Bắc
Giang là một tỉnh miền núi có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc
Sán Dìu là dân tộc có dân số khá đông trong nhóm dân tộc thiểu số (khoảng
24.000 người), thì huyện Lục Ngạn chiếm số lượng đông nhất, lên tới gần 20.000 người.
Người Sán Dìu có những quan niệm và nhận
thức rất nguyên sơ về thế giới và vũ trụ, họ cho rằng con người đang sống đều
phải chịu sự chi phối của các mối quan hệ trong cộng đồng và chịu sự chi phối của
thế giới thần linh. Khi sống ở trần gian, những ai có được sự cấp sắc để làm
thày cúng mới có thể bảo vệ được bản thân, gia đình và trị bệnh cứu người. Người
được cấp sắc khi chết không sợ bị mất tên tuổi mà được thờ cúng từ đời này qua
đời khác. Vì vậy, nhiều người đàn ông Sán Dìu mặc dù tốn kém cũng cố gắng học
hành để được cấp sắc làm thày.
Tiến hành lễ cấp sắc, người được cấp sắc
phải theo thày học chữ Hán và học cúng từ nhiều năm trước đó. Đồng thời, với việc
học là việc chuẩn bị tiền bạc để có thể tổ chức lễ cấp sắc. Cấp sắc của người
Sán Dìu có 3 bậc, bậc thứ 3 là cao nhất. Nếu người đã có vợ thứ hai thì không
được cấp sắc bậc thứ 3. Nếu đã thành thày cấp 3 thì không được sát sinh (nếu muốn
đuổi gà thì tay cầm sào xua nhưng miệng vẫn phải gọi gà). Người được cấp tới bậc
này khi chết về âm phủ được xếp vào hàng tiên gia và được hưởng mọi sung sướng ở
cõi âm.
Để tổ chức một lễ cấp sắc phải có 8 ông
thày bảo hộ và giúp đỡ, mỗi ông thày có một nhiệm vụ riêng:
Thày 1(còn được gọi là ông thày chính): Có
nhiệm vụ dạy dỗ trò suốt đời, và trò phải có nghĩa vụ cúng thày suốt đời.
Thày
2: là thày cấp phép.
Thày
3: là thày chứng nhận người được cấp
sắc đã thành thày.
Thày
4: là thày bảo hành (trò có gì sai trái thì được thày bảo lãnh cho).
Thày
5: là thày dẫn đi lấy nước Hà Bá.
Thày
6: là thày truyền phép.
Thày
7 và thày 8: là thày kết quy (có nhiệm vụ định và dọn chỗ cho trò ngồi).
Ngoài
ra còn có một người thứ 9, người này
không phải là thày nhưng có nhiệm vụ thắp hương trong suốt quá trình làm
lễ cấp sắc.
Để tỏ
lòng thành kính với các thày, trò phải có nghĩa vụ cúng cả 8 thày giúp đỡ và cả
vợ chồng người thắp hương suốt đời.
Thông thường một lễ cấp sắc bao gồm 10 bước
chính:
Bước thứ nhất là thỉnh thánh.
Bước thứ hai là phát giấy thông hành đi mời
thánh
Bước thứ ba là tế.
Bước thứ tư là khao quân.
Bước thứ năm là dâng sớ báo cáo tổ tiên.
Bước thứ sáu là trình sớ để được cấp ấn và
cấp sắc.
Bước thứ bảy là cúng bát tiên.
Bước thứ tám là đi lấy nước Hà Bá về đun
nước pha trà kính thánh (trước khi đi lấy nước thì anh em, con cháu mỗi người mừng
2m vải đỏ quàng vào người được cấp sắc, rồi đệ tử và sư phụ hát đối đáp với
nhau, đệ tử xin sư phụ cấp cho lương thực và binh lính để bảo vệ đệ tử đi lấy
nước hà bá).
Bước thứ chín là cấp phép.
Bước thứ mười là làm lễ khao quân.
Tiến trình của mỗi bước được diễn ra từ
khoảng 1 đến 2 tiếng. Nội dung của các bước chủ yếu là hát, nhảy, đọc sớ...Nhạc
cụ dùng để nhảy và hát là linh dao cùng tù và.
Trong tất cả các bước thì đặc sắc nhất là
bước cấp phép để trở thành thày. Để cấp sắc thì thày và trò phải cầm tay nhau,
thày hỏi và trò trả lời:
Thày: Hôm nay anh cầm tay tôi làm gì? học
phép hay đối phép?
Trò: Con học phép.
Thày: Anh có biết trên là gì? dưới là gi?
Trò: Trên là trời, dưới là đất.
Thày: Hôm nay anh biết trên trời, dưới đất
thì nhất trí truyền phép cho anh. Thế trời là gì? đất là gì?
Trò:
Trời là cha, đất là mẹ.
Thày:
Anh hôm nay biết trên trời, dưới đất,
biết đến cha, đến mẹ thì nhất trí truyền phép cho anh.
Và
thày cấp cho trò các vật dụng: Bát hương, dấu ấn, sắc lệnh cùng các vật dụng khác: tù và, linh dao, nón, lương
thực...
Kể từ đây trò đã trở thành thày cúng và đã
có thể bảo vệ được bản thân, gia đình và đi trị bệnh cứu người. Kể từ khi trở
thành thày thì sẽ phải kiêng suốt đời các thứ: Không ăn thịt chó, thịt rắn, ba
ba. Không được uống rượu ở các bàn vong.
Có thể nói lễ cấp sắc của người Sán Dìu là
một loại hình sinh hoạt tôn giáo tín ngưỡng vừa là công việc của riêng của gia
đình, vừa là sinh hoạt mang tính cộng đồng của dòng họ, xóm làng. Thông qua tục
cấp sắc cũng thể hiện được tính cộng đồng sâu sắc, thể hiện tình làng, nghĩa
xóm, và cái quan trọng nhất là hướng con người đến cái thiện: Kính trọng thầy
giáo, biết ơn cha mẹ, tôn trọng bạn bè... Chính những điều đó đã tạo nên nét
riêng biệt và đặc sắc của văn hóa truyền thống người Sán Dìu.
Hoàng Thị Vinh (sưu
tầm)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét