Vốn quen với tập quán trồng lúa nước và
đánh bắt cá, người Lào thường sống quần tụ bên các dòng sông, con suối
Ở tỉnh
Điện Biên, dân tộc Lào sinh sống tập trung tại một số khu vực thuộc các huyện
Điện Biên và Điện Biên Đông. Có lẽ do địa bàn sinh sống thuận lợi hơn, nên các bản người Lào ở huyện Điện
Biên ngày nay có đời sống kinh tế khá phát triển. Đặc biệt hơn cả là trong quá
trình sống hòa đồng với cộng đồng các dân tộc trên địa bàn, họ vẫn giữ được những
nét văn hóa truyền thống khá riêng biệt.
Cho đến nay vẫn chưa có tài liệu nào khẳng
định được thời điểm đồng bào dân tộc Lào đã đến sinh sống tại Điện Biên. Tuy
nhiên, người ta đều cho rằng từ Vương quốc Lào xưa, một vài nhóm người dân tộc Lào
đã theo các nhánh sông suối di cư tới Điện Biên, để tìm vùng đất thích hợp cho
canh tác lúa nước. Một trong số các nhóm ấy đã chọn vùng đất bên sông Nậm Núa
làm nơi sinh sống, để rồi định cư cho đến tận bây giờ.
Vốn quen với tập quán trồng lúa nước và
đánh bắt cá, người Lào thường sống quần tụ bên các dòng sông, con suối thành
các bản có từ vài chục đến hàng trăm hộ gia đình. Nguồn nước với họ vô cùng
quan trọng. Đối với người dân bản Na Sang, xã Núa Ngam, dòng Nậm Núa vừa là nơi cung cấp phù sa
cho đồng ruộng, cung cấp thực phẩm cho con người và cũng là nơi diễn ra những
sinh hoạt thường ngày. Bên dòng sông nhỏ cuộc sống cứ ngày một sinh sôi. Từ 1 bản
Na Sang với vài chục nóc nhà, giờ đây đã tách thành 2 bản với hàng trăm hộ gia
đình. Dân số của các bản Lào ở Núa Ngam ngày một tăng lên, nhưng do vùng sinh sống
khó mở mang thêm ruộng nước, nên ngày nay ngoài làm ruộng người dân còn làm
thêm nương rẫy để đảm bảo cuộc sống.
Mới nhìn qua thì bản nhỏ Na Sang II cũng tựa
như các bản làng người Thái, nhưng cái khác biệt lại ở chỗ: Dân cư bản Lào sống
quần tụ hơn. Theo truyền thống của dân tộc, người dân bản Na Sang II dựng nhà
lưng tựa vào núi, mặt quay ra suối và cả bản đều làm nhà theo một hướng. Nhà
sàn của người dân ở đây trước kia là nhà gỗ, có 2 tầng. Nhưng với tình trạng mất
rừng đáng báo động như hiện nay, họ cũng rất có ý thức trong việc khai thác gỗ
rừng để làm nhà.
Để hạn chế việc khai thác gỗ, bảo vệ rừng,
ngày nay nhiều gia đình ở bản Na Sang II đã dùng gạch để xây tầng trệt của nhà
sàn. Do đó, nhà sàn của người Lào ở đây đã bị biến tướng đi ít nhiều. Với tầng
trệt khá kín đáo và lại được xây dựng kiên cố, đây là nơi các gia đình người
Lào thường sử dụng làm kho chứa lương thực và để đồ dùng gia đình. Mọi sinh hoạt
khác như ngủ, nghỉ đều được tổ chức ở tầng trên. Điều mà bất cứ ai đến bản Na
Sang II cũng có thể nhận ra, là ở một bên đầu hồi của nhà, người ta còn làm
thêm một sàn nhỏ đua ra ngoài. Sàn này không phải để phơi ngô lúa, mà dành đặt
khung dệt của chị em phụ nữ. Phía dưới sàn treo nhiều loại đồ thủ công bằng mây
tre, do gia đình tự làm.
Người dân bản Na Sang II dựng nhà lưng tựa
vào núi, mặt quay ra suối và cả bản đều làm nhà theo một hướng
Trước đây, khi còn sống đời sống tự cấp, tự
túc, các gia đình dân tộc Lào vẫn tự làm dụng cụ lao động sản xuất, đồ gia dụng,
cũng như vải vóc. Trồng bông, dệt vải là nghề phụ bất cứ phụ nữ trưởng thành
nào cũng biết và thành thạo. Trang phục của dân tộc Lào xưa được dệt bằng sợi
tơ tằm hoặc sợi bông. Sau đó họ dùng các loại quả, lá và vỏ cây trên rừng để
nhuộm màu cho sợi. Đàn ông dân tộc Lào thường mặc quần áo vải bông nhuộm chàm.
Áo có hàng cúc làm bằng vải hoặc gỗ giống như áo của đàn ông người Thái. Theo tập
quán cổ truyền, phụ nữ Lào thường mặc váy có cạp quấn cao tới ngực. Gấu váy
thêu hoa văn tinh tế. Áo truyền thống của họ là chiếc áo thân ngắn được may đường
viền cầu kỳ, có một hàng cúc bạc phía trước. Bó sát eo là chiếc thắt lưng bằng
đồng hay bằng bạc. Khi đi dự lễ hội hoặc dự đám cưới, phụ nữ dân tộc Lào cũng
thường đội khăn thêu hoa văn rất đẹp. Tuy nhiên ngày nay trong đời sống hàng
ngày, phụ nữ dân tộc Lào thường mặc váy truyền thống kết hợp với những chiếc áo
có kiểu dáng hiện đại. Do nhiều nguyên nhân, nghề dệt của người Lào ở một số
nơi cũng đã bị mai một. Chị Lò Thị Tương mới về làm dâu ở bản Na Sang II. Trước
đây, chị sống ở xã Mường Luân. Bản của chị cũng là bản dân tộc Lào nhưng nghề dệt
vải ở đó đã mai một. Về làm dâu ở đây, Tương bắt đầu học dệt những tấm thổ cẩm
đầu tiên do bà và mẹ chồng chị truyền dạy.
Với các nhóm dân tộc từng di chuyển vùng
sinh sống, đến nơi ở mới có điều kiện tự nhiên cũng như tập quán sinh hoạt khác
với quê hương cũ, những nét văn hóa truyền thống của họ cũng dễ bị biến đổi
theo thời gian. Một số tập quán cũ của dân tộc Lào ở Điện Biên như: Các tục
kiêng kỵ ; các lễ hội với nghi thức phật giáo ngày nay không còn nữa. Tuy
nhiên, những điều này lại được lưu giữ trên tấm thổ cẩm tưởng như chỉ mang ý
nghĩa sử dụng kia. Thổ cẩm của người Lào trở nên đặc biệt hơn bởi những nét hoa
văn tỉnh xảo mang ý nghĩa huyền bí như: Hoa văn hình người cưỡi voi – con vật
biểu tượng của đất nước “vạn tượng” xưa; hình chùa tháp với dáng mái cong vút,
tao nhã. Ngoài ra, còn rất nhiều loại hoa văn khác thể hiện vẻ đẹp của các loại
hoa lá trong tự nhiên.
Hoa văn trên thổ cẩm dân tộc Lào không chỉ
ghi lại những hình ảnh thường thấy ở trong cuộc sống hàng ngày của người Lào
xưa. Mỗi nét hoa văn còn là một câu chuyện đầy ý nghĩa. Điển hình như hoa văn
con hổ. Phụ nữ dân tộc Lào xưa dệt hoa văn hình con hổ với ý nghĩa nhắc nhở con
cháu phải kiêng kỵ. Vốn là dòng họ Lường ở bản Lào kiêng kỵ con hổ. Họ cho cho
rằng nếu giết hổ thì sẽ khổ 3 đời. Chính vì vậy, họ luôn nhắc nhở con cháu
không được giết hổ. Đi rừng thấy hổ chết thì phải phủ khăn trắng lên mà than
khóc, tiếc thương.
Trang phục của phụ nữ dân tộc Lào ở xã Núa Ngam,
huyện Điện Biên
Lại có câu chuyện kể rằng, ngày xưa có người
chị dâu muốn hại em chồng, một hôm đi gánh nước nhặt được quả trứng rồng, chị
ta bèn đem luộc lên cùng với một quả trứng vịt, khi chồng và em đi làm nương
thì dặn chồng ăn trứng vịt, còn em ăn trứng rồng. Nhưng vì thương anh, thấy trứng
rồng to hơn nên người em nhường cho người anh. Anh ăn vào, rồi uống nước suối,
lập tức đã bị hóa rồng. Anh dặn em buộc dải vải đỏ vào cổ mình để mùa nước lũ
anh em nhận ra nhau, rồi bay đi mất.
Các câu chuyện trên đây là chuyện hư cấu,
nhưng thể hiện quan niệm vạn vật hữu linh của người Lào cổ. Trong các câu chuyện
cũng thấp thoáng thuyết nhân quả của đạo phật. Chính những câu chuyện kỳ bí như
vậy khiến cho thổ cẩm Lào có thêm sức cuốn hút. Đó giống như một pho sách phản
ánh đời sống văn hóa cũng như tín ngưỡng của người Lào cổ. Nghề dệt thổ cẩm Lào
vì vậy đã được coi là nét văn hóa đặc sắc cần gìn giữ. Những năm gần đây, một số
ban, ngành chức năng của tỉnh và tổ chức phi chính phủ Jica, đã hỗ trợ giúp người
dân bản Na Sang II thành lập hợp tác xã dệt thổ cẩm với mục đích gìn giữ, bảo tồn
nghề truyền thống đặc sắc này. Nhiều chị em phụ nữ trong bản đã rất tích cực
tham gia hợp tác xã, bởi họ tự hào về nghề dệt truyền thống của dân tộc mình.
Văn
hóa truyền thống của dân tộc Lào mang đậm dấu ấn của đạo phật. Tuy nhiên, khi
những cư dân Lào bị tách biệt khỏi
môi trường văn hóa cũ, thì chính quan điểm sống hài hòa của đạo phật, đã
khiến các yếu tố văn hóa truyền thống dân tộc Lào dần biến đổi. Qua quá trình
giao thoa với các nền văn hóa khác, nhất là văn hóa Thái bản địa, văn hóa dân tộc
Lào ở Điện Biên ngày nay đã mang một màu sắc mới. Tuy nhiên, khi người dân ở các bản Lào có ý thức gìn
giữ bản sắc, thì những nét văn hóa của cộng đồng dân tộc ở đây sẽ phong phú
thêm, mà cái bản ngã của dân tộc vẫn không hề phai nhạt.
Lý Thị Ninh (sưu
tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét