Tục lập mộ nổi của dân tộc Chu Ru và nỗi sợ rợn người - Lâm Đồng (Hoàng Thị Lê)

 Bất cứ khi nào, người đi đường cũng có thể bắt gặp những cái sọ người khô khốc nằm lăn lóc cạnh chum choé, bát đĩa bằng sành sứ, đất nung. Người chết ở cạnh người sống, cách nhau hai lần ván mỏng bởi quan tài và nhà mồ.
Dân tộc i Chu Ru ở huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) có một tập tục lạ lùng, được lưu truyền từ ngàn đời, đó là tục lập mộ nổi. Trong những ngôi nhà nhỏ mái tranh rộng khoảng 9 -12 m2 rêu mốc,
bên trong có hơn chục chiếc quan tài chồng chất lên nhau, nhiều cái hòm ván bị mục nát, lộ sọ người trắng hếu đã ám ảnh cộng đồng người Chu Ru nói riêng và các dân tộc khác sinh sống dưới cao nguyên Langbiang.

Một huyệt mộ chôn cả dòng họ
Trong chuyến lên Tây Nguyên, chúng tôi có dịp đến thăm các buôn làng của người dân tộc Chu Ru tại huyện Đơn Dương (Lâm Đồng). Tại đây, chúng tôi được các già làng kể chuyện về tập tục lập mộ nổi, thay vì chôn người chết xuống đất như nhiều tộc người khác. Ông Jơr Rơng Nga, phó chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Próh (huyện Đơn Dương) cho biết: “Đối với người Chu Ru, mỗi dòng họ sẽ có một huyệt mộ riêng. Khi trong họ hàng có người chết, người Chu Ru đưa quan tài vào huyệt mộ để đó rồi ra về. Mỗi huyệt mộ như thế phải chứa ít nhất 10 quan tài”.


Theo ghi nhận của PV Người Đưa Tin, chỉ riêng tại thôn Pró Trong, trong vòng một tháng, làng có tới hai, ba đám ma coi như là một điều đáng sợ. Bởi thi hài trong quan tài cũ chưa thối rữa hết, lại có thêm một quan tài mới, nên khi đi vào những ngôi nhà mồ chỉ ngửi thấy mùi xác thối rữa. Già làng Gia Phú (76 tuổi, ngụ tại thôn Pró Trong) chia sẻ: “Dân tộc Chu Ru quan niệm rằng, người chết đi, nhưng linh hồn vẫn còn sống và ở thế giới bên kia. Nên trong vòng một tháng kể từ khi người chết được đưa vào huyệt mộ coi như chẳng ai dám đi ngang qua các ngôi nhà mồ. Một số gia đình có vườn, rẫy gần nhà mồ cũng không dám dựng lều ở. Tối đến, nhiều người trong làng cả tháng trời không dám bước chân ra khỏi cửa, vì họ nghĩ, ra ngoài, linh hồn người chết sẽ theo về tận nhà”.

Già làng Ya Phú cho biết, theo tục lệ của dân tộc Chu Ru, người chết được chôn cất trong một nhà mồ chôn tập thể có mái che bằng lá tranh, huyệt mộ chôn chồng chất lên nhau, có thay đổi vị trí huyệt đào cho một người chết, không nằm ngoài khuôn viên nhà mồ hình vuông, có diện tích khoảng trên dưới 16 m2. Người có vị thế, tức là có vai vế lớn như ông bà cha mẹ, thì sẽ đào huyệt chôn về phía mặt trời mọc. Hai bên hông dành cho con cháu, người tôi tớ thì đào huyệt chôn nằm về phía mặt trời lặn.

Qua quá trình tìm hiểu, chúng tôi được biết, mỗi một dòng họ có một nhà mồ nên người Chu Ru thường chôn chung nhiều người trong một huyệt mộ. Khi mộ chung đã có nhiều mộ (trên 20 mộ) thì tổ chức lễ “bỏ mả”. Theo tộc người này, chết chưa thật sự là mất, mà hồn của người chết vẫn vương vấn và có thể quay về trừng phạt người sống. Do tính chất quan trọng như vậy nên đúng một năm sau, người Chu Ru mới làm lễ “bỏ mả”.

Anh Ya Túc (42 tuổi, ngụ tại thôn Pró Trong) trăn trở: “Sau mùa gặt, người Chu Ru bắt đầu làm lễ “bỏ mả”, khi đó trong những ngôi nhà mồ bên vệ đường chỉ còn lại những mảnh gỗ quan tài rỗng. Người dân đi đường sẽ bắt gặp những cái cái sọ người khô khốc nằm lăn lóc cạnh chum choé, bát đĩa, bằng sành sứ, đất nung. Người chết ở cạnh người sống, cách nhau hai lần ván mỏng: Quan tài và nhà mồ”.

Cũng theo anh Ya Túc, lễ “bỏ mả” của người Chu Ru được tổ chức với qui mô lớn, có hàng trăm người tham gia và phô diễn hầu hết những sản phẩm văn hóa – nghệ thuật đặc sắc nhất. Mỗi khi gia đình nào làm lễ thì hầu như cả buôn tạm ngưng chuyện đi rẫy, đi rừng để giúp dựng nhà mồ, cột thờ; điêu khắc tượng và vẽ các hoa văn truyền thống.

Gian nan cuộc chiến với hủ tục

Theo ông Jơr Rơng Nga, đẩy lùi và chống lại tập tục đưa xác người vào mộ nổi, thay vì chôn xuống đất hay hoả táng không hề đơn giản. Đầu những năm 1990, người Chu Ru vẫn duy trì tập tục này nên những gia đình của dân tộc khác tới định cư tại Đơn Dương đã rất phản đối. Bởi, việc lập nhà mồ nổi gây ô nhiễm môi trường trầm trọng. “Bên cạnh đó, người Chu Ru cứ vin vào tục lệ, hễ có người chết thường để xác chết trong nhà quá lâu (5 – 7 ngày). Đồng bào còn có tục hỏi nguyên nhân cái chết. Sau khi liệm, người ta đặt một ống hồ lô có đục lỗ dưới hòm. Các vị chức sắc trong họ và thân nhân người xấu số đứng cách hòm 3 – 4m phóng lao vào lỗ và hỏi: “Vì sao mày chết? Có phải do tranh chấp, thù hằn… Khi nào cây lao trúng đích thì nguyên nhân mới được xác định (?). Nhiều cái chết rành rành do bệnh tật, song vì tập tục này mà phát sinh mâu thuẫn trong dòng họ, buôn làng, lắm khi công an phải can thiệp”, già làng Ya Phú nhớ lại một thời ấu trĩ của dân tộc mình.

Trước tình hình đó, có nhiều người chính địa phương đã đề ra kế hoạch loại bỏ hủ tục nhà mồ nổi. Tuy nhiên, ngay trong đội ngũ nhân dân cũng có ý kiến phản đối, vì cho rằng đi ngược với tập tục của ông bà, trái ý hồn ma sẽ bị họa cháy nhà, dịch bệnh. Ngày nay, hỏi bất kì người Chu Ru nào, họ đều khẳng định rằng, trong suốt một thời gian dài, mất rất nhiều công sức để tuyên truyền vận động đồng bào Chu Ru nên đem người chết ra khu nghĩa địa do trong làng. Ông Jo7r Rơng Nga tâm sự: “Trong những lần đi vận động bà con bỏ tục chôn mộ nổi, một số cán bộ cộng sản đe dọa, hành hung, thương tích nặng…”.

Nhưng theo thời gian, người Chu Ru dần hiểu ra tác hại của việc chôn mộ nổi. Chính các già làng là những người tiên phong để từ bỏ tục chôn người cùng huyệt. Sau khi nghe phân tích về cách chôn mồ mả, các già làng của những dòng họ lớn như Ya, Jơ Rơng, Ma U… đã vận động bà con buôn làng bỏ tập tục đưa xác người vào nhà mồ. Vì thế, ngày nay, vào các buôn làng của người Chu Ru, thấy có nhiều khu nghĩa địa đời sống mới xuất hiện thay cho nhà mồ nổi.

Ông Jơ Rơng Nga vui vẻ bày tỏ về những đổi mới của người Chu Ru: “Giờ đây, vào Đơn Dương, nhìn từ xa sẽ thấy một vài nhà mồ nổi tại nghĩa địa thì đó chỉ là nơi cất giữ tài sản, làm đẹp lòng người chết, chứ không chứa xác như trước… Trong quan niệm của người Chu Ru giờ đây, người chết đã ra đi vĩnh viễn, dòng họ chỉ còn duy trì tục “bỏ mả” nhằm thông báo cho hồn ma rằng, mọi vướng mắc, nợ nần, phân chia tài sản đã xong, người sống đã hoàn thành phận sự của mình, còn những hồn ma hãy về làng ma và trải qua một vài kiếp sống khác rồi trở lại làmngười.

Làm lễ để “vui người chết, khoẻ người sống”
Già làng Ya Phú tiết lộ: “Người Chu Ru quan niệm, người chết đi được một năm thì linh hồn sẽ được lên thiên đàng. Khi đó, người dân trong làng sẽ mang chiêng ra đánh để giao lưu với các thần linh và làm cho hồn người chết siêu thoát, cầu cho dòng tộc khỏe mạnh, nương rẫy được mùa, không bị ma làm hại. Các đôi trai gái nắm tay nhau say sưa nhảy múa theo tiếng chiêng xung quanh ngôi mộ. Các cụ già thi nhau vừa khóc vừa nói theo vần theo điệu, lên bổng xuống trầm để kể lể nhớ thương, tâm sự với hồn người chết”.
 Hoàng Thị Lê (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét