Hát đối đáp trong đám cưới của người dân tộc Sán Dìu (Đỗ Anh Chử)

Hát đám cưới hay còn gọi là hát đối đáp, thể hiện nét văn hóa, phong tập-tập quán cổ truyền của người dân tộc Sán Dìu, nó đã trở thành một loại hình nghệ thuật độc đáo. Tuy nhiên, ngày nay nét văn hóa ấy dần bị mai một do nhiều yếu tố khác nhau. Vừa qua người ta ôn lại truyền thống bản sắc văn hóa này ở thôn Muối xã Giáp Sơn.

Hát đám cưới hay còn gọi là hát đối đáp, thể hiện nét văn hóa, phong tập-tập quán cổ truyền của người dân tộc Sán Dìu, nó đã trở thành một loại hình nghệ thuật độc đáo. Tuy nhiên, ngày nay nét văn hóa ấy dần bị mai một do nhiều yếu tố khác nhau. Vừa qua Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh Bắc Giang đã tổ chức trình diễn, ôn lại truyền thống bản sắc văn hóa này ở thôn Muối xã Giáp Sơn. 


Chọn được ngày lành tháng tốt, hai ông bà Lưu Văn Pèng và Lý Thị Nà-họ nhà trai, ông Đặng Văn Thắng và bà Nhiêu Thị Leo-họ nhà gái đã quyết định tổ chức hôn lễ cho hai con. Để chuẩn bị cho hôn lễ chính thức, buổi chiều ngày hôm trước nhà trai đã chuẩn bị một lễ ăn hỏi. Ở các dân tộc khác, lễ hỏi có thể chỉ bằng tiền mặt, nhưng lễ hỏi của người Sán Dìu phải có lợn hơi, rượu, gà, hai sợi chỉ tơ hồng luồn qua hai quả trứng và hai đồng tiền xèng, một chai rượu trắng được bọc trong đọ đan bằng tre- nút chai bằng một quả cau tươi.v.v.
Thành phần đi ăn hỏi cũng phải được lựa chọn kỹ lưỡng, trưởng đoàn vừa phải khéo ăn nói vừa phải nhanh trí trong ứng xử và hát đối đáp. Sau 1 giờ hành trình, đoàn ăn hỏi của họ nhà trai đã có mặt ở cửa họ nhà gái. Tại đây nghi thức hát đối đáp chính thức được bắt đầu. Hôm ăn hỏi, hát đối đáp của dân tộc Sán Dìu được xem là quan trọng nhất trong phần nghi lễ và chia làm 4 phần riêng biệt. Phần hát chào đón được thể hiện ngay khi hai họ gặp nhau. Sau khi lễ vật bày trước cửa, nhà gái ra vế đối (dịch tiếng phổ thông):
Lễ nghi họ gái bày trước cửa 
Thiếp hồng nghênh tiếp giữa đường môn
Hôm nay ngày đẹp thành hôn lễ 
Chào đón quan viên họ trai sang 
Họ nhà trai hát đáp lời: 
Sao sáng đến gặp mây tương ngộ 
Một lòng một dạ đến hết duyên 
Hôm nay ngày đẹp thành hôn lễ 
Lễ vật dẫn sang kính gia tiên…
Sau phần hát chào đón là phần hát "khai hoa tửu" của họ nhà gái. Phần này có thể hiểu là những lời dặn dò của cha mẹ đối với con gái trước khi làm dâu nhà người. Phần hát "cung kính và chúc phúc" của hai họ có đại ý là hát kính tổ tiên và lời chúc hai gia đình thông gia, chúc mừng cô dâu, chú rể:
Quan viên hai họ cùng dâng lên
Dâng chén rượu đào kính gia tiên
Hai nhà thông gia thành hôn lễ 
Hạnh phúc đôi trẻ mãi vững bền 
Rể tài, dâu sắc luôn hạnh phúc
Ra hoa, kết trái truyền tương lai 
Chúc hai nhà thông gia hạnh phúc 
Tận hưởng niềm vui phúc lộc đầy. 
Phần "đố chuyện nghi lễ" là phần cuối cùng trong tục hát đối đáp đám cưới của dân tộc Sán Dìu. Phần này có ý cả hai họ hỏi thăm nhau, họ nhà trai xin phép họ nhà gái được đón cô dâu vào ngày giờ hôm sau như đã định. Đố chuyện xong, ông đại diện họ nhà gái pha hai quả trứng vào bát rượu rồi rót kính gia tiên trên bàn thờ, còn lại mời quan viên cùng nâng ly chúc mừng hai họ, chúc mừng cô dâu chú rể kết tóc vợ chồng trăm năm hạnh phúc.
Bà Lưu Thị Thịnh là một thành viên trong đoàn hát đối đáp họ nhà trai trong đám cưới. Bà sống ở thôn Muối xã Giáp Sơn từ nhỏ nhưng đã lâu lắm rồi bà mới lại được sống lại cảm giác mấy chục năm về trước, đó là được đi xem người lớn hát. Trong những lần như thế bà không chỉ học được cách hát, mà sau đó bà còn dạy bảo cho con cháu thế hệ sau.
Ông Vũ Hồng Bàng- Giám đốc Trung tâm Văn hóa tỉnh Bắc Giang cho biết: thực hiện nghị quyết Trung ương 5 (khóa 8) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Trung tâm văn hóa thông tin tỉnh Bắc Giang đã xây dựng kế hoạch trình diễn nhằm từng bước khôi phục lại loại hình văn hóa nghệ thuật độc đáo này. Hát đám cưới hay còn gọi là hát đối đáp của dân tộc Sán Dìu nói chung là một loại hình văn hóa độc đáo thể hiện nhiều ý nghĩa sâu sắc. Sưa kia ở các đám cưới của dân tộc Sán Dìu đều có hát đối đáp, nhưng ngày nay do nhiều nguyên nhân khác nhau mà nét văn hóa này dần bị mai một. Chính vì vậy việc trình diễn và dần khôi phục lại loại hình hát đám cưới (hát đối đáp) của dân tộc Sán Dìu sẽ duy trì và phát triển nền văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa của dân tộc Sán Dìu nói riêng

Đỗ Anh Chử (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét