Cùng
với các dân tộc khác tại Gia Lai, trang phục của người Jrai có nét tương đồng từ khâu chế biến nguyên
liệu, phương thức dệt vải, kiểu trang phục, màu sắc, hoa văn trang trí và trang
sức. Trang phục người Jrai, nam/nữ sử dụng phổ biến các y phục kiểu choàng, quấn,
áo chui đầu. Trong loại hình trang phục này, cổ nhất là chiếc khố của nam và
váy của nữ. Trang phục nam không cầu kỳ nhưng khá độc đáo.
Về khố, tùy theo vùng tộc người Jrai ở Gia
Lai mà đàn ông mặc khố khác nhau, chất liệu vải trang trí hoa văn khác nhau, ví
như đi làm họ mặc khố ngắn bằng vải mộc hoặc nhuộm chàm không trang trí hoa
văn, nhưng trong các dịp: tiếp khách, nhà có lễ, làng có hội, đi thăm bạn làng
khác, đi chơi xa... thì họ lại chọn kiểu khố vạt dài có tua chỉ màu đen và đỏ,
trên mặt khố trang trí hoa văn theo rìa dọc khố, đầu khố có đính thêm hạt cườm.
Về áo của nam có hai loại, áo có tay và áo không tay.
Áo không tay của nam/nữ có nhiều điểm giống
nhau, trên áo có đường hoa văn từ bả vai chạy dọc xuống hai bên sườn. May loại
này đơn giản, vì với khổ vải hình chữ nhật, gập đôi lại, khoét cổ ở giữa đường
gấp, khâu 2 mép sườn lại, để lại một đoạn dưới xẻ tà là xong chiếc áo. Áo dài
tay, cách may cũng giống áo không tay nhưng được nối thêm hai ống tay áo; trên
các đường bả vai, nách, cửa tay có trang trí
các đường viền màu sặc sỡ. Nếu là áo dài tay do các thủ lĩnh (Pơ tao) mặc
thì trước ngực có trang trí thêm mảnh vải đỏ hay chỉ đỏ (gọi là ao brung blak).
Về mền choàng, mùa lạnh đàn ông Jrai dùng thêm tấm mền choàng người hay bắt chéo
trước ngực kiểu chiến binh với hai loại màu chính đen và trắng có chiều ngang
chừng 2 mét, chiều dài hơn một chút, được trang trí các đường hoa văn ở đường
mép vải, hai đường trang trí ở giữa mền. Ngoài những tấm mền cá nhân, theo lời
người già thì ngày trước, người Jrai dệt những tấm mền lớn có thể choàng cho
đông người, trang trí nhiều nét hoa văn đẹp, dùng trong lễ hội cộng đồng.
Trang phục nữ Jrai khá sắc sảo độc đáo vì
nghề trồng bông, lanh, gai dệt vải của người Jrai phát triển sớm hơn các tộc
người khác tại địa phương. màu nền và trang trí trên trang phục chị em chế biến
từ nguồn nguyên liệu tự nhiên như vỏ cây tơ nung để lấy màu đỏ, lá cây chàm, vỏ
cây băl, than củi, bẹ chuối... để tạo màu chàm, đen. Đây là nghề riêng của chị
em nên họ thỏa sức sáng tạo và làm đẹp cho phái mình. Về váy, chị em Jrai thường
ngày mặc váy chàm, hầu như không trang trí.
Trong các lễ hội thì mặc váy đẹp hơn váy
thường ngày vì có trang trí các hoa văn (váy hoa abenpnga). Vẻ đẹp đặc trưng của
váy Jrai không phải là những dải hoa văn trang trí nơi hai đầu và chân váy, giữa
thân váy mà là tấm vải đáp (bănh) có nhiều hoa văn ở vị trí phần mông của váy.
Về áo thì có áo ngắn tay, dài tay, không tay theo thời tiết, dịp sinh hoạt cộng
đồng; áo đều may kiểu chui đầu, cổ khoét cao, nút mở ở đường bờ vai, hoa văn
trang trí chủ yếu ở phần chân gấu áo, hai cánh tay, ngang ngực, hai vai và nách. Các hoa văn sử dụng
đều rực rỡ sắc đỏ. Kèm trang phục là trang sức bằng vòng tay, vòng cổ, vòng
chân bằng đồng, bạc, hạt cườm, dây vải. Về khăn, nam sử dụng loại khăn chít đầu
màu chàm, khăn quấn quanh đầu dắt mối vào trong hoặc để xõa sau gáy; phụ nữ ít
khi chít khăn, tóc búi gọn gàng sau gáy, trong các lễ hội họ thắt một dải băng
dệt hoa văn tinh tế, đầu hai dải tua rua, thắt trên trán vòng cột sau gáy.
Có thể nói rằng, trang phục của người Jrai
khá đơn giản với các kiểu choàng, quấn và áo chui đầu. Đây là loại hình trang
phục vừa đặc trưng cho các dân tộc Đông Nam Á vừa tiêu biểu cho một giai đoạn
phát triển sớm của y phục các dân tộc thiểu số vùng Tây Nguyên.
Thanh
Hương (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét