Đến
với Hà Giang những ngày trung tuần của tháng 10 Âm lịch, du khách sẽ được thưởng
thức, đắm mình cùng lễ hội "kéo chày" - một lễ hội độc đáo, nguyên sơ và huyền bí của dân tộc Pà Thẻn.
Dân tộc Pà Thẻn ở Hà Giang hiện có 5.975
người sống tập trung ở các huyện Quang Bình, Bắc Quang, Xín Mần và Hoàng Su
Phì.
Khác với dân tộc Mông thường sinh sống ở trên các triền núi cao, dân tộc
Pà Thẻn lại thường sinh sống, cư trú ở vùng tương đối thấp. Những năm 90 trở về
trước, các hoạt động kinh tế của người Pả Thẻn chủ yếu mang tính tự cung tự cấp,
nguồn thu chính từ nông nghiệp nương rẫy, họ thường du canh du cư. Được sự quan
tâm của Đảng, Nhà nước, những năm gần đây, dân tộc Pà Thẻn bắt đầu định cư ổn định
cuộc sống. Rừng núi bạt ngàn, đất đai màu mỡ là điều kiện tự nhiên thuận lợi.
Sau những ngày thu hoạch xong vụ lúa mùa,
bà con dân tộc Pà Thẻn chọn ngày tốt, thường là ngày 16/10 Âm lịch hàng năm là
ngày tổ chức lễ hội "kéo chày." Theo các già làng dân tộc Pà Thẻn ở xã
Tân Bắc (huyện Quang Bình), người thầy cầm chịch ở lễ hội "kéo chày"
rất quan trọng. Người thầy phải là người giỏi về võ công, khỏe và phải luyện tập
rất công phu, đồng thời phải biết niệm thần chú để cho chiếc chày được nâng lên
khỏi mặt đất mặc dù rất nhiều thanh niên kéo chày xuống bằng mọi cách cũng
không thể kéo được.
Trước khi vào buổi lễ "kéo chày"
người thầy dùng một chiếc chày được làm bằng một đoạn gỗ hoặc vầu, có đường
kính khoảng 10 cm, dài từ 2,5-3m. Sau đó, thầy cầm tay vào chiếc chày, xoay đi
xoay lại mấy vòng và niệm thần chú.
Cùng đó, hai thanh niên người Pà Thẻn trai
tráng, khỏe mạnh ôm chặt chày ở tư thế đối ngược nhau. Vừa xoay chày, người thầy
vừa đọc thần chú, sau đó như có một phép thuật mà không ai có thể diễn tả nổi,
chiếc chày khắc tự xoay và nâng lên khỏi mặt đất, mặc dù hai thanh niên ra sức
kéo xuống cũng không thể kéo được. Lúc này hàng chục thanh niên trai tráng
trong bản cùng nhau kéo chày xuống nhưng cũng không kéo nổi, chỉ khi nào có người
bịt tay vào đầu trên hoặc dưới của chiếc chày thì chiếc chày mới chạm đất, khi
đó lễ kéo chày kết thúc.
Ở lễ hội "kéo chày", những chàng
trai Pà Thẻn nào tham gia luôn nhận được sự tin yêu, thán phục và ngưỡng mộ của
du khách nói chung và các cô gái Pà Thẻn nói riêng. Với dân tộc Pà Thẻn, lễ hội
"kéo chày" là một tục lệ mang tính chất cộng đồng, là dịp để mọi người
cùng nhau vui vẻ, thư giãn sau một ngày mùa bội thu. Qua lễ hội họ cầu mong các
thần linh phù hộ mưa thuận gió hòa, cho dân bản được mùa, đời đời no ấm.Trong lễ
hội "kéo chày," các chàng trai Pà Thẻn ai cũng diện áo mới, mặc quần
chân què, trang trí thêm hai chiếc khăn vắt chéo qua ngực và dùng thắt lưng màu
trắng. Các cô gái Pà Thẻn lại nổi bật hơn trong bộ trang phục màu đỏ tươi, một
bộ nữ phục của các cô gái gồm khăn, áo, thắt lưng, váy, tạp dề. Màu chủ đạo
trên trang phục của các cô gái Pà Thẻn là màu đỏ, nhưng có phối màu với các màu
sáng khác như màu trắng bằng cách ghép vải hoặc dệt thành đường kẻ sọc.
Nếu chú ý một chút, trong trang phục của
các cô gái Pà Thẻn, du khách sẽ thấy cách cắt may và trang trí áo không giống với
bất cứ một kiểu áo nào của dân tộc khác. Với một hình thức trang trí của áo, kết
hợp với những đường thêu và ghép vải khéo léo đã tạo nên cho các cô gái Pà Thẻn
một sự độc đáo riêng có. Đến với lễ hội, các cô gái Pà Thẻn không chỉ xúng xính
đẹp hơn trong bộ quần áo mới mà họ còn đẹp hơn khi đeo các trang sức bằng bạc gồm
vòng cổ, vòng tay và hoa tai.
Mỗi du khách đến với các làng bản của người
Pà Thẻn, Hà Giang trong những ngày này không chỉ được chứng kiến lễ hội
"kéo chày" mà còn được xem lễ hội nhảy lửa, xem các hội thi gói bánh
dài, bánh xường, bánh ốc; được thưởng thức những món ăn truyền thống của dân tộc
Pà Thèn.
Gìn giữ nguyên vẹn nét văn hóa độc đáo của
dân tộc trong cuộc sống của người Pà Thẻn ở Hà Giang nói chung và lễ hội
"kéo chày" nói riêng là một điều rất đáng trân trọng. Với tín ngưỡng tâm
linh, lễ hội "kéo chày" truyền thống của dân tộc Pà Thẻn là kho tàng
văn hóa hết sức phong phú và độc đáo, chứa đựng những giá trị văn hóa tinh thần
đậm nét nhân văn. Với kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian và tri thức địa
phương của dân tộc Pà Thẻn ở Hà Giang đã góp phần bảo tồn nền văn hóa Pà Thẻn
trong nền văn hóa các dân tộc Việt Nam phong phú, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân
tộc./.
Hoàng
Thị Vinh (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét