Dân tộc Chứt (Thanh Hằng)

Cộng đồng dân tộc Chứt gồm các nhóm: Rục, Sách, A-rem, Mày, Mã Liềng và có các tên gọi: Tu vang, Pa leng, Xe lang, Tơ hung, Cha cú, Tắc củi, U mo, Xá lá vàng. Cư trú chủ yếu ở các huyện Minh Hóa, Tuyên Hóa, Bố Trạch của tỉnh Quảng Bình (một số ít ở huyện Hương Khê tỉnh Hà Tĩnh). Dân số 3.800 người, tiếng Chứt thuộc nhóm ngôn ngữ Việt - Mường.

Dân tộc Rục và người A Rem là hai nhóm ít người nhất trong dân tộc Chứt, từ xa xưa họ đã quen sống cách ly với cộng đồng các đân tộc khác. Họ sống trong hang và dựa vào nguồn thức ăn thu được do hái lượm hay săn bắn thú vật, bắt cá dưới suối. Nhất là loại thức ăn bột chủ chốt, thu được từ cây Đoác thuộc họ Cau dừa. Trước đây họ tự đan lấy quần áo từ sợi của vỏ cây Sui thuộc họ Dâu tằm. Ngôn ngữ của dân tộc Rục và dân tộc A Rem là có gốc Austroasiatic nhưng ít bị ảnh hưởng nhiều của tiếng Thái, tiếng Hoa như ngôn ngữ Việt-Mường. Tại xã Thượng Hóa, nơi có nhiều dân tộc Rục nhất cũng chỉ có 324 người. Đường vào xã này hết sức khó khăn cho nên mặc dù đã ra khỏi hang nhưng hầu như họ vẫn có cuộc sống tách biệt với toàn xã hội. Cuộc sống định cư, dân tộc A Rem phải tập đủ thứ, tập cầm cuốc, cầm dao, tập trồng cây, học cách ăn uống đồ nấu chín, cách nuôi gia súc, học cả cách sống trong những ngôi nhà của riêng họ. Dân tộc A-rem đang hồi sinh mạnh mẽ, từ 98 người năm 1992, năm 2005, bản A-rem có 42 hộ với 185 nhân khẩu. Và đến nay, xã đặc biệt này đã có 50 hộ dân với 232 nhân khẩu.


Dân tộc Mã Liềng sống trong rừng sâu, nhà ở chỉ là một túp lều lợp lá cọ gần con suối. Đàn ông đi săn bắt, hái lượm; đàn bà bắt ốc, mò cua. Du canh du cư, đói rét, bệnh tật đã xô đẩy Dân tộc Mã Liềng đến bên bờ tuyệt chủng. Có thời điểm người Mã Liềng ở Lâm Hóa chỉ còn hơn 250 người. Từ khi được cán bộ của xã, huyện vận động ra sống định cư dưới chân dãy Trường Sơn gần khu trung tâm, người Mã Liềng đến nay có 90 hộ/ 370 nhân khẩu định cư ở 3 bản Chuối, Cáo và bản Kè thuộc xã Lâm Hóa, huyện Tuyên Hóa.
Mỗi một nhóm dân tộc Chứt có cuộc sống khác nhau. Nhóm người Sách thì làm ruộng, còn nhóm dân tộc Rục và A-Rem làm nương rẫy... Bên cạnh đó, đồng bào còn săn, bắt, hái, lượm, đánh cá, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nghề mộc và đan lát phổ biến đối với các nhóm người Chứt. Đồ dùng của người Chứt chủ yếu bằng kim loại và vải vóc. Tuy nhiên, trang phục của họ phải mua hoặc trao đổi mới có vì họ không dệt vải như một số dân tộc khác. Hầu hết người Chứt đã định canh định cư, nhưng các làng, bản thường tản mạn và nhà cửa mang tính tạm bợ. Hiện nay, người Chứt thường nhận mình họ Cao, họ Đinh... mỗi dòng họ đều có người tộc trưởng, có bàn thờ tổ tiên chung. Trong làng, tộc trưởng nào có uy tín lớn thì được suy tôn là trưởng làng. Dân tộc Chứt ăn cơm đồ cách thủy, thức ăn thông thường là rau rừng thái nhỏ nấu với ốc, cá bắt ở suối. Trước kia, bọt cây báng và thịt khỉ là thức ăn quan trọng của nhóm dân tộc Rục.
Hình thức phổ biến nhất trong các gia đình của dân tộc Chứt là gia đình nhỏ phụ quyền. Mỗi gia đình chỉ gồm vợ, chồng và con cái chưa lập gia đình. Hôn nhân của người Chứt khá bền vững, hiếm xảy ra bất hòa hoặc bỏ nhau. Khi đến tuổi trưởng thành, trai gái được tự do tìm hiểu yêu đương. Sau khi hai gia đình đồng ý, nhà trai sẽ đến hỏi cưới bên nhà gái, lễ vật quan trọng trong đám cưới nhất thiết phải có thịt khỉ sấy khô. Lễ cưới được tổ chức bên nhà gái, sau đó mới đón dâu. Sau lễ cưới, cô dâu về ở nhà chồng. Tập quán tang gia của Dân tộc Chứt thường tổ chức cúng bái 2-3 ngày, rồi mới đem đi chôn, mồ đắp thành nấm, không có nhà mồ bên trên. Sau 3 ngày, tộc trưởng làm lễ gọi hồn cho người chết về ngụ tại bàn thờ tổ tiên ở nhà tộc trưởng và từ đó về sau người thân không cần chăm sóc phần mộ nữa.
Người Chứt có tập tục thờ cúng tổ tiên. Đồng bào vẫn tin là có ma rừng, ma suối, ma không trung. Thần nông bảo vệ mùa màng là vị thần cao nhất trong hệ thống thần linh theo quan niệm của họ. Ngoài ra, đồng bào còn thực hiện các nghi lễ nông nghiệp như: Lễ xuống giống, lễ sau gieo hạt, lễ cúng hồn lúa, lễ ăn mừng được mùa. Tiêu biểu đó là nghi thức cơm mới. Nghi lễ cơm mới rất quan trọng với đồng bào, đây là dịp để đồng bào tạ ơn trời đất đã đem lại mùa màng bội thu, gia đình mạnh khỏe, nuôi trồng phát đạt... bằng những lễ vật nông nghiệp dâng lên thần linh và các nghi thức cúng lễ. Kết thúc nghi lễ bao giờ cũng là phần hội vui vẻ, sảng khoái mang đậm tính cộng đồng với những trò chơi dân gian, giao lưu văn hóa - văn nghệ cho đến tận đêm khuya mới kết thúc.
Dân tộc Chứt có đời sống văn hóa tinh thên khá phong phú, độc đáo. Nhạc cụ có sáo, khèn bè, đàn ống làm bằng cây lồ ô loại cho nam và loại cho nữ. Kho tàng văn nghệ dân gian của người Chứt đồ sộ, vốn truyện cổ dồi dào gồm nhiều đề tài khác nhau. Làn điệu dân ca Kà - Tưm, Kà - lềnh được nhiều người yêu thích và hay hát.
Thanh Hằng (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét