Bản sắc văn hóa người Phù Lá ở Tủa Chùa đang bị mai một (Mạc Quang Khải)

Hiện nay, trong đồng bào Phù Lá chỉ còn rất ít người giữ được phong tục, tập quán.
Theo Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên, hiện trên địa bàn huyện còn khoảng 20 hộ, với trên 100 nhân khẩu là dân tộc Phù Lá sống tại bản Kép và một số hộ định cư tại bản Túc thuộc xã Mường Đun. Tuy người Phù Lá còn giữ được một số bản sắc truyền thống song về trang phục truyền thống, lễ hội, đặc biệt là ngôn ngữ đang ngày bị mai một.

Ông Nguyễn Hữu Điển, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Tủa Chùa, cho biết: Trang phục của nam giới dân tộc Phù Lá theo truyền thống là mặc áo loại xẻ ngực, áo được may từ 6 miếng vải, cổ thấp, ống tay hẹp, cổ tay thêu hoa văn như áo phụ nữ. Đối với phụ nữ Phù Lá chưa chồng thường để tóc dài quấn quanh đầu; đầu quấn khăn vuông đen hoặc chàm, bốn góc và giữa khăn có đính hạt cườm. Người Phù Lá không có tục mặc 2 áo như một số dân tộc khác mà thường mặc áo ngắn 5 thân, dài tay, cổ vuông, thấp, chui đầu. Trên nền chàm của áo, thân được chia thành các khu vực trang trí. Cổ áo vuông và mô típ hoa văn trang trí cũng như bố cục dùng màu làm cho áo phụ nữ Phù Lá không bị lẫn với các tộc người khác. Tuy nhiên, do người Phù Lá ở phân tán, dân tộc Phù Lá ít, lại kết hôn với các dân tộc khác nên đã theo phong tục, ăn mặc, sinh hoạt cùng các dân tộc khác.

Hơn nữa, hiện nay, lớp trẻ cũng không muốn theo phong tục, tập quán mẹ đẻ. Bên cạnh đó, thế hệ đi trước chưa có ý thức bảo lưu, truyền bá văn hóa của dân tộc mình cho lớp kế tiếp, chưa nhận thức rõ tầm quan trọng nét đẹp văn hóa trong cộng đồng dân tộc. Chính vì thế, ngay cả các lễ hội truyền thống, nghi lễ ma chay, cưới hỏi đã không còn giữ được, kể cả trang phục giờ đây cũng đã bị ảnh hưởng của dân tộc Mông, dân tộc Thái. Trước đây dân tộc Phù Lá mang họ Dề Lọ Xệ, Sê Pạ, Ả Cáp Pả… bây giờ đang dùng họ của dân tộc Thái, như: Quàng, Lò.

Gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị bản sắc văn hoá dân tộc là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Năm 1994, Chính phủ bắt đầu triển khai chương trình mục tiêu chống xuống cấp và tôn tạo di tích, bản sắc văn hoá truyền thống các dân tộc. Đặc biệt, thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, Tủa Chùa cũng như toàn tỉnh đã coi trọng và bảo tồn, phát huy những giá trị truyền thống; xây dựng, phát triển những giá trị mới về văn hoá, văn học, nghệ thuật; bảo tồn và phát triển ngôn ngữ, chữ viết của các dân tộc. Đi đôi với việc sử dụng ngôn ngữ, chữ viết phổ thông, khuyến khích thế hệ trẻ thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số học tập, hiểu biết và sử dụng thành thạo tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình. Phát hiện, bồi dưỡng, tổ chức lực lượng sáng tác, sưu tầm, nghiên cứu văn hoá, văn học nghệ thuật là người dân tộc thiểu số. Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, mở rộng mạng lưới thông tin, nâng cao dân trí, xoá bỏ hủ tục ở vùng dân tộc thiểu số. Song quá trình bảo tồn, giữ gìn bản sắc dân tộc Phù Lá còn nhiều khó khăn. Vừa do trình độ nhận thức của người dân, dân cư phân bố không đồng đều và chưa có các chương trình, lễ hội phục dựng nét văn hóa dân tộc Phù Lá cấp tỉnh trở lên.

Có thể nói rằng, văn hoá truyền thống của dân tộc Phù Lá ở Tủa Chùa đang dần bị mai một, chi phối bởi những nền văn hoá khác. Để bảo tồn cũng như giữ gìn nét văn hóa của đồng bào Phù Lá, cần sự quan tâm vào cuộc quyết liệt hơn.

Mạc Quang Khải (sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét