Múa ma của người Lô Lô nơi địa đầu Tổ quốc (Minh Huệ)

Nam nữ hóa trang trong lễ múa ma

VNTN - Người Lô Lô có hai ngành, Lô Lô đen và Lô Lô hoa, cư trú ở các tỉnh miền núi phía Đông Bắc. Ở tỉnh Hà Giang, người Lô Lô cư trú ở hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Trong đó nhóm Lô Lô đen cư trú ở xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn còn giữ được nhiều phong tục tập quán độc đáo. Người Lô Lô đen sinh sống ở thôn Lô Lô Chải. Theo tiếng Lô Lô, "Chải" nghĩa là bản. Lô Lô Chải là bản của người Lô Lô, để phân biệt với bản của người Mông sinh sống xung quanh là Thèn Pả, Thèn Ván, Sì Mần Kha... Lô Lô Chải nằm ngay dưới chân cột cờ Lũng Cú.

Lô Lô Chải đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách thập phương, bởi còn giữ được những phong tục độc đáo riêng có của dân tộc. Một trong những phong tục đó là lễ Múa ma trong đám tang của người Lô Lô. Trong lễ tang, một việc không thể thiếu để tiễn hồn người chết về với tổ tiên là múa ma để tiễn hồn.

Lễ múa ma do gia đình người mất nhờ ít nhất bốn nam thanh niên vào rừng hóa trang thành người rừng, bằng cách lấy cây rừng quấn xung quanh người, chỉ để hở hai con mắt. Quấn thật chặt, sao cho lúc múa không để cây rơi lộ ra người múa. Người Lô Lô quan niệm, nếu người múa để cho người khác biết mình đã hóa trang thì năm ấy bản sẽ gặp điều không lành, và người múa cũng sẽ bị ốm đau, xui xẻo. Đoàn múa gồm ít nhất bốn nam đã hóa trang và bốn nữ ăn vận đúng sắc phục Lô Lô. Những nam giới hóa trang phải là người chưa lập gia đình, phải biết những điệu múa của dân tộc và được mọi người gọi là người rừng. Người Lô Lô cho rằng, ngày xưa tổ tiên mình ăn vận như vậy cho nên phải hóa trang đúng thì tổ tiên mới biết mà nhận ma người chết về sống cùng ở thế giới tổ tiên. Trên đường đoàn người hóa trang đi, mọi người đều phải tránh, nhất là đàn bà. Nếu đụng phải người thường, những người này có thể dùng gậy đánh hoặc ném đá. Nếu chẳng may bị ném hay đánh chết cũng không thể bắt vạ.
Đoàn người múa theo nhịp trống đồng mô phỏng những công đoạn trong sản xuất nông nghiệp như cấy lúa, trồng ngô, bẻ ngô, giã gạo, trồng lanh, dệt vải...  Múa có múa tiến và múa lùi, thể hiện con đường đến với tổ tiên nhiều gian khó song nhất định hồn người chết phải vượt qua. Thầy cúng Sùng Dỉ Pai của làng Lô Lô cho biết: "Những điệu múa phải theo quy định cụ thể. Đầu tiên là đoàn người nam đã hóa trang từ trên rừng đi xuống được người nhà ra đón, rồi vào sân cùng với đoàn nữ múa ở ngoài sân. Hết phần múa ngoài sân thì vào múa trong nhà. Múa vòng quanh thi hài. Các bài múa là để chỉ đường cho hồn người chết về đúng nơi tổ tiên mình". Múa tiễn hồn người chết, rồi đến múa dâng các lễ vật cho người chết. Trong đám ma, anh em họ hàng đến cúng tiến thức gì đều phải được thầy cúng cúng dâng những thứ đó cho người chết và đoàn người múa tiễn vật để ma mang đi sang thế giới bên kia có cái để làm ăn.
Ngày xưa, nam nữ đều hóa trang và thường quấn quanh mình những chiếc ruột trâu, bò hay lợn được thổi phồng theo dạng cơ quan sinh dục của nam, nữ. Đó là dấu vết thờ sinh thực khí của cư dân nông nghiệp. Trong các đám múa ma ngày nay, chỉ còn người nam hóa trang và đeo một đoạn ruột lợn thổi phồng, để thể hiện đó là cơ quan sinh dục nam. Ngày nay phụ nữ chỉ mặc đúng trang phục của dân tộc mình để múa và không quấn ruột động vật thể hiện bộ phận sinh dục nữ nữa.
Trong đoàn người hóa trang để múa, có một người luôn đeo chiếc túi vải bên mình. Ngày nay, trong chiếc túi đó là một mẩu gỗ tròn bọc vải và vẽ hình đầu người hoặc quả bầu vẽ hình mặt người. Ngày xưa, trong đó là chiếc đầu của người chết. Bởi người Lô Lô quan niệm, con người có 3 hồn,  hồn ở đầu,  hồn ở bụng và  hồn ở chân. Hồn ở đầu rất quan trọng, cho nên chiếc đầu rất quan trọng. Họ cắt rời chiếc đầu ra đựng trong túi vải đó để đeo bên mình và múa. Sau lễ tang, chiếc đầu đó được cho vào một chiếc hộp đặt trên hang đá gần nhà để gia đình tiện trông nom. Còn thi hài thì đem chôn. Chính vì thế nhóm Lô Lô này còn gọi là Lô Lô khán thầu - Lô Lô cắt đầu. Trong khi múa, chiếc đầu ấy nghe tiếng trống, theo bước chân người múa thì mới biết lối đến đúng tổ tiên nhà mình.
Trong lễ múa ma, người quan trọng nhất là con rể của người quá cố. Người con rể phải là người một trong những người múa chính, dẫn đầu đoàn múa và múa nhiều màn tượng trưng cho việc hiếu lễ đối với bố mẹ vợ vừa mất. Khi đám tang kết thúc, người con rể được biếu một chiếc đùi bò trước, là thể hiện sự trả công cho con rể đã vất vả trong đám tang. Ngoài người múa chính, là ít nhất 4 nam và 4 nữ thì trong quá trình múa còn có thể mời thêm những người đến dự lễ tang múa cùng. Người Lô Lô quan niệm càng nhiều người múa thì càng vui vẻ để tiễn hồn người chết về gặp tổ tiên được vui vẻ, không luyến tiếc trần gian nữa. Trong khi múa, đoàn người hú, reo những tiếng reo vui thể hiện niềm vui khi được gặp tổ tiên để hồn người chết vui cùng.
Người Lô Lô là một tộc người tuy sống cùng các tộc người khác nhiều đời nay, song là tộc người giữ được khá nhiều phong tục tập quán. Nghi lễ múa ma là một nghi lễ có tính nguyên thủy được lưu giữ đến ngày nay. Song cùng với thời gian, những lễ thức đã có phần thay đổi cho phù hợp với đời sống. Điều thay đổi dễ nhận thấy nhất là không còn tục cắt đầu người để múa và chôn riêng. Ngày nay, người chết được để nguyên thi hài đem chôn, và dùng một hình nộm tượng trưng cho cái đầu để cho vào túi vải. Đó là điều mà tộc người này đã thay đổi cho hợp với đời sống ngày càng tiên tiến hơn.
Người Lô Lô có hai đám ma, là đám ma tươi và đám ma khô. Đám ma ngay lúc mất là đám ma tươi, có thể có màn múa ma hoặc không có cũng không sao. Nhưng đến đám ma khô, nhất định phải có lễ múa ma để tiễn hồn người chết. Nếu lúc mới mất, gia đình khó khăn quá thì có thể đem chôn luôn mà không cần làm ma. Nhưng khi có điều kiện kinh tế thì sẽ làm đám ma khô, nhất định phải có lễ múa ma để tiễn hồn người chết. Khi hoàn thành đám ma khô thì hồn người chết mới gặp được tổ tiên và được đầu thai.
Một phần của lễ múa ma đã được cộng đồng đưa thành màn múa phục vụ du khách khi đến với Lũng Cú với cách gọi múa người rừng. Điều này đã góp phần quảng bá phong tục tập quán của người Lô Lô để thu hút du khách đến với miền địa đầu Tổ quốc
Minh Huệ (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét