Đồng bào Ê Đê tưng bừng mừng hội xuân (Sầm Minh Phong)


Thầy cúng đang làm các nghi lễ để mời Yàng về nhà gia chủ.

Trong những ngày đầu xuân này, đồng bào dân tộc Ê Đê (tỉnh Đắc Lắc) tạm gác hết việc đồng áng để cùng nhau vui chơi, ăn uống, múa hát mừng lễ "Mời Yàng về ăn cơm mới", kéo dài từ mồng Một tháng Giêng đến hết tháng 3 Âm lịch.

Theo tục lệ của người Ê Đê, mùa lễ hội lớn nhất hàng năm sẽ diễn ra sau khi mùa màng được thu hoạch xong và hoa màu được chất vào kho. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, để hòa vào bầu không khí mừng Tết Nguyên Đán truyền thống của toàn dân tộc, các buôn làng Ê Đê cũng tổ chức lễ hội vui xuân diễn ra cùng lúc với Tết Âm lịch của người Việt.

Khi mọi thứ đã được chuẩn bị xong, cẩn thận và đầy đủ, đồng bào sẽ mời thầy cúng được tín nhiệm nhất trong làng để tiến hành nghi lễ. Sau khi mọi người diện quần áo chỉnh tề, tiếng chiêng với nhịp điệu vừa trầm hùng, vừa náo nức nổi lên, thầy cúng thay mặt dân làng đọc lời khấn nguyện để tỏ lòng biết ơn, thành kính các vị thần.

Lời khấn xin thần vang vọng khắp núi rừng, hòa vào tiếng nước chảy của từng con suối nhỏ: “Ơ Yàng ở phía Đông, Yàng ở phía Tây, Yàng trên mây, Yàng dưới nước, các Yàng đất, Yàng rừng… Yàng đã ban cho chúng tôi mưa thuận gió hòa, cho lúa bắp sinh sôi. Nay tôi suốt lúa một gùi, tôi bẻ bắp một giỏ. Tôi cột ché rượu này mời các Yàng về ăn cơm mới. Rượu này thần uống. Cơm này thần ăn. Mùa sau lại cho chúng tôi chân tay mạnh khỏe, lúa bắp tràn đến nóc đầy khắp nhà. Lời tôi ước xin các Yàng hãy nhận. Lời tôi cầu xin các Yàng hãy nghe. Ơ Yàng!”.

Khi các chóe rượu cần (đã chuẩn bị trước đó cả tháng) được buộc vào vách nhà; Lợn, gà đã mổ thịt xong được bày biện ra đĩa thì thầy cúng hớp một hớp rượu cần hoà vào một bát tiết lợn, rồi trân trọng mời nữ chủ nhân cao tuổi nhất trong gia đình dùng. Sau đó, thầy đi vẩy rượu chúc phúc nơi bếp lửa, cầu thang, kho lúa, dàn chiêng...

Nghi lễ tạ ơn thần linh kết thúc cũng là lúc tiệc vui bắt đầu. Nữ chủ nhân trong gia đình sẽ được thầy cúng mời uống rượu cần đầu tiên, tiếp đó mới đến những người trong họ rồi người trong buôn. Mọi người ăn uống vui chơi, múa hát tự nhiên, thoải mái thâu đêm cho đến khi nào không muốn nữa mới về.

Chị H’Thủy (buôn Súp, huyện Cư Mgar, tỉnh Đăk Lăk) tham gia lễ hội này bộc bạch: “Lễ hội này rất quan trọng đối với đồng bào Ê Đê chúng tôi. Những người dự lễ sẽ được mời nối tay trên cần rượu, nghe chiêng, nghe hát Aday (một loại dân ca trữ tình). Trước khi ra về, mỗi người khách còn được chủ nhà biếu một gói thức ăn nhỏ, như sự chia đều may mắn cho mỗi gia đình”.

Cả buôn làng cùng nghe các già làng kể các câu chuyện sử thi về dân tộc mình.

Khi đồng hồ điểm 0 giờ thì các già làng đáng kính trong buôn (thường là người từng trải và tài giỏi) sẽ được mời để kể Khan (khúc tráng ca truyền thống của người Ê Đê). Huyền thoại về những chiến công của các dũng sĩ Đăm San, Đăm Di luôn là niềm hứng khởi và tự hào lôi cuốn sự chăm chú của người dân nơi đây. Cứ thế, ngày hội thỏa thuê trong rượu cần chảy tràn theo tiếng cồng chiêng và những câu hát, điệu múa nhịp nhàng thâu đêm suốt sáng.

Già làng Y Ban Mlô (buôn Trấp, huyện Cư Mgar, tỉnh Đắc Lắc) cho biết, quy mô của lễ hội đầu xuân này được tổ chức to hay nhỏ, thời gian dài hay ngắn là tùy thuộc vào năng suất vụ mùa vừa qua của mỗi gia đình. Lễ hội chia làm hai phần: Phần một (mồng Một đến mồng Năm tháng Giêng) là "Lễ cúng Yàng"; Phần 2 là "Lễ ăn cơm mới".

Mùa lễ hội đầu xuân không những chỉ là dịp để người Ê Đê tận hưởng thành quả sau một năm lao động vất vả mà còn là dịp để người dân tạ ơn Thần Lúa, Thần Rẫy (các vị thần được coi trọng của dân tộc Ê Đê) đã ban cho mùa màng bội thu. Đến đây, ai cũng có thể vào dự lễ ăn cơm mới. Ai có hảo tâm, tùy hoàn cảnh thì tham gia đóng góp, dù ít hay nhiều, gia chủ cũng trân trọng đón nhận. Điều này làm nên tinh thần cộng đồng gắn bó keo sơn giữa cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Đắc Lắc nói riêng và Tây Nguyên nói chung.

Để tổ chức lễ mời các Yàng về ăn cơm mới, trưởng buôn hoặc những người già nhất trong làng sẽ phải đứng ra làm chủ trì lễ hội. Theo phân công, những người đàn ông trụ cột trong nhà sẽ lo việc chuẩn bị rượu thịt, mổ bò, mổ heo… Phụ nữ thì lo việc nấu nướng, con cháu thì chặt củi, giã gạo, đi hái lá rừng, còn người già thì lo chuẩn bị áo, váy, khố đẹp nhất trong buôn để dùng cho ngày lễ.

Lễ hội "Mời Yàng về ăn cơm mới" sẽ kéo dài đến hết tháng 3 Âm lịch

Anh Y Thái Êban (buôn Trấp, huyện Cư Mgar, tỉnh Đăk Lăk) tâm sự: “Đây cũng là dịp để nam nữ thanh niên khoe tài hát đối đáp, làm quen với nhau… Cuộc vui cứ thế kéo dài. Từ nhà này sang nhà khác. Từ buôn nọ đến buôn kia. Cho mãi tận tháng 3, tháng 4 lúc cúng Yàng chuẩn bị cho việc dọn rẫy mùa sau mới chấm dứt". Cũng chính vì lý do này mà mùa lễ của người Ê Đê còn được gọi là “mùa ăn năm uống tháng”

Nhìn nhận lễ hội đầu xuân này một nét văn hóa đặc trưng của người dân tộc Ê Đê, ông Trần Văn Tuấn, Cán bộ Văn hóa buôn Trấp, huyện Cư Mgar còn cho biết thêm: “Lễ mừng cơm mới thực ra không có ngày tháng quy định chính thức. Gia đình nào thu hoạch mùa màng xong sớm, cúng trước, nhà nào thu hoạch xong sau, cúng sau. Thường thì khi chọn được ngày tốt, đẹp trời, thì gia đình gia chủ sẽ thông báo với bà con thân thuộc và bạn bè buôn gần, buôn xa”.
 Sầm Minh Phong (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét