Thạt
Luổng là tên một ngôi tháp lớn của nước Lan Xạng([1]). Thạt Luổng tiếng Lào có nghĩa là tháp lớn, được xây dựng
trong một thời kì lịch sử đáng ghi nhớ của đất nước Lan Xạng, thời kì của Xệt Tha
Thi Lạt.
Xệt Tha Thi Lạt là vị vua trẻ tuổi tài ba.
Tổ tiên của Nhà vua theo truyền thuyết là Pha Ngừm đã lập nên quốc gia Lan Xạng.
Con cháu Pha Ngừm nối tiếp nhau trị vì đất nước này. Cha của Xệt Tha là hậu duệ
đời thứ tám của Pha Ngừm, được thừa kế ngôi vua bên vợ là vua nước Lan Na([2]).
Sau này, ngôi vua hai nước([3]) được truyền lại cho Xệt Tha Thi Lạt.
Việc cáng đáng một lúc hai ngôi vua đã gây
nhiều khó khăn cho nhà vua trẻ. Do những tranh chấp về quyền lực mà một số người
trong phe Cựu hoàng đã kết thân với Miến Điện để mượn tay nước này tôn phò nữ
hoàng Chi Ra Pa Pha - dì ruột của vua Xệt Tha Thi Lạt - lên ngôi. Cũng từ đó,
quân Miến Điện không ngừng tấn công xâm phạm lãnh thổ Lan Na và Lan Xạng. Quốc
vương Xệt Tha Thi Lạt đã lãnh đạo nhân dân chiến đấu kiên cường và đánh bại âm
mưu chinh phục của quân Miến.
Năm 1563, sau khi giành được một loạt chiến
thắng quân sự, tranh thủ những điều kiện hòa bình và không khí phấn khởi trong
nhân dân, vua Xệt Tha Thi Lạt đã tiến hành công cuộc khôi phục và phát triển
kinh tế, văn hóa, xã hội. Cùng với việc dời đô từ Luang Phabang về Viêng Chăn,
một loạt công trình kiến trúc lớn và đẹp nhất đã được xây dựng, trong đó có Thạt
Luổng.
Thạt Luổng được xây dựng năm 1566, trên một
ngôi chùa cũ cách Viêng Chăn chừng hai cây số. Đây là một trong những tháp Phật
lớn nhất ở Lào với diện tích đáy là 90 x 90m, cao 45m. Khối trung tâm có đế là
một đài sen hình vuông với những cánh vàng nở tung ra bốn phía. Trên đài sen là
một bệ cao, cũng xây theo hình vuông và cấu trúc theo dạng tầng lớp, lớp dưới
là những nấc vuông, càng lên cao càng nhỏ lại rồi phình ra thành một gờ nổi lớn
làm thành giá tựa cho khối hình quả bầu thon thả phía trên. Miệng quả bầu đỡ một
tháp nhỏ, có đỉnh nhọn vút lên nền trời xanh thẳm. Toàn bộ khối trung tâm nhuộm
một màu vàng rực rỡ. Truyền thuyết kể rằng, xưa kia khối này được lợp bằng vàng
lá.
Khối đinh được dựng trên một nền cao to,
có bốn mặt cong như hình bản cầu, bề mặt trơn láng, phủ một màu trắng xóa. Bao
quanh khối cong đó là 30 ngọn thạt nhỏ màu vàng có hình dáng tương tự như khối
đỉnh bên trên. Những thạt nhỏ này được đặt trên một bệ hình chóp cụt màu trắng,
bốn thạt ở bốn góc cao hơn so với thạt bên cạnh. Trên mặt các thạt nhỏ có ghi
những câu Balamật (paramita)([4]) bằng tiếng Thăm Pali.
Xung quanh các thạt nhỏ là hồi lang vuông,
có lan can cao ở phía ngoài. Trên dãy lan can có 228 hình lá nhọn, giữa mỗi lá
có một khám nhỏ, trong đặt một tượng Phật đứng. Mỗi mặt lan can có trổ một ô cửa
hình cánh cung, trên vòm có trang trí hình tháp nhọn. Ở bốn góc của lan can
cũng có 4 tháp nhọn và cao.
Hồi lang tiếp theo cũng được trang trí
tương tự, nhưng trên bốn trục chính còn có bốn ngôi đền với dãy tam cấp được
trang trí hình thủy quái Macara và rắn Naga.
Toàn bộ ngôi tháp được ngăn cách với không
gian xung quanh bằng một dãy hồi lang vuông lớn như cái sân, có tường cao bao bọc
và có bốn cổng. Những tường hồi lang của Thạt Luổng đều được tô màu xám. Thạt
Luổng là mô hình tháp Phật giáo có nguồn gốc ở Ấn Độ, là hình ảnh tượng trưng
cho núi vũ trụ Meru, mà đỉnh trung tâm chính là đỉnh thần sơn Meru([5]). Các
tháp nhỏ bao quanh là các vòng núi, những bậc tam cấp có hình thủy quái là đại
dương. Đây cũng là hình ảnh của cõi niết bàn mà các nhà sư của Phật giáo tiểu
thừa mường tượng ra khi thiền định. Phật giáo tiểu thừa quan niệm rằng niết bàn
là nơi giải thoát con người khỏi ba loại khổ gắn liền với ba giới là: dục giới,
sắc giới và vô sắc giới, nhằm đạt đến trạng thái vô tướng (anamitta) và siêu thế
giới. Ba vòng hồi lang của Thạt Luổng là hình ảnh của tam giới và khối trung
tâm chính là siêu thế giới.
Cấu trúc mô hình của Thạt Luổng kết hợp với
tỉ lệ phân bố hài hòa giữa những đường nét và màu sắc tạo cho ngôi tháp này có
một sắc thái kiến trúc riêng của Lào khá đặc biệt ở vùng Đông Nam Á. Hình dáng
cao vút như mũi tên của đỉnh Thạt Luổng không làm cho nó tách rời mà lại hòa nhập
vào khối trung tâm như một thể hoàn chỉnh, mặc dù nó gợi cho người xem phảng phất
hình bóng của các tháp Thái Lan thời Ayuthai ở các thế kỉ XV - XVIII. Khối thân
hình bán cầu của tháp thạt trông có vẻ quy mô, bề thế giống như tháp Sanchi của
Ấn Độ, nhưng cái khối lớn lao ấy lại được bao bọc bởi ánh hào quang của một
vòng tháp vàng rực rỡ, làm cho nó giống như cái nhụy nổi của một đóa hoa thần
tiên kì lạ. Cuối cùng là chân tháp với những vòng hồi lang liên tiếp và các
tháp nhỏ xung quanh nhác trông như hình kim tự tháp nhiều bậc thường thấy ở các
tháp Miến Điện, nhưng các hồi lang của Thạt Luổng có vẻ rộng rãi, phóng khoáng
hơn. Tất cả các hình thể ấy càng trở nên sinh động hơn, ấn tượng hơn bởi các sắc
màu phủ lên chúng: màu vàng chói chang như nắng, hừng hực như lửa của vòng thạt
nhỏ bao quanh, màu trắng xóa như tuyết của khối bệ bên dưới và màu xám thâm trầm,
uy nghiêm của các nền tường hồi lang, đã làm cho Thạt Luổng thật uy nghi, gợi cảm
và thanh nhã.
Thạt
Luổng được đánh giá như một công trình văn hóa mang tính tôn giáo sâu sắc, biểu
tượng cho trí tuệ và óc sáng tạo của nhân dân Lào. Hàng năm, cứ vào tuần trăng
tròn của tháng mười một dương lịch,
hội Thạt Luổng được tổ chức và kéo dài suốt ba đêm với những nghi lễ long trọng:
mở đầu là Lễ tắm Phật, Lễ dâng cơm, Lễ cầu phúc, giảng kinh… cuối cùng là Lễ rước
nến. Trai gái, già trẻ thắp nến dâng hoa quanh Thạt, họ cầu xin Phật Trời ban
cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong tâm linh của mỗi người dần Lào lúc nào
cũng sáng bừng lên ngọn lửa vàng cuồng nhiệt dân lào vẫn nhớ đến hình ảnh đẹp đẽ
của Xệt Tha Thi Lạt - người anh hùng đã
mở ra những ý tưởng để Thạt Luổng trở thành hiện thân của dân tộc Lào.
Thúy Đội (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét