Dân tộc Chu ru (Đàm Minh Phiếu)

 Dân tộc Churu còn có tên gọi là Chu Ru, Chơ Ru, Choru, Kru, Ru. Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Mã Lai – Đa Đảo. Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Churu ở Việt Nam có dân số 19.314 người, cư trú tại 27 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố (tỉnh Lâm Đồng 18.631 người, tỉnh Ninh Thuận 521 người, Sài Gòn 58 người …).

Dân tộc Churu có một vốn ca dao, tục ngữ phong phú, trong đó nổi bật là những câu ca tụng chế độ mẫu hệ, đề cao vai trò của người phụ nữ trong xã hội cổ truyền. Nhiều truyện cổ phản ánh cuộc đấu tranh bất khuất của người lao động với thiên nhiên và xã hội để giành lấy cuộc sống hạnh phúc. Người Churu còn lưu truyền một số trường ca mà các già làng thường kể bên bếp lửa sàn cho con cháu nghe, suốt đêm này qua đêm khác…
Kho tàng văn học nghệ thuật dân gian của người Churu không chỉ có giá trị về mặt văn học nghệ thuật, mà còn là một nguồn tư liệu lịch sử quý giá.


Âm nhạc Churu man mác, giai điệu thể hiện cao tính âm nhạc dân vũ với âm thanh chiêng ba và trống da trâu.
Về nhạc cụ, đáng lưu ý là trống, kèn và chiêng. Ngoài trống,kèn bầu (rơkel), đồng la (sar)… còn có r’tông, kwao, tenia, là những nhạc cụ đặc sắc của người Churu. Trong những ngày vui, họ thường tấu nhạc với điệu Tamya Arya (Tam-ga), một vũ điệu điêu luyện nổi tiếng mang tính cộng đồng, hầu như người nào cũng biết và ưa thích.

Dưới đây mình có các bài:
– Điệu Rơkel giữa đại ngàn
– ‘Tiếng chiêng đàn bà’ bên dòng suối khóc
– Người dân tộc Chu Ru với tập tục bắt chồng
– Đi xem làm nhẫn bạc Chu Ru
– Độc đáo lễ cúng ruộng của người Chu Ru
– Tục lập mộ nổi của người Chu Ru

Biểu diễn Rơkel (kèn bầu) và Chiêng ba trong lễ hội mừng lúa mới của dân tộc Chu Ru.

Điệu Rơkel giữa đại ngàn
Nắng khỏa tràn vào gió. Con đường quầng bụi đỏ. Lũ trẻ như sinh ra từ đất, hồn nhiên và chân trần. Cụ già trầm mặc dáng núi. Những phụ nữ địu con lên rẫy, neo vọng ước trong tiếng chim gù xanh thẳm. Mùi rừng rú, mùi ngai ngái cỏ cây, mùi hoa cà-phê nồng nồng phả, mặc sức phô diễn trên nền trời. Và theo đó, tôi đến nhà chị Ma Tham – Nghệ nhân trình tấu rơkel (kèn bầu) của làng Chu Ru ở plei (buôn, làng) Ma Ðanh thuộc xã Tu Tra (Ðơn Dương, Lâm Ðồng)…

Biết tôi muốn tìm hiểu về chiếc rơkel, chị Ma Tham vui vẻ bảo em gái sang nhà bố mượn, rồi bắt đầu trình tấu và diễn giải. Này là điệu Con sóc (Pro), gửi gắm thân phận người con không có cha, có mẹ, sống thui thủi một thân một mình, đơn chiếc giữa rừng sâu, chỉ biết bầu bạn cùng con chim, con sóc, kiếm được quả gì thì ăn cùng nhau. Giai điệu chậm, buồn, xa vắng, nao lòng… Này là bài Ru con (Ryou anặh) nhẹ nhàng, khoan thai, trìu mến, đong đưa, đong đưa… Còn đây là điệu rơkel đưa tiễn người về nơi “chín suối”, Ma Tham ngập ngừng: “Trước khi đi chôn, mình thổi ru đưa tiễn, linh hồn người quá cố sẽ ở lại bên mình”. Âm điệu nỉ non, day dứt, đắm trong kỷ niệm về người đã đi vào thiên cổ nhưng không hề bi lụy mà là sự ru vỗ, an ủi người ở lại, dặt dìu tiễn linh hồn người đi. “Có hết, có hết, nó “nói” ở trong này này” – Nghệ nhân Ma Tham ngừng thổi, vừa nói vừa chỉ tay vào chiếc rơkel: “Vui cũng có, buồn cũng có, thủ thỉ tâm tình có, đối đáp thách thức nhau có…”, rồi chị kể say sưa.

Ðang dở câu chuyện thì có người tới. Ma Tham nhanh miệng: “Ha Sen – bố chị đấy! Người chế tác rơkel cho lũ làng Chu Ru mình đấy!”. Tôi lặng ngắm cái dáng hình khắc khổ, lầm lũi của người đàn ông đã bước qua sáu mươi lăm mùa rẫy. Chừng như không muốn tôi ngắm nhìn, già Ha Sen liền nói chuyện chế tác rơkel. Trước hết, chọn quả bầu thật già, dày vỏ, kích thước vừa phải và tròn đều, đem vùi vào đất nhão cho ruột rữa ra. Tiếp đến, loại bỏ ruột qua lỗ cắt ở phía cuống, làm sạch bằng nước suối, mang đi phơi nắng. Phơi xong, cho vỏ bầu vào luộc với lá hoặc vỏ cây rừng có chất đắng chát để tránh mối mọt và co giãn sau này. Tiếp theo, gác quả bầu lên giàn bếp khoảng một tháng cho da lên mầu nâu đỏ và săn, rồi lại phơi sương vài đêm nữa. Sau đó, khoét lỗ ở bên hông, kiểm tra âm để lắp sáu ống nứa vào thành hai hàng: trên bốn ống, dưới hai ống.

– Bốn ống trên là nốt Ðộ, Rè, Mi, Fa; hai ống dưới là Sol. Thiếu hai nốt La và Si – Già Ha Sen giải thích, rồi nói tiếp – Ống nứa phải thon gióng, mỏng vừa độ. Ống ngắn cho lượng âm cao, ống dài cho lượng âm thấp. Sáu ống dùi sáu lỗ phía bên ngoài hộp âm (quả bầu); ngoài ra, mỗi ống nứa lại gắn thêm một cái lưỡi gà bằng i-nốc dài khoảng 2 cm ở phía trong hộp âm để tạo độ rung. Khâu này rất quan trọng và cũng là khâu khó nhất. Bởi nó quyết định âm sắc. Cuối cùng mới gắn đường âm (sáu ống nứa) vào hộp âm (quả bầu), và dùng sáp của con ong muỗi hàn kín lại. Chiếc rơkel hình thành. Tất nhiên, để âm chuẩn, có hồn, còn phải tháo lắp, chỉnh sửa nhiều lần.


Là định mệnh, hay như một lẽ tự nhiên nhuốm mầu sắc siêu linh trong việc bảo lưu những tinh túy văn hóa dân gian, Ha Sen được Yàng (trời) chọn, trở thành người giữ nghiệp làm rơkel cho lũ làng. Nhờ óc sáng tạo cùng bàn tay khéo léo, tỉ mẩn, cầu kỳ và khả năng thẩm âm tinh tế, Ha Sen đã chế tác nên những chiếc kèn độc đáo, mang đúng điệu thức dân tộc mình. Hơn mười năm nay, rơkel của Ha Sen đã nổi tiếng khắp vùng. Nó theo chân người yêu nhạc có mặt ở mọi nhà. Từ người Raglai ở tỉnh Ninh Thuận đến người Châu Mạ, Chu Ru, K’Ho, Cill, Lạch, Srê… ở hầu khắp các huyện thuộc tỉnh Lâm Ðồng. Không những vậy, rơkel của ông còn vượt sông K’rông Nô để đến với đồng bào Ê Ðê, Ba Na ở Ðác Lắc, Ðác Nông. Người mua rơkel là tìm bạn tri âm tri kỷ. Thả hồn mấy điệu, âm sắc chuẩn là mua liền. Chủ khách đều vui cái bụng, rồi rượu gà được bày ra, chếnh choáng, chất ngất trong men rừng, trong điệu rơkel ngân vang, da diết, cảm thương, bồng bềnh, hoan hỷ…

Cách thức sử dụng kèn bầu sáu ống là thổi (hít) hơi vào cuống bầu. Các ngón cái, trỏ, giữa và áp bàn tay trái giữ lỗ thoát hơi của bốn ống nứa hàng trên. Ngón cái và ngón trỏ bàn tay phải giữ lỗ thoát hơi của hai ống nứa hàng dưới. Rơkel có thể dùng độc tấu, hoặc hợp tấu với các loại nhạc cụ khác như chiêng (chinh sàrr), trống (sơgơk) và các điệu dân vũ Tamya Ariya, T’rum-pô, Dam dra… huyền ảo. Trong giàn nhạc hợp tấu, rơkel đóng vai trò giữ nhịp, tâm sự dọc chiều lễ nghi. Rơkel tấu trước, cồng chiêng theo sau tạo nên bản hòa âm uyên bác, đa nghĩa.

Tín niệm người Chu Ru cho rằng, sự thông nối giữa kèn bầu và cồng chiêng là sự thông nối giữa âm và dương, giữa vợ và chồng, giữa đực và cái. “Không biết cái nào vợ cái nào chồng, nhưng âm dương (vợ – chồng, đực – cái) thì phải ‘ăn’ nhau” – Ma Tham nói. Nhưng kèn bầu khác cồng chiêng ở chỗ: Nếu cồng chiêng chịu sự ràng buộc nghiêm ngặt của tín ngưỡng đa thần, chỉ được sử dụng vào các dịp lễ hội đặc biệt; và trước khi sử dụng, bao giờ chủ làng (pô plei) cũng phải tiến hành nghi lễ để xin phép thần linh; thì ngược lại, rơkel đã được thế tục hóa, mặc dù vẫn nằm trong quan niệm vạn vật hữu linh.

Do vậy, đồng bào Chu Ru sử dụng rơkel ở mọi lúc mọi nơi, với mọi trạng thái tình cảm. Bài vui thì có cúng thần đập nước, mừng lúa mới, mừng nhà mới, cưới hỏi,… tiết tấu nhanh, rộn ràng, linh thiêng. Với bài Lấy lửa (Mặ ơpui – lấy lửa bằng cách cà vỏ cây nứa vào nhau) thì rơkel thủ thỉ tâm tình: “Con đói rồi vợ ơi, chàng đang làm mỏi tay mới ra lửa, về thổi cơm cho con ăn…”. Bài Tập trung (Tơri gùm) kêu gọi đoàn kết, rơkel lại nói: “Cùng nhau về bên ché rượu cần, ai cũng ở nhà xa là chia rẽ, hãy tập trung một chỗ, cùng sống với nhau nhằm tránh hoang mang, sợ hãi trước hiểm họa thiên nhiên, thú dữ”, rơkel ngân, cuốn, du dương, gọi mời. Bài Giao duyên lại tha thiết, quấn quyện, ngọt ngào: “Tôi yêu đằng ấy, đằng ấy có yêu tôi không? Tôi thương đằng ấy, đằng ấy thương tôi chứ?”. Nam thanh nữ tú Chu Ru thích những điệu rơkel nhanh, mạnh, kiêu hãnh, vui tươi. Còn những người già yêu các điệu trầm, man mác, nhuốm màu hoài niệm.


Mỗi thông điệp gắn liền với một điệu thức, một bài bản riêng, không hề lẫn lộn. Người thổi rơkel hay là người biết phân biệt ở chỗ rơkel có đủ điệu thức hay không, âm sắc có chuẩn, đầy đủ hồn vía không. Ma Tham học thổi rơkel từ năm mười ba, mười bốn tuổi và bây giờ chị đã ba mươi chín tuổi. Chị bồi hồi nhớ: “Có người già vào làng thổi, mình hỏi điệu này điệu kia, nghe và để trong cái đầu rồi bắt chước, hai năm sau thì thành thạo. Các bài đều có sẵn, nhưng không ai biết ký âm để truyền dạy bằng văn bản, ai có năng khiếu cảm thụ thì nhớ”.

Lướt nhẹ đôi tay trên chiếc rơkel, nghệ nhân Ma Tham đưa tôi vào một thế giới thần tiên siêu thực, nhưng cũng hết sức bình dị và rất đời, qua những giai điệu bổng trầm: khi trầm thiêng như tiếng sấm rền dội vang từ vách núi; lúc thâm u như tiếng gió giữa đại ngàn; khi róc rách, nhấn nhá như con nước xuôi dòng; lắm lúc lại buông lơi, lả lướt như giọt nắng cuối chiều… Và tôi hiểu, đấy chính là tiếng lòng của người Chu Ru, tự ngân rung, tự thẩm thấu từ thế hệ này đến thế hệ khác: Tiếng vọng của ngàn xanh.

Bỗng có tiếng gà gáy khan bên đồi. Tôi biết phần việc của mình đã xong. Rời sơn thôn về lại phường phố. Bà con Chu Ru tiễn tôi bằng những bàn tay giao đãi ân tình, những giọng cười vang vang, những đôi mắt bập bùng sắc lửa. Ðiệu rơkel dư ba. Lại nghe vẳng xa lời Ma Tham: “Có hết, có hết, nó “nói” ở trong này này”. Tạm biệt Ma Tham, tạm biệt già Ha Sen, tạm biệt những gương mặt dặc dài nắng gió, tạm biệt điệu thức rơkel, trong tôi lại ngân vang những thanh âm ngày mới. Vâng, thanh âm của niềm tin đại ngàn.

Bà Ma Bio và bộ Chiêng ba truyền thống của dân tộc Chu Ru. (ảnh K.A.)

‘Tiếng chiêng đàn bà’ bên dòng suối khóc
TP – Một tổ chức thuộc UNESCO đã mời bà đóng vai chính trong bộ phim về hành trình gian nan giữ nhịp hồn chiêng. Vượt thoát khỏi quan niệm xưa cũ “ching quăng, yăng mê” (chiêng cha, ché mẹ), bà đã dạy cho nhiều sơn nữ đánh cồng chiêng để gìn giữ di sản phi vật thể thế giới đang bị mai một dần.

Ma mị những thanh âm
Bà là Tou Neh Ma Bio, 55 tuổi, người Chu ru, trú tại bản Diom A, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng. Chúng tôi tìm đến bản Diom A xa xôi, cách TP Đà Lạt mấy chục cây số để được nghe diễn tấu cồng chiêng. Thế nhưng, nghệ nhân bảo muốn thẩm được cái hồn của chiêng Chu ru phải lên núi thiêng K’ Lơl, ra dòng suối khóc Đa Nhim huyền thoại hoặc đến thác nước kêu ở bản K’Băm.

“Trong các lễ hội của người Chu ru, tiếng trống, tiếng chiêng đã vang trở lại, những vũ điệu tamya nhịp nhàng, uyển chuyển cũng dần hồi sinh. Công đầu là của nghệ nhân Ma Bio đó”.

Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thể thao huyện Đơn Dương Đặng Huệ Chí Nói rồi bà tập hợp một số thành viên ưu tú của đội cồng chiêng cùng chúng tôi đến thác nước. Nhờ có cánh rừng nguyên sinh thâm u bao bọc xung quanh nên thác vẫn giữ được nét hoang sơ với làn nước trong vắt. Chúng tôi từng tham quan hàng chục ngọn thác lớn nhỏ dọc dài đất nước, nơi nào cũng nghe tiếng thác đổ ầm ào, tuy nhiên ở đây, dòng nước lớn giội xuống ghềnh đá tung bọt trắng xóa nhưng chỉ phát ra âm thanh rì rào khá êm tai. “Vì vậy mà nó được đặt tên là Thác nước kêu. Nguyên nhân có thể do rừng núi có sự kiến tạo khác thường nào đó” – già làng Ya Ba nói.

Bà Ma Bio thử âm thanh chiêng.

Điều thú vị nữa là dòng Đa Nhim chảy qua địa bàn huyện Lạc Dương và TP Đà Lạt có nhiều đoạn vượt ghềnh đá, tuôn đổ dữ dội, thế nhưng khi uốn lượn ven các buôn làng của đồng bào Chu ru, dòng nước lại êm đềm, nỉ non như tiếng khóc. Về sự tích con suối này, già làng kể, nhiều năm liền hạn hán khốc liệt, buôn làng đói khổ, người chết vô số. Chàng Ha Biang quyết chí đi kiện trời. Sau bảy ngày vượt núi cao hiểm trở, gạo hết, nước cạn, chàng gục chết giữa rừng.

Nàng Ka Lang đi tìm, khóc than thảm thiết bên xác chồng. Tiếng khóc của nàng và con voi đầu đàn vang đến tận thiên đình khiến trời cảm động cho mưa suốt ba tháng ròng. Nước mắt hòa cùng nước mưa và chảy thành dòng suối mang tên Đa Nhim.

“Tùng, tùng, tùng…”, bà Mabio gióng trống để dẫn dắt nhịp chiêng. “Bing beng, bing beng…” tiếng chiêng của các nghệ nhân chân trần vang lên hòa theo nhịp trống. Điệu chiêng rất chặt chẽ trong khúc thức, thẳm sâu, huyền bí. “Đó là điệu t’rumpô mời các đấng quyền năng vô hình về dự hội. Bởi cồng chiêng được trao sứ mạng tạo nên mối giao cảm giữa con người với thần linh nên bất cứ lễ hội nào của người Chu ru cũng bắt đầu bằng điệu chiêng này. Tiếng nói của dân làng nhiều khi không vọng tới tai Yàng (trời -PV) nhưng qua tiếng chiêng thì Yàng nghe thấy hết”, nhà nghiên cứu Tou Prong Dzung, người được ví như từ điển sống về văn hóa Chu ru cho biết.

Sơn nữ Chu Ru bên dòng suối kêu.

Kế đến là bài chiêng đón khách và mời khách nâng cần rượu với âm điệu chậm, nhẹ nhàng, bài mừng cơm mới với tiếng chiêng rộn ràng đuổi nhau, điệu damdra cho đôi lứa tìm bạn tình lúc thì đắm say, vấn vít khi lại tưng bừng, vui nhộn. Tiếng trống păhgơnăng trập trùng vang vọng từ vách núi hợp tấu cùng điệu kèn rơkel du dương và nhịp chiêng ngân nga lan tỏa khắp khu rừng.

Từng tham gia nhiều lễ hội của đồng bào nam Tây Nguyên, bao giờ cũng thấy nam giới chơi chiêng, còn nữ múa xoang minh họa. Thế nên, lần này chúng tôi vô cùng ngạc nhiên vì đa số các thành viên của đội cồng chiêng là nữ, ngay cả đánh trống – việc khó nhất khi diễn tấu cồng chiêng cũng do bà MaBio đảm nhiệm. Phải chăng vì là tiếng chiêng nữ giới nên tiết điệu không nhanh, dồn dập, rừng rực khiến người nghe rạo rực như khi thưởng thức tiếng chiêng của một số dân tộc ở bắc Tây Nguyên như Ê đê, Gia Rai…?” – tôi thắc mắc.

Già Ya Ba mỉm cười rồi giảng giải, đường chiêng của nữ rõ ràng không mạnh mẽ bằng nam giới, tuy nhiên mấu chốt vấn đề là ở chỗ tiếng chiêng phải hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và tiếng lòng của dân làng. Xứ sở của thác kêu, suối khóc, ruộng nương bát ngát, đồng cỏ mênh mông thì tiếng chiêng phải trầm lắng, ngân xa mới đồng điệu. “Ngày xưa, vì sự cai trị hà khắc của nhiều quan lại vùng ven biển, một bộ phận người Chăm đã trốn lên núi sinh sống cùng các tộc người Mạ, K’Ho ở nam Tây Nguyên và lấy tên là Chu ru, nghĩa là chiếm đất. Tiếng chiêng của người Chu ru nghe thăm thẳm như hoài nhớ, bày tỏ nỗi niềm là vì thế” – một cụ cao niên góp chuyện.

Vũ điệu Tamya ở thác nước kêu.

Truyền lửa cho thế hệ sau
Những thập niên 1980-1990, đời sống khó khăn, thiếu thốn, lại bị kẻ xấu lợi dụng nên nhiều gia đình ở xã Lạc Xuân đã bán cồng chiêng để có vốn sản xuất hoặc đổi lấy những vật dụng sinh hoạt, thiết bị vui chơi, giải trí khác, thậm chí đập bỏ chiêng để bán đồng nát. Thấy giới săn đồ cổ săn lùng ráo riết, vét dần những bộ chiêng cổ, chiêng quý ở các bản làng, Ma Bio đến từng nhà khuyên can đừng bán chiêng. “Có gia đình quá nghèo túng buộc phải bán chiêng, mình liền bán ruộng để mua, quyết giữ cho được chiêng quý của người Chu ru”, bà Ma Bio kể.

Trong 3 tháng ra miền Trung nắng gió để đóng phim, bị cuốn hút bởi âm điệu của bộ chiêng 6 chiếc, Ma Bio tậu một bộ ở làng đúc Phước Kiều (Quảng Nam), sau đó lên Gia Lai tìm nghệ nhân giỏi để học chỉnh chiêng. Túi tiền đã cạn, lại nhớ bản làng cùng đội chiêng đến nao lòng nhưng bà vẫn kiên trì bám trụ nơi đất khách quê người, cấy lúa thuê để kiếm sống, tiếp tục học cách dạy tiếng cho chiêng và gom góp tiền làm lộ phí về quê.

Không còn ruộng vườn mênh mông, cò bay thẳng cánh nhưng đổi lại bà sở hữu 3 bộ chiêng cổ của người Chu ru (mỗi bộ 3 chiếc được đặt tên là mẹ, dì và con gái bởi người Chu ru theo chế độ mẫu hệ), 2 bộ chiêng bằng (mỗi bộ 6 chiếc), 3 cái trống da nai… Chỉ vào bộ chiêng ba cổ nhất, bà Ma Bio nói : “Cách đây hai năm, mình phải bán hơn hai tấn lúa mới đón được bộ chiêng này từ xã lân cận là Tu Tra về đó!”. Về bộ chiêng bằng 6 chiếc treo gần đó, bà Ma Bio hào hứng: “Đây vốn là bộ chiêng chết (bị lạc tiếng-PV), mình phải mất nhiều công sức để dạy lại”.

Đồng thời với việc sưu tầm, lưu giữ chiêng quý, gần 10 năm qua, bà Ma Bio dày công tập họp, dạy cho lớp trẻ đánh chiêng. Bà kể, thấy người biết đánh trống, chơi chiêng ngày càng hiếm, mỗi bản chỉ còn vài ba người; những làn điệu dân vũ cũng mai một dần trong các nghi lễ và sinh hoạt văn hóa cộng đồng, mình buồn và lo lắng lắm. Lỡ mai những người già trong bản về bến nước ông bà mà không có người thay thế thì nguy mất. Mình đề nghị phải truyền dạy chiêng, trống và các vũ điệu cho bọn trẻ, người già đồng tình nhưng bọn trẻ lại thờ ơ.”


Bà đã đến từng nhà để thuyết phục nhưng đa số trai bản theo trào lưu nhạc hiện đại, không chịu học nhạc cụ truyền thống vì cho rằng quá lạc hậu, đơn điệu, khó hiểu; thậm chí một số chàng trai còn vận động người già mang bán những bộ cồng chiêng quý để mua thiết bị âm thanh điện tử. Bà quay sang vận động các sơn nữ dẫu biết rằng chơi trống, đánh chiêng là việc khó đối với nữ giới bởi đòi hỏi sức khỏe tốt và sự dẻo dai. Ma Bio mất rất nhiều công sức giảng giải về vị trí của mỗi người trong dàn chiêng; tiết tấu, giai điệu của từng bài chiêng… Bà đánh chậm rãi từng nhịp để các em làm theo.“Có đứa quên nhịp hoài làm mình bực lắm nhưng không dám la vì sợ các em lại tự ái, nản lòng rồi bỏ học. Mình ráng giữ bình tĩnh, bày đi bày lại nhiều lần các em mới nhớ được”- bà Ma Bio hồi tưởng.

Dần dà lớp trẻ ở Diom A cũng cảm nhận được sự huyền diệu của cồng chiêng, rủ nhau đi học ngày càng đông. Thanh niên ở bản lân cận là K’Băm cũng tìm đến xin học. Hiện đã có khoảng 70 em biết đánh chiêng, trong đó một số sơn nữ tấu chiêng hay, múa giỏi như Nai Luyến, Tou Ruy, Ma Tina. Đội chiêng của nghệ nhân Ma Bio đã đi biểu diễn, tham gia liên hoan ở Hà Nội và một số tỉnh Tây Nguyên; từng đạt giải B Liên hoan Dân ca dân vũ Tây Nguyên lần thứ 3…

Cách cầm chiêng, gõ nhịp của các sơn nữ vô cùng duyên dáng, uyển chuyển. Những cánh tay mềm mại đưa lên, nhịp xuống, những động tác lắc hông gợi cảm đã truyền lửa đam mê đến cộng đồng, cuốn hút khán giả.

Sơn nữ Chu Ru.

Người Dân Tộc Chu Ru Với Tập Tục “Bắt Chồng”
Vào đêm khuya, khi mà tất cả mọi người đang trong giấc ngủ thì người trong gia đình cùng thiếu nữ Chu Ru (Lâm Đồng) sẽ cùng nhau tới nhà trai tiến hành việc “bắt chồng”.

Đồng bào Chu Ru rộn ràng bước vào mùa cưới, các thiếu nữ Chu Ru đi bắt chồng là khi mùa xuân về trên Tây Nguyên, chính là mùa hoa cà phê nở trắng ngợp trời, những bông hoa pơlang trên những thân cây cao vút nở rực cả vùng trời, khi mùa con ong đi lấy mật.

Người dân tộc Chu Ru ở Tây Nguyên sống theo chế độ mẫu hệ vì vậy khi một thiếu nữ đến tuổi lấy chồng, không giống như các dân tộc khác, họ phải mang lễ vật đi hỏi chồng với chi phí khá tốn kém. Riêng của cưới để mang sang cho nhà trai cũng phải tốn cả cây vàng, chưa kể đến tiền chi phí làm lễ tiệc chiêu đãi khách khứa trong lễ cưới của cả hai bên gia đình.

Thường sau khi nhà gái thưa chuyện với nhà trai, bà mối đeo chuỗi cườm và nhẫn đính hôn cho chàng trai thay cho lời hỏi cưới. Chàng trai chịu đeo nhẫn vào tay đồng nghĩa với việc chấp thuận làm chồng cô gái. Đại diện nhà trai sẽ đeo nhẫn (gọi là srí) cho cô gái và đồng ý cho người con gái làm dâu nhà mình. Họ nhà gái sẽ tặng lễ vật cho họ nhà trai để bày tỏ lòng thành. Lễ cưới diễn ra xong xuôi cũng là lúc hai họ ăn mừng bên hũ rượu cần và mâm lễ.

Nhà trai đến làm lễ cưới.

Để làm nên được cặp nhẫn cưới cũng phải tốn khá nhiều công sức. Vật liệu chính để làm cặp srí này ngoài bạc sẽ là sáp ong, phân trâu và một ít đất sét lấy từ nơi bí mật trong khu rừng già. Người Tây Nguyên quan niệm con trâu là một vật linh thiêng và mang sức mạnh của sự đấm ấm, sung túc, còn sáp ong thể hiện sự chăm chỉ, cần mẫn.

Người ta lấy sáp ong nấu chảy, trộn phân trâu rồi dùng que gỗ tròn ước chừng bằng những ngón tay nhúng vào, chờ khô rút que gỗ ra, sáp ong và phân trâu khô quánh thành những ống tròn, người ta cắt thành những khuyên tròn làm khuôn đúc nhẫn. Sau khi bạc đã được đun nóng chảy thì đổ vào khuôn, sáp ong và phân trâu trước sức nóng của bạc mới nấu chảy sẽ dính chặt vào bạc thành một lớp men bao bọc bên ngoài.

Người thợ đúc nhẫn cũng phải được lựa chọn trước và có những kiêng kị. Đêm trước đúc nhẫn, người thợ sẽ được tắm rửa sạch sẽ bằng nước một loại lá rừng có mùi thơm, không được gần gũi vợ… Khi đúc nhẫn cũng phải chọn giờ đẹp, từ 4h-8h vì theo quan niệm của người dân tộc, đây là giờ đẹ, giờ thiêng cho sự gắn kết lứa đôi.

Nhưng do những tập tục cưới hỏi tốn kém này mà nhiều thiếu nữ Chu Ru sinh ra trong gia đình không khá giả khó có cơ hội lấy được chồng theo đúng phong tục cưới xin truyền thống. Chính vì vậy mà những thiếu nữ Chu Ru có tục “bắt chồng” khá độc đáo.

Chú rễ mời rượu cô dâu.

Thường bắt đầu từ mùng 1 Tết cho đến hết tháng 3 âm lịch là mùa “bắt chồng” diễn ra rộn ràng ở Tây Nguyên. Theo phong tục, khi đã ưng ý một chàng trai nào đó, cô gái sẽ về thông báo với gia đình. Vào ban đêm, khi mọi người đã say giấc nồng, thiếu nữ cùng 10 người thân trong gia đình sẽ đến nhà trai. Trước đây, những thiếu nữ không đủ tiền để cưới chồng chỉ cần dệt cho mình 3 chiếc khăn thổ cẩm để làm lễ vật sang nhà trai.

Mặc dù có sự thăm viếng đột ngột nhưng nhà trai thường vẫn niềm nở đón khách. Sau đó, cô gái dâng 3 tấm khăn được gấp gọn ghẽ dâng lên phía trước. Ông trưởng đoàn (thường là cậu ruột) sẽ xin thưa với nhà trai, rằng cháu gái họ đã để ý và đem lòng yêu thương chàng trai, mong gia đình chấp nhận. Sau cuộc trò chuyện giữa hai bên, nếu cha mẹ chàng trai đồng ý, sẽ vào gọi con trai ra và hỏi ý kiến con trước khi trả lời nhà gái.

Nếu được sự đồng thuận, cô gái sẽ dâng khăn cho chàng trai và kể từ giây phút đó, họ đã được chấp nhận là con cái trong nhà. Hai bên tiến hành lễ hợp hôn cho đôi trai gái. Cô dâu (sơ đíu) và chú rể (pơ sang) sẽ trùm chung một tấm khăn trong khi nghe lời răn dạy của các bậc cao niên hai dòng họ về cuộc sống gia đình. Đến khoảng 1-2 giờ sáng, đôi trai gái sẽ được đưa về nhà gái, chính thức nên vợ thành chồng.

Nếu cha mẹ chàng trai không ưa, họ cũng tìm cách khước từ một cách tế nhị để nhà gái ra về mà không cảm thấy bị bẽ mặt. Nếu cô gái vẫn ưng chàng trai này, sau 7 ngày, cô gái lại chọn một đêm đẹp trời đến nhà chàng trai cho đến khi được chấp nhận.

Nhưng thường những đám “bắt chồng” đều thành công bởi ngày nay, nam nữ đã có dịp tìm hiểu và yêu thương tha thiết.

Nhẫn bạc truyền thống Chu Ru.

Đi xem làm nhẫn bạc Chu Ru
Trong ngôn ngữ của dân tộc Churu ở Nam Tây Nguyên, từ “srí”(nhẫn mái) có nghĩa là chiếc nhẫn dành cho nữ giới và sră là chiếc nhẫn dành cho nam giới (nhẫn trống). Đối với những cô gái, chàng trai trẻ Churu sinh sống trong các plêi dọc triền thung lũng phì nhiêu bên dòng Đa Nhim, chiếc nhẫn bạc khi họ được sở hữu không chỉ là đồ trang sức, là của hồi môn quý giá mà còn là một tín vật thiêng liêng trong hôn ước của ngày đôi lứa nên duyên cầm sắt. Khi trai gái trao nhau chiếc srí, sră được chạm khắc tinh vi bằng bạc, không bao giờ họ nghĩ đến một ngày chia xa…

Nhiều người dân Churu khi được hỏi đã thừa nhận rằng, họ có nguồn gốc tộc người là một bộ phận của đồng bào Chăm ở vùng đồng bằng ven biển lưu lạc lên cao nguyên miền Thượng. Huyền thoại Churu kể:Ngày xưa, vua Chăm bắt mọi người lên rừng, lên suối tìm của cải dâng vua. Ông quan chịu trách nhiệm thu của cải không giao nộp cho nhà vua. Người Churu bị bắt phải đi làm mãi. Vì vậy, họ chạy trốn lên tận miền núi cao, sống chung với người Châu Mạ, Cơ Ho cho tới tận ngày nay. Trong ngôn ngữ Malayo-polynésian, “Churu” có nghĩa là “chiếm đất”. Điều nói trên chỉ là một giả thiết và chưa có những cứ liệu khoa học xác đáng để chứng minh.

Cho tới nay, dân tộc Churu trên cả nước có khoảng 15.000 người, trong đó riêng địa bàn Lâm Đồng có 14.585 đồng bào Churu sinh sống. Gần gũi và sẻ chia với các dân tộc anh em và trải qua bao chặng đường lịch sử và quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, đồng bào Churu vẫn giữ được những nét bản sắc riêng. Trong kho tàng giá trị văn hóa vật chất và tinh thần phong phú, người Churu có một nghề thủ công truyền thống lâu đời và nổi tiếng, đó là nghề chạm trổ kim hoàn…

Nhẫn bạc do nghệ nhân Ya Tuất làm ra.

Nếu ở miền duyên hải, đồng bào Chăm nổi tiếng với nghề làm gốm, trên cao nguyên có người Châu Mạ, Cơ Ho, Êđê khéo tay với nghề dệt thổ cẩm, thì những tiền nhân Churu đã truyền lại cho con cháu của họ nghề kim hoàn bằng nguyên liệu bạc. Chuyện về những chiếc nhẫn srí, sra là một trong những ấn tượng của nghề đúc bạc Churu. Để có được một cặp nhẫn cưới, người nghệ nhân phải thực hiện nhiều thao tác, nhiều cung đoạn tỉ mẩn mà không phải ai cũng có thể làm được. Trong cả hàng chục ngàn người dân Churu hiện nay duy nhất chỉ còn lại một nghệ nhân chế tác nhẫn cưới, đó là anh Ya Tuất ở plêi (làng) Ma Đanh, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương, Lâm Đồng.

Với sự hướng dẫn của nghệ nhân Ya Tuất, chúng tôi tham gia vào một cuộc tìm hiểu “công nghệ” đúc nhẫn. Thứ nguyên liệu chính để tạo khuôn đúc là loại sáp ong tốt. Người nghệ nhân dùng sáp ong nấu chảy và lấy dùi gỗ nhúng vào sáp nóng sau đó để nguội sẽ cho ra một ống sáp tròn như hình bánh cuốn. Tùy theo kích thước của ngón tay, nghệ nhân sẽ cắt thành những chiếc khoen tròn lớn nhỏ để tạo khuôn. Phần hoa văn trên nhẫn, được cán thành những sợi nhỏ như sợi chỉ khâu rất mảnh, cứ ba sợi sáp bện chân rếp thành một viền hoa văn. Cuống nhẫn được làm bằng sáp như đầu chiếc đũa con, dài khoảng 2cm. Lấy lá dứa làm thành chiếc phễu cuốn lấy cuống nhẫn, bên trên cắm que tre để giữ khuôn.

Mỗi khuôn bao giờ cũng đúc một lần hai chiếc nhẫn, một chiếc nhẫn mái và một chiếc nhẫn trống. Sau khi tạo dáng xong, người nghệ nhân mang nhẫn sáp nhúng đều vào dung dịch phân trâu hòa lẫn với đất, sau đó đưa đi phơi nắng chừng từ nửa ngày đến cả ngày cho khô hoàn toàn. Tiếp theo, khuôn sáp ấy sẽ được mang đốt trên than lửa, sáp bên trong sẽ nóng chảy, phần dung dịch phân trâu còn lại sẽ tạo thành một khuôn âm bản. Sau đó, mang bạc nấu chảy đổ vào khuôn. Lúc khuôn nguội, một đôi nhẫn bạc màu đen xin xỉn sẽ hiện ra. Mang cặp nhẫn ấy bỏ vào nồi bồ kết rừng đang đun sôi để nấu thêm vài phút thì tự nhiên cặp nhẫn đã lên màu sáng bóng lấp lánh.


Có những điều thật lạ lùng và rất khó lý giải xung quanh chuyện những chiếc srí, sră. Ya Tuất nói đôi điều về bí quyết đúc nhẫn: Khi tạo khuôn, người nghệ nhân mang sáp ong nhúng vào dung dịch phân trâu, nhưng phải là phân trâu đực ba tuổi trộn với đất, cũng là loại đất lấy từ một nơi bí mật trong rừng chỉ có người làm nhẫn mới biết, sẽ cho ra một hỗn hợp không cháy trong độ nóng làm chảy bạc. Củi đốt là một loại cây rừng có tên kasiu, nếu đốt bằng các loại củi khác thì nhẫn sẽ bị nứt, gãy. Trước khi đúc nhẫn, đêm đó người nghệ nhân phải cách ly hoàn toàn với vợ; bốn giờ sáng bắt đầu nấu bạc, đúc nhẫn và tới tám giờ thì phải hoàn thành công đoạn cuối cùng.

Nếu như nghề làm gốm, nghề thổ cẩm có thể nhiều người học và làm được, thì đối với nghề đúc bạc làm nhẫn, chỉ có người Churu biết làm và trong cộng đồng Churu chỉ còn lại duy nhất nghệ nhân Ya Tuất. Chị Ma Wêl, vợ Ya Tuất kể rằng: “Nó (tức Ya Tuất – ngôi thứ hai, theo cách gọi của đồng bào) học được cái nghề này là do bố mẹ bắt học. Cùng học có nhiều người nhưng chỉ có nó được ông cậu là nghệ nhân Ya Grang thực sự truyền nghề cho. Lúc đã học thành nghề rồi nhưng về làm mãi mà cũng không được. Mãi tới khi ông cậu tặng cho bộ đồ nghề và ông qua đời rồi nó mới làm được”.

Nghệ nhân Ya Tuất thổi lửa nấu bạc.

Ya Tuất thừa nhận: “Học nghề này rất khó. Con mắt phải tinh, cái đầu phải sáng và cái tay phải lanh thì mới làm được”. Ông Ya Tiêng, cha của Ya Tuất, nói thêm: “Nghề làm nhẫn bạc tuy không phải là nghề làm ra nhiều tiền nhưng nó là cái nghề truyền thống của người Churu mình. Không thể bỏ nghề của ông bà được…”. Cũng bởi vì, trai gái của dân tộc này vẫn coi chiếc nhẫn bạc là vật trang sức ưa thích nhất, và trong lễ cầu hôn Churu, những chiếc srí, sră vẫn là tín vật mang ý nghĩa thiêng liêng…

Đám cưới được coi là một trong những nghi lễ đời người quan trọng nhất của người Churu. Theo chế độ mẫu hệ, con cái trong dân tộc này theo họ mẹ và hôn nhân là do phái nữ chủ động trước. Khi đến tuổi trưởng thành, các cô gái thường chọn cho mình một “ý trung nhân”, tự đi đặt nhẫn trước khi bắt chồng. Hôn nhân được đánh dấu bằng việc cô gái và gia đình chọn một ngày tốt lành sang nhà trai “chạm ngõ”. Thường thì cô gái không xuất hiện ngay mà tạm lánh vào nhà người quen gần nhà chàng trai nhất. Sau khi cha mẹ, người cậu bên nhà gái trình bày nguyện vọng muốn kết duyên của cô gái đối với chàng trai, nếu anh ta đồng ý thì sẽ có mặt để tiến hành nghi lễ đeo nhẫn. Khi trao nhẫn cho nhau, nữ trao cho nam trước, nam trao cho nữ sau. Gia đình nhà trai sẽ mang rượu uống với gia đình bên gái ngay sau khi lễ đeo nhẫn kết thúc. Lễ cưới của đôi trai gái Churu là dịp vui của cả cộng đồng. Ngay sau lễ cưới, đôi vợ chồng trẻ về ra mắt nhà trai, họ có thể lưu lại vài ngày và sau đó người con trai khăn gói về ở hẳn bên gia đình nhà vợ. Hôn nhân thủy chung một vợ, một chồng được người Churu đặc biệt coi trọng. Ly hôn được xem là một tội trọng khi srí, sra đã lồng ngón tay nhau…

Thầy cúng đang hành lễ.

Độc đáo lễ cúng ruộng của người Chu Ru
Lễ hội Mơ nhum ha ma (lễ cúng ruộng) của người Churu ở xã Tà Năng, huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) là một sinh hoạt văn hóa truyền thống mang tính cộng đồng cao do đồng bào Chu ru trong các buôn làng chủ động tổ chức mở hội và hành lễ.

Là một cư dân nông nghiệp, chủ yếu là trồng lúa nước, cuộc sống của người Churu trước đây phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện tự nhiên, công cụ lao động thô sơ khiến họ gặp không ít khó khăn, từ đó nảy sinh tư tưởng thờ cúng thần linh. Họ cầu mong các siêu linh phù hộ, che chở cho cuộc sống được yên lành, mùa màng bội thu. Người Churu thờ các vị thần: thần lúa (Yàng Bdai), thần đập nước (Yàng Bơ Mung), thần nhà (Yàng ASắK). Họ cho rằng các vị thần có ảnh hưởng trực tiếp đến mùa màng và việc tiến hành các nghi lễ nhằm cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.

Mơ nhum ha ma là lễ hội lớn nhất tổ chức khi đã kết thúc chu kỳ sản xuất trong năm. Đối với người Churu ở xã Tà Năng, huyện Đức Trọng thì không phải gia đình nào cũng tổ chức lễ Mơ nhum ha ma hàng năm, mà phải được thầy cúng làm lễ hỏi thần linh cho phép gia đình nào thì gia đình đó mới được tổ chức. Người Churu tin rằng nếu không làm theo ý của thần linh thì dân làng sẽ bị phạt và gia đình sẽ gặp họa. Đây là một lễ hội lớn của người Churu nhằm mục đích tạ ơn thần linh, cầu an cho gia đình, dòng tộc và cả cộng đồng mong muốn mùa màng bội thu.

Thời gian diễn ra lễ hội
Về thời gian tổ chức lễ hội Mơ nhum ha ma không cố định mà tuyệt đối phải được sự mách bảo của thần linh qua lời thầy cúng. Thường thì từ 10 đến 15 năm mới tổ chức một lần. Có gia đình đến 30 năm mới tổ chức. Lễ vật cũng không hoàn toàn giống nhau. Có gia đình thần đòi trâu đen nhưng cũng có gia đình thần trâu trắng. Thời điểm diễn ra vào khoảng tháng 2 tháng 3 dương lịch trong năm, sau khi mùa màng đã thu hoạch xong. Ngày nay, trong nông nghiệp do áp dụng trồng giống lúa ngắn ngày nên thường thu hoạch vào cuối tháng 11 đầu tháng 12, vì thế lễ hội thường tổ chức vào tháng 12 dương lịch trong 3 ngày 3 đêm (ngày nay rút lại còn 2 ngày 2 đêm).

Các bước chuẩn bị cho lễ hội
Sau khi lúa thu hoạch xong, chủ ruộng đã được thầy cúng báo trước là phải cúng Mơ nhum ha ma (Uống ruộng). Trước ngày lễ chính khoảng 20 ngày, gia đình bày một lễ vật gồm: 1 con gà, 2 nhánh chuối, 2 quả trứng gà, 1 chai rượu trắng cúng tại nhà chủ ruộng (cũng có trường hợp cúng tại nhà thầy cùng) với nội dung thông báo đến các thần linh ngày nào sẽ làm lễ cúng chính thức để thần linh không được đi đâu xa và cầu cho con cái trong thời gian này được khỏe chân, khỏe tay, được an toàn không bị tai nạn để chuẩn bị lễ cho thật tốt, đồng thời sẽ báo trước gia chủ phải cúng loại trâu to hay nhỏ, rượu bao nhiêu, gà bao nhiêu. Sau đó chủ ruộng phân công người đi vào rừng chặt cây cóc, lồ ô để làm cột gưng và cây nêu, phân công người dọn vệ sinh, phát quang đường ra ruộng, đào giếng lấy nước ở ruộng, mua sắm lễ vật..

Gói bánh nếp và cơm lam chuẩn bị cho lễ hội Mơ nhum ha ma. (ảnh B.N – P.N)

Ngày thứ nhất của lễ hội
Buổi sáng ngày đầu tiên của lễ hội, gia đình và mọi người tiến hành dựng cây nêu, gói bánh nếp, làm chòi cúng ở ruộng. Tối ngày hôm đó, thầy cúng bắt đầu hành lễ với trang phục truyền thống, đầu đội khăn (có những họa tiết dành riêng chỉ có ở thầy cúng) cùng với một chiếc roi mây có gắn lục lạc, một lư đốt trầm (lơ ơ pui), một bình đựng nước thơm (pơ teh), một chén có hoa văn (choăt). Lễ được bày ra gồm 1 con gà, 8 nhánh chuối, 1 mâm gỗ nhỏ đựng cơm, bánh nếp, 1 bộ cồng chiêng được treo bên cạnh. Thầy cúng khấn với nội dung xin thần linh phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh để lo cho ngày lễ được suôn sẻ, thời tiết được thuận hòa. Sau lễ cúng, mọi người trong gia đình và dân làng đánh cồng chiêng vui chơi tự do. Vào khoảng từ một đến hai giờ sáng, chủ nhà cùng với một số người trong gia đình và thầy cúng đem theo lễ vật gồm: 1 nhánh chuối, 1 trứng gà, 1 bầu rượu cần, 1 chai rượu trắng ra ruộng tiếp tục làm lễ. Trong lúc thầy cúng làm lễ, cả gia đình đi vòng quanh cây nêu 7 lần rồi quay về nhà. Suốt đêm hôm đó mọi người trong gia đình và dân làng cùng tụ tập vui chơi, nhảy múa, ca hát.

Ngày thứ hai của lễ hội
Sáng ngày hôm sau (đây là ngày lễ chính), trước khi giết trâu, chủ ruộng chuẩn bị 1 con gà, 1 bầu rượu cần, 1 chai rượu trắng, 1 nhánh chuối, 1 trứng gà sống đem ra chọi ngoài ruộng. Thầy cúng làm lễ cúng mời ông bà về nhận trâu để phù hộ cho gia đình có sức khỏe, mùa màng được bội thu. Trong lúc thầy cúng làm lễ, thanh niên dắt trâu ra buộc vào cột Gưng nơi đã được trang trí, chuẩn bị cùng với cây nêu từ trước. Cột Gưng thường được dựng cách chòi cúng không xa (khoảng 10 đến 15 mét). Một thầy cúng khác khấn mời các thần về nhận trâu. Thường ở lễ này gồm có hai thầy cúng, một chính và một phụ. Lúc này trâu đã được buộc tại cột Gưng, 4 chân bị trói chặt. Chủ ruộng là người có quyền chỉ định ai trong dòng họ (mặc lễ phục truyền thống của người Churu) có quyền cắt cổ trâu. Ở lễ hội này người Churu không đâm trâu (họ chỉ đâm trâu ở lễ có người chết như tang ma hoặc lễ bỏ mả mà thôi). Giết trâu xong họ cắt lấy đầu trâu và cả bộ lòng để lên mâm gỗ, xẻ thịt trâu nấu chín mời thầy cúng tới làm lễ, sau đó chủ và khách cùng ăn uống, nhảy múa vui chơi.

Sáng ngày hôm sau, gia chủ mổ đầu trâu lấy thịt đồng thời treo hàm trâu lên cây nêu cùng với một lễ vật nhỏ gồm: 1 trứng gà sống, 1 trứng gà chín và thịt đầu trâu nấu chín, một chóe rượu cần để thầy cúng làm lễ cúng với ý nghĩa tạ ơn thần linh vì công việc đã xong xuôi, mong thần linh phù hộ sang năm cho lúa nhiều. Sau đó họ mang toàn bộ đồ đạc ở ngoài đồng trở về nhà. Về nhà gia chủ lấy một quả trứng gà, một chai rượu trắng cúng cho những hạt gạo rơi vãi ngoài đồng, những thức ăn rơi vãi ngoài đồng quay trở về nhà của mình. Lễ hội kết thúc, mọi người ai về nhà nấy để nghỉ ngơi và tiếp tục chuẩn bị cho vụ mùa sau.

Lễ hội Mơ nhum ha ma (lễ cúng ruộng) của người Churu ở xã Tà Năng, Đức Trọng trong dịp cuối năm thực sự là sinh hoạt văn hóa truyền thống mang tính cộng đồng cao do đồng bào Churu trong các buôn làng chủ động tổ chức mở hội và hành lễ. Họ thực sự là chủ thể tổ chức và hưởng thụ giá trị văn hóa do lễ hội mang lại. Các già làng, nghệ nhân văn hóa dân gian đóng vai trò chủ chốt có sự giao lưu với một số buôn và xã lân cận.

Lễ hội Mơ nhum ha ma ngày nay được tổ chức vui tươi, dân dã, đoàn kết, tiết kiệm; không quá cầu kỳ và lạm dụng các hình thức sinh hoạt văn hóa mới lấn lướt văn hóa truyền thống, các hủ tục lạc hậu không phù hợp với nếp sống văn hóa mới đã được loại trừ. Nó thực sự là một nét đẹp văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc Churu ở Lâm Đồng.

Nhà mồ của người Chu Ru ở huyện Đơn Dương (Lâm Đồng), nơi để hàng chục chiếc quan tài chồng lên nhau.

Tục lập mộ nổi của người Chu Ru
Bất cứ khi nào, người đi đường cũng có thể bắt gặp những cái sọ người khô khốc nằm lăn lóc cạnh chum choé, bát đĩa bằng sành sứ, đất nung. Người chết ở cạnh người sống, cách nhau hai lần ván mỏng bởi quan tài và nhà mồ.

Người Chu Ru ở huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) có một tập tục lạ lùng, được lưu truyền từ ngàn đời, đó là tục lập mộ nổi. Trong những ngôi nhà nhỏ mái tranh rộng khoảng 9 -12 m2 rêu mốc, bên trong có hơn chục chiếc quan tài chồng chất lên nhau, nhiều cái hòm ván bị mục nát, lộ sọ người trắng hếu đã ám ảnh cộng đồng người Chu Ru nói riêng và các dân tộc khác sinh sống dưới cao nguyên Langbiang.

Một huyệt mộ chôn cả dòng họ
Trong chuyến lên Tây Nguyên, chúng tôi có dịp đến thăm các buôn làng của người Chu Ru tại huyện Đơn Dương (Lâm Đồng). Tại đây, chúng tôi được các già làng kể chuyện về tập tục lập mộ nổi, thay vì chôn người chết xuống đất như nhiều tộc người khác. Ông Jơr Rơng Nga, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Próh (huyện Đơn Dương) cho biết: “Đối với người Chu Ru, mỗi dòng họ sẽ có một huyệt mộ riêng. Khi trong họ hàng có người chết, người Chu Ru đưa quan tài vào huyệt mộ để đó rồi ra về. Mỗi huyệt mộ như thế phải chứa ít nhất 10 quan tài”.

Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin, chỉ riêng tại thôn Pró Trong, trong vòng một tháng, làng có tới hai, ba đám ma coi như là một điều đáng sợ. Bởi thi hài trong quan tài cũ chưa thối rữa hết, lại có thêm một quan tài mới, nên khi đi vào những ngôi nhà mồ chỉ ngửi thấy mùi xác thối rữa. Già làng Gia Phú (76 tuổi, ngụ tại thôn Pró Trong) chia sẻ: “Người Chu Ru quan niệm rằng, người chết đi, nhưng linh hồn vẫn còn sống và ở thế giới bên kia. Nên trong vòng một tháng kể từ khi người chết được đưa vào huyệt mộ coi như chẳng ai dám đi ngang qua các ngôi nhà mồ. Một số gia đình có vườn, rẫy gần nhà mồ cũng không dám dựng lều ở. Tối đến, nhiều người trong làng cả tháng trời không dám bước chân ra khỏi cửa, vì họ nghĩ, ra ngoài, linh hồn người chết sẽ theo về tận nhà”.

Già làng Ya Phú cho biết, theo tục lệ của người Chu Ru, người chết được chôn cất trong một nhà mồ chôn tập thể có mái che bằng lá tranh, huyệt mộ chôn chồng chất lên nhau, có thay đổi vị trí huyệt đào cho một người chết, không nằm ngoài khuôn viên nhà mồ hình vuông, có diện tích khoảng trên dưới 16 m2. Người có vị thế, tức là có vai vế lớn như ông bà cha mẹ, thì sẽ đào huyệt chôn về phía mặt trời mọc. Hai bên hông dành cho con cháu, người tôi tớ thì đào huyệt chôn nằm về phía mặt trời lặn.

Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết, mỗi một dòng họ có một nhà mồ nên người Chu Ru thường chôn chung nhiều người trong một huyệt mộ. Khi mộ chung đã có nhiều mộ (trên 20 mộ) thì tổ chức lễ “bỏ mả”. Theo tộc người này, chết chưa thật sự là mất, mà hồn của người chết vẫn vương vấn và có thể quay về trừng phạt người sống. Do tính chất quan trọng như vậy nên đúng một năm sau, người Chu Ru mới làm lễ “bỏ mả”.

Anh Ya Túc (42 tuổi, ngụ tại thôn Pró Trong) trăn trở: “Sau mùa gặt, người Chu Ru bắt đầu làm lễ “bỏ mả”, khi đó trong những ngôi nhà mồ bên vệ đường chỉ còn lại những mảnh gỗ quan tài rỗng. Người dân đi đường sẽ bắt gặp những cái cái sọ người khô khốc nằm lăn lóc cạnh chum choé, bát đĩa, bằng sành sứ, đất nung. Người chết ở cạnh người sống, cách nhau hai lần ván mỏng: Quan tài và nhà mồ”.

Cũng theo anh Ya Túc, lễ “bỏ mả” của người Chu Ru được tổ chức với qui mô lớn, có hàng trăm người tham gia và phô diễn hầu hết những sản phẩm văn hóa – nghệ thuật đặc sắc nhất. Mỗi khi gia đình nào làm lễ thì hầu như cả buôn tạm ngưng chuyện đi rẫy, đi rừng để giúp dựng nhà mồ, cột thờ; điêu khắc tượng và vẽ các hoa văn truyền thống.

Quan tài của người Chu Ru được làm từ thân cây đục rỗng.

Gian nan cuộc chiến với hủ tục
Theo ông Jơr Rơng Nga, đẩy lùi và chống lại tập tục đưa xác người vào mộ nổi, thay vì chôn xuống đất hay hoả táng không hề đơn giản. Đầu những năm 1990, người Chu Ru vẫn duy trì tập tục này nên những gia đình của dân tộc khác tới định cư tại Đơn Dương đã rất phản đối. Bởi, việc lập nhà mồ nổi gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. “Bên cạnh đó, người Chu Ru cứ vin vào tục lệ, hễ có người chết thường để xác chết trong nhà quá lâu (5 – 7 ngày). Đồng bào còn có tục hỏi nguyên nhân cái chết. Sau khi liệm, người ta đặt một ống hồ lô có đục lỗ dưới hòm. Các vị chức sắc trong họ và thân nhân người xấu số đứng cách hòm 3 – 4m phóng lao vào lỗ và hỏi: “Vì sao mày chết? Có phải do tranh chấp, thù hằn… Khi nào cây lao trúng đích thì nguyên nhân mới được xác định (?). Nhiều cái chết rành rành do bệnh tật, song vì tập tục này mà phát sinh mâu thuẫn trong dòng họ, buôn làng, lắm khi công an phải can thiệp”, già làng Ya Phú nhớ lại một thời ấu trĩ của dân tộc mình.

Trước tình hình đó, chính quyền địa phương đã đề ra kế hoạch loại bỏ hủ tục nhà mồ nổi. Tuy nhiên, ngay trong đội ngũ cán bộ cũng có ý kiến phản đối, vì cho rằng đi ngược với tập tục của ông bà, trái ý hồn ma sẽ bị họa cháy nhà, dịch bệnh. Ngày nay, hỏi bất kì người Chu Ru nào, họ đều khẳng định rằng, trong suốt một thời gian dài, chính quyền địa phương mất rất nhiều công sức để tuyên truyền vận động đồng bào Chu Ru nên đem người chết ra khu nghĩa địa do Nhà nước quy định. Ông Jo7r Rơng Nga tâm sự: “Trong những lần đi vận động bà con bỏ tục chôn mộ nổi, một số cán bộ còn bị đe dọa, hành hung, thương tích nặng…”.

Nhưng theo thời gian, người Chu Ru dần hiểu ra tác hại của việc chôn mộ nổi. Chính các già làng là những người tiên phong để từ bỏ tục chôn người cùng huyệt. Sau khi nghe cán bộ phân tích về cách chôn mồ mả, các già làng của những dòng họ lớn như Ya, Jơ Rơng, Ma U… đã vận động bà con buôn làng bỏ tập tục đưa xác người vào nhà mồ. Vì thế, ngày nay, vào các buôn làng của người Chu Ru, thấy có nhiều khu nghĩa địa đời sống mới xuất hiện thay cho nhà mồ nổi.

Ông Jơ Rơng Nga vui vẻ bày tỏ về những đổi mới của người Chu Ru: “Giờ đây, vào Đơn Dương, nhìn từ xa sẽ thấy một vài nhà mồ nổi tại nghĩa địa thì đó chỉ là nơi cất giữ tài sản, làm đẹp lòng người chết, chứ không chứa xác như trước… Trong quan niệm của người Chu Ru giờ đây, người chết đã ra đi vĩnh viễn, dòng họ chỉ còn duy trì tục “bỏ mả” nhằm thông báo cho hồn ma rằng, mọi vướng mắc, nợ nần, phân chia tài sản đã xong, người sống đã hoàn thành phận sự của mình, còn những hồn ma hãy về làng ma và trải qua một vài kiếp sống khác rồi trở lại làm người.

Làm lễ để “vui người chết, khoẻ người sống”
Già làng Ya Phú tiết lộ: “Người Chu Ru quan niệm, người chết đi được một năm thì linh hồn sẽ được lên thiên đàng. Khi đó, người dân trong làng sẽ mang chiêng ra đánh để giao lưu với các thần linh và làm cho hồn người chết siêu thoát, cầu cho dòng tộc khỏe mạnh, nương rẫy được mùa, không bị ma làm hại. Các đôi trai gái nắm tay nhau say sưa nhảy múa theo tiếng chiêng xung quanh ngôi mộ. Các cụ già thi nhau vừa khóc vừa nói theo vần theo điệu, lên bổng xuống trầm để kể lể nhớ thương, tâm sự với hồn người chết”.

Đàm Minh Phiếu (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét