Nghi lễ truyền thống của người Raglai (Đỗ Mai Chử)

Trong tổ chức đời sống văn hoá tinh thần của người Raglai có nhiều nghi lễ truyền thống chứa đựng giá trị bản sắc văn hoá độc đáo. Trong đó, có nghi lễ ăn lúa mới (Mbeng Akaok Padai), nghi lễ cưới hỏi và nghi lễ bỏ mả (Ngap Padhi). Thông qua, việc thực hiện nghi lễ người Raglai mang những bộ mả la ra trình diễn nghệ thuật âm nhạc. Có thể nói rằng, chính nghi lễ là cái nôi nuôi dưỡng và làm hồi sinh cội nguồn văn hoá tộc người Raglai.
Người Raglai ở Việt Nam
Tộc người Raglai đã sinh sống lâu đời ở các tỉnh Duyên hải Nam Trung bộ. Theo tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Raglai ở Việt Nam có dân số 122.245 người, có mặt tại 18 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Raglai cư trú tập trung tại các tỉnh: Ninh Thuận (58.911 người, chiếm 48,2% tổng số người Raglai tại Việt Nam), Khánh Hòa (45.915 người, chiếm 37,6% tổng số người Raglai tại Việt Nam), Bình Thuận (15.440 người) và Lâm Đồng (1.517 người). Tộc người Raglai thuộc nhóm ngôn ngữ Malayo-Polinésien (Mã Lai-Đa Đảo), cùng chung nhóm này có tộc người Chăm, Rađê, Churu và Gia Rai. Văn hoá tộc người Raglai có nhiều nét tương đồng với tộc người Chăm. Hàng năm, khi người Chăm tổ chức lễ hội Katê trên các đền tháp Champa thì người Raglai mang Y Trang xuống cúng lễ. Ngược lại, khi người Raglai tổ chức lễ hội Po Nai Tangya thì người Chăm đến tham dự cùng nhau phối hợp hành lễ chung. Bởi vậy, trong dân gian lưu truyền câu nói: “Chăm sa-ai Raglai adei” (Người Chăm là anh còn người Raglai là con gái út). Hiện nay, người Chăm và người Raglai vẫn còn bảo tồn chế độ mẫu hệ, hôn nhân cư trú bên nhà vợ.

Nghi lễ ăn lúa mới
Nghi lễ ăn lúa mới là một trong những nghi lễ lớn và quan trọng của người Raglai được tổ chức theo chu kỳ 3 năm hoặc 7 năm một lần tuỳ thuộc vào điều kiện kinh tế gia đình. Nhằm tưởng nhớ về tổ tiên và cầu xin thần linh sự che chở, phù hộ trong năm mới vụ mùa mới được bội thu, cây trồng, vật nuôi sinh sôi và nẩy nở, gia đình được ấm no và hạnh phúc.Để chuẩn bị cho lễ ăn lúa mới gia đình bàn bạc với nhau thật kỹ lượng, chọn ngày lành tháng tốt, mời thầy cúng để tiến hành nghi lễ. Không gian lễ là một cái nhà hình chữ nhật được dựng tạm ngoài trời bằng các nguyên vật liệu có sẵn trong tự nhiên như tre, tranh, nứa. Khi gần đến ngày lễ ăn lúa mới các thành viên trong gia đình phân công nhau vào rừng tìm đến các con sông, con suối để bắt con cua và con cá trầu (cá lốc) làm lễ vật dâng cúng. Con cua thì luộc, con cá trầu thì nướng ăn cùng với cơm được vun đầy đặt trên một cái mâm nhỏ làm bằng tre ở trên có cắm 3 đôi đũa.  Đại diện cho gia đình, thầy cúng tấu trình với thần linh và mời tổ tiên về sum họp với gia đình cùng nhau uống rượu cần, ăn cơm, đánh mả la và ca múa. Lời khấn của thầy cúng có đoạn: “Mong tổ tiên hãy nhận cho những lễ vật của con cháu dâng lên và xin hãy phù hộ cho mùa màng được tươi tốt, cây trồng, vật nuôi và con người luôn khoẻ mạnh”. Khi tổ tiên đã nhận lễ vật xong, tiếng mả la được đánh lên, người ta mang cây nêu và mô hình nhà kho lương thực ra ngoài nhà lễ đến một bãi đất trống, để tiễn đưa tổ tiên về với thế giới của ông bà theo quan niệm của người Raglai. Trên đường về những đứa trẻ dùng chảo, nồi bẻ giả làm mả la đánh suốt dọc đường. Sau đó, có 4 đứa trẻ 2 nam và 2 nữ được mời vào nhà lễ để ăn cơm lễ, uống rượu và trả lời câu hỏi của thầy cúng về việc tổ chức ăn lúa mới như thế nào? Những đứa trẻ được dặn dò trả lời là việc tổ chức nghi lễ ăn lúa mới rất tốt. Nghi thức cuối cùng trong chuỗi nghi thức ăn lúa mới là việc cúng 3 ông táo. Những vật lễ dâng cúng được giữ lại một ít phân chia đều cho các ông táo như cơm, canh, thịt và rượu... Cuộc sống của người Raglai có no ấm hay không là nhờ vào các ông táo.Lễ ăn lúa mới của người Raglai mang tính chất như ngày Tết của gia đình. Đây là dịp để tổ tiên và con cháu trong gia đình sum họp, chúc phúc cho nhau. Lễ ăn lúa mới là một nét sinh hoạt văn hoá mang tính cộng đồng của người Raglai, làm hồi sinh những giá trị văn hoá dân gian, nhắc nhở thế hệ sau luôn nhớ về cội nguồn dân tộc.

Nghi lễ cưới hỏi
Người Raglai theo chế độ mẫu hệ, hôn nhân định cư bên nhà vợ. Cũng giống như người Chăm, lễ cưới của người Raglai diễn ra vào ngày thứ tư. Tuy nhiên, về cách thức tổ chức và các nghi thức lễ cưới thì khác nhau. Người Raglai có tín ngưỡng thờ đa thần nên trong lễ cưới không chịu ảnh hưởng bất kỳ yếu tố tôn giáo nào. Trước ngày cưới chính thức một ngày, bên nhà gái lo chuẩn bị tiếp đón chàng rể mới và họ hàng nhà trai. Họ mời thầy cúng làm đại diện gia đình để cúng ché rượu cần khấn báo về việc tổ chức lễ cưới, cầu mong thần linh và tổ tiên cho đôi vợ chồng trẻ sống hạnh phúc bên nhau. Khi đã cúng ché rượu cần xong, nước rượu đầu tiên được rót vào một cái tô lớn dùng để cúng cơm. Lễ vật cúng cơm cầu mong cho đôi vợ chồng làm ăn giàu có, cuộc sống ấm no và hạnh phúc gồm có 1 con gà luộc để nguyên con, trầu cau, cơm, canh và rượu cần.  Đến ngày cưới đã hẹn, nhà trai tự tổ chức đi qua nhà gái, dẫn đầu họ hàng nhà trai là chàng rể. Khi gần đến nơi, nhà gái cử đại diện ra bắt tay chào đón vào nhà. Chú rể và một số thành viên quan trọng trong gia đình được mời vào trong nhà ngồi. Sau khi, hai họ nhà trai và nhà gái đã chào hỏi và chúc phúc cho vợ chồng trẻ, người ta bưng ra một mâm cơm gồm có 1 con gà luộc, cơm, canh, trầu cau và thuốc lá. Cô dâu và chú rể cùng nhau dùng tay bốc cơm ăn trong sự chứng giám của cha mẹ, họ hàng và bạn bè. Từ đây, họ đã thành vợ thành chồng chính thức được sự cho phép của gia đình. Lễ cưới của người Raglai phản ánh vai trò quan trọng của người phụ nữ trong chế độ mẫu hệ. Do đó, cần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hoá truyền thống góp phần làm giàu bản sắc văn hoá các tộc người bản địa.

Nghi lễ bỏ mả
Nghi lễ bỏ mả tiếng Raglai gọi là “ngap padhi” là một lễ tục đánh dấu kết thúc vòng đời của một con người. Sau một thời gian chôn cất, người Raglai làm nghi lễ Padhi để chia tay, chấm dứt mối quan hệ giữa người chết và người sống. Nhằm mục đích tiễn đưa linh hồn về với thế giới tổ tiên. Nghi lễ Padhi do các Pajau thực hiện, để thực hiện Padhi người ta đến mộ người chết để rước linh hồn về nhà. Ngày đầu tiên của lễ Padhi, các Pajau sẽ trình báo cho linh hồn người chết biết các lễ vật dâng cúng cho ma. Sau đó, tiếng Mả la được đánh lên để chúc mừng linh hồn người chết về ở ngôi nhà mới dành cho ma. Pajau làm nghi thức ban gạo cho ma, gia đình và những người đến dự lễ Padhi cũng ban gạo cho người người chết.Pajau là thầy cúng của người Raglai thường mang áo dài, xẻ tà từ eo lưng xuống đến chân, trên đầu có quấn khăn vải màu, tay múa nhẹ nhàng, chậm rãi theo nhịp Mả la hòa quyện với tiếng Hari. Ông Pajau ở chính giữa cầm một cây tre (Agai Tuah) có gắn 1 chiếc nhẫn và sáp ong dùng để chỉ đường, hướng dẫn cho ma nhận lễ vật dâng cúng.

Các Pajau trong Lễ bỏ mả của người Raglai

Vào buổi sáng sớm khi tiếng gà còn chưa gáy, Kagor (Ahaok)-Mô hình ngôi nhà hình con thuyền được thanh niên khiêng ra đặt ở trên mộ của người chết. Các Pajau thực hiện nghi thức mời rượu, cúng cơm cho ma. Tại ngôi nhà mới, các Pajau ban hạt giống cho ma, có 2 người phụ nữ cầm 2 đầu khăn màu trắng hứng những hạt rơi từ trên trời xuống. Cây xanh, cây ăn quả, được trồng xung quanh nhà mồ làm khu vườn trang trí cho ngôi nhà mới của ma.Kết thúc nghi lễ Padhi người ta mang các lễ vật như rượu cần, trầu cau, rượu, chuối cúng tại nhà lễ (Kajang). Sau nghi thức này, gia đình không còn thực hiện bất cứ một lễ tục nào nữa. Ông Pajau thực hiện nghi thức bẻ đôi cây tre (Agai Tuah) và bỏ vào trong giỏ đan bằng tre đựng thức ăn cho ma. Những thanh niên khoẻ mạnh trong làng khiêng chiếc giỏ thức ăn mang ra để ở nhà mồ. Đến đây, nghi thức Padhi đã thực hiện xong. Mọi sự liên hệ giữa người chết và người sống coi như chấm dứt. Lễ hội Padhi là một nghi thức đánh dấu sự chấm dứt mối liên hệ giữa người chết và người sống. Đây là nghi thức thiêng liêng và quan trọng trong đời sống tâm linh của người Raglai.  Họ xem lễ tục Padhi như một ngày sum họp cộng cảm để chia tay với một thành viên trong cộng đồng của mình. Đồng thời, cũng là dịp để cho các bạn trẻ vui chơi, làm quen với nhau rồi thành vợ thành chồng tái sinh thêm những thành viên mới. Tóm lại, quá trình diễn ra nghi lễ truyền thống là dịp để cộng đồng người Raglai sinh hoạt chung với nhau. Đồng thời, là cơ hội để phô diễn những loại hình nghệ thuật biểu diễn ngoài trời. Không gian sinh sống của người Raglai gắn liền với núi rừng nên còn bảo tồn nhiều tín ngưỡng bản địa của các dân tộc ở Đông Nam Á như tín ngưỡng thờ Yang Sri (thần lúa) qua việc tổ chức nghi lễ ăn lúa mới để cầu mùa màng bội thu và sự no ấm. Nghi lễ hôn nhân của người Raglai phản ánh nét đặc trưng của chế độ mẫu hệ với quyền làm chủ trong gia đình và quyền thừa kế tài sản thuộc về các chị em gái được luật tục bảo vệ. Ngày nay, mặc dù người Raglai không có hoạt động nghề biển nhưng kí ức về biển xuất hiện nhiều trong các câu chuyện cổ tích. Đặc biệt, trong lễ bỏ mả nhất định phải làm Kagor (Ahaok) là mô hình chiếc thuyền đặt trên nhà mồ. Khi đó, linh hồn người chết mới trở về với thế giới ông bà, tổ tiên được. Tức là, trở về với biển cả bao la. Nếu biết khai thác và phát huy những bản sắc văn tộc người Raglai để thúc đẩy sự phát triển du lịch địa phương đúng mức, sẽ làm sống lại nhiều giá trị văn hoá tinh thần của người Raglai. Góp phần làm phong phú văn hoá Việt Nam trong cộng đồng quốc gia đa tộc người.
 Đỗ Mai Chử (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét