Trong
truyền thống văn hoá các dân tộc Việt Nam, mỗi dân tộc đều có phong tục, tập
quán mang bản sắc riêng. Tranh thờ của dân tộc Sán Dìu – một nghệ thuật dân
gian độc đáo.
Dân
tộc Sán Dìu trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 12.000 người, tập trung chủ yếu ở huyện Sơn Dương. Dân tộc
Sán Dìu còn có nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, trong đó tranh thờ là
nghệ thuật dân gian được nhân dân lưu giữ như vốn cổ quý báu của mình.
Tranh thờ của dân tộc Sán Dìu có từ rất
lâu, không rõ người sáng tác. Những bức tranh thờ cổ hiện nay chỉ được một số
gia đình ở xã Thiện Kế, Sơn Nam (Sơn Dương) lưu giữ. Ông Bàng Văn Lục, thôn Thiện
Phong, xã Thiện Kế (Sơn Dương), người có bộ tranh thờ cổ độc đáo. Màu của tranh
được làm từ các loại cây, đất có sẵn ở thiên nhiên rất bền màu. So với các bộ
tranh thờ khác, bộ tranh của ông Lục lưu giữ có thời gian lâu nhất. Những thầy
cúng khi đi thực hành nghi lễ thường có nhiều dụng cụ như: Tượng Thích Ca, rồng
bằng đồng, cây tích trượng, lệnh bài… và bao giờ cũng có tranh thờ. Sự hiện diện
của các hình tượng trong tranh thờ tượng trưng cho các nhân vật tồn tại trong
trí tưởng tượng về thế giới tâm linh của con người. Việc hành lễ của các thầy
cúng đồng nghĩa với sự tồn tại của tranh thờ. Dân tộc Sán Dìu còn có tranh
Thánh, bộ Tam Đàn. Tranh Thánh được dùng làm ma cho thầy cúng. Sau một thời
gian thầy cúng qua đời, gia đình tổ chức lễ cúng, trong buổi lễ được sử dụng
tranh Thánh. Bộ Tam Đàn dùng để treo ở bàn thờ Thánh, với ý nghĩa để bảo vệ cho
con cháu thầy cúng.
Ông Trần Văn Thắng, thôn Cao Đá, xã Sơn
Nam (Sơn Dương) cho biết: Qua những bức tranh ấy, với những nét vẽ giản dị và gần
gũi, có thể hình dung một cách cụ thể về những vị thần, vị thánh và Phật mà họ
thường ngưỡng vọng. Quan niệm của dân tộc Sán Dìu, thế giới có 3 tầng: Tầng
trên là thế giới của tổ tiên, các vị thần đức cao, vọng trọng; tầng giữa là nơi
người trần mắt thịt tồn tại với hiện thân là con người; tầng dưới là thế giới
âm phủ, địa ngục. Tranh thờ của dân tộc Sán Dìu phản ánh sinh động thế giới
quan, thời gian trải rộng từ quá khứ tới hiện tại, từ ảo đến thực.
Trước kia, giấy vẽ tranh thờ là loại giấy
dó thủ công khá dày, loại giấy rất dai và bền. Giấy có màu nâu, bản rộng nên dễ
vẽ và thể hiện màu sắc. Hiện nay ở tỉnh ta không còn nghệ nhân sáng tác tranh
thờ mà chỉ có những người chép lại tranh cổ. Các bức tranh thờ sau này đều được
sao chép lại theo kiểu truyền thống. Giấy vẽ và màu sắc đến nay đã có những
thay đổi. Cách đây khoảng hơn 10 năm, tranh thường được vẽ trên giấy của vỏ bao
xi măng, chất liệu này thường dai, chịu đựng được thời tiết nóng ẩm của khí hậu
miền Bắc và có màu gần với màu của giấy dó. Trong khoảng 1, 2 năm trở lại đây,
tranh thờ bắt đầu được vẽ nhiều trên vải. Người ta sử dụng phẩm màu để vẽ, đồng
thời sử dụng công nghệ in hiện đại nhằm tạo ra các bức tranh có màu sắc sặc sỡ
và tươi mới. Như vậy, cách làm tranh thờ đã có một quá trình phát triển không
ngừng, từ cổ xưa đến hiện tại, từ cách làm thủ công đến hiện đại. Tuy nhiên,
tranh thờ của dân tộc Sán Dìu vẫn giữ được bản chất và cái “hồn” của người Sán
Dìu.
Để
giữ được nghệ thuật dân gian độc đáo của dân tộc Sán Dìu ở tỉnh ta nói chung và
ở huyện Sơn Dương nói riêng, cần phải
đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy các
giá trị văn hóa dân gian của dân tộc mình. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác
văn hóa chuyên sâu về dân gian các dân tộc. Tích cực mở rộng giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trên địa bàn
qua nhiều hình thức như tổ chức
lễ hội, triển lãm, biểu diễn văn nghệ, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng… nhằm quảng
bá, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đã được hình thành từ lâu. Đồng
thời, loại bỏ những sản phẩm văn hóa tiêu cực hoặc có mầm mống tiêu cực làm ảnh
hưởng đến đời sống văn hóa của đồng
bào các dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, việc tổ chức các hoạt động văn hóa trong
Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam sẽ góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa
dân tộc, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Những hoạt động trong Ngày
Văn hóa các dân tộc Việt Nam cần được lan tỏa, phổ biến rộng rãi để trở thành
hoạt động văn hóa thường niên. Các cấp, các ngành và các địa phương trong tỉnh
cũng cần nhận thức rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của Ngày Văn hóa các dân tộc Việt
Nam, qua đó nâng cao ý thức và trách nhiệm với việc tổ chức các hoạt động trong
ngày hội này.
Hoàng Thoại (sưu
tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét