Dân tộc Pà Thẻn là cư dân sinh sống ở một số bộ
phận ở tỉnh Hà Giang. Người dân tộc Pà Thẻn tự gọi mình là Pà Hưng. Các dân tộc
anh em khác thì gọi người Pà Thẻn là Mèo Lài, Mèo Hoa, hoặc Mèo Dỏ. Trong thư tịch
cổ xưa, dân Tộc Pà Thẻn được nhắc đến với tên Bát tiên tộc. Một số học giả người
Pháp gọi dân tộc Pà Thèn là Mán Pa Seng hay Mán Pa Teng và họ xếp vào nhóm Mản
với người Cao Lan, Sán Chỉ, Sán Dìu, tiếng nói thuộc ngữ hệ H'mông - Dao với
dân số khoảng 3.794 người.
Theo truyền thuyết xưa của dân tộc Pà Thẻn
kể lại rằng: Trước kia tổ tiên của họ ở vùng Than Lò (Trung Quốc), các dân tộc
xung quanh gọi họ là Húng Dao hoặc là Thầu Dao. Dân tộc Pà Thẻn di cư đến Việt
Nam cách ngày nay vào khoảng 200 đến 300 năm, cùng với các nhóm người Dao khác ở
nhiều đoạn và những thời điểm khác nhau. Truyện kể về quá trình vượt biển di cư
đến Việt Nam của dân tộc Pà Thẻn ngày nay vẫn được các cụ già nhắc đến. Căn cứ
vào địa bàn cư trứ của người Pà Thẻn, họ cư trú phân chia ra làm ba vùng, vùng
nhất gồm các xã Lĩnh Phú (Chiêm Hoá), Trung Sơn (Yên Sơn) ở đây họ sống xen kẽ
với người Tày, mọi sinh hoạt, văn hoá, xã hội cũng gần giống người Tày quanh
vùng, như cách ăn mặc thể hiện trong trang phục, nhà ở, v.v... Vùng thứ hai gồm
các xã Hữu Sản, Bắc Quang, Hồng Quang (Chiêm hoá) tại đây dân tộc Pà Thẻn sống
rải rác xen lẫn với dân tộc Dao, dân tộc Tày và dân tộc Thuỷ. Vùng thứ ba bao gồm
các xã Tân sinh, Tân Lập, Yên Bình ở tả ngạn sông Gậm huyện Bắc Quang (Hà
Giang) ở đây họ sống tương đối tập trung nên giữ được nét văn hoá, phong tục tập
quán, cổ truyền gần như nguyên vẹn.
Khi xưa, tổ tiên dân tộc Pà Thẻn đến Việt
Nam bằng đường biển, qua Móng Cái, Thái Nguyên theo các con suối lớn đến xà
Linh Phú, rồi lại ngược lên sông Gâm đến vùng Lăng Can thuộc huyện Nà Háng, sau
đó họ chuyển lên vùng Hữu Sản, .. Hồng Quang và phần lớn vượt sang tả ngạn sông
Gâm đến ở các xã Tân Trịnh, Yên Bình, Tân Lập, trên đường đến Lăng Can có một bộ
phận ở lại xã Tân Phú, Trưng Sơn sống đan xen với người Tày.
Trước kia, dân tộc Pà Thẻn sống chủ yếu bằng
nghề làm nương rẫy, cây lương thực chính là lúa và ngô. Lúa cũng có nhiều loại,
lúa tẻ (mô ha la, mô cò nhà, mô ta tớ, mô nhơ) và lúa nếp (mô cằm đi, bôn tri,
bù mẻ khó, v.v...). Trên một đám nương người Pà Thèn chỉ canh tác từ hai đến ba
vụ, tuỳ theo độ màu mỡ của đất, thu hoạch xong lại bỏ hoang hoá, họ kéo nhau đi
tìm vùng đất mới, tiếp tục với công việc phát nương làm rẫy. Công việc này sẽ
do người già hoặc người lớn tuổi trong gia đình có kinh nghiệm đảm nhận.
Phương thức canh tác của người Pà Thèn là
dùng gậy nhọn đầu (chà gia) để chọc lỗ gieo hạt, gậy có độ dài từ 2 mét đến
2,50 mét. Họ tra lúa sớm từ tháng ba đến tháng tám (âm lịch) đã cho thu hoạch,
có vài nơi cấy lúa muộn, thì thu hoạch vào cuối tháng mười. Khi mùa lúa chín,
dùng nhíp (a li chác) để cắt từng bông. Trên những đám ruộng nương nào mà không
trồng lúa, thì được trồng khoai môn, khoai sọ, đậu, ngô, bầu, bí và các loại
rau.
Do tình trạng nền sản xuất thấp kém, lạc hậu
kém phát triển như vậy, người Pà Thẻn xưa kia nhiều năm bị hạn hán, sâu bệnh
thú rừng phá hoại, thu hoạch không đủ ăn, đời sống bấp bênh, nhiều người phải bỏ
vào rừng kiếm rau và những cầy có củ để sống.
Từ ngày có phong trào định canh, định cư,
áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất cây trồng, người Pà Thẻn đã quy tụ sống
tập trung thành những làng có dân cư đông đúc, xây dựng hợp tác xã tuỳ theo địa
phương số nhà có trong mỗi làng khác nhau. Ở vùng tả ngạn sông Gâm (Tân Trinh,
Tân tập, Yên Bình) có làng đông tới 30 đến 40 nóc nhà. Những vùng còn lại ở rải
rác dọc theo chân núi cạnh những dòng suối lớn. Nhà ở có ba loại: Nhà sàn, nhà
nền đất và nửa sàn nửa đất. Loại nhà nền đất to lớn cột có kê đã phổ biến ở những
vùng định canh định cư do tiếp thu văn hoá cấu trúc và của người Dao.
Mỗi làng của người Pà Thẻn có nhiều dòng họ.
Trong làng có một dòng
họ to nhất. Người Pà Thẻn nhận
mình là con cháu của
tám họ như (Phù, Tần, Táy,
Hưng, Sình, v.v...)
ngoài ra còn là họ Bàn, họ Triệu. Mỗi họ có hai tên gọi, một theo âm Hán, và một
được dùng giao tiếp xưng hô
giữa những người đồng tộc, thí dụ họ Phù gọi theo tiếng dân tộc Pà Thẻn là Ca Bồ,
họ bình là Ca Sơ, họ Dừ là Ca Đo.
Xã hội cũ của người dân tộc Pà Thẻn trai
gái kết hôn rất sớm, ở lứa tuổi 15 đến 16. Trong quan hệ hôn nhân giữa những
người làng dòng họ bị ngăn cấm tuyệt đối, thực hiện chế độ hôn nhân một vợ một
chồng bền vững, có nghĩa vụ nuôi dạy con cái, ít có hiện tượng ly hôn, ngoại
tình và lấy vợ lẽ, trừ một số là trường hợp vì không có con. Ai vi phạm về đạo
đức xã hội là bị cả cộng đồng lên án, cho nên ít xảy ra những hiện tượng trái với
đạo đức trái với luân thường đạo lý.
Xưa kia người dân tộc Pà Thẻn còn nặng về
nghi thức hôn nhân cưới xin phức tạp. Số tiền nhà gái thách cưới rất nặng. Người
dân tộc Pà Thẻn có tục ở rể theo hạn định là 12 năm, ít nhất cũng là 6 năm, còn
6 năm về sau có thể thế chấp bằng tiền. Nếu gia đình đó mà không có con trai
thì chú rể đó phải ở hẳn bên nhà vợ. Người ở rể phải thờ ma họ vợ, chia ra làm
hai phần nửa con cái theo họ bố, nửa theo họ mẹ.
Trong mỗi gia đình đều có bàn thờ tổ tiên
(a xe), ngoài ra họ còn thờ cúng nhiều vị thần khác như thần sấm, thần sét, thần
mưa, thần gió, các thần có liên quan đến nền sản xuất nông nghiệp. Ngày nay do
được học tập, sự nhận thức của người Pà Thẻn cũng khác xưa rất nhiều. Cuộc sống
định canh, định cư, xoá đói giảm nghèo, đã làm thay đổi bộ mặt bản làng của người Pà Thẻn, tạo điều kiện cho sự phát
triển về văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục.
Nét văn hoá của người dân tộc Pà Thẻn nói
chung và nét đẹp trang phục của phụ nữ, hiện nay còn giữ được nhiều bản sắc dân
tộc, bao gồm có (ké tự) váy, (két tanh) khăn bao gồm khăn trong (ke sớ) và khăn
ngoài (sử chỉ), một số mô típ trang trí trên quần áo của phụ nữ Pà Thẻn thường
là hình chó, hình chữ thập, hình quả trám giống với phụ nữ người Dao.
Đời sống tinh thần của người dân tộc Pà Thẻn
cũng rất phong phú và đa dạng, một dân tộc yêu ca hát, thổi sáo và những trò
chơi dân gian, có tính chất cổ truyền. Có nhiều truyện kể và truyền thuyết về
cây lúa kể rằng: ''Ngày xửa ngày xưa sau nạn hồng thuỷ trên trái đất không còn
sinh vật, loài người không biết lấy gì để ăn, một gia đình nghèo có ba con vật
là con chó, con mèo, và con lợn, chúng bàn nhau lên trời lấy trộm lúa giống của
Ngọc Hoàng để cứu giúp lòai người, thoát khỏi cơn nguy khốn (xưa người Pà Thẻn
tin trời và đất ở gần nhau), từ đó loài người mới có cây lúa ở ruộng nước, cây
lúa ở trên nương trên rẫy, có cái để mà ăn cho nên người ta mới gọi là ''hạt
lúa trời”.
Hoàng Thị Thắng (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét