Hà Giang, mảnh đất cực Bắc địa đầu của Tổ quốc, nơi hội tụ
22 dân tộc anh em cùng chung sống với sự đa dạng về văn hóa.
Đến với Hà Giang những ngày Tết Nguyên đán, không chỉ được
chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của Cao nguyên đá Đồng Văn, được ngắm những cánh rừng
hoa đào, hoa mận, hoa lê đua nhau khoe sắc mà mỗi du khách còn được tìm hiểu
nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Pà Thẻn, được tận mắt chứng kiến
phong tục đón Tết cổ truyền đậm đà bản sắc dân tộc.
Hiện nay, dân tộc Pà Thẻn ở Hà Giang (đứng thứ chín về tỷ lệ dân số theo Niên giám thống kê tỉnh Hà Giang) hiện có 6.055 người, sống tập trung ở các huyện Quang Bình, Bắc Quang, Xín Mần và Hoàng Su Phì.
Khác với dân tộc Mông thường sinh sống ở trên các triền núi
cao, dân tộc Pà Thẻn lại thường sinh sống, cư trú ở vùng tương đối thấp so với
các huyện vùng cao của Hà Giang.
Các hoạt động kinh tế của người Pả Thẻn chủ yếu mang tính tự
cung tự cấp, nguồn thu chính từ nông nghiệp nương rẫy. Từ những năm 1960 trở về
trước, người Pà Thẻn vẫn tồn tại hình thức sống du canh du cư. Những năm gần
đây, được sự tuyên truyền, vận động, quan tâm giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, dân tộc
Pà Thẻn bắt đầu định cư ổn định cuộc sống.
Tết Nguyên đán là một cái tết lớn và có một ý nghĩa rất
quan trọng đối với dân tộc Pà Thẻn. Sau một năm lao động vất vả, thành quả của
bà con dân tộc là thóc đầy bồ, ngô đầy gác bếp và gia súc đầy chuồng.
Cũng như bao dân tộc khác, dân tộc Pà Thẻn luôn háo hức đón
tết và mong chờ tết đến. Tết đến vừa là dịp nghỉ ngơi của bà con sau một năm
lao động vất vả, vừa là dịp để những người thân đi xa lâu ngày về đoàn tụ.
Ngày tết còn là dịp để mọi người làm trọn nghĩa vụ với dòng
tộc, gia đình, tổ tiên. Chính vì vậy, vào dịp Tết Nguyên đán, dân tộc Pà Thẻn
chuẩn bị kỹ lưỡng mọi lễ vật dâng tiến tổ tiên để mời các cụ thể thưởng tết
cùng con cháu.
Cứ đến chiều 30 Tết, cả bản dân tộc Pà Thẻn lại tổ chức
cúng thổ công làng mình để mong muốn các lực lượng siêu nhiên phù hộ cho dân bản
luôn mạnh khỏe, làm ăn thuận lợi, mưa thuận gió hoà.
Địa điểm cúng là trước cửa nhà ông trưởng bản hoặc ở nơi
cao nhất trong bản. Lễ vật thường là một miếng thịt lợn, một chai rượu, một đôi
bánh dày, hai tờ giấy bản, hai bó hương.
Lễ cúng ma bản không chỉ có ý nghĩa sinh hoạt văn hóa mà
con nhằm củng cố tinh thần đoàn kết của dân tộc Pà Thẻn trong xây dựng bản
làng, xây dựng nông thôn mới.
Khác với các dân tộc thiểu số khác, dân tộc Pà Thẻn ở Hà
Giang có một phong tục độc đáo là thờ bát nước lã quanh năm trên bàn thờ tổ tiên
của gia đình, bên trên bát nước lã này được úp một chiếc đĩa.
Theo các già làng dân tộc Pà Thẻn: Bát nước đó tượng trưng
cho biển, bát nước chứa đựng hồn tổ tiên và các thành viên trong gia đình. Bát
nước này không bao giờ được cạn vì nếu để cạn thì gia đình sẽ có người ốm đau,
bệnh tật hoặc gặp điều không may.
Bàn thờ tổ tiên chỉ được cúng chính thức một lần vào đêm 30
Tết Nguyên đán. Lễ vật sẽ được các gia đình dân tộc Pà Thẻn chuẩn bị gồm năm
chén rượu, một con gà trống thiến luộc chín và 10 cặp bánh dày.
Vào đêm 30 Tết, tất cả bản dân tộc Pà Thẻn, gia đình nào
cũng cửa đóng, then cài. Tất cả các cửa trong ngôi nhà đều được bà con bịt kín.
Sau khi đóng kín mọi ô cửa, chủ nhà mới lấy bát nước trên bàn thờ xuống lau
chùi, cọ rửa và thay nước mới và cứ sáu tháng một lần mới được đổ thêm nước.
Lúc đó, nghi thức cúng giao thừa mới được bắt đầu.
Trong đêm giao thừa, trong nhà thường bí mật nấu một nồi
cháo gà để cả gia đình cùng ăn. Ăn cháo xong, gia chủ mới làm lễ xin nước mới
vào bát nước thờ. Việc làm này giữ bí mật trong nhà không lộ ra ngoài, theo tín
ngưỡng của bà con nếu lộ ra thì trong năm mới gia đình làm ăn vất vả, con cái ốm
đau bệnh tật.
Sáng sớm mùng một Tết, người trong nhà xách súng kíp ở lách
cửa phụ, cửa hậu ra sân bắn ba phát. Dứt tiếng nổ, mọi người trong nhà mở toang
các cửa để cùng vui đón năm mới.
Cũng trong buổi sáng ngày mùng một Tết, gia chủ làm lễ xin nước ở nguồn nước để mong mong ma nguồn nước cho nước sạch, cho nước đều quanh năm cho bản và cho gia đình.
Cũng trong buổi sáng ngày mùng một Tết, gia chủ làm lễ xin nước ở nguồn nước để mong mong ma nguồn nước cho nước sạch, cho nước đều quanh năm cho bản và cho gia đình.
Đến với Hà Giang, đến với dân tộc Pà Thẻn trong dịp Tết
Nguyên đán, du khách sẽ còn được xem lễ hội ''kéo chày,'' lễ hội ''nhảy lửa''
thật độc đáo. Được tận mắt chứng kiến các hội thi gói bánh sừng trâu, bánh dài,
bánh xường, bánh ốc; được thưởng thức những món ăn truyền thống của dân tộc Pà
Thèn.
Qua lễ hội này, dân tộc Pà Thẻn luôn cầu mong các thần linh
phù hộ mưa thuận gió hòa, cho dân bản được mùa, đời đời no ấm.
Đặc biệt, du khách còn được chiêm ngưỡng các bộ trang phục
truyền thống đặc sắc riêng có của các chàng trai, cô gái Pà Thẻn.
Nổi bật hơn trong trang phục truyền thống của mình, các cô
gái Pà Thẻn luôn mặc cho mình bộ trang phục màu đỏ tươi, một bộ nữ phục của các
cô gái gồm khăn, áo, thắt lưng, váy, tạp dề.
Màu chủ đạo trên trang phục của các cô gái Pà Thẻn là màu đỏ,
với một hình thức trang trí của áo, kết hợp với những đường thêu và ghép vải
khéo léo đã tạo nên cho các cô gái Pà Thẻn một sự độc đáo riêng có.
Gìn giữ nguyên vẹn nét văn hóa độc đáo của dân tộc trong cuộc
sống của người Pà Thẻn ở Hà Giang nói chung và phong tục đón Tết Nguyên đán
truyền thống của dân tộc Pà Thẻn là kho tàng văn hóa hết sức phong phú và độc
đáo, chứa đựng những giá trị văn hóa tinh thần đậm nét nhân văn.
Dẫu rằng cuộc sống của đồng bào dân tộc Pà Thẻn ở Hà Giang
vẫn còn rất nhiều khó khăn, song những ngày Tết đến Xuân về, tất cả bà con nơi
đây đều gác lại mọi bộn bề, lo toan, họ vui chơi thoải mái để chuẩn bị cho một
năm lao động sản xuất mới.
Bên bếp lửa hồng ấm cúng, gia chủ và du khách cùng uống những
chén rượu ngô thơm ngây ngất chúc nhau mọi điều tốt đẹp, bình an, may mắn.
Khám phá những nét văn hóa riêng biệt của mỗi dân tộc thiểu
số trong ngày Tết cổ truyền, mỗi chúng ta càng thêm yêu, thêm quý mảnh đất biên
giới cực Bắc Tổ quốc vẫn lưu truyền những cái tết đơn sơ, giản dị mà ấm cúng,
chan chứa yêu thương./.
Minh Tâm (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét