Cũng như các dân tộc anh em khác trên khắp quê hương Việt
Nam, dân tộc Thái ở Mường Lò (thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái) có những nét văn hóa rất
đặc sắc và độc đáo... Người Thái có truyền thống yêu chuộng thơ ca, hát múa, họ
có phong cách sống bình lặng nhưng lãng mạn, ham thích các sinh hoạt cộng đồng,
sẵn sàng tham gia các cuộc vui và có nhiều phong tục, tập quán, lễ thức dân
gian gắn liền với chu kỳ đời sống con người...
Người Thái Đen vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ (Yên Bái), cứ mỗi
khi chuẩn bị đón một năm mới đến, họ lại có một tập quán từ xa xưa để lại rất độc
đáo, đó là tục “Pục Quảng” cho những người cao tuổi trong làng bản. “Pục Quảng”
gần giống như đặt bí danh con người, nhưng bí danh này là do một tập thể xét tặng
rất chặt chẽ, bài bản, nghiêm túc, nó mang tính văn hoá truyền thống ít có dân
tộc nào có được. Tất cả các tiêu chí để xét tặng rất cụ thể, rõ ràng, đầy đủ...
gồm có cả “Điều kiện” và “Tiêu chuẩn” giống như xét tặng các danh hiệu thi đua
khác của các cơ quan nhà nước vậy...
Cảnh sinh hoạt của người Thái Đen ở Nghĩa Lộ sau một ngày làm việc |
Bữa cơm của một gia đình người Thái Đen đã được “Pục Quảng”
Khi các cụ ông người dân tộc Thái Đen sinh sống ở vùng Mường
Lò - Nghĩa Lộ đã lên lão (có con cháu là được lên lão) ít khi người ta gọi tên
tục của bố mẹ đặt cho. Tên đó chỉ còn trong văn bản hành chính như: danh sách cử
tri; hội người cao tuổi và các giấy tờ có yếu tố pháp lý khác… Còn trong giao
tiếp hàng ngày ở bản làng, nhất là ở lớp con cháu thì không gọi theo tên tục nữa,
mà con cháu phải gọi theo tên mới. Người cần tên không được tự nhận (tự đặt) mà
phải do hệ thống các già làng, hay dựa vào Hội người cao tuổi đặt và trao tên
vào ngày đầu năm mới (âm lịch), nghi lễ trao tên mới rất vui và long trọng.
Những phụ nữ Thái Đen ở Bản Hốc này đã được “lên lão” (có
con, cháu) và gọi theo tên của chồng
Việc xét đặt và trao tên đó tiếng
Thái gọi là “Pục Quảng”, dịch nghĩa tiếng Thái ta có thể tạm dịch:
- Pục là trồng, là dựng, đặt.
- Quảng là sự rộng rãi.
Ghép hai từ: Dựng đặt cho
một bí danh khi người cao tuổi dùng để giao tiếp thôn bản và tỏ lòng kính trọng,
tránh tên tục của bố mẹ đặt.
Những nét đẹp văn hoá
trong các tập “Pục Quảng” và cái tên “Quảng” được thể hiện qua các khâu:
Chọn tên, phải là già
làng có uy tín, có nơi nhờ Hội người cao tuổi xét và dự kiến trước. Khi dự kiến
tên phải xét nghiêm ngặt về đời sống tinh thần, phẩm chất, thói quen, hoàn cảnh
tốt cũng như xấu để chọn một từ để chỉ các vấn đề trên. Nhưng cũng có chiếu cố,
nâng đỗ, động viên và cũng không quá tâng bốc, nịnh nọt; thậm chí còn có những
cái tên chưa hay, chưa tốt.
Cái tên gần như tổng kết
cuộc đời con người ấy và chỉ được đặt một lần. Tốt thì phát huy, còn thiếu sót
thì vui vẻ nhận, khắc phục. Ai có rồi là niềm tự hào dù ở mức nào, không có ai
tự ái buồn phiền. Họ cho rằng đây là một niềm vinh dự khi được ban tặng, nó là
món quà vô giá. Họ chỉ tự ái khi có tên Quảng rồi mà vẫn còn gọi họ bằng tên tục...
Cơm xôi của người Thái Đen chỉ có ở Nghĩa Lộ, trong lễ “Pục
Quảng” các gia đình vẫn làm xôi Ngũ sắc để đãi khách
Dưới đây là một số những tên hay được đặt ở Mường Lò:
* Về đạo đức và thói quen:
- Quảng Đức: Chỉ
người có đạo đức.
- Quảng Nghĩa: Người
sống có tình nghĩa.
- Quảng Thượng: Người
cao thượng.
- Quảng Thống: Người
hiểu biết rộng như cái túi.
- Quảng Thạo: Chỉ
người biết sắp xếp công việc (như Chủ tịch xã)
- Quảng Tâm: Quyết
tâm, trung tâm đoàn kết.
- Quảng Minh: Chỉ
người tỷ mỷ
- Quảng Công: Người
nhiều công lao
- Quảng Dong: Người
trong sáng
* Tính cách cá nhân:
- Quảng Kiềm: Người
biết kiềm chế, nín nhịn.
- Quảng Băng: Người
biết che chở, bảo vệ người khác.
- Quảng Xái: Người
hay đùa nghịch.
- Quảng Bao: Người
biết chịu đựng, giúp đỡ người khác.
* Hoàn cảnh:
- Quảng Kho: Người
có đời sống khó khăn.
- Quảng Lại: Người
chuyển chỗ ở nhiều nơi đến về về lại chỗ cũ.
- Quảng Inh: Phải
dựa vào người khác trong cuộc sống (Dựa hẳn).
- Quảng Phánh: Sự
nương tựa vào người khác (thấp hơn Quảng Inh).
* Những lên vươn lên:
- Quảng Phấn: Người
cần cố gắng vươn lên
- Quảng Vắn: Người
khéo mồm miệng.
- Quảng Hóm: Người
hay bán tài sản.
- Quảng Nhan: Người
có tính tình cầu thả.
Tất nhiên có một số cụ trùng tên, nhưng không ai là thiếu
chính xác. Chính xác đến độ giao cho tên mới là người nhận rất vui vẻ, thoải
mái với bất cứ tên nào. Sau khi người già làng chọn, có thông qua Hội người cao
tuổi xin ý kiến và chọn một ngày thích hợp để họp các cụ được đặt tên đến góp một
chút rượu mời người dự kiến và đặt tên uống rượu đầu tiên. Cuộc vui có chiêng
trống con cháu múa Xoè và ca hát đến sáng tại một cuộc họp thôn bản. Danh sách
các cụ được “Pục Quảng” công bố, từ đó trở đi các cụ được gọi lên là “Quảng”, nếu
gọi tên tục các cụ sẽ tự ái, riêng các cụ bà được gọi theo tên của chồng.
Những cô gái người Thái Đen
Việc “Pục Quảng” cho người cao tuổi trong ngày đầu năm làm
cho cuộc sống có ý nghĩa hơn, bởi họ biết gìn giữ và phấn đấu để cả cuộc đời
luôn thanh cao, để lúc già nhận được một cái tên đẹp, đồng thời hạn chế đi mặt
yếu kém. Ngày nay, việc Pục Quảng luôn được bảo tồn và phát huy, họ tổ chức thường
xuyên từng đợt vào mùa xuân, vào những ngày tết nguyên đán. Một tập quán văn
hoá lưu truyền nhiều đời ở vùng dân tộc Thái Mường Lò - Nghĩa Lộ...
Đặng Phương
Lan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét