Dân tôc Răglai với luật tục làng (Trần Kim Anh)

Đồng bào Răglai trong ngày hội

Tỉnh Ninh Thuận có trên 50.000 người Răglai, tập trung ở các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Ninh Phước. Đồng bào canh tác nông nghiệp theo phương thức truyền thống (đốt nương làm rẫy), sinh hoạt tự cấp tự túc, đời sống đồng bào còn nhiều khó khăn, lạc hậu. Tập quán sinh hoạt, sản xuất và điều kiện sống của người Răglai đã ảnh hưởng trực tiếp tới những quy định trong luật tục của cộng đồng. Đặc biệt là những luật tục liên quan đến Luật Hôn nhân và Gia đình.

Luật tục Răglai quy định không được kết hôn trong trường hợp: anh em cùng cha khác mẹ, cùng họ (ngay cả đã quá 3 đời), cùng huyết thống theo họ mẹ, con cô, con cậu cũng không được lấy nhau. Mặc dù người Răglai theo chế độ mẫu hệ, nhưng con sinh ra lại mang họ cha để tránh xảy ra trường hợp người cùng huyết thống theo dòng cha kết hôn wới nhau. Pheo quaj niệm của đồng bào, nếu cùng một họ mà lấy nhau là vi phạm quy định của trời và thần linh. Trời giận, sẽ gây ra mất mùa, dịch bệnh. Do vậy, trường hợp cố tình vi phạm vào luật tục thì đôi vợ chồng sẽ bị làng phạt nặng. Trưởng bản trực tiếp chích máu đôi vợ chồng nhỏ vào sọt tre, thả xuống suối làng. Ngoài ra, hai người còn phải nộp 2 con gà để cúng trời, thần núi và phải hứa sẽ không ở với nhau nữa. Khi hai bên vẫn không tuân thủ luật tục thì dân làng kiên quyết đuổi ra khỏi làng. Cha mẹ họ cũng bị liên luỵ theo, phải nộp 1 con bò hoặc 2 con lợn, 1 ché rượu cần cho làng.

Xét về độ tuổi kết hôn, người Răglai ở huyện Bác Ái không quy định cụ thể, nhưng người nào nhiều tuổi hơn sẽ phải bù cho người ít tuổi bằng một hiện vật như: đồng Mã la, mâm đồng, 1 con lợn 40 – 50 kg hoặc 1 ché rượu cần. Tục bù tuổi hiện vẫn còn duy trì ở một số bản nhưng mang tính chất tượng trưng.

Hiện vật chỉ cần 1 - 2 ché rượu cần hoặc vài lít rượu trắng.
Luật tục Răglai quy định đã thành vợ, thành chồng thì không được bỏ nhau. Song, vợ chồng ở với nhau mà quá xung khắc, hai bên thông gia không thể giải hoà thì luật tục vẫn cho phép họ chia tay. Người đàn ông khi ra khỏi nhà vợ không được mang theo bất kỳ tài sản gì nếu người vợ không cho phép. Lý do đơn giản là tài sản của gia đình phải để lại cho người vợ nuôi con. Tuy nhiên, một số làng lại có quy định về vấn đề phân chia tài sản như sau: Nếu vợ tự ý bỏ chồng thì cô ta phải ở giá suốt đời, buộc “chịu của” cho chồng bằng hình thức trả tiền công lao động. Cứ 1 ngày cô phải trả cho chồng 15.000 đến 20.000!đồng. Sẑ tiềj này được tính từ khi người chồng sang ở nhà vợ cho đến lúc bỏ nhau. Ngược lại, nếu chồng bỏ vợ thì mức phạt nặng hơn. Mức phạt được tính bằng 1 con lợn hoặc 1 con bò/ngày. Hai trường hợp trên nếu không thanh toán được cho nhau thì làng lại bắt họ “bắt nhau lại”. Lại có làng quy định người chồng được chia tài sản dưới sự quyết định của vợ. Nếu chồng lười biếng, rượu chè bê tha thì gia đình bên vợ sẽ trả chồng về gia đình mà không cho bất cứ một thứ gì.

Về vấn đề con nuôi thì người Răglai thường nhận con cháu trong dòng họ hoặc xin trẻ em đang bị bỏ rơi về nuôi dưỡng, chăm sóc. Mặc dù Luật Hôn nhân và Gia đình đã quy định phải làm thủ tục đầy đủ trước khi nhận con nuôi nhưng hầu như các gia đình ít tuân thủ. Trong ứng xử, người Răglai không phân biệt giữa con nuôi và con đẻ. Đồng bào đề cao nguyên tắc bình đẳng trong giáo dục con cái.

Trong xã hội Răglai, việc xử phạt do Hội đồng thôn xem xét, quyết định. Có nhiều trường hợp lại do già làng trực tiếp đứng ra giải quyết. Ngoài hình thức bồi thường cho người bị vi phạm, người có lỗi còn phải chịu phạt vạ bằng vật chất để “khao làng”. Hiện nay, mặc dù các thôn đều có tổ hoà giải nhưng vẫn có nhiều trường hợp làng giải quyết sự việc theo luật tục. Khi chúng tôi hỏi: ”Tại sao không áp dụng pháp luật để xử lý các vụ việc xảy ra ở thôn, xã?”, một số cán bộ và người dân đều trả lời: ”Mình biết làm theo Luật là đúng nhưng pháp luật xử nhẹ quá, xử theo luật tục thì nó (chỉ người mắc lỗi) mới sợ, không vi phạm nữa...!”

Trong những năm qua, các cấp chính quyền ở địa phương đã quan tâm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho bà con dân tộc Răglai về chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước. Vì vậy, đời sống kinh tế, tinh thần của người dân Răglai có nhiều tiến bộ. Người Răglai đã nhận thức được một số điều bất hợp lý giữa phong tục, tập quán với quy định của pháp luật của Nhà nước nên đang dần tự điều chỉnh luật tục để phù hợp với những giá trị mới của xã hội. Luật tục Răglai có tác dụng tích cực là hạn chế những hành vi trái ngược chuẩn mực của làng, duy trì trật tự xã hội.
 Trần Kim Anh (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét