Lưu truyền văn hóa dân tộc Si La (Đỗ Anh Chử)

Dân tộc Si La là một trong những dân tộc thiểu số đang được thụ hưởng các chính sách bảo tồn và phát triển dân tộc, sinh sống chủ yếu ở bản Seo Hai (xã Can Hồ, huyện Mường Tè).
Từ xa nhìn lại, bản Seo Hai hiện lên khá trù phú, với những thửa ruộng bậc thang uấn quanh xanh mướt. Điều này cũng cho thấy cuộc sống của người Si La ở Seo Hai không còn chênh vênh bên bờ sông Đà.

Chị Đặng Thị Loan – Phó Phòng Văn hóa & Thông tin huyện Mường Tè cho biết: “Seo Hai là bản thuần dân tộc Si La, hiện nay, bản Seo Hai có hơn 60 hộ, gần 300 nhân khẩu. Từ bỏ tập quán du canh, du cư được nhà nước hỗ trợ đời sống, sản xuất dân bản Seo Hai đã no ấm hơn, có điều kiện quan tâm, lưu truyền những nét văn hóa độc đáo của dân tộc. Mặc dù không ít đã bị mai một, nhưng văn hóa của dân tộc Si La ở Seo Hai vẫn được thể hiện trong một số nghi thức tín ngưỡng, nhạc cụ dân tộc, dân ca, dân vũ và hoa văn, họa tiết trên trang phục của người phụ nữ.
Về thăm Seo Hai lần này, chúng tôi may mắn được gặp nghệ nhân Hù Chà Khao – một người dân trong bản còn nắm giữ nhiều về văn hóa, tập tục của người Si La. Câu chuyện về tín ngưỡng, thờ cúng của người Si La của chúng tôi với ông Khao bắt đầu cũng là lúc cơn mưa rừng bất chợt ập tới. Mạch chuyện hôm ấy hòa với tiếng xối xả của mưa rừng cùng tiếng ầm ào của sông Đà đang mùa thác lũ như đưa chúng tôi về miền huyền tích, hoang hoải của dân tộc Si La. Theo ông Khao, người Si La vẫn lưu truyền thờ cúng bếp thiêng trong gia đình trưởng dòng họ mới. Thông thường bếp thiêng được kê bằng 3 khối đá nhỏ theo hình tam giác, mỗi khối đá có tượng trưng khác nhau: tổ tiên, gia đình, ngăn ngừa tà ma và những điều xấu. Bếp thiêng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân tộc Si La. Vào những ngày lễ, tết các gia đình trong dòng họ sẽ mang lễ vật tới cúng tế ở bếp thiêng, tưởng nhớ đến tổ tiên và cầu may cho bản thân, gia đình và dòng họ.
Cùng với tục thờ bếp thiêng, đời sống tâm linh của người Si La ở Seo Hai cũng gắn liền với các lễ cúng trong năm. Thường việc cúng tế gắn với quy trình sản xuất lao động, mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Những năm gần đây, việc diễn xướng trong các buổi lễ, tế đã được phục dựng nhằm lưu giữ nét văn hóa của dân tộc Si La. Lễ cấm thường được tổ chức vào thời điểm tháng giêng, trước các vụ sản xuất. Lễ này còn được gọi là “bìa khớ” - cúng bản, sau đó dân bản sẽ làm lễ và “mía lô lô” - cấm bản. Điều này có thể được hiểu trong quá trình bà con tập trung vào mùa vụ, không muốn có người lạ, kẻ xấu vào bản tránh mất mát tài sản. Sau khi cử hành lễ cấm bản, bà con bắt tay vào lao động sản xuất, khi xuống giống, người Si La làm lễ “cá si ta” - gieo hạt, mong được mùa, sản xuất tránh thiên tai, sâu bệnh gây hại. Được mùa, bà con tiếp tục làm lễ “co giá mì lô và mường mì a lô” và tiến hành chăm sóc lúa, bảo vệ mùa màng. Hoàn tất vụ sản xuất, sau khi đã thu hoạch xong vụ lúa, dân bản sẽ tiến hành làm lễ “cò ve phạ” – cúng hồn lúa và cơm mới. Các lễ cúng được cử hành trang nghiêm nhưng không tốn nhiều thời gian, công sức chuẩn bị, đồ cúng tế là sản vật nông nghiệp do bà con dân bản sản xuất ra. Điều này cho thấy người Si La luôn yêu lao động, coi trọng đời sống tinh thần, giá trị tâm linh, trong các lễ cúng không mang tính mê tín dị đoan.
Song song với việc lưu truyền văn hóa tín ngưỡng, để làm phong phú đời sống tinh thần trong cộng đồng người Si La ở Seo Hai còn lưu truyền một số nhạc cụ và nhiều điệu dân ca, dân vũ. Nhạc cụ của người Si La chủ yếu làm bằng những vật liệu có sẵn trong tự nhiên: tre, trúc, bầu nậm, cây gỗ “ma hó à chứ” – gỗ thường dùng làm cần đàn tính. Một số nhạc cụ đặc trưng của người Si La là sáo dài “pờ tư thế lế”, sáo ngắn “là pí”. Sáo của người Si La không nhiều lỗ do đó chỉ thổi các giai điệu khá đơn giản. Đàn tính của người Si La có 3 dây, đây có thể coi là điểm khác biệt so với đàn tính của dân tộc Thái vùng Tây Bắc hay Tày, Nùng vùng Đông Bắc. Người dân Seo Hai vẫn lưu truyền nhiều làn điệu dân ca hát giao duyên và hát trong lao động sản xuất, thường là hát đối đáp…
Cùng với đó, người Si La ở Seo Hai lưu giữ nhiều nét độc đáo trong trang phục, đặc biệt là trang phục của người phụ nữ. Áo của người phụ nữ có vạt trước được gắn đồng xu bằng kim loại. Váy của người phụ nữ Si La cũng quấn cạp như người Thái, nhưng khi mặc lại giắt váy đằng sau và quấn cạp. Phụ nữ Si La thường quấn khăn trên đầu, lúc còn thiếu nữ quấn khăn trắng, khi đã lập gia đình họ sẽ quấn khăn đen hoặc xanh thẫm màu.
Trước nguy cơ bị mai một những nét đặc trưng văn hóa của dân tộc Si La, một số ngành chức năng đã tiến hành điều tra, khảo sát, sưu tầm phục dựng nghi thức tế lễ, văn hóa để Seo Hai luôn thấm đẫm văn hóa dân tộc Si La bên bờ sông Đà.
Những lúc nông nhàn, người Si La ở bản Seo Hai, xã Can Hồ (huyện Mường Tè) tuyền dạy cho nhau điệu múa truyền thống.
 Đỗ Anh Chử (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét