Đồng bào Xơ đăng đã đóng góp công sức to lớn
trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, nhất là trong
hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và xâm lược Mỹ, đồng bào Xơ Đăng một lòng
một dạ theo Đảng và Bác Hồ, hăng hái vào cuộc đổi mới xóa bỏ nghèo nàn lạc hậu,
đồng thời góp sức bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Cho đến nay, chưa có tư liệu nào trình bày
rõ về những cuộc chuyển cư của các nhóm dân tộc Xơ đăng. Các nhà nghiên cứu trước
đây đành chấp nhận một điều có thể tin cậy là những cư dân Môn - Khơ me đã có mặt
sớm nhất trong các cư dân tồn tại ở miền Bắc Tây Nguyên. Nhưng có một điều chưa
thỏa đáng và vào thời gian nào, vì sao các nhóm Xơ đăng lại phải đẩy lên vùng
núi cao để cư trú. Huyền thoại về nguồn gốc dân tộc cho thấy các nhóm ngôn ngữ
Ba na Bắc này gần gũi với các cư dân Mông - Dao và một số nhóm Tạng - Miến, chứng
tỏ xa xưa tổ tiên họ có thể ở quá về phía Bắc.
Người Xơ Đăng đang thực hiện buổi lễ
Người Xơ Đăng đang thực hiện buổi lễ
"Mừng lúa mới" tại Khu các làng dân tộc - Làng Văn hóa Du lịch các
dân tộc Việt Nam.
Sự gần gũi về phương tiện ngôn ngữ và văn
hóa của họ với ngôn ngữ và văn hóa người Việt - Mường cổ cho thêm một chứng cứ.
Có thể tổ tiên người Chăm đã tách họ ra với tổ tiên người Việt - Mường và sau
đó những xung đột nội bộ của cư dân Môn - Khơ me, những cuộc xung đột với người
Chăm (thế kỷ XII - XV), với người Lào (thế kỷ XVI), người Xiêm (thế kỷ XVIII -
XIX), sự tràn lấn của các nhóm Môn - Khơ me, như Cơ tu, Bru, Tà Ôi... từ Lào
sang đã thu hẹp phạm vi cư trú của họ. Họ tìm thấy một nơi sinh sống sau những
thế kỷ biến động xung quanh vùng núi Ngọc Linh chăng? Ở đó đã lâu, họ không còn
nhớ những câu chuyện về các cuộc thiên cư dài ngày và họ đã gắn liền với những
huyền thoại của mình vào một số địa điểm ở miền Bắc Tây Nguyên hiểm trở này.
Bên cạnh rẫy và ruộng, các cư dân Xơ Đăng
đều canh tác thêm vườn. Vườn ở đây chiếm một vị trí khá quan trọng trong việc
cung cấp thực phẩm cho đồng bào, làm giảm bớt lượng thức ăn do rừng cung cấp bằng
hái lượm. Nếu so với các cư dân ở khu tự trị Tây Bắc cũ thì vị trí hái lượm ở
đây kém do vườn phát triển. Nhưng ngược lại, nghề săn bắn ở vùng Xơ đăng khá
phát triển lại không cản bước tiến bộ trong việc chăn nuôi. Đó là sản phẩm trồng
trọt có khả năng cung cấp đủ thức ăn cho gia súc, gia cầm.
Với số dân khoảng 10 vạn người, dân tộc Xơ
Đăng cư trú trong các huyện Đăk Tô, Đăk Glây, Công Plông và thị xã Kon Tum, thuộc
tỉnh Kon Tum, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam và huyện Sơn Hà tỉnh Quảng Ngãi.
Dân tộc Xơ Đăng bao gồm các nhóm:
1-Xơ Teng tự nhận là Xơ Teng, Xteng,
Hđăng, Rtiêng tùy theo từng vùng tên gọi chệch đi. Có tác giả gọi là Kătng, Kon
lan, Duăn và coi đó là những tộc người khác nhau. Thật ra, tên Kom Răng không
thấy trên thực tế. Kon lan là chỉ tên làng. Tên Duăn đáng chú ý vì cúng là tên
các cư dân miền núi miền Nam và dân tộc Khơ me gọi người Việt. ở nước Cộng hòa
nhân dân Lào có nhóm Xơ đăng Đuôm cư trú tại huyện Đăk Chưng, tỉnh Xaravan.
2- Tơ đrá (Tơ trá, Hđrá) sinh sống ở vùng
giáp ranh giữa ba huyện Đăk Glây, thị xã Kông Tum và Kông Plông.
3- Mơ mâm thường bị lẫn với người Bơnăm, một
tên gọi có tính miệt thị để chỉ những nhóm Ba an chậm tiến ở vùng cao hơn. Người
Mơ mâm có nhiều nhất hở huyện Kông Plông.
4- Ca dong là tên tự gọi của các bộ phận ở
huyện Sa Thầy và Kông Plông. Tên này chỉ mới được phổ biến rộng rãi với người
Ca dong ở huyện Trà My, một cư dân trước đây được gọi bằng một tên chung với
tên của nhòm Duăm. Họ gọi nhóm Xơ teng là He jung.
5- Hà lăng là nhòm di động nhiều, tuy tên
có ý thức thống nhất là một nhóm, nhưng ở từng địa phương lại mang những tên
phiên âm hơi khác. Họ tự nhận là Xơ lang, Xa lăng. Có vùng như ở xã Đăk Na, huyện
Đăk Tô, do tên gọi và phong tục gần giống người Xơ teng (ở đó người Xơ teng tự
nhận là Xtang và được các cư dân trong vùng gọi là Xlang như người Hà Lăng),
nên hai nhóm này gần như là một. Ngược lại, ở huyện Sa Thầy, giữa họ và người
Ca dong hầu như không có sự phân biệt. Bộ phần gần thị xã Kông Tum phong tục lại
gần gũi với người Ba na.
Để tự cấp tự túc có sản phẩm trao đổi, đồng
bào Xơ Đăng còn đan lát, dệt, rèn, làm đồ gốm. Một số nơi có điều kiện đãi cát
lấy vàng. Nghề đan lát do đàn ông đảm nhiệm. Đồ đan lát của đồng bào đẹp, bền,
thể hiện sắc thái riêng của từng nhóm địa phương. Trừ một bộ phận nhóm Ca dong,
các nhóm Xơ Đăng đều biết dệt. Xưa kia, đồng bào chỉ dệt bằng các loại đay, gai
mọc dại hoặc trồng trong vườn. Hiện nay, nhóm Mơ nông và Xơ teng vẫn duy trì
truyền thống đó. Còn nhóm Tơ đrá và Hà lăng đã trồng bông kéo sợi, dệt vải.
Khung cửi Xơ đăng giống như khung dệt của
người Giẻ - Triêng và Ba Na, cho thấy một phương thức quá độ từ đan lát đồ mây
tre sang dệt với khổ vải không hẹp như sản phẩm dệt của người Khơ Mú hay người
Dao mà rộng từ 90 - 120cm. Thuật ngữ chỉ dệt và đan là một: tan hay tian. Người
Ba Na cũng gọi dệt, đan là tan.
Nghề làm gốm không có bàn xoay ở người Xơ
đăng chỉ thấy tại một vài làng như: Con Blo, Con Roong ở Kông Plông, làng Đăk
Neng ở vùng Tu Mơ Rông. Đây là công việc của phụ nữ làm trong lúc nông nhàn. Sản
phẩm được nung lộ thiên giống như cách nung của người Gié ở Đắk Pét.
Tên làng có thể gọi theo tên người đứng ra
lập làng như làng Ui - tên người tù trưởng có uy tín ở vùng Tơ đrá; có thể gọi
theo một đặc điểm tự nhiên trong vùng như làng Con Cheng (có nhiều cây Cheng
hoa tím), Con Đui (cây đa), Te Tum, làng có suối nước đỏ, làng Tu Mơrông làng
có máng nước, trên có tổ ong. Làng được đặt theo các truyền thuyết như Ngọc
Eng. Bên cạnh núi Ngọc Eng tương truyền xưa kia trên núi có thuyền vàng, đêm đến
sáng trưng (eng)...
Xưa, khu dân cư tập trung phòng thủ kiên cố,
rào kín xung quanh, có hào sâu, đặt bẫy, chông, chò, chỉ có một số cửa nhất định.
Cửa chính án ngữ đường đi, được bảo vệ cẩn mật và là cửa duy nhất khác có thể
ra vào. Từ một chục năm nay, không thấy làng nào còn phải rào, việc đi lại
trong làng được tự do. Cách mạng đã đem lại sự đoàn kết giữa các làng, các dân
tộc trong vùng.
Mỗi làng có một nhà rông, nơi tiến hành
các nghi thức tôn giáo, hội họp của cả làng, mọi trai tráng tập trung, sẵn sàng
bảo vệ làng, nơi vui chơi giải trí...
Mỗi làng có nhiều nóc nhà. Tất cả những
người chủ nóc hợp thành hội đồng già làng, đứng đầu là một chủ làng (can plây).
Chủ làng chỉ thực hiện các quyết định khi được toàn thể dân làng nhất trí. Mọi
việc to nhỏ đều được những người chủ nóc bàn bạc ở gia đình rồi đưa ra hội đồng
già làng thảo luận, đến khi nhất trí mới thông qua.
Chủ làng là người đại diện cho cả làng, thể
hiện nguyện vọng của toàn dân, chăm nom bảo vệ địa giới làng, quyết định chiến
tranh hay hòa giải, đôn đốc dân làng bảo vệ làng khi có giặc, giao thiệp với
khách lạ tới làng, tiếp xúc với các đoàn buôn, thương lái, tổ chức các đoàn
buôn của làng, có trách nhiệm giữ gìn phong tục tập quán, đôn đốc việc sản xuất,
chủ trì các lễ thức tín ngưỡng và tôn giáo của toàn làng, xử lý các vụ tranh chấp,
kiện tụng, các vụ vi phạm luật tục.
Gần đây, hiếm thấy các nóc nhà dài ở vùng
Xơ đăng. Đã xuất hiện ngày càng nhiều các nhà ngắn cư trú theo gia đình nhỏ đơn
giản hay mở rộng với số lượng ít, thường từ 5-7 người, nhiều nhất dưới 20 người.
Sự chuyển biến này có nhiều nguyên nhân nhưng chủ yếu là vai trò của người chủ
nóc và bà chủ nóc đã không còn cần thiết. Trong thực tế, những gia đình đó vẫn
còn quan hệ với nhau trong cùng tổ đổi công hay hợp tác xã, cũng vẫn giúp đỡ
nhau khi có khó khăn, và về một mặt nào đó lại thân thiết hơn vì tình cảm cùng
xây dựng một cuộc sống mới xã hội chủ nghĩa.
Sau mỗi vụ mùa thu hoạch, người Xơ đăng
trên núi Ngọc Linh, thuộc địa phận các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi tổ
chức nghi lễ cúng máng nước, một nghi lễ nông nghiệp quan trọng trong đời sống
sản xuất của đồng bào.
Ngày lễ thường được tổ chức mỗi năm một lần
vào một trong hai thời điểm tháng 3 sau khi tỉa lúa xong hoặc vào tháng 12 sau
khi thu hoạch xong mùa màng trên ruộng rẫy. Khởi đầu ngày lễ bằng cách tụ tập cộng
đồng sửa chữa máng nước cũ hoặc bắc máng nước mới, gia cố hệ thống giá đỡ đường
ống máng nước đưa nước về buôn làng. Bà con bắt con heo to, cắt tiết thả vào
nguồn nước chảy về làng. Già làng làm lễ cúng tại máng nước trước sự chứng kiến
của cộng đồng. Lễ vật từ thịt cúng từ con heo tế, các ché rượu cần, cơm lam và
các sản vật từ núi rừng, từ ruộng rẫy. Bài khấn gồm những lời cầu thần núi, thần
nước, cúng Giàng theo quan niệm truyền thống Xơ Đăng.
Sau lễ cúng tại bến nước, mỗi gia đình lấy
một ống nước từ máng nước chung của buôn làng về nhà đổ vào ché rượu cần, nấu
cơm cúng của nhà mình. Cúng gia đình xong họ mang ché rượu, cơm và đồ cúng khác
đến nhà rông để tập trung làm lễ uống rượu cần mừng nguồn nước.
Lễ cúng tại nhà rông cho già làng làm chủ
lễ. Sau lễ cúng, cả làng buôn uống rượu ăn cỗ, vui chơi nhảy múa, ca hát, cồng
chiêng đàn sáo trọn một ngày đêm mừng nguồn nước. Xưa kia, trong dịp cúng máng
nước, đồng bào có tục cấm kị người lạ đến, người làng đi ra ngoài. Ngày nay
quan niệm cấm kị không còn nặng nề như trước nữa.
Đồng bào Xơ đăng đã đóng góp công sức to lớn
trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên, nhất là trong
hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và xâm lược Mỹ, đồng bào Xơ Đăng một lòng
một dạ theo Đảng và Bác Hồ, hăng hái vào cuộc đổi mới xóa bỏ nghèo nàn lạc hậu,
đồng thời góp sức bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Ngô
Quang Khải (sưu tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét