Đám cưới của người H’rê, Quảng Ngãi

Theo quan niệm của người H’rê (Quảng Ngãi), việc tổ chức đám cưới hai bên giống nhau để tạo sự công bằng giữa hai gia đình. Với người H’rê, con dâu về nhà chồng ở hay con rể về nhà vợ ở đều được, không có sự phân biệt...Người H’rê có câu: “Em là chim Pơti/ Em là hoa cao nhớ hoa Pơlang, hoa Kẹo khà/ Anh là cái tổ giữa thân cây cho chim Pơti ở/ Sao em không chịu cưới anh về làm chồng?”. Khi chàng trai có cảm tình với cô gái, họ sẽ mời ông mối hoặc bà mối qua nhà gái thưa chuyện.Theo phong tục của người H’rê, 2 gia đình phải tổ chức đám cưới giống hệt nhau. Bên nhà trai có lễ vật và phong tục gì thì bên nhà gái cũng phải làm như vậy và ngược lại. Nếu nhà trai có lễ đón dâu thì bên nhà gái có lễ đón rể. Chú rể cũng phải làm những nghi thức giống như cô dâu. Phong tục này đã có từ xa xưa và đến nay vẫn còn tồn tại.

Đám cưới được tổ chức đám cưới trong ba ngày. Ngày thứ nhất dọn dẹp mọi thứ trong nhà, đi đón cô dâu về. Ngày thứ 2 tổ chức các nghi lễ của đám cưới. Và ngày thứ 3 mời anh em họ hàng trong làng đến nói chuyện, uống rượu. Cả nhà trai và nhà gái đều tổ chức đám cưới theo trình tự này. Nếu rước dâu về nhà trai thì nhà trai sẽ cử một nam, một nữ qua rước dâu, là những người vẫn còn trinh nguyên. Hai người này nói chuyện với bố mẹ nhà gái xin được dẫn dâu về. Đám rước về nhà trước ngày cưới chính thức một ngày.

Quãng đường đưa dâu hoặc đưa rể bao giờ cũng đông vui và náo nhiệt. Và nhân vật chính lúc này không phải cô dâu hay chú rể mà là Gio (tức người cõng lễ vật). Gio phải được giữ bí mật đến phút cuối. Hai gia đình sẽ cử một nhóm người cầm theo 1 chai rượu và 1 cái chén với nhiệm vụ ép Gio uống say. Người ta ào chạy xuống đường, vừa đi vừa uống, uống khắp đường, uống gần tới nhà luôn. Nếu Gio không “trụ” được về đến nhà, đôi vợ chồng ấy sẽ không gặp may mắn và phải thêm 1 lễ cúng mới sống với nhau hạnh phúc được. Người H’rê quan niệm vậy. Thế nên Gio phải là nam thanh niên khỏe mạnh để có thể vượt qua truy cản.

Lễ gọi người thân là thời điểm đánh dấu việc chàng trai, cô gái chính thức trở thành người trong gia đình người bạn đời của mình. Ảnh: Internet

Trên đường về nhà chồng, cô dâu không được quay lại đằng sau nhìn. Người lớn trong gia đình dặn, phải đi thẳng một mạch từ nhà mình về nhà chồng, nếu không ma quỷ trên đường sẽ theo về nhà, không tốt. Khi tới nhà chồng, cô dâu phải để cho hai người rước vào trước, thông báo để làm nghi lễ nhận cô dâu. Ở cửa chính nhà trai sẽ đốt hương trầm trong nồi đồng để hương bay lên rồi mẹ chồng đứng trong nhà gọi con dâu vào. Cô dâu bước qua hương trầm vào nhà để xua đi mọi xui xẻo. Mẹ chồng sẽ đeo vào cổ con dâu 9 sợi chỉ và cái còng. Sợi chỉ màu trắng tượng trưng cho sự ràng buộc, thể hiện cô gái này đã là người trong nhà, hồn cô gái sẽ về ở nhà chàng trai luôn. Còn cái còng như là vật đính hôn của 2 người.

Khi cưới đám cưới tổ chức ở nhà gái thì chú rể cũng được đeo những vật tương tự, chỉ có số lượng sợi chỉ là khác, 7 sợi chứ không phải 9. Ba ngày kể từ ngày cưới, những sợi chỉ sẽ được tháo ra, cột vào cái gùi. Gùi là vật dụng gắn bó với người phụ nữ H’rê, sẽ đi theo họ suốt cả cuộc đời nên những sợi chỉ buộc vào cái gùi nhắc nhở người phụ nữ giữ gìn hạnh phúc gia đình.

Đã đón dâu, làm lễ nhận dâu, thế nhưng đám cưới chính thức thì phải đợi ngày hôm sau. Tối hôm đó, họ sẽ làm 1 đám cưới giả. Cô dâu và chú rể phải tự tay chế biến một con gà để ăn cùng nhau tại gian phòng riêng của hai người sau khi chính thức thành vợ chồng. Thịt gà phải ăn cho hết, không được để thừa. Theo quan niệm của người H’rê, để thừa là không may mắn. Trong đám cưới giả này cũng có một thầy cúng cho hai vợ chồng giống như trong đám cưới thật.

 

Nhảy múa, đánh đàn xoang, đánh chiêng trong đám cưới .Ảnh: Internet

Vào ngày cưới chính thức, khi vào lễ có một nhóm người làm những nắm cơm, xé gà cúng ra trộn đều vào nắm cơm rồi chia cho cả gia đình, gọi là lễ gọi người thân. Lễ gọi người thân là thời điểm đánh dấu việc chàng trai, cô gái chính thức trở thành người trong gia đình người bạn đời của mình. Sau lễ nhận người thân này, mọi người mới vào tiệc chính, uống rượu cần, nhảy múa, đánh đàn xoang, đánh chiêng. Hiện nay, người H’rê ở huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) vẫn giữ nhưng phong tục này trong ngày cưới. Đó là nét văn hóa truyền thống độc đáo cần được giữ gìn và phát huy.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét