Lễ rước Kagor ra nhà mồ.
Người Raglai quan niệm, có hai thế giới
song song tồn tại là thế giới của người sống và thế giới của những người đã khuất.
Khi người chết đã được chôn cất, vẫn còn mối quan hệ với người đang sống, bởi
linh hồn của người chết vẫn còn lẩn khuất trong cõi nhân gian, nên phải làm Lễ
Bỏ mả để chính thức chấm dứt mối quan hệ này. Đây là nghi lễ quan trọng nhất
trong các nghi lễ vòng đời của người Raglai - lễ chia tay vĩnh viễn giữa người
sống và người chết để người chết được trở về thế giới vĩnh hằng.
Lễ Bỏ mả được tổ chức theo hai hình thức:
bỏ mả cùng lúc với đám tang hay bỏ mả có thời gian chuẩn bị. Bỏ mả cùng với đám
tang sẽ thuận tiện cho gia đình hơn, song hiện nay, ở huyện Khánh Sơn, tỉnh
Khánh Hòa, nhiều gia đình có người chết vẫn chọn hình thức bỏ mả có thời gian
chuẩn bị, vì nó phù hợp với tình cảm của con người khi buộc phải dứt mọi quan hệ
với người thân vừa khuất.
Theo luật tục của người Raglai, khi tổ chức
Lễ Bỏ mả cho người thân, gia đình phải mời đủ những người đã từng tham dự lễ
tang để họ chia tay lần cuối với người chết, đồng thời để bày tỏ lòng tri ân của
gia đình đối với cộng đồng. Vì vậy, để tổ chức cho Lễ Bỏ mả, gia đình phải chọn
ngày giờ, sau đó phải chuẩn bị trước hàng tháng việc ủ rượu cần, dựng sạp lễ,
làm nhà mồ, trang trí nhà mồ và đặc biệt là làm Kagor, một con thuyền gỗ với
nhiều vật trang trí, đặt trên nóc nhà mồ trong Lễ Bỏ mả - biểu tượng cho nơi
trú ngụ của ông bà ở thế giới bên kia. Kagor là những gì còn sót lại trong ký ức
về biển của người Raglai, là miền quê hương xa vời, là nguồn cội mà họ hướng về
tới tất cả lòng thành kính. Người Raglai tin rằng, càng có nhiều vật trang trí
gắn trên Kagor thì người chết càng nhận được nhiều niềm vui ở thế giới bên kia.
Lễ Bỏ mả thường được tiến hành trong ba
ngày.
Ngày thứ nhất, mở đầu bằng việc bầu chủ
nhang, chọn ra ba người điều hành toàn bộ các nghi thức trong Lễ Bỏ mả, là những
người cao tuổi trong Plơi (buôn), hiểu luật tục Raglai, biết những bài cúng và
được mọi người kính trọng. Họ làm lễ khấn xin phép người chết để được làm chủ
nhang và phụ lễ, sau đó mặc lễ phục và khấn xin phép đưa linh hồn người chết ra
mộ. Chủ nhang cầm “vật thiêng dẫn hồn” dẫn đoàn người từ nhà ra mộ, theo sau là
những người bưng cỗ, phụ lễ, rồi đến gia đình, họ tộc của người chết để làm lễ
“Dặn hồn mả” ngay tại mộ. Đây là nghi thức thông báo với người chết về thời
gian, lịch trình và những nghi thức liên quan đến Lễ Bỏ mả. Sau đó, mọi người
trở về nhà, chuẩn bị cúng Kagor vào buổi chiều.
Cúng Kagor là nghi thức quan trọng trong Lễ
Bỏ mả, được tổ chức trang trọng với sự tham dự của các thành viên trong gia
đình và họ tộc, nhằm xin với ông bà cho linh hồn người chết được về với ông bà.
Chủ nhang và phụ lễ đốt nhang, phát cho những người dự lễ, rồi ngồi xếp bằng
trước Kagor và khấn. Khi chủ nhang khấn, những người phụ nữ bắt đầu khóc tế.
Sau lần khấn thứ ba, chủ nhang lấy trầu, rượu ném vào “cỗ giỏ” (chiếc gùi) đặt
cạnh Kagor và đội nhạc bắt đầu tấu lên điệu nhạc Tumaya - điệu nhạc dành riêng
cho Lễ Bỏ mả. Chủ nhang sẽ cầm “vật thiêng dẫn hồn” dẫn mọi người đi 6 vòng ngược
chiều kim đồng hồ quanh Kagor để dẫn hồn người chết tìm nơi ăn uống. Người
Raglai tin rằng, hai cõi âm dương trái ngược nhau, vì vậy những thứ cúng cho
“ma” cũng chỉ là những đồ vật mang tính biểu trưng. Các thầy cúng khấn xong sẽ
cùng người nhà ném những vật để cúng vào “cỗ giỏ”, người thân cắm nhang xung
quanh nhà và khấn lần cuối để kết thúc Lễ Kagor.
Ngày thứ hai, được xem là ngày lễ chính,
ngày mọi người trong gia đình, làng xóm, bè bạn cùng nhau ăn bữa cơm cuối cùng
để chấm dứt mối quan hệ với người chết tại nhà mồ.
Mở đầu ngày thứ hai là “Lễ đập heo, đập
gà”, diễn ra tại sân của nhà có người chết. Chủ nhang khấn bày tỏ sự tiếc
thương các sinh linh được chọn làm vật hiến sinh, sau đó cắt tiết gà, heo trộn
vào trong một bát tô, đặt lên mâm lễ chính và mang tới mả người chết. Nhà mồ của
người chết được dựng khang trang cùng với “chiếc thang bảy nấc” để người chết
đi về. Chiếc thang được làm từ đòn khiêng quan tài người chết, vạt bảy nấc, mỗi
nấc buộc một chiếc đũa con, tượng trưng cho nấc thang rồi chôn ngược, nghiêng về
phía mặt trời lặn, phía trên úp một quả bầu đựng nước, dưới gốc kê một phiến đá
bằng cho người chết làm nơi tắm giặt. Chủ nhang ngồi vào nhà mồ để bày lễ vật
ra cúng “Mời hồn mả về nhà ăn cơm”, để cùng với gia đình, xóm giềng, bạn bè ăn
bữa cơm chuẩn bị “dứt đứt”. Đây là bữa cơm vui vẻ, khi mà chủ lễ cho biết người
chết đã chấp nhận lễ, mọi người ăn bốc cùng với người chết lần cuối ngay tại
nhà mồ, sau đó quay trở lại nhà để “làm tầng mả cho người chết”, báo với ông bà
việc làm “Lễ Dứt đứt” với người chết vào ngày hôm sau. Mọi người sẽ ở lại dự lễ
và ca hát suốt đêm để người sống và người chết không còn vướng bận đến nhau.
Ngày thứ ba, chủ nhang và gia đình người
chết tiến hành “cúng cơm sáng”, nghi thức xin phép ông bà chuyển Kagor về nhà mồ
của người chết. Chủ lễ khấn mời rượu ông bà, rồi cùng đội chiêng múa hai vòng
quanh Kagor để mời hồn ma trở về với người chết. Sau nghi lễ “cúng cơm sáng” là
“Lễ Dứt đứt”, một nghi thức mang tính tập tục truyền đời của người Raglai, với
các nghi lễ: “chia của”, “tiễn Kagor” và “dứt đứt”. Theo quan niệm của người
Raglai, tài sản của vợ chồng khi còn sống làm ra là tài sản chung nên phải chia
đều cho cả người vợ hoặc chồng đã chết. Tuy nhiên, sự phân chia này chỉ là tượng
trưng và các tài sản tượng trưng ấy được chạm, khắc trên các cột trụ ở nhà mồ
nên “Lễ Chia của” mang tính thiêng mà không lãng phí. Lễ tiễn Kagor để rước
Kagor từ nhà người chết đến nhà mồ và ngay sau là “Lễ Dứt đứt” được tiến hành tại
nhà mồ. Chủ lễ lấy tấm vải trắng được dùng để phủ lên buồng chuối tại bàn lễ
trùm lên đầu mình, cùng hai phụ lễ dẫn đội chiêng múa quanh nhà mồ rồi khấn vái
trước Kagor, xin ông bà cho tiến hành cuộc lễ. Sau đó, người ta đưa chiếc
Kagor gắn lên đỉnh nhà mồ và chủ lễ tiếp tục nghi thức cúng để rước linh hồn
người chết về phù hộ cho gia đình. Kết thúc nghi lễ, em của người chết đem “vật
thiêng giữ hồn người chết” vào trong nhà mồ để làm nghi thức chôn, chấm dứt mọi
mối quan hệ giữa hai cõi Âm - Dương. Kết thúc Lễ Bỏ mả, mọi người đều trở về
nhà để làm lễ “Dặn dò người sống” không buồn nữa. Tất cả cùng nhau ăn uống, ca
hát, nhảy múa vui vẻ đến thâu đêm.
Lễ Bỏ mả hiện vẫn được thực hành và trao
truyền trong cộng đồng người Raglai. Tuy nhiên, một số nghi thức và lễ vật sử dụng
trong các nghi lễ đã thay đổi cho phù hợp với vệ sinh môi trường và sức khỏe cộng
đồng. Đây là nghi lễ có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh của người
Raglai và cũng tích hợp các giá trị văn hoá, nghệ thuật truyền thống, thể hiện
sự sáng tạo và mang giá trị gắn kết cộng đồng. Với những giá trị nổi bật đó,
năm 2012, Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã quyết định đưa Lễ Bỏ mả
của người Raglai ở huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa vào Danh mục di sản văn hóa
phi vật thể quốc gia, thuộc loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng.
Đàm Minh Phiếu (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét