Dân tộc Chu Ru (Phương Linh)

Người Chu Ru vốn sinh sống định canh định cư và biết làm ruộng từ lâu đời. Nghề trồng trọt chiếm vị trí hàng đầu trong đời sống kinh tế và lúa là nguồn lương thực chủ yếu. Ngoài ra họ còn trồng ngô, khoai, sắn và một số loại rau, đậu trên rẫy hoặc trong vườn; Ba loại hình trồng trọt chủ yếu là ruộng (hama), nương rẫy (apuh) và vườn (pơga).
Người Chu Ru ở Đơn Dương (Lâm Đồng)
Người Chu Ru ở Đơn Dương (Lâm Đồng).

- Dân tộc Chu Ru còn có tên gọi là Chơ Ru, Kru, Choru, Thượng, Ru.
- Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Mã Lai – Đa Đảo.
- Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Chu Ru ở Việt Nam có dân số 19.314 người, cư trú tại 27 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố (tỉnh Lâm Đồng 18.631 người; tỉnh Ninh Thuận 521 người, Tp. Hồ Chí Minh 58 người ...).
- Dân tộc Chu Ru còn có tên gọi là Chơ Ru, Kru, Choru, Thượng, Ru.
- Tiếng nói thuộc nhóm ngôn ngữ Mã Lai – Đa Đảo.
- Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Chu Ru ở Việt Nam có dân số 19.314 người, cư trú tại 27 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố (tỉnh Lâm Đồng 18.631 người; tỉnh Ninh Thuận 521 người, Tp. Hồ Chí Minh 58 người ...).
Về ngành nghề thủ công, người Chu Ru có nghề làm gốm khá phát triển và mang nhiều nét văn hóa đặc sắc. Các sản phẩm gốm của người Chu Ru như: nồi niêu, chén bát, bình dựng nước... không những phục vụ nhu cầu tại chỗ mà còn được mang bán cho cư dân các dân tộc khác. Ngoài ra, người Chu Ru còn có những nét văn hóa đặc trưng về kiến trúc nhà cửa, y phục, trang sức, đặc biệt là trang sức nhẫn bạc và vòng đeo cổ bằng bạc gắn với nghề đúc nhẫn, vòng bạc nổi tiếng.
Trang phục của người Chu Ru, họ mặc giống các dân tộc láng giềng như Mạ, Cơ Ho, đặc biệt là người Chăm. Ngoài ra, đàn ông và phụ nữ Chu Ru còn có khăn đội đầu.
Xã hội truyền thống của người dân tộc Chu Ru dựa trên cơ sở làng (plei), họ sinh sống trên các nhà sàn ngắn, theo từng gia đình độc lập với hình thức gia đình mẫu hệ.
Làng Chu Ru thường là một đơn vị cư trú láng giềng. Một làng bao gồm nhiều dòng họ hoặc gồm cả những người khác tộc cùng cư trú. Đứng đầu làng (plei, plơi) là một chủ làng (pô plơi, pô plei) do tất cả mọi thành viên lựa chọn trong số những người đàn ông lớn tuổi nhất của làng mình (các Tha Plơi) để bầu ra. Ông là người được đông đảo mọi thành viên trong làng tín nhiệm, là người có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và chiến đấu, hiểu biết lịch sử, phong tục tập quán của làng và dân tộc mình. Ngoài chủ làng, thầy cúng, bà đỡ, già làng là những người cũng có vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, kinh tế và đời sống tín ngưỡng của cộng đồng làng.
Người Chu Ru vốn cư trú trên một lãnh thổ tương đối ổn định nên từ trước đến nay thường có quan hệ hôn nhân trong nội bộ dân tộc. Tuy nhiên, họ vẫn có ít nhiều quan hệ hôn nhân với người Cơ Ho và người Raglai láng giềng.
Chế độ hôn nhân của người Chu Ru là chế độ hôn nhân một vợ một chồng và cư trú bên vợ. Người phụ nữ đóng vai trò chủ động trong hôn nhân mà họ thường gọi là tục "bắt chồng".
Gần đây những gia đình hiếm muộn (chỉ có một con trai) hoặc những gia đình giầu có cũng đã có một ít trường hợp người con trai đi hỏi vợ và cư trú bên chồng. Nhưng con cháu và mồ mả của họ sau này vẫn thuộc về dòng họ mẹ.
Tín ngưỡng của người Chu Ru là thờ đa thần (vạn vật hữu linh). Lễ cúng tổ tiên (pơ khi mô cay) của người Chu Ru khác hẳn với lễ cúng tổ tiên của người Kinh. Việc hành lễ không có ngày tháng nào nhất định. Có thể hai, ba năm hay hai, ba mươi năm mới cúng một lần, tùy theo hoàn cảnh kinh tế của mỗi gia đình, mỗi dòng họ. Trong nhà người Chu Ru cũng không có bàn thờ hay bài vị, họ chỉ lập bàn thờ và tiến hành nghi lễ vào một dịp nào đó ngoài nghĩa địa.
Ngoài lễ cúng tổ tiên, người Chu Ru còn có các nghi lễ nông nghiệp như: cúng thần đập nước (Bơ mung), thần mương nước (Rơ Bông), thần lúa khi gieo hạt (Mơ nhum), ăn mừng lúa mới … Lễ trọng của người Chu Ru là lễ cúng thần Bơ mung. Trong mỗi vùng cư trú, người Chu Ru giành một nơi riêng để thờ cúng vị thần này. Lễ cúng vào dịp tháng hai âm lịch, dân làng thường cúng bằng dê, còn chủ làng phải cúng bằng ngựa.
Cũng vào tháng hai hàng năm, người Chu Ru còn cúng Yang Wer. Đó là một cây cổ thụ gần làng và được coi là một nơi ngự trị của một vị thần có nhiều quyền phép. Trước khi ra về, mỗi gia đình hái một nhánh cây cắm trước cửa nhà, cả làng kiêng kị 15 ngày, không ai được rời khỏi làng.
Ngoài tín ngưỡng truyền thống kể trên, hiện nay đạo Thiên Chúa Giáo và đạo Tin Lành đang phát triển sâu rộng trong vùng người dân tộc Chu Ru ở địa phương.
Người Chu Ru có vốn ca dao, tục ngữ khá phong phú; trong đó nổi bật là những câu ca tụng chế độ mẫu hệ, đề cao vai trò của người phụ nữ trong xã hội cổ truyền. Họ có kho tàng truyện cổ ca ngợi cuộc đấu tranh bất khuất của người lao động với thiên nhiên và xã hội để dành lấy cuộc sống hạnh phúc. Đến nay, họ còn lưu truyền một số trường ca mà các già làng thường kể bên bếp lửa nhà sàn cho con cháu nghe, suốt đêm này qua đêm khác... Đây là một nguồn tư liệu lịch sử quý giá trong kho tàng văn học nghệ thuật dân gian của người dân tộc Chu Ru.
Về nhạc cụ, ngoài trống, kèn (rơkel), đồng la (sar)... còn có r’tông, kwao, tenia, là những nhạc cụ đặc sắc của người dân tộc Chu Ru. Trong những ngày vui, họ thường tấu nhạc với điệu Tam-ga, một vũ điệu điêu luyện mang tính cộng đồng, hầu như người nào cũng biết và ưa thích.
Do tác động của kinh tế thị trường trong quá trình hội nhập, giờ đây nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Chu Ru cũng đang bị mai một dần. Bởi vậy, việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Chu Ru trong thời điểm hiện nay là hết sức bức thiết. Ngoài những chính sách của Đảng, Nhà nước thì cần sự ý thức chung tay của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là chính cộng đồng dân cư dân tộc để đồng bào hiểu được, tự hào và tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Theo số đông các người già của người dân tộc Chu Ru ở tỉnh Lâm Đồng, trước đây họ vốn là một nhóm con cháu của người dân tộc Chăm đã từng sinh sống ở vùng duyên hải Trung Bộ. Vì lý do lịch sử nào đó khiến cho một số người phải rời bỏ quê hương để đi tìm nơi đất mới. Những người di dân ấy đã tự đặt cho mình tên gọi Chu Ru.
Phương Linh (sưu tầm) 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét