Srí tiếng Chu Ru có nghĩa là chiếc nhẫn cưới.
Đối với người Chu Ru ở Lâm Đồng, chiếc nhẫn bạc không chỉ là vật trang sức, là
của hồi môn, mà còn là một “tín vật” không thể thiếu trong hôn ước.
Không phải ai cũng làm được những chiếc nhẫn
bạc của người Chu Ru. Nếu như người thợ kim hoàn miền xuôi trong quá trình tạo
ra các sản phẩm trang sức phải dùng nhiều loại đồ nghề để đập, gõ, cán, kéo,
khò lửa, tiện, múc... thì người Chu Ru chỉ sử dụng duy nhất một thanh sắt nhỏ
mài thật sắc để làm dao, còn toàn bộ đồ nghề đều bằng gỗ cây rừng.
Sản phẩm làm ra chủ yếu nhờ sự khéo tay của
người thợ bạc kết hợp với những bí quyết gia truyền của dòng tộc. Ya Tiêng, một
trong những người Chu Ru đã từng đi học nghề đúc nhẫn bạc nhưng không thành,
cho biết: “Người làm nhẫn cái đầu phải sáng, con mắt phải tinh, cái tay phải dẻo
và vững mới được... Con mắt của già đã yếu, cái tay của già đã run nên già
không làm được”.
Để có được một đôi nhẫn cưới Chu Ru, người
làm nhẫn phải trải qua nhiều công đoạn: lấy sáp ong, tạo khuôn, nấu bạc, đánh
bóng nhẫn... Nhưng khâu khó nhất, theo nghệ nhân Ya Tuất - người Chu Ru duy nhất
làm được nhẫn bạc, ở thôn Ma Đanh, xã Tu Tra, huyện Đơn Dương của Lâm Đồng, là
lúc tạo khuôn.
Nguyên liệu chính để tạo khuôn là sáp ong.
Khi sáp được nấu chảy, người thợ lấy dùi gỗ (giống như dùi trống, có đầu hơi vuốt)
nhúng vào sáp nóng, sau đó làm nguội để có những ống sáp tròn, ruột rỗng. Tùy
theo kích cỡ của ngón tay từng người đặt nhẫn, nghệ nhân cắt thành ống sáp những
khoen tròn để tạo khuôn.
Kế tiếp, lấy sáp xe thành những sợi chỉ nhỏ,
bện hình chân rết để tạo hoa văn cho hai mép nhẫn (ba sợi làm thành một hoa
văn). 12 vòng tròn trang trí trên mặt nhẫn cũng được làm bằng sáp, cả cuống nhẫn
cũng vậy. Người thợ lấy lá dứa cuốn thành phễu bao lấy cuống nhẫn và mang nhúng
đều vào phân trâu hòa với đất, sau đó phơi nắng từ 1,5 - 2 ngày cho khô hoàn
toàn.
Khi đem khuôn đốt trên lửa than, sáp bên
trong sẽ nóng chảy, phần phân trâu hòa đất tạo thành một khuôn âm bản (khuôn
bao giờ cũng là hai chiếc nhẫn, một chiếc nhỏ cho nữ gọi là nhẫn mái, nhẫn nam
là nhẫn trống). Cuối cùng, nghệ nhân lấy bạc nấu chảy đổ vào khuôn để cho ra
đôi nhẫn bạc có màu xỉn đen. Dùng nước bồ kết rừng đun sôi để đánh bóng trong
vài phút sẽ có một cặp nhẫn hoàn chỉnh lấp lánh ánh bạc.
Trong quá trình chế tác nhẫn, đi cùng với
những bí quyết truyền đời, người Chu Ru còn tin vào những thế lực siêu nhiên đã
tạo nên sự huyền diệu cho chiếc nhẫn cưới đẹp . Nghệ nhân Ya Tuất bật mí: chất
liệu để tạo khuôn âm bản là hỗn hợp phân trâu (con vật linh thiêng theo quan niệm
của người Chu Ru), nhưng phải là phân trâu đực ba tuổi, trộn với đất lấy tại một
nơi bí mật trong rừng (chỉ có người làm nhẫn mới biết).
Hợp chất này không cháy ngay trong độ nóng
làm chảy bạc. Than củi dùng nấu bạc phải lấy từ cây ka siu (một loại cây rừng)
vì các loại củi khác sẽ làm cho nhẫn bị nứt, gãy. Đêm trước khi đúc nhẫn, nghệ
nhân phải tắm rửa sạch sẽ và cách ly với vợ - phụ nữ không được tham gia công
việc đúc nhẫn cho dù người Chu Ru theo chế độ mẫu hệ như nhiều dân tộc thiểu số
khác ở Tây nguyên. Khoảng 4g sáng, người thợ thức dậy để nấu bạc, đúc nhẫn và
công việc này chỉ được kéo dài cho tới 8g sáng cùng ngày.
Chỉ có trong khoảng thời gian đó mới làm
được những cặp nhẫn hoàn hảo, nếu không nhẫn sẽ bị gãy hoặc nứt. Điều rất khó
giải thích này tạo nên sự huyền diệu cho chiếc nhẫn cưới của người Chu Ru và
làm cho những đôi trai gái lấy nhau tin tưởng, gắn kết với nhau bền chặt hơn
trong cuộc sống hôn nhân.
Sống theo chế độ mẫu hệ, đến tuổi trưởng
thành các cô gái Chu Ru chủ động đi “bắt” chồng. Khi thích một chàng trai giỏi
giang nào đó, cô gái về báo cho gia đình và dòng họ biết, gia đình sẽ đến nhà
trai để dạm hỏi và chấp nhận sự thách cưới của nhà trai.
Nếu cả hai dòng họ đồng ý cuộc hôn nhân,
cô gái sẽ đến đeo nhẫn cho người con trai (nhẫn do người con gái đặt làm và quí
nhất, giá trị nhất vẫn là chiếc nhẫn mắt sâu có đính hạt cây rừng); trường hợp
người con trai không thích cô gái, ngày hôm sau anh ta có thể tháo nhẫn để trả
lại cho gia đình cô. Nhưng cô gái đâu dễ buông tha như vậy: bảy ngày sau cô lại
tiếp tục đến đeo nhẫn cho người con trai mình muốn “bắt”, và cứ lặp đi lặp lại
chuyện ấy cho đến khi nào người con trai chấp nhận thì đám cưới diễn ra!
Trong ngày cưới, chàng trai và cô gái lại
làm thủ tục đổi và đeo nhẫn cho nhau. Sau đám cưới bảy ngày, cô dâu cởi nhẫn của
mình trao cho mẹ chồng cất giữ và ngược lại nhẫn của chú rể do mẹ cô dâu cất. Nếu
cuộc sống vợ chồng không hợp, ai đòi ly hôn trước người đó phải đền bên kia một
con trâu (và phải là con trâu đực ba tuổi trở lên). Trường hợp vợ hoặc chồng
ngoại tình thì kẻ phản bội phải đền ba con trâu, con cái càng đông số trâu cũng
sẽ tăng theo cấp số nhân.
Ngày nay, tuy người Chu Ru sống và làm việc
tuân theo luật pháp nhà nước nhưng họ vẫn còn bảo lưu những luật tục riêng của
mình. Người Chu Ru cho rằng chuyện lấy nhau cũng như ly hôn chính là danh dự của
hai dòng tộc chứ không phải hai gia đình, và chiếc nhẫn chính là một “tín vật”
mang danh dự của hai dòng tộc. Nó như một sợi dây tơ hồng buộc chặt hôn nhân,
không thể nào dứt bỏ được.
Người duy nhất giữ lửa của nghề:( Nghệ
nhân Ya Tuất đang làm khuôn nhẫn)
Hiện nay, tộc người Chu Ru ở Lâm Đồng (chủ
yếu ở Đơn Dương) có đến 15.000 người nhưng chỉ có mỗi một nghệ nhân Ya Tuất còn
giữ được nghề làm nhẫn truyền thống. Ya Tuất không những làm được 12 loại nhẫn
khác nhau như nhẫn có mặt đính hạt ka réh màu đỏ như đá hồng ngọc lấy từ cây rừng
(tiếng Chu Ru gọi là srí lơ hây), nhẫn vòng thường (srí căr), nhẫn mắt sâu (srí
mata hơlă)... mà còn làm được cả vòng tay bạc, bông tai bạc.
Tuy không thể sánh bằng những sản phẩm kim
hoàn của người Kinh, nhưng những chiếc nhẫn do Ya Tuất làm ra cũng thật sắc sảo,
đồng thời mang những dấu ấn riêng của nghề kim hoàn dân tộc Chu Ru.
Để đạt được độ sắc sảo của chiếc nhẫn như
hiện nay, Ya Tuất đã phải trải qua hơn 15 năm học nghề. Ma Wêl, vợ của Ya Tuất,
kể: “Nó (Ya Tuất - người Chu Ru thường sử dụng ngôi thứ hai số ít là nó) học được
cái nghề này là do mẹ nó bắt học... Làm nhẫn khó lắm, nhiều người cùng học
nhưng chỉ mình nó được ông cậu (nghệ nhân Ya Grang - NV) truyền cho nghề. Lúc
thành nghề rồi nhưng về làm cũng không được, đến khi ông cậu tặng cho bộ đồ nghề
và lúc cậu chết đi nó mới làm được...”.
Ya Tuất cũng gật đầu thừa nhận: “Lúc lên
năm tuổi bị ông bà già bắt mình đi học thì mình phải học thôi... Đến bây giờ vì
danh dự nên không thể bỏ được nữa rồi, không bỏ vì đây còn là cái nghề của ông
bà để lại...”. Ya Tiêng, cha của Ya Tuất, nói thêm: “Cái nghề làm nhẫn bạc tuy
không làm ra nhiều tiền nhưng là nghề truyền thống của người Chu Ru nên không
thể bỏ được”.
Chính vì vậy, gần 20 năm nay bếp lửa của
nghệ nhân Ya Tuất bao giờ cũng đỏ. Ya Tuất cũng không nhớ rõ là mình đã làm được
bao nhiêu đôi nhẫn và đã giúp cho bao nhiêu đôi trai gái nên vợ nên chồng. Chỉ
biết rằng nhiều người ở Proh, Cam Butta, K’ Đơn, M’ Krăng Gõ... (Đơn Dương); Tà
Năng (Đức Trọng); xã Lát (Lạc Dương), cả người Chăm ở Ninh Thuận, người Kinh ở
Đồng Nai, Vũng Tàu cũng đã đến đặt Ya Tuất làm nhẫn.
Nét văn hóa độc đáo riêng từ chiếc nhan
cuoi của người Chu Ru, do nghệ nhân Ya Tuất tạo tác, sẽ góp phần tạo thêm sắc
màu cho lễ hội hoa Đà Lạt năm nay..
Triệu Minh Bắc (sưu tầm).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét