Tháng ba, tiết trời dịu nhẹ pha cái rét hanh hao như muốn
nhắc trời còn xuân. Tháng ba cũng là tháng diễn ra nhiều ngày lễ truyền thống của
người Việt: Tiệc mùng Ba tháng Ba thơm mùi bánh trôi “bảy nổi, ba chìm”, rồi
ngày Giỗ Tổ mùng Mười tháng Ba gợi nhắc con cháu nhớ về quê cha, đất Tổ và
không thể quên ngày Tết Thanh minh mà đại thi hào Nguyễn Du đã viết:
"Thanh minh trong
tiết tháng Ba
Lễ là tảo mộ, hội là đạp
thanh"
Ngày Tết Thanh minh người
Việt thường đi tạ mộ (tảo mộ) để tưởng niệm hương hồn người đã khuất và sửa
sang phần mộ vốn được coi là “nhà cửa” của tổ tiên và người thân. Việc chăm
sóc, cúng bái nơi phần mộ thể hiện nét văn hóa tâm linh, phong tục tập quán của
từng dân tộc. Nếu người Kinh ở một số nơi thường đi tảo mộ vào dịp cuối tháng
Chạp với ý nghĩa mời ông bà, tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu thì người Sán Dìu
lại đi tảo mộ vào đúng dịp thanh minh ghi trong lịch âm để mong tổ tiên phù hộ
cho con cháu sáng tỏ thông minh như ý nghĩa của hai từ “Thanh minh”. Tùy vào từng
năm, ngày Tết Thanh minh sẽ xê dịch khác nhau, nhưng thường rơi vào tháng 2 hoặc
tháng 3 âm lịch. Đồng bào Sán Dìu rất coi trọng ngày Tết Thanh minh và tổ chức
khá linh đình với nghi lễ mang bản sắc rất riêng.
Chúng tôi tìm về miền Cửu
Yên, xã Hợp Châu (Tam Đảo) - nơi đa số là người dân tộc Sán Dìu sinh sống để
tìm hiểu bản sắc riêng ấy trong ngày Tết Thanh minh. Người Sán Dìu Hợp Châu nói
riêng và huyện Tam Đảo nói chung có phong tục “nhất táng thiên thu” người chết
chỉ chôn một lần, không cải táng như phong tục của người Kinh, do vậy, việc
chăm sóc “nhà cửa” của tổ tiên, ông bà, cha mẹ hàng năm rất được coi trọng. Tại
khu nghĩa địa của hai thôn Cửu Yên 1 và Cửu Yên 2 rất nhiều gia đình đang sắm lễ
tảo mộ tại các mộ phần của tổ tiên mình với lòng thành kính. Ông Tạ Văn Liên –
Thôn Cửu Yên, xã Hợp Châu cho biết: “Người Sán Dìu chúng tôi rất coi trọng tết
Thanh minh. Hàng năm, sẽ có một ngày chính nó cách 106 ngày sau ngày tết Đông
chí. Năm 2016 này là ngày 4/4 dương lịch, trước hoặc sau 3 ngày (lấy ngày chính
hội làm mốc), người Sán Dìu sẽ tụ họp con cháu trọng họ đi tảo mộ để cầu mong tổ
tiên phù hộ. Trước đây, trước ngày đi tảo mộ, người phụ nữ Sán Dìu thường đi đi
kiếm lá lau xau trên rừng, chém nhỏ mang ngâm lấy nước, bỏ bã, lấy một con dao
cùn nung đỏ rồi nhúng vào nước ngâm lá lau xau, vo gạo nếp, để khô rồi ngâm gạo
vào nước lá lau xau đã đun sôi, sau đó lấy gạo đó mang đồ xôi, xôi sẽ có màu
đen, gọi là xôi đen. Nhưng ngày nay, lá lau xau rất khó kiếm nên người Sán Dìu
đã thay bằng xôi đỗ, xôi trắng để cúng tổ tiên với ngụ ý là mong muốn được con
đàn cháu đống.
Đến mỗi ngôi mộ, người
Sán Dìu sẽ dọn sạch cỏ dại, đắp lại đất cho gọn gàng hoặc quét lại vôi cho mới.
Sau đó, treo 5 cán cờ nhỏ có dán giấy hình nhân với màu sắc rực rỡ ở 4 góc mộ
và chính giữa mộ. Mộ nào có nhiều cờ hình nhân treo lên 5 cán thì chứng tỏ người
đó có đông con, đông cháu. Mâm cơm cúng của người Sán Dìu ở mộ gồm có 5 nắm
xôi, 5 con cá trôi trắng nướng, 5 chén rượu. Người già nhất trong gia đình sẽ đọc
bài cúng thể hiện sự thành kính và cầu mong tổ tiên phù hộ cho con cháu có cuộc
sống khỏe mạnh, đủ đầy. Khi hương tàn, tất cả mọi người ngả mâm quây quần cùng
ăn ngay tại mộ, chuyện trò vui vẻ như muốn tri ân cùng người quá cố.
Ông Lâm Văn Chân – Thôn
Cửu Yên 1, xã Hợp Châu chia sẻ: “Sau khi cả dòng họ cùng tảo mộ của những mộ phần
của ông bà tổ tiên cách đó khoảng 2 hôm thì đến ngày chính tết Thanh minh con
cháu từng gia đình lại có lễ vật riêng để đi ra tảo mộ để thể hiện sự thành
kính và cầu mong tổ tiên phù hộ cho gia đình nhà mình”. Ngày tảo mộ thì có thể
trước, sau 3 ngày nhưng đến ngày chính thanh minh thì mỗi gia đình lại tập
trung con cháu làm cơm cúng tại nhà. Mâm cơm ở nhà cũng đơn giản không cầu kỳ
tùy thuộc gia cảnh của từng gia đình nhưng thường có gà, có bánh con, bánh
trôi… Sau khi cúng tổ tiên xong thì con cháu anh em trong nhà cùng nhau ăn uống
sum vầy, đầm ấm.
Tết Thanh minh tuy là tết
nhỏ, nhưng nó mang ý nghĩa lớn là sự báo hiếu đối với những người đã khuất
trong dòng họ, là dịp để các thành viên trong gia đình thể hiện lòng biết ơn và
ôn lại truyền thống tốt đẹp của họ tộc, cũng là dịp để cao niên trong họ truyền
lại cho con cháu đời sau ghi nhớ đến phần mộ của ông bà, tổ tiên. Đây cũng là
nét đẹp mang bản sắc của người Sán Dìu cần được gìn giữ và lưu truyền cho muôn
đời sau./.
Hải Yến (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét