Dân ca Pà Thèn (Đàm Minh Phiếu)

Dân tộc Pà Thẻn tự gọi mình là Pà Hưng, Tống. Các dân tộc anh em khác thì gọi người Pà Thẻn là Mèo Lài, Mèo Hoa, hoặc Mèo Dỏ. Trong thư tịch cổ xưa, người dân tộc Pà Thẻn được nhắc đến với tên Bát Tiên Tộc. Một số học giả người Pháp gọi người dân tộc Pà Thẻn là Mán Pa Seng hay Mán Pa Teng và họ xếp vào nhóm Mản với người Cao Lan, Sán Chỉ, Sán Dìu,tiếng nói thuộc ngữ hệ H'mông – Dao.

Theo Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009, người Dân tộc Pà Thẻn ở Việt Nam có dân số 6.811 người, có mặt tại 32 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố. Người Dân tộc Pà Thẻn cư trú tập trung tại các tỉnh: Hà Giang (5.771 người, chiếm 84,7% tổng số người Pà Thẻn tại Việt Nam), Tuyên Quang (877 người), Đồng Nai (27 người), Thái Nguyên (25 người), Hà Nội (20 người).

Theo truyền thuyết xưa của người dân tộc Pà Thẻn kể lại rằng:
Trước kia tổ tiên của họ ở vùng Than Lò (Trung Quốc), các dân tộc xung quanh gọi họ là Húng Dao hoặc là Thầu Dao. Người dân tộc Pà Thẻn di cư đến nước ta cách ngày nay vào khoảng từ 200 làm đến 300 năm, cùng với các nhóm người Dao khác ở nhiều đoạn và những thời điểm khác nhau.

Thiếu nhi dân tộc Pà Thẻn trong trang phục truyền thống.

Truyện kể về quá trình vượt biển di cư đến Việt Nam của người dân tộc Pà Thẻn ngày nay vẫn được các cụ già nhắc đến. Căn cứ vào địa bàn cư trứ của người Pà Thẻn, họ cư trú phân chia ra làm ba vùng, vùng nhất gồm các xã Lĩnh Phú (Chiêm Hoá), Trung Sơn (Yên Sơn) ở đây họ sống xen kẽ với người Tày, mọi sinh hoạt, văn hoá, xã hội cũng gần giống người Tày quanh vùng, như cách ăn mặc thể hiện trong trang phục, nhà ở, v.v…

Vùng thứ hai gồm các xã Hữu Sản, Bắc Quang, Hồng Quang (Chiêm hoá) tại đây người Pà Thẻn sống rải rác xen lẫn với người Dao, người Tày và người Thuỷ. Vùng thứ ba bao gồm các xã Tân sinh, Tân Lập, Yên Bình ở tả ngạn sông Gậm huyện Bắc Quang (Hà Giang) ở đây họ sống tương đối tập trung nên giữ được nét văn hoá, phong tục tập quán, cổ truyền gần như nguyên vẹn.

Nhà ở của người dân tộc Pà Thẻn có 3 loại: nhà sàn, nhà nền, nhà đất và nhà nửa sàn nửa đất. Mỗi làng của người Pà Thẻn có nhiều dòng họ. Trong làng có một dòng họ to nhất. Người dân tộc Pà Thẻn nhận mình là con cháu của tám họ như (Phù, Tần, Táy, Hưng, Sình, v.v…) ngoài ra còn là họ Bàn, họ Triệu. Mỗi họ có hai tên gọi, một theo âm Hán, và một được dùng giao tiếp xưng hô giữa những người đồng tộc, thí dụ họ Phù gọi theo tiếng dân tộc Pà Thẻn là Ca Bồ, họ bình là Ca Sơ, họ Dừ là Ca Đo.

Sơn nữ Pà Thẻn.

Trong mỗi gia đình đều có bàn thờ tổ tiên (a xe), ngoài ra họ còn thờ cúng nhiều vị thần khác như thần sấm, thần sét, thần mưa, thần gió, các thần có liên quan đến nền sản xuất nông nghiệp. Ngày nay do được học tập, sự nhận thức của người dân tộc Pà Thẻn cũng khác xưa rất nhiều. Cuộc sống định canh, định cư, xoá đói giảm nghèo, đã làm thay đổi bộ mặt bản làng của người Pà Thẻn, tạo điều kiện cho sự phát triển về văn hoá, xã hội, y tế, giáo dục.

Người dân tộc Pà Thẻn giữ vai trò chủ đạo trong quan hệ xóm giềng. Thôn xóm hoà thuận, các gia đình thường quan tâm giúp đỡ lẫn nhau, đổi công cho nhau những lúc thời vụ hay những công việc cần lao động. Khi có người chết thì người nhà bắn ba phát súng báo hiệu, sau đó tiến hành việc khâm liệm.
Xã hội cũ của người Pà Thẻn trai gái kết hôn rất sớm, ở lứa tuổi 15 đến 16. Trong quan hệ hôn nhân giữa những người làng dòng họ bị ngăn cấm tuyệt đối, thực hiện chế độ hôn nhân một vợ một chồng bền vững, có trách nhiệm nuôi dạy con cái, ít có hiện tượng ly hôn, ngoại tình, trừ một số là trường hợp vì không có con. Ai vi phạm về đạo đức xã hội là bị cả cộng đồng lên án, cho nên ít xảy ra những hiện tượng trái với đạo đức, luân thường đạo lý.

Người dân tộc Pà Thẻn tin vào sự tồn tại của các siêu linh, vạn vật có linh hồn. Ma quỷ, thần thánh gồm hai loại: lành dữ. Loại lành gồm các thần ở trên trời, tổ tiên, thổ địa…; loại ma dữ như ma sông, ma suối, ma của người chết bất đắc kỳ tử… chúng thường phá hoại mùa màng, làm hại gia súc. Chủ yếu là họ thờ cúng tổ tiên trong nhà.

Có đặc điểm tộc người đậm nét khác phong cách các dân tộc cùng nhóm ngôn ngữ hay khu vực. Cái độc đáo của trang phục Pà thẻn là ở trang phục nữ, được biểu hiện ở lối tạo dáng áo dài, cách dùng màu và lối mặc, tạo nên một phong cách riêng.

Nam thường mặc áo quần màu chàm. Đó là loại áo cánh ngắn xẻ ngực, quần lá tọa, giống phong cách trang phục các dân tộc Tày…


Phụ nữ Pà thẻn đội khăn màu chàm quấn thành nhiều vòng trên đầu. Đó là lối đội khăn chữ nhất quấn thành mái xòe rộng như mũ, hoặc lối đội khăn hình chữ nhân giản đơn hơn cũng tạo thành mái nhơ ra hai bên mang tai. Áo có hai loại cơ bản là áo ngắn và áo dài. Áo ngắn xẻ ngực, cổ thấp, màu chàm, cổ làm liền với hai vạt trước. Áo này thường mặc với váy rộng nhiều nếpgấp, màu chàm. Áo dài là loại xẻ ngực, có thể gọi là áo lửng, cổ thấp liền hai vạt trước, khi mặc vạt phải đè chéo lên vạt trái, phía dưới của vạt phải nhọn xuống tạo thành vạt chính của thân trước. Ông tay và toàn bộ thân áo được trang trí với lối dùng màu nóng sặc sỡ. Áo này mặc với váy hở dệt thuê hoa văn đa dạng (hình thập ngoặc, hình quả trám…). Giữa eo thân áo được thắt dây lưng là loại được dệt thuê hoa văn. Phụ nữ ưa mang nhiều đồ trang sức vòng cổ, vòng tay,… Cùng với áo và váy, phụ nữ có a thứ (vừa giống cái yếm vừa giống tạp dề). Nó được mang như mang tạp dề nhưng không có công dụng như tạp dề. Màu sắc chủ yếu trên phụ nữ là đỏ, đen, trắng. Hoa văn chủ yếu được tạo ra bằng dệt.

Sinh hoạt văn hóa dân gian của dân tộc Pà Thẻn khá phong phú và đa dạng, thể hiện qua kho tàng truyện cổ tích, các làn điệu dân ca, hát ru, các điệu nhảy múa, các loại nhạc cụ: khèn bè, đàn tầy nhậy, sáo trúc… Người Pà Thẻn thích ca hát, thổi sáo và những trò chơi dân gian, có tính chất cổ truyền. Có nhiều truyện kể và truyền thuyết về cây lúa kể rằng: ”Ngày xửa ngày xưa sau nạn hồng thuỷ trên trái đất không còn sinh vật, loài người không biết lấy gì để ăn, một gia đình nghèo có ba con vật là con chó, con mèo, và con heo, chúng bàn nhau lên trời lấy trộm lúa giống của Ngọc Hoàng để cứu giúp loài người thoát khỏi cơn nguy khốn (xưa người Pà Thẻn tin trời và đất ở gần nhau), từ đó loài người mới có cây lúa ở ruộng nước, cây lúa ở trên nương trên rẫy, có cái để mà ăn cho nên người ta mới gọi là ”hạt lúa trời”.

Dưới đây mình có các bài:
– “Kéo chày” – Lễ hội độc đáo của dân tộc Pà Thẻn
– Kỳ bí “Lễ nhảy lửa” của người Pà Thẻn ở Tuyên Quang
– Trang phục dân tộc Pà Thẻn

Chữ cổ Pà Thẻn.

Một văn bản chữ cổ của người Pà Thẻn
Dân tộc Pà Thẻn còn gọi là Pà Hưng, Mèo Lài, Mèo Hoa, Mèo Ðỏ, Bát Tiên tộc… với dân số có khoảng gần 4.000 nghìn người, sống chủ yếu ở 2 tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Ngôn ngữ: Thuộc ngữ hệ Mông – Dao.

Trước kia người dân tộc Pà Thẻn sống chủ yếu bằng nương rẫy. Phương thức canh tác là phát đốt rồi chọc lỗ, tra hạt. Cây trồng gồm lúa, ngô và các loại rau, đậu, khoai sọ, khoai môn… Công cụ sản xuất là rìu, cuốc, dao.

Do sản xuất phụ thuộc vào thiên nhiên, nhất là những lúc mất mùa, giáp hạt, người Pà Thẻn vẫn phải lên rừng đào củ mài, củ nâu… Vì thế hái lượm còn đóng vai trò đáng kể trong đời sống kinh tế. Nghề dệt của họ có từ lâu đời, sản phẩm dệt được nhiều dân tộc ưa thích.

Ðàn ông thường đan lát, làm mộc… Người Pà Thẻn chăn nuôi các loại gia súc và gia cầm như: Trâu, bò, dê, lợn, gà… Ngoài phục vụ nhu cầu sức kéo, chăn nuôi còn nhằm thoả mãn nhu cầu tiêu dùng và lễ nghi tôn giáo.

Người Pà Thẻn tin vào sự tồn tại của các siêu nhiên, vạn vật đều có linh hồn. Ma quỷ, thần thánh gồm hai loại: Lành dữ, loại lành gồm các thần ở trên trời, tổ tiên, thổ địa…; loại dữ như ma sông, ma suối, ma của người chết bất đắc kỳ tử… chúng thường phá hoại mùa màng, làm hại gia súc.

Dân tộc Pà Thẻn nổi tiếng với nghi lễ nhẩy lửa, đây là một lễ hội độc đáo mang đậm nét huyền bí, hoang sơ, được người tổ chức 1 năm/ lần, thường vào dịp tháng 10 sau mùa gặt và được coi như lễ mừng lúa mới. Mở đầu bằng việc thầy mo vào đàn lễ cúng các thần linh, rồi đến các nam thanh niên nhảy múa trên lửa đầy than hồng. Song ít người biết dân tộc Pà Thẻn còn giữ được một số văn bản chữ viết cổ.

Dân tộc Pà Thẻn có truyền thuyết về chữ viết, chữ ấy không giống chữ Hán, chữ Việt, chữ Thái…song đã bị thất truyền do những yếu tố lịch sử. Song vẫn còn dù rất ít những văn bản chữ cổ. Đó là một tập 64 trang ghi lại những bài cúng ở Thượng Minh (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) và một bản 32 trang gồm những bài cúng ở (Bắc Quang, Hà Giang). Đây là hình thức chữ viết hình vẽ, mỗi hình vẽ biểu thị một sự vật, hiện tượng trong cuộc sống, trong đó có cả những hiện tượng siêu nhiên, như: Ma, thiên đường…

Chữ cổ Pà Thẻn.

Sau khi nghiên cứu, giải mã, các nhà nghiên cứu thấy rằng: Các hình vẽ được đọc theo trình tự từ phải sang. Với số lượng hình vẽ còn lại là 538 lượt hình. Trong đó có tới 290 hình biểu thị một sự vật, một hiện tượng (81 hình tập hợp nhiều sự vật; 209 hình biểu thị một sự vật), còn 248 hình chưa giải mã được.

Những sự vật được biểu thị gồm: Chỗ thờ ma và ma nhà; con người và hành động kèm theo; các loại cây khác nhau; đường rẽ; cổng ra vào; cửa; cổng trào; gốc đa; thùng nhuộm vải; bếp lửa; ruộng bậc thang; nơi cọp bắt người; nhà mẹ mặt trời; chỗ rửa chân của ma…

Năm 1908 Bonyfacy chụp lại được một con dấu của người Pà Thẻn ở vùng thượng lưu sông Lô, dùng trong những cuộc khởi nghĩa chống lại bọn thống trị địa phương và thực dân. Trên con dấu ngoài sáu chữ Hán (đây có lẽ là trường hợp ngoại lệ duy nhất), thì có hình vẽ những con vật bốn chân và hai chân, tương tự như chữ viết hình vẽ đã nêu ở trên.

Người Pà Thẻn cho biết, xưa tất cả đàn ông đều có quyền học chữ của dân tộc mình. Song do thiên tai địch họa liên miên, họ phải rời quê cha đất tổ đi tìm miền đất mới. Họ đồng lòng đốt sách, lấy tro hòa vào nước chia đều cho những người trưởng họ uống.

Từ đó người Pà Thẻn không có quyền sử dụng chữ viết, mà chỉ ghi nhớ và cũng không dùng chữ viết của dân tộc khác. Song vẫn còn dù rất ít những văn bản chữ cổ được giữ gìn như báu vật, mà những văn bản nêu trên là một trong những giả thiết.

Giả thiết này có cơ sở vì một số ít thầy mo cao niên và một số người khác vẫn đọc được và chữ viết hình vẽ ấy phù hợp với phong tục, tập quán và mọi mặt đời sống văn hóa, xã hội, tâm linh… của người Pà Thẻn.

Ngày nay do quan điểm tiến bộ, người Pà Thẻn đã đi học chữ Quốc ngữ, áp dụng khoa học kỹ thuật vào cuộc sống. Song nhiều phong tục tập quán của tổ tiên vẫn được lưu giữ như một tinh hoa văn hóa.

Những văn bản chữ viết cổ quí hiếm này, tuy mới được các nhà nghiên cứu giải mã được một phần nhưng đã cho ta thấy được nét văn hóa độc đáo trong mọi mặt đời sống của người Pà Thẻn, phản ánh mọi mặt đời sống xã hội, quan niệm về vũ trụ, thiên nhiên, con người, những ước mơ về một cuộc sống ấm no hạnh phúc… Những văn bản cổ này cần được các cơ quan chuyên môn có trách nhiệm bảo quản, đầu tư nghiên cứu, góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Pà Thẻn, một trong 54 dân tộc của đại gia đình dân tộc Việt Nam.

Tết cổ truyền đậm đà bản sắc của dân tộc Pà Thẻn

Hà Giang, mảnh đất cực Bắc địa đầu của Tổ quốc, nơi hội tụ 22 dân tộc anh em cùng chung sống với sự đa dạng về văn hóa.

Đến với Hà Giang những ngày Tết Nguyên đán, không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của Cao nguyên đá Đồng Văn, được ngắm những cánh rừng hoa đào, hoa mận, hoa lê đua nhau khoe sắc mà mỗi du khách còn được tìm hiểu nét văn hóa truyền thống độc đáo của dân tộc Pà Thẻn, được tận mắt chứng kiến phong tục đón Tết cổ truyền đậm đà bản sắc dân tộc.

Hiện nay, dân tộc Pà Thẻn ở Hà Giang (đứng thứ chín về tỷ lệ dân số theo Niên giám thống kê tỉnh Hà Giang) hiện có 6.055 người, sống tập trung ở các huyện Quang Bình, Bắc Quang, Xín Mần và Hoàng Su Phì.

Khác với dân tộc Mông thường sinh sống ở trên các triền núi cao, dân tộc Pà Thẻn lại thường sinh sống, cư trú ở vùng tương đối thấp so với các huyện vùng cao của Hà Giang.

Các hoạt động kinh tế của người Pả Thẻn chủ yếu mang tính tự cung tự cấp, nguồn thu chính từ nông nghiệp nương rẫy. Từ những năm 1960 trở về trước, người Pà Thẻn vẫn tồn tại hình thức sống du canh du cư. Những năm gần đây, được sự tuyên truyền, vận động, quan tâm giúp đỡ của Đảng, Nhà nước, dân tộc Pà Thẻn bắt đầu định cư ổn định cuộc sống.

Tết Nguyên đán là một cái tết lớn và có một ý nghĩa rất quan trọng đối với dân tộc Pà Thẻn. Sau một năm lao động vất vả, thành quả của bà con dân tộc là thóc đầy bồ, ngô đầy gác bếp và gia súc đầy chuồng.

Cũng như bao dân tộc khác, dân tộc Pà Thẻn luôn háo hức đón tết và mong chờ tết đến. Tết đến vừa là dịp nghỉ ngơi của bà con sau một năm lao động vất vả, vừa là dịp để những người thân đi xa lâu ngày về đoàn tụ.

Ngày tết còn là dịp để mọi người làm trọn nghĩa vụ với dòng tộc, gia đình, tổ tiên. Chính vì vậy, vào dịp Tết Nguyên đán, dân tộc Pà Thẻn chuẩn bị kỹ lưỡng mọi lễ vật dâng tiến tổ tiên để mời các cụ thể thưởng tết cùng con cháu.

Cứ đến chiều 30 Tết, cả bản dân tộc Pà Thẻn lại tổ chức cúng thổ công làng mình để mong muốn các lực lượng siêu nhiên phù hộ cho dân bản luôn mạnh khỏe, làm ăn thuận lợi, mưa thuận gió hoà.

Địa điểm cúng là trước cửa nhà ông trưởng bản hoặc ở nơi cao nhất trong bản. Lễ vật thường là một miếng thịt lợn, một chai rượu, một đôi bánh dày, hai tờ giấy bản, hai bó hương.

Lễ cúng ma bản không chỉ có ý nghĩa sinh hoạt văn hóa mà con nhằm củng cố tinh thần đoàn kết của dân tộc Pà Thẻn trong xây dựng bản làng, xây dựng nông thôn mới.

Khác với các dân tộc thiểu số khác, dân tộc Pà Thẻn ở Hà Giang có một phong tục độc đáo là thờ bát nước lã quanh năm trên bàn thờ tổ tiên của gia đình, bên trên bát nước lã này được úp một chiếc đĩa.

Theo các già làng dân tộc Pà Thẻn: Bát nước đó tượng trưng cho biển, bát nước chứa đựng hồn tổ tiên và các thành viên trong gia đình. Bát nước này không bao giờ được cạn vì nếu để cạn thì gia đình sẽ có người ốm đau, bệnh tật hoặc gặp điều không may.

Bàn thờ tổ tiên chỉ được cúng chính thức một lần vào đêm 30 Tết Nguyên đán. Lễ vật sẽ được các gia đình dân tộc Pà Thẻn chuẩn bị gồm năm chén rượu, một con gà trống thiến luộc chín và 10 cặp bánh dày.

Vào đêm 30 Tết, tất cả bản dân tộc Pà Thẻn, gia đình nào cũng cửa đóng, then cài. Tất cả các cửa trong ngôi nhà đều được bà con bịt kín. Sau khi đóng kín mọi ô cửa, chủ nhà mới lấy bát nước trên bàn thờ xuống lau chùi, cọ rửa và thay nước mới và cứ sáu tháng một lần mới được đổ thêm nước. Lúc đó, nghi thức cúng giao thừa mới được bắt đầu.

Trong đêm giao thừa, trong nhà thường bí mật nấu một nồi cháo gà để cả gia đình cùng ăn. Ăn cháo xong, gia chủ mới làm lễ xin nước mới vào bát nước thờ. Việc làm này giữ bí mật trong nhà không lộ ra ngoài, theo tín ngưỡng của bà con nếu lộ ra thì trong năm mới gia đình làm ăn vất vả, con cái ốm đau bệnh tật.

Sáng sớm mùng một Tết, người trong nhà xách súng kíp ở lách cửa phụ, cửa hậu ra sân bắn ba phát. Dứt tiếng nổ, mọi người trong nhà mở toang các cửa để cùng vui đón năm mới.

Cũng trong buổi sáng ngày mùng một Tết, gia chủ làm lễ xin nước ở nguồn nước để mong mong ma nguồn nước cho nước sạch, cho nước đều quanh năm cho bản và cho gia đình.

Đến với Hà Giang, đến với dân tộc Pà Thẻn trong dịp Tết Nguyên đán, du khách sẽ còn được xem lễ hội ”kéo chày,” lễ hội ”nhảy lửa” thật độc đáo. Được tận mắt chứng kiến các hội thi gói bánh sừng trâu, bánh dài, bánh xường, bánh ốc; được thưởng thức những món ăn truyền thống của dân tộc Pà Thèn.

Qua lễ hội này, dân tộc Pà Thẻn luôn cầu mong các thần linh phù hộ mưa thuận gió hòa, cho dân bản được mùa, đời đời no ấm.

Đặc biệt, du khách còn được chiêm ngưỡng các bộ trang phục truyền thống đặc sắc riêng có của các chàng trai, cô gái Pà Thẻn.

Nổi bật hơn trong trang phục truyền thống của mình, các cô gái Pà Thẻn luôn mặc cho mình bộ trang phục màu đỏ tươi, một bộ nữ phục của các cô gái gồm khăn, áo, thắt lưng, váy, tạp dề.

Màu chủ đạo trên trang phục của các cô gái Pà Thẻn là màu đỏ, với một hình thức trang trí của áo, kết hợp với những đường thêu và ghép vải khéo léo đã tạo nên cho các cô gái Pà Thẻn một sự độc đáo riêng có.

Gìn giữ nguyên vẹn nét văn hóa độc đáo của dân tộc trong cuộc sống của người Pà Thẻn ở Hà Giang nói chung và phong tục đón Tết Nguyên đán truyền thống của dân tộc Pà Thẻn là kho tàng văn hóa hết sức phong phú và độc đáo, chứa đựng những giá trị văn hóa tinh thần đậm nét nhân văn.

Dẫu rằng cuộc sống của đồng bào dân tộc Pà Thẻn ở Hà Giang vẫn còn rất nhiều khó khăn, song những ngày Tết đến Xuân về, tất cả bà con nơi đây đều gác lại mọi bộn bề, lo toan, họ vui chơi thoải mái để chuẩn bị cho một năm lao động sản xuất mới.

Bên bếp lửa hồng ấm cúng, gia chủ và du khách cùng uống những chén rượu ngô thơm ngây ngất chúc nhau mọi điều tốt đẹp, bình an, may mắn.

Khám phá những nét văn hóa riêng biệt của mỗi dân tộc thiểu số trong ngày Tết cổ truyền, mỗi chúng ta càng thêm yêu, thêm quý mảnh đất biên giới cực Bắc Tổ quốc vẫn lưu truyền những cái tết đơn sơ, giản dị mà ấm cúng, chan chứa yêu thương.

Kéo Chày.

“Kéo chày” – Lễ hội độc đáo của dân tộc Pà Thẻn
Đến với Hà Giang những ngày trung tuần của tháng 10 Âm lịch, du khách sẽ được thưởng thức, đắm mình cùng lễ hội “kéo chày” – một lễ hội độc đáo, nguyên sơ và huyền bí của dân tộc Pà Thẻn.

Dân tộc Pà Thẻn ở Hà Giang hiện có 5.975 người sống tập trung ở các huyện Quang Bình, Bắc Quang, Xín Mần và Hoàng Su Phì. Khác với dân tộc Mông thường sinh sống ở trên các triền núi cao, dân tộc Pà Thẻn lại thường sinh sống, cư trú ở vùng tương đối thấp. Những năm 90 trở về trước, các hoạt động kinh tế của người Pả Thẻn chủ yếu mang tính tự cung tự cấp, nguồn thu chính từ nông nghiệp nương rẫy, họ thường du canh du cư. Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, những năm gần đây, dân tộc Pà Thẻn bắt đầu định cư ổn định cuộc sống. Rừng núi bạt ngàn, đất đai màu mỡ là điều kiện tự nhiên thuận lợi.

Sau những ngày thu hoạch xong vụ lúa mùa, bà con dân tộc Pà Thẻn chọn ngày tốt, thường là ngày 16/10 Âm lịch hàng năm là ngày tổ chức lễ hội “kéo chày.” Theo các già làng dân tộc Pà Thẻn ở xã Tân Bắc (huyện Quang Bình), người thầy cầm chịch ở lễ hội “kéo chày” rất quan trọng. Người thầy phải là người giỏi về võ công, khỏe và phải luyện tập rất công phu, đồng thời phải biết niệm thần chú để cho chiếc chày được nâng lên khỏi mặt đất mặc dù rất nhiều thanh niên kéo chày xuống bằng mọi cách cũng không thể kéo được.

Trước khi vào buổi lễ “kéo chày” người thầy dùng một chiếc chày được làm bằng một đoạn gỗ hoặc vầu, có đường kính khoảng 10 cm, dài từ 2,5-3m. Sau đó, thầy cầm tay vào chiếc chày, xoay đi xoay lại mấy vòng và niệm thần chú.

Cùng đó, hai thanh niên người Pà Thẻn trai tráng, khỏe mạnh ôm chặt chày ở tư thế đối ngược nhau. Vừa xoay chày, người thầy vừa đọc thần chú, sau đó như có một phép thuật mà không ai có thể diễn tả nổi, chiếc chày khắc tự xoay và nâng lên khỏi mặt đất, mặc dù hai thanh niên ra sức kéo xuống cũng không thể kéo được. Lúc này hàng chục thanh niên trai tráng trong bản cùng nhau kéo chày xuống nhưng cũng không kéo nổi, chỉ khi nào có người bịt tay vào đầu trên hoặc dưới của chiếc chày thì chiếc chày mới chạm đất, khi đó lễ kéo chày kết thúc.

Ở lễ hội “kéo chày”, những chàng trai Pà Thẻn nào tham gia luôn nhận được sự tin yêu, thán phục và ngưỡng mộ của du khách nói chung và các cô gái Pà Thẻn nói riêng. Với dân tộc Pà Thẻn, lễ hội “kéo chày” là một tục lệ mang tính chất cộng đồng, là dịp để mọi người cùng nhau vui vẻ, thư giãn sau một ngày mùa bội thu. Qua lễ hội họ cầu mong các thần linh phù hộ mưa thuận gió hòa, cho dân bản được mùa, đời đời no ấm.Trong lễ hội “kéo chày,” các chàng trai Pà Thẻn ai cũng diện áo mới, mặc quần chân què, trang trí thêm hai chiếc khăn vắt chéo qua ngực và dùng thắt lưng màu trắng. Các cô gái Pà Thẻn lại nổi bật hơn trong bộ trang phục màu đỏ tươi, một bộ nữ phục của các cô gái gồm khăn, áo, thắt lưng, váy, tạp dề. Màu chủ đạo trên trang phục của các cô gái Pà Thẻn là màu đỏ, nhưng có phối màu với các màu sáng khác như màu trắng bằng cách ghép vải hoặc dệt thành đường kẻ sọc.

Nếu chú ý một chút, trong trang phục của các cô gái Pà Thẻn, du khách sẽ thấy cách cắt may và trang trí áo không giống với bất cứ một kiểu áo nào của dân tộc khác. Với một hình thức trang trí của áo, kết hợp với những đường thêu và ghép vải khéo léo đã tạo nên cho các cô gái Pà Thẻn một sự độc đáo riêng có. Đến với lễ hội, các cô gái Pà Thẻn không chỉ xúng xính đẹp hơn trong bộ quần áo mới mà họ còn đẹp hơn khi đeo các trang sức bằng bạc gồm vòng cổ, vòng tay và hoa tai.

Mỗi du khách đến với các làng bản của người Pà Thẻn, Hà Giang trong những ngày này không chỉ được chứng kiến lễ hội “kéo chày” mà còn được xem lễ hội nhảy lửa, xem các hội thi gói bánh dài, bánh xường, bánh ốc; được thưởng thức những món ăn truyền thống của dân tộc Pà Thèn.

Gìn giữ nguyên vẹn nét văn hóa độc đáo của dân tộc trong cuộc sống của người Pà Thẻn ở Hà Giang nói chung và lễ hội “kéo chày” nói riêng là một điều rất đáng trân trọng. Với tín ngưỡng tâm linh, lễ hội “kéo chày” truyền thống của dân tộc Pà Thẻn là kho tàng văn hóa hết sức phong phú và độc đáo, chứa đựng những giá trị văn hóa tinh thần đậm nét nhân văn. Với kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian và tri thức địa phương của dân tộc Pà Thẻn ở Hà Giang đã góp phần bảo tồn nền văn hóa Pà Thẻn trong nền văn hóa các dân tộc Việt Nam phong phú, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.

Lễ hội Nhảy lửa.

Kỳ bí “Lễ nhảy lửa” của người Pà Thẻn ở Tuyên Quang
Mỗi dân tộc cư trú trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đều có những bản sắc văn hóa riêng, đặc biệt dân tộc Pà Thẻn có lễ hội nhảy lửa mang ý nghĩa thiêng liêng và huyền bí mà không dân tộc nào có.

Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn thường diễn ra vào những lúc nông nhàn, được bắt đầu từ tháng 10 âm lịch cho tới tháng giêng năm sau. Trong đời sống tinh thần, người Pà Thẻn luôn quan niệm xung quanh họ luôn có các vị thần che chở, giúp đỡ họ vượt qua nguy hiểm để tồn tại và mưu sinh. Đối với họ, thần lửa là vị thần tối cao, linh thiêng nhất, lửa sẽ giúp mang lại cho người dân tộc Pà Thẻn sự ấm áp, xua đuổi tà ma, đẩy lùi bệnh tật và mang sức mạnh phi thường cho người dân.

Lễ vật để cúng trong lễ nhảy lửa gồm: một bát hương, một con gà luộc, mười chén rượu trắng và những cây củi trên rừng để đốt thành những đống than đỏ hồng.

Trong lúc thầy cúng làm lễ, các thanh niên chuẩn bị nhảy lửa người lắc rất mạnh.

Phần lễ cúng kéo dài khoảng một giờ đồng hồ, đầu tiên thầy cúng xin phép thổ công, thổ địa cho được phép nhảy lửa; cùng lúc đó, đống củi to được đốt lên khi đám lửa đã cháy thành than rực hồng. Khoảng 10 thanh niên khỏe mạnh sẽ tập trung xung quanh nghe thầy khấn và gõ vào Pạndơ (chiếc đàn cúng trong lễ nhảy lửa) mỗi lúc một nhanh cho tới khi nào thầy cúng và các thành viên trong đội thấy người rung lên (họ cho rằng thần thánh đã nhập vào người) thì lúc đó mới nhảy vào ngọn lửa đang cháy và đống than hồng với đôi chân trần mà không bị bỏng, hay sợ hãi gì. Lúc đó trong người họ như có sức mạnh phi thường.

Mỗi người thường nhảy lửa trong vòng 3-4 phút, sau đó tiếp tục làm lễ “nhập đồng”. Một người có thể tham gia nhảy nhiều lần, qua đó thể hiện sức mạnh, sự khéo léo và nhanh nhẹn của mình. Nhảy lửa chỉ dành cho nam giới và những chàng trai này luôn nhận được sự thán phục, ngưỡng mộ của mọi người.

Các chàng trai Pà Thẻn như có một sức mạnh phi thường, họ không hè sợ hãi trước ngọn lửa.

Trong khi thanh niên nhảy lửa, thầy mo vẫn tiếp tục làm lễ với tiếng nhạc mo vẫn tiếp tục làm lễ với tiếng nhạc đều đều huyền bí lẫn với lời khấn lầm rầm. Đồng bào Pà Thẻn cho rằng, thời gian nhảy trên lửa của họ tùy theo sức mạnh được thần linh ban cho. Khi hết sức mạnh, họ tự bị đẩy ra khỏi đống lửa, trở về ngồi lễ và lại lắc lư trong tiếng nhạc, chờ thần linh ban sức mạnh cho đợt nhảy mới.

Người Pà Thẻn tin rằng, một khi nhảy vào lửa, phụ nữ sẽ nhảy nhót suốt bảy ngày đêm không dừng lại được.

Người Pà Thẻn tin rằng, một khi nhảy vào lửa, phụ nữ sẽ nhảy nhót suốt bảy ngày đêm không dừng lại được. Lễ hội nhảy lửa đạt đến độ vui nhất khi mà tất cả những người đứng xem đều bị cuốn theo, tự nhiên cảm thấy mình có sức mạnh và cứ thế, nhảy vào đống lửa mà không hề cảm thấy cái nóng.

Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn được coi là một hình thức sinh hoạt văn hóa mang tính tâm linh, minh chứng sức mạnh phi thường của con người dám đương đầu với nguy hiểm, xua đuổi tà ma, bệnh tật, mừng cho một vụ thu hoạch hoa màu vừa kết thúc và cầu thần linh phù hộ cho an khang, thịnh vượng.

Trang phục truyền thống dân tộc Pà Thẻn.

Trang phục dân tộc Pà Thẻn
(TQ-DTV)
Từ xưa tới nay, nam giới Pà Thẻn thường mặc áo quần màu chàm. Đó là loại áo cánh ngắn xẻ ngực, quần lá tọa, giống phong cách trang phục các dân tộc Tày. Tuy nhiên, nét độc đáo trong trang phục Pà Thẻn tập trung chủ yếu ở trang phục nữ, biểu hiện trong lối tạo dáng áo dài, cách dùng màu và lối mặc, tạo nên một phong cách rất riêng.

Trang phục của phụ nữ Pà Thẻn lấy sắc đỏ làm gam màu chủ đạo và hoa văn in đậm trên từng đường vải. Theo truyền thống của dân tộc Pà Thẻn ở Bắc Quang (Hà Giang), một thiếu nữ Pà Thẻn trưởng thành, chuẩn bị đi lấy chồng thì phải tự tay mình thêu, dệt được bộ khăn, váy, áo để về nhà chồng cùng các vật dụng khác như chăn, gối. Vì vậy, trang phục của phụ nữ Pà Thẻn không chỉ là chuyện ăn mặc mà còn đánh dấu sự trưởng thành của người con gái mới lớn, là truyền thống trong mỗi gia đình.

Thí sinh Trang Phục Dân Tộc, Nguyễn Thị Phương My, với bộ trang phục dân tộc Pà Thẻn.

Sự độc đáo trong trang phục của phụ nữ Pà Thẻn được thể hiện khá tỉ mỉ từ khăn đội đầu cho đến yếm, áo, váy, quần và xà cạp, tất cả đều tự tay họ làm nên.
Công phu và tốn thời gian nhất là may áo. Áo của phụ nữ Pà Thẻn xưa kia được dệt thủ công bằng nhiều loại chỉ. Áo gồm hai thân, được may lượn bó sát người gợi nét mềm mại của thiếu nữ vùng cao. Áo không có cổ, nẹp ngực viền vải xanh hoặc trắng. Thân áo còn được trang trí bằng những mảnh vải màu đen, xanh, trắng làm thành những đường kẻ hay các hình khối trông rất khỏe khoắn. Tay áo bên trong bằng vải láng đen, bên ngoài đắp vải đỏ phía gần nách và cổ tay. Phía bên trong, phụ nữ Pà Thẻn thường mặc thêm áo hoa màu hồng nhạt để lộ cổ áo ra phía ngoài rất cân đối.

Trang phục nữ - tộc Pà Thẻn.
Trang phục truyền thống nữ – tộc Pà Thẻn.
Cũng giống như các dân tộc khác, phụ nữ Pà Thẻn dùng Yếm trước ngực để tao nên sự kín đáo và duyên dáng. Yếm là một mảnh vải hình vuông (khoảng 33-34 cm2), thân yếm được đắp các mảnh vải hình vuông có thêu hoa văn màu đỏ.

Váy là loại váy ống, cạp xếp nhiều ly. Toàn bộ thân váy được trang trí hoa văn màu đỏ. Dây lưng bằng vải trắng, thắt buông phía trước bụng. Phía dưới váy buông xuống tận đầu gói những vạt vải trắng hoặc đỏ, tạo nên nhiều lớp vải của chân váy. Phía dưới ống chân là xà cạp được may bằng hai lớp vải. Xà cạp là bộ phận dùng để quấn chân với mục đích tạo nên thân hình người phụ nữ gọn gàng và kín đáo.

Trang sức của phụ nữ tộc Pà Thẻn.
Trang sức truyền thống của phụ nữ tộc Pà Thẻn.
Khăn đội đầu được vấn thành nhiều vòng tạo thành một vành rộng như cái nón. Lớp vấn ngoài làm bằng vải tự dệt màu đỏ, trang trí nhiều họa tiết hoa văn sinh động. Hai đầu khăn có đính hai chùm tua rua đỏ pha sợi vàng trông rất duyên dáng. Khi thiết kế khăn, người Pà Thẻn dùng vải gấp theo chiều bé dần tới đỉnh đầu tạo thành một vòng tròn. Phía ngoài cùng được bọc một vòng vải đỏ xen lẫn màu đen có thêu hình hoa văn hoặc kim tuyến.

Cùng với trang phục, trang sức của phụ nữ Pà Thẻn thường là vòng cổ, vòng tai, vòng tay, yếm bạc… tuy nhiên, vòng bạc vẫn được họ sử dụng nhiều hơn cả. Phía trước ngực đồng bào Pà Thẻn thường gắn một hình vuông những hàng đồng xu tạo nên âm thanh leng keng mỗi khi đi lại.

Ngày nay, người Pà Thẻn vẫn mặc trang phục truyền thống trong những dịp lễ hội và họ coi đây như một nét văn hóa cần được bảo tồn và gìn giữ.

Đàm Minh Phiếu (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét