Dân
tộc (Sắc tộc thì đúng hơn-TC) Xơ Đăng có gần 170 nghìn người, cư trú trong vùng văn hóa Trường Sơn – Tây
Nguyên, tập trung chủ yếu ở tỉnh Kon Tum. Cuộc sống gắn bó với núi rừng, nương
rẫy của người Xơ Đăng đã hình thành nên những nét văn hóa độc đáo, giàu bản sắc.
Trong đó, không thể không nhắc tới văn hóa ẩm thực.
Gạo tẻ là lương thực chính của người Xơ
Đăng. Khi điện lưới, rồi máy xay xát chưa về đến làng như bây giờ, để chế biến
thóc thành gạo, đều do sức lực và bàn tay đảm đang của người phụ nữ.
Không có thói quen giã gạo trước rồi để
dành nấu dần, người Xơ Đăng ăn bữa nào chuẩn bị gạo bữa ấy. Thóc được mang vào
từ kho lúa gần nhà, có thể một hoặc hai ba người phụ nữ sẽ dùng cối gỗ và chầy
gỗ giã thóc thành gạo.
Tiếng lợn ụt ịt dưới gầm sàn, tiếng gà gáy
báo sáng, tiếng lích chích, lanh chanh của lũ chim dậy sớm trên cây hoa Pơ lang
đầu làng… Tất cả cùng tấu lên trên nền âm thanh chủ đạo là tiếng giã gạo thậm
thịch râm ran, ấy là không khí ở một ngôi làng của người Xơ Đăng vào mỗi sớm
mai.
Một ngày, người Xơ Đăng ăn hai bữa chính,
bữa sáng và bữa tối. Bữa trưa được coi là bữa phụ vì thời gian này họ đang ở
ngoài nương rẫy. Gạo được nấu thành cơm bằng nhiều cách khác nhau, phổ biến là
dùng nồi và trong ống nứa mà ta thường gọi là cơm lam.
Cơm Lam
Chỉ cần qua một bữa ăn, nhìn vào nồi cơm
hoặc những ống cơm lam của gia chủ, có thể nhận biết được khả năng kinh tế, sự
đảm đang hay không của người phụ nữ trong gia đình. Với tín ngưỡng vạn vật hữu
linh, người Xơ Đăng có tục thờ thần lúa với điển hình là lễ mừng lúa mới được tổ
chức hàng năm.
Nếu lúa gạo phản ánh tư duy sản xuất, lao
động thì thực phẩm chủ yếu được khai thác từ rừng phản ánh cuộc sống hái lượm,
gắn bó với rừng của người Xơ Đăng. Ngày nay, chăn nuôi, trồng trọt của người Xơ
Đăng đã phát triển, song thịt các loại thú rừng, các loại rau hái lượm từ tự
nhiên vẫn là những món ăn được ưa thích, là “đặc sản” trên mỗi mâm cơm gia
đình.
Mùa nào thức ấy, trong những chiếc gùi của
người phụ nữ Xơ Đăng, sau một ngày lao động trên rẫy lúc trở về làng đều có những
“món quà của thiên nhiên”. Đó có thể là một nắm rau dớn mọc bên suối, lá môn, đọt
mây, măng le rừng v.v.. May mắn hơn là thịt con nai, con heo, dúi rừng, con chuột,
chim, sóc, mớ cá lăng dưới suối…
Việc chế biến các món ăn của người Xê đăng
tuy không cầu kỳ, tinh xảo nhưng là nét văn hóa ẩm thực rất riêng trong môi trường
sống nơi đại ngàn, nó còn phản ánh kiến thức y, sinh học được đúc rút qua kinh
nghiệm truyền từ đời này sang đời khác. Như món rau dớn người Xê đăng chỉ nấu với
tôm, cua, cá suối chứ tuyệt nhiên không nấu cùng thịt động vật trên cạn; món gà
nướng dành cho người mới sinh…
Có một đặc điểm chung của người Xơ Đăng
trong cách chế biến món ăn, đó là: Khi làm lông súc vật, kể cả loài 4 chân hay
2 chân đều thui trên lửa cho cháy trụi rồi mới cạo hay vặt lông.
Tập quán thái thực phẩm bằng cách cứa vào
dao vẫn còn tồn tại. Người Xơ Đăng ngồi kẹp chuôi dao vào giữa hai chân, ngửa
lưỡi dao lên hoặc hướng lưỡi dao ra phía trước, tay cầm tảng thịt đều đều cứa
vào dao cắt thành miếng nhỏ.
Giống như các dân tộc khác, người Xê Đăng
đặc biệt thích món nướng. Thịt nai, thịt lợn, cá nướng là những món khoái khẩu.
Một số loại thực phẩm còn được cho vào ống tre, nứa còn non nút kín miệng ống rồi
nướng trên than củi.
Người Xơ Đăng cũng thích tiết canh và các
món tái. Có ý thức dự trữ thực phẩm khi dư dật bằng nhiều cách, như sấy khô, ướp
mặn trong hũ, trong ống, muối chua…
Thức uống không thể thiếu trong những dịp
trọng đại của gia đình, lễ hội của cộng đồng là rượu ghè. Cách chế rượu cổ truyền
của người Xơ Đăng vẫn lưu truyền đến nay. Nguyên liệu dùng làm rượu thường được
sử dụng là củ mì, hạt kê, gạo tẻ, gạo nếp, ngô. Men rượu được làm từ “cây men”
mọc trong rừng.
Trong một làng, không có nhiều người làm
được việc này. Việc làm men bắt đầu từ việc gặp cây men trong rừng và được thực
hiện với những kinh nghiệm trao truyền từ đời này sang đời khác, là bí quyết
riêng của mỗi gia đình.
Để có một ghè rượu ngon, trong suốt quá
trình làm rượu, người thực hiện công việc phải kiêng khem nhiều thứ, như luôn
giữ cho người sạch sẽ, mỗi sớm mai phải “nhấm men” sau đó mới được ăn sáng. Nếu
không men sẽ làm cho rượu đắng hoặc chua
giống thức ăn mà người làm men ăn vào.
Vì làm được một ghè rượu rất kỳ công, lại
gửi gắm cả tâm tư, tình cảm, tín ngưỡng, tâm linh của chủ nhân nên những ghè rượu
ngon, người làm rượu giỏi được cả cộng đồng tôn vinh, kính trọng.
Cùng hội nhập và phát triển, văn hóa ẩm thực
của người Xơ Đăng giờ đã không chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình, cộng đồng
làng, mà được giới thiệu, tôn vinh thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa.
Không phụ thuộc hoàn toàn vào hái lượm tự
nhiên như trước đây, người Xơ Đăng giờ đã biết nuôi lợn, nhím, dúi rừng; trồng
mây, sa nhân lấy đọt…để đáp ứng nhu cầu ẩm thực của mình và cũng là để tăng
thêm thu nhập.
Và dù chiếc tủ lạnh, nồi cơm điện đã xuất
hiện trên góc nhà sàn, thay chức năng của những giàn bếp cất giữ thực phẩm bóng
lên vì khói, thay cho ống nứa, ống tre gợi miền ký ức, thì những độc đáo trong
văn hóa ẩm thực của người Xơ Đăng vẫn đang được nuôi dưỡng trong chính cuộc sống
thường ngày của người dân, trong người yêu mến, và cả trong trăn trở của những
người có trách nhiệm đối với vốn văn hóa truyền thống này./.
Hoàng
Thị Lê (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét