong những hội xòe, những đêm
hát giao duyên... Trong các nghi lễ, tiếng đàn đệm cho lời cúng của các thầy
mo; khi ấy, cây đàn trở thành vật thiêng.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vương Toàn, Chủ nhiệm Chương
trình Thái học Việt Nam, nói đến tính tẩu là nói đến văn hóa nghệ thuật mang
tính biểu trưng của cộng đồng người Thái. Ông bảo: “Bản thân chữ tính tẩu
có nghĩa là đàn bầu cho nên gọi là cây tính tẩu, bởi nói tính là
chơi đàn. Nếu ta nói là đàn tính tức là đàn đàn thì sẽ không có
nghĩa”.
Người Thái có nhiều truyền thuyết về sự tích cây tính tẩu.
Chuyện kể rằng, có một chàng trai Thái nghèo tình cờ nghe được tiếng đàn lạ từ
những nàng tiên nhà trời. Âm thanh được phát ra từ một vật giống như quả bầu,
có căng một sợi dây, do chính tay những nàng tiên chơi. Vì say mê âm điệu của
tiếng đàn lạ kỳ kia, chàng trai về cũng dùng một quả bầu, lấy tơ tằm để làm
dây, bắt chước theo cây đàn của các tiên nữ. Quả nhiên, cây đàn phát ra âm
thanh rất hay. Từ đó, người Thái gọi là tính tẩu, có nghĩa là "đàn bầu".
Ngoài câu chuyện này, bà con còn truyền tai nhau một sự tích
khác, giải thích rõ sự khác biệt giữa cây đàn bầu của người Thái và các dân tộc
xung quanh. Phó GS-TS Vương Toàn kể: “Cây đàn này rất mê hồn. Nó làm say
lòng người quá vì nó có đến 12 dây. Say người đến mức người ta bỏ
cả việc cho nên trời bắt cắt đứt dây dần. Hiện tại cây đàn của người
Tày, Nùng chỉ có 3 dây, còn người Thái có 2 dây. Người Thái kể
chuyện rằng trước họ cũng có 3 dây, nhưng họ đã tặng người Kinh một
dây, nên đàn bầu của người Kinh chỉ có một dây, người Thái còn lại
hai dây”.
Cây đàn của người Tày thường có 3 dây, được gọi là tính
then và được dùng trong các nghi lễ Then của người Tày. Còn tính tẩu của người
Thái chủ yếu dùng để đệm nhạc cho hát và múa.
Người Thái với cây đàn tính tẩu. Ảnh Việt Phú
Kỹ thuật làm tính tẩu của người Thái
Theo ông Nông Quốc Chấn, ở xã Mường So, huyện Phong Thổ,
Lai Châu thì để làm ra một cây đàn tính phải trải qua rất nhiều công đoạn phức
tạp, như: chọn bầu, làm cần, mặt đàn và chọn dây đàn. Công
đoạn chọn bầu đàn là quan trọng nhất, bởi bầu đàn quyết định âm thanh và độ trầm
bổng của đàn.
Theo Phó GS-TS Vương Toàn thì ngoài việc làm bầu đàn bằng
quả bầu già, khô thì còn có thể làm bằng đồng thau. Nhưng, dù chất liệu gì thì
điều quan trọng là phải đảm bảo tiếng đàn được vang. Kích cỡ quả bầu có
thể thay đổi song đường kính thường là 15-20cm. Để có độ vang âm sắc
chuẩn, người ta thường chọn quả bầu tròn, thường là gầy đều để đảm
bảo tiếng vang.
Cần đàn thường được làm bằng những loại gỗ dẻo, được gọt đẽo
công phu. Theo nghệ nhân Nông Quốc Chấn, phải chọn gỗ tốt, ít mối mọt, và đặc
biệt phải lưu ý thời gian chặt gỗ làm cần đàn. Ông Chấn bảo dùng cây thông đất,
cây mỡ, cây xoan hoặc là cây ba gạc là tốt nhất, nhưng phải chặt ngày cuối
tháng thì mới không có mọt khoét.
Bên cạnh đó, phải lựa chọn những cây gỗ già, mịn, ít vân,
ít mắt thì cần đàn mới có độ bền cao, đàn dùng lâu mà cần không bị cong vênh.
Thường thì độ dài của cần đàn phụ thuộc vào chính người chơi đàn, theo đội dài
ngắn của sải tay, khoảng chừng 5 đấm tay của người chơi đàn. Theo kinh
nghiệm dân gian thì số đo đó thích hợp với cỡ giọng hát của người
chơi đàn. Tính tẩu thuộc bộ dây, âm vực có thể đạt đến 3 quãng 8,
nhưng những người diễn chỉ dùng ngưỡng ở 2 quãng 8 và một vài âm lân
cận.
Ông Nông Quốc Chấn đang đẽo thân đàn. Ảnh KT
Gỗ làm mặt đàn phải chọn gỗ mềm, có độ dày phù hợp để tạo tiếng vang. Mặt
đàn đồng thời là nơi thoát âm, nên nghệ nhân ngoài việc chọn gỗ tốt thì khi
khoan lỗ thoát âm cũng cần có những kinh nghiệm phù hợp. Mặt đàn
thường làm bằng gỗ cây ngô đồng được xẻ mỏng khoảng 3 mm, trên mặt
đàn có khoét hai lỗ hình hoa thị để thoát âm. Trước kia, hai lỗ hoa
thị người ta khoét sau bầu đàn.
Ông Hoàng Văn Lưu, một người say mê và gắn bó cả đời với việc
chế tác cây đàn tính ở xóm Pác Pan, xã Nam Tuấn, huyện Hòa An, tỉnh Cao Bằng
trao đổi với phóng viên Hoàng Ánh (báo Cao Bằng) rằng: Một cây đàn tính tốt, có
âm thanh hay, cần hội đủ các yếu tối: bầu đàn đúng kích cỡ, các lỗ bầu được đục
khéo léo và dây đàn chỉnh sao cho thật chuẩn. Trước khi lắp dây đàn, người ta
phải lắp ngựa đàn và tai đàn. Ngựa đàn là miếng gỗ nhỏ đặt chính giữa gắn sát
vào mặt đàn. Tai đàn dài 5 - 7 cm, dùng để căng, chỉnh dây đàn. Sau khi hoàn
thành khung cây đàn sẽ đánh vec ni, dầu bóng để tạo màu đẹp, độ bóng cho cây
đàn rồi phơi thật khô.
Ở phần đầu đàn, các nghệ nhân thường chạm trổ, đục đẽo các
hình thù đầy ấn tượng, như: rồng, phượng... Theo ông Nông Quốc Chấn, điển hình
nhất vẫn là hình móc câu. Cái móc câu thể hiện tính thẩm mỹ của cây
đàn
Cuối cùng là công đoạn lắp dây đàn. Đàn tính
truyền thống có 3 dây. Có hai con dây làm bằng dây cước, trước thì làm
bằng dây tơ, tơ phải là tơ mịn, tơ cuối, lấy từ tơ tằm ra, thậm
chí có cả tơ lụa lấy sợi càng nhỏ càng tốt sau đó mới se lại.
Tính tẩu có âm sắc êm dịu, thanh thoát, khi thì cao vút,
khi thâm trầm. Khi sử dụng, người ta có thể dùng một đoạn tre hoặc ngón trỏ của
tay phải để gẩy đàn. Ông Nông Quốc Chấn bảo rằng người làm đàn giỏi không chỉ
có đôi tay khéo léo mà còn phải có khả năng cảm thụ âm nhạc, có kinh nghiệm
chơi đàn; nếu không, cây đàn sẽ chỉ cho những âm thanh vô hồn.
Việt Phú
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét