Kỳ lạ dân tộc ít người nhất Việt Nam (Lý Quảng Ninh)

Theo thống kê của Ủy ban Dân tộc, người Si La là một trong 5 dân tộc ít người nhất Việt Nam. Ở cực Tây Tổ quốc có một bản người Si La sinh sống ở xã Chung Chải (huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên).
Không bắt được sóc không ăn được Tết
Vào bản Nậm Sin, thủ phủ của người Si La, bây giờ đã có đường xe máy, nhưng cuộc hành trình vẫn còn lắm gian nan. Chủ tịch xã Chung Chải Pờ Xè Chừ nói rằng phải đến năm 2006, nhờ dự án bảo tồn dân tộc Si La nên mới có đường đi xe máy vào bản, còn trước đó Nậm Sin là một thế giới hoàn toàn tách biệt với bên ngoài.

Nậm Sin nằm ở khu vực biên giới khó khăn nhất của huyện Mường Nhé, cách trung tâm huyện gần 40 cây số, ngày trước, mỗi lần có việc vào Nậm Sin phải đi bè qua sông Đà, sau đó đi bộ xuyên rừng mấy cây số nữa mới tới nơi.
Năm nay Tết Ô Xị Chờ của đồng bào Si La bắt đầu từ ngày 6/12/2012 và kéo dài trong vòng 5 ngày. Theo phong tục của người Si La, cứ đến ngày con trâu (ngày Sửu) đầu tiên của tháng 12 dương lịch thì tổ chức ăn Tết chứ không cố định vào một ngày nào cả.
Ông Chừ dẫn tôi đến nhà già làng Lỳ Chà Chơ, người già nhất bản Nậm Sin nhưng chỉ mới 57 tuổi. Tôi định gọi ông nhưng phong tục người Si La bắt phải gọi bằng già. Lúc chúng tôi vào cũng là thời điểm gia đình chuẩn bị cúng tết. Bên bếp lửa thiêng, già Chơ lần lượt lý giải những điều mà tôi cho là kỳ lạ.
Chẳng hạn như bếp lửa thiêng gồm có 3 hòn cuội đặt trước bàn thờ. Hòn cuội chính ở giữa tượng trưng cho bà chủ; hòn phía ngoài bên trái hướng về bàn thờ tổ tiên tượng trưng cho tổ tiên hiện thân qua bếp lửa, bảo vệ sự ấm cúng cho gia đình; hòn thứ ba hướng về cửa ra vào nhằm ngăn không cho điều xấu vào nhà.
Người Si La quy định, nếu ai làm đổ một trong ba hòn cuội trong bếp thiêng đó thì đã phải nộp phạt một chai rượu và hai hào bạc trắng. Suýt chút nữa tôi phải nộp phạt do sơ ý làm một trong ba hòn đá ngả nghiêng.

Theo truyền thống, cứ đến tết Ô Xị Chờ thì gia đình nào cũng mổ lợn. Một ngày trước khi sang năm mới của người Si La, dòng suối Nậm Sin vui như hội vì dân bản mang lợn ra mổ ăn tết. Nhưng năm nay là một ngoại lệ, khó khăn quá, vì thế mà tết cũng có phần kém vui. “Sắp đến tết thì trong bản có dịch nên lợn bị chết gần hết, chỉ còn lại có mấy con thôi”, già Chơ giải thích. Thịt lợn thì có thể ít đi một tý, nhưng trong tết Ồ Xị Chờ của người Si La không bao giờ được thiếu sóc.Ngày xưa, người Si La sống lang thang trên núi Xì Thau Chải xen lẫn với những hộ dân người La Hủ. Cứ mỗi mùa cây rụng lá vàng họ lại bỏ đất ấy, kéo nhau đi nơi khác phát nương, làm rẫy. Năm 1973 hơn 20 hộ dân Si La đến xã biên giới Chung Chải, thấy dòng suối Nậm Sin nước mát, rừng rậm, đất nương rẫy tốt tươi bèn tập hợp nhau dựng nhà ở lại luôn.
Dân tộc này quan niệm, con sóc vị thế vô cùng đặc biệt, giống như vật tổ của đồng bào họ vậy. Già Chơ lý giải rằng, ngày xưa tổ tiên sống lang thang, khổ cực, không có lợn gà nên cứ mỗi khi năm hết tết đến thì chỉ có con sóc là loài dễ kiếm nhất. Đến bây giờ, mỗi gia đình ở Nậm Sin đều có một bàn thờ sóc. Dân bản cũng qui định, dòng họ nào không bắt được sóc để cúng thì không được ăn tết Ô Xị Chờ. Vừa rồi có đợt thu vũ khí, sóc không bắn được nhiều nên có một vài gia đình không có tết.
Nậm Sin có 5 dòng họ: Lỳ, Pờ, Chu, Giằng, Hồ. Già Chơ là trưởng của dòng họ Lỳ. Mấy hôm trước đích thân ông dẫn con cháu lên rừng bắn sóc. Súng đã nộp cho Nhà nước nên phải dùng nỏ, những thanh niên trai tráng nhất của họ Lỳ đều được huy động nhưng cũng chỉ bắn được có vài con.
Mỗi chú sóc chỉ vài ba lạng nhưng cũng phải chia ra mỗi nhà một ít để cúng tết. “Theo qui định của tổ tiên truyền lại, người Si La phải cúng sóc ba lần. Tết Ô Xị Chờ, tết lúa mới và trong các đám cưới. Đối với dân tộc Si La, không có nỏ thì không sống được”.
Chờ đợi mãi cũng đến phần cúng tết. Nghi lễ sang năm mới của người Si La rất đơn giản, chủ nhà chỉ khấn vài câu với tổ tiên, nhờ phù hộ mùa màng xong là có thể vào tiệc rượu ngay. Năm nay khó khăn nên nhà già Chơ phải chung thịt lợn với 3 hộ khác. Bữa cơm rượu đầu năm tưởng như vui vẻ cả nhà nhưng không phải. Chỉ có mấy người đàn ông được phép ngồi ở nhà nhà trên, còn đàn bà con gái phải đợi khách ăn xong mới được dọn xuống nhà dưới ăn tết.
Thông thường, khi người Si la đã ngồi vào bàn rượu thì chẳng mấy khi cuộc vui kết thúc sớm. Mâm cỗ có thể không được đề huề nhưng rượu không bao giờ hết. Chúc, say, ngất ngư có khi cả ngày trời. Tết là ngày đẹp nhất, người lạ vào bản không được ra ngay trong ngày mà phải chờ đến hôm sau. Có việc cần thiết quá thì phải đóng 30.000 đồng tiền lý cho ông trưởng bản.

Dân tộc Si La hay còn gọi là người Cú Dè Xừ, Khả Pẻ, thuộc nhóm ngôn ngữ Tạng Miến. Trước khi di cư sang Việt Nam tổ tiên của họ đã cư trú ở Lasha, thủ phủ của Tây Tạng (Trung Quốc) sau đó di cư sang Mù Đi (Lào) rồi mới đến Việt Nam. Ngày nay họ vẫn còn nhớ câu sấm truyền về nguồn gốc của dân tộc mình: “Su đi La Sa khủa, phum Mù Đi khủa” (sinh ra ở La Sa, lập bản ở Mù Đi). Ngoài 198 nhân khẩu sinh sống ở bản Nậm Sin, hiện dân tộc Si La còn khoảng 600 người sinh sống ở xã Can Hồ, huyện Mường Tè (Lai Châu).

Lý Quảng Ninh (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét