(Mỗi nền văn hóa đều có một nét đẹp, một sức
hút riêng biệt. Văn hóa của cộng đồng người dân tộc Chu Ru cũng không ngoại lệ.
Những nét đẹp, nét độc đáo ấy không chỉ khiến cho nhiều nhà nghiên cứu, nhiều hậu
duệ của người Chu Ru mà đến những người không mang trong mình dòng máu Chu Ru
cũng mong muốn được góp sức mình vào việc lưu giữ những giá trị văn hóa vô giá.
Đó là câu chuyện về nhóm sưu tầm cổ vật tại xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương. Bằng
tình yêu của mình, họ đã và đang bảo tồn những “báu vật” của cộng đồng người
Chu Ru trên mảnh đất cao nguyên Lâm Đồng.
Được dành một vị trí trang trọng trong
khuôn viên của nhà thờ gỗ Ka Đơn tại xã Ka Đơn, huyện Đơn Dương, phòng trưng
bày cổ vật của người Chu Ru được hình thành từ năm 1998 do linh mục Nguyễn Đức
Ngọc – quản xứ Ka Đơn khởi xướng. Với diện tích hơn 50 m2, phòng trưng bày như
một bảo tàng thu nhỏ, tập hợp những đồ dùng của đồng bào dân tộc Chu Ru cách
đây hàng trăm năm. Trong bảo tàng ấy, cùng với những văn bản giới thiệu đầy đủ
về lịch sử và văn hóa Chu Ru thì những hiện vật có giá trị như cồng, chiêng,
gùi, những chóe rượu cần, trang phục truyền thống hay cây nêu, đàn đá, kèn môi,
kèn bầu…như tái hiện lại cuộc sống của cộng đồng người Chu Ru xưa. Mỗi góc nhỏ
trong phòng trưng bày là một câu chuyện về văn hóa và về đời sống sinh hoạt hằng
ngày của người Chu Ru.
Đồng hành cùng với linh mục Nguyễn Đức Ngọc
trên con đường đi tìm những cổ vật của người Chu Ru còn có 12 thành viên trong
nhóm sưu tầm. Trong số các thành viên, dù là người Kinh hay người Chu Ru thì điểm
chung lớn nhất giữa họ chính là tình yêu với những giá trị văn hóa truyền thống.
Không chỉ dày công tìm kiếm những cổ vật, mỗi thành viên trong nhóm sưu tầm còn
là một dịch giả trong nhóm dịch thuật do linh mục Nguyễn Đức Ngọc thành lập. Với
quan niệm “ngôn ngữ là thành trì văn hóa đầu tiên và cũng là thành trì cuối
cùng của mỗi dân tộc”, trong suốt 16 năm qua, nhóm dịch thuật đã cùng nhau chuyển
ngữ rất nhiều câu chuyện dân gian, ca dao, tục ngữ và cả những bài dân ca sang
tiếng Chu Ru. Trong nhóm, có thành viên tuổi đã quá thất tuần nhưng hằng ngày vẫn
miệt mài với từng con chữ với mong muốn bảo vệ vững chắc thành trì văn hóa của
người Chu Ru.
Nhà
thờ Ka Đơn còn là nơi nhận nuôi hơn
20 em nhỏ người Chu Ru. Để các em không quên đi tiếng nói của dân tộc mình, bên
cạnh việc sử dụng tiếng Kinh, các thành viên trong nhóm dịch thuật thường trò
chuyện với các em bằng tiếng Chu Ru. Những câu chuyện, bài hát sau khi được dịch
xong cũng được truyền dạy cho những hậu duệ này của người Chu Ru. Bảo tàng thu
nhỏ của người Chu Ru tại nhà thờ Ka Đơn, xã Ka Đơn huyện Đơn Dương là thành quả
của hành trình kéo dài suốt 16 năm của nhóm sưu tầm. Thế nhưng hành trình này vẫn
chưa kết thúc vì việc bảo vệ một nền văn hóa khỏi nguy cơ mai một đều được các
thành viên trong nhóm sưu tầm và cả giới chuyên môn đánh giá đó là một chặng đường
dài.
Phòng trưng bày những cổ vật của người Chu
Ru tại nhà thờ gỗ Ka Đơn sẽ ngày một phong phú hơn, mục đích chính không phải để
thu hút khách du lịch mà quan trọng hơn hết là để những người con mang trong
mình dòng máu Chu Ru nhận ra được những nét đẹp, nét đặc sắc trong văn hóa của
dân tộc họ. Để rồi mỗi hậu duệ của người Chu Ru tự hình thành ý thức bảo vệ những
giá trị văn hóa mà họ đang có./
Hoàng Hồng Hải (sưu tầm).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét