Tái hiện lễ cầu mưa và cầu mùa dân tộc Ê Đê tại Hà Nội (Song Nguyên)

 Chuẩn bị cho lễ cầu mưa và cầu mùa.

Lễ cầu mưa (Kăm mah) và cầu mùa (Kăm buh) là một trong những nghi lễ nông nghiệp của người Ê Đê, đánh dấu thời điểm một mùa rẫy mới với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hoà, nương rẫy tươi tốt, thóc lúa đầy kho. Vì vậy người Ê Đê chuẩn bị rất kỹ trước khi tiến hành nghi lễ này.

Trong khuôn khổ các hoạt động với chủ đề “Tháng 3 - Mùa con ong đi lấy mật - Tây Nguyên đại ngàn” tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam, Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội, sáng 26/3, đồng bào dân tộc Ê Đê tỉnh Đắk Lắk đã tái hiện lễ cầu mưa và cầu mùa trong không gian làng Ê Đê thuộc Khu các làng dân tộc, Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam.


Để chuẩn bị cho lễ cầu mưa và cầu mùa, chủ buôn (Khua buôn) cùng bà con trong buôn chọn một khoảng đất rộng, bằng phẳng, gần cây cổ thụ có nhiều tổ ong càng tốt. Vì theo quan niệm của người Ê Đê, đó là nơi đất tốt. Sau khi phát hoang nơi thực hiện nghi lễ, chủ buôn phân công mọi người tìm nơi đặt các loại bẫy một cách kín đáo.

Thần Ác - Yang Liê.

Chủ buôn cũng cho dựng một chòi Pưk (Sang Yang) gồm hai tầng, tầng trên (tầng trời) để thờ ông trời và bà trời (Ây Điê và Aduôn Điê); tầng dưới là kho lúa tượng trưng cho sự no đủ. Dưới chân chòi đặt thần Ác (Yang Liê) - người xui khiến chim thú vào phá rẫy, làm mất mùa màng khiến dân làng phải sống trong cảnh đói nghèo.

Tiến hành nghi lễ, chủ buôn và bà con dâng lên lễ vật gồm: Đầu heo, đuôi heo, thịt heo thái nhỏ cùng các bộ phận của con vật hiến tế; 01 chén đồng đựng tiết heo; 01 chén đồng đựng rượu cần đặt trên mâm cúng và 03 ché rượu cần cùng các cây gỗ có tạc hình thú như trâu, bò, heo, gà… tượng trưng cho sự no đủ.
Trước bàn thờ cúng Yang, hoà cùng âm thanh của dàn chiêng, thầy cúng khấn “Ơ Yang trời Yang đất, cầu thần mưa xuống, đổ nước xuống để người và mọi loài sống lại. Cầu mua để người có nước trồng tỉa, lúa trổ nhiều bông, chắc hạt, mùa màng bội thu, lúa đầy bồ, đầy kho, mọi gia đình trong buôn được no đủ…”.

Sau khi thực hiện xong các nghi thức, thầy cúng mời bà con uống rượu, ăn thịt

Sau khi khấn xong, thầy cúng cầm bát rượu pha tiết heo vẩy vào các gùi lúa, công cụ lao động và vẩy xuống đất rẫy để mời các thần cùng dùng rượu với dân làng rồi tiếp tục quay về mâm cúng đọc lời khấn thần linh xin mưa thuận gió hoà, mùa màng tươi tốt. Lúc này bà con trong buôn cùng reo hò, thể hiện sự đồng tình và ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn bước vào mùa rẫy mới.
Thầy cúng tiếp tục nâng chén rượu, kính cẩn mời ông trời, bà trời, mời các thúng lúa trong chòi rồi đi xung quanh rẫy vẫy rượu mời các bẫy đã đặt cũng như dụng cụ đuổi chim. Sau khi chủ buôn được thầy cũng cho ăn thịt, uống rượu ở mâm cúng thì lúc này bà con trong buôn mới được mời ăn thịt, uống rượu cùng trong tiếng chiêng rộn ràng.

Các cô gái lấy thóc ở chòi Pưk chuẩn bị gieo hạt.

Thực hiện nghi thức gieo hạt.

Tiếp đó, chủ buôn cùng bà con thực hiện nghi thức gieo hạt. Người đàn ông đi trước chọc lỗ, người phụ nữ theo sau gieo hạt và lấp lỗ lại. Khi đã gieo hạt xong, mọi người đem nước đựng trong ống đing ra, vẩy ướt đất rẫy với ý nghĩa: Thần linh đã nghe lời khẩn cầu của dân làng nên đã cho mưa xuống tưới mát nương rẫy.

Trong lúc mọi người toả ra đi bắt tổ ong lấy mật và kiểm tra các bẫy đặt quanh rẫy, các chàng trai cầm khiên, cầm giáo múa một vòng quanh rẫy và đi về nhà chòi chặt đầu thần Ác với ý nghĩa trừ trà mà, đuổi thần Ác đi nơi khác.
Khi các nghi thức của buổi lễ cầu mưa và cầu mùa khép lại, chủ buôn mời tất cả mọi người về nhà ăn thịt, uống rượu mừng một mùa rẫy mới sẽ mang no ấm về cho buôn làng.

Hướng dẫn trải nghiệm bắn nỏ Tây Nguyên

Cũng trong khuôn khổ các hoạt động “Tháng 3 - Mùa con ong đi lấy mật - Tây Nguyên đại ngàn”, Ngày hội bắn nỏ theo nghi thức truyền thống đã diễn ra với sự tham dự của các chàng trai Tây Nguyên và nhiều du khách.



Bên cạnh đó, chương trình đạp xe “Vì tình yêu Tây Nguyên” cũng đã thu hút đông đảo các bạn thanh niên, sinh viên. Trên tuyến hành trình, du khách được khám phá vẻ đẹp không gian văn hoá các dân tộc Tây Nguyên tại khu các làng dân tộc; được thưởng thức và trải nghiệm các lễ hội đặc sắc cũng như các trò chơi dân gian thú vị, để thêm hiểu, thêm yêu văn hoá Tây Nguyên, qua đó cùng ý thức chung tay gìn giữ bản sắc văn hoá dân tộc nói chung và Tây Nguyên nói riêng.

 Song Nguyên (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét