Tục giã bánh giầy của dân tộc Mông.
Trong những hoạt động đón Tết cổ truyền ngoài rượu, thịt… thì giã bánh dày là thứ không thể thiếu được với đồng bào Mông (Điện Biên) mỗi dịp Tết đến xuân về.
Khi những chùm hoa mận, hoa mơ nở trắng những triền đồi báo hiệu một mùa xuân mới đang về cũng là lúc đồng bào Mông bản Nà Tấu bắt đầu đón tết cổ truyền. Khác với người Kinh, tết của đồng bào Mông thường được tổ chức sớm hôm tết Nguyên đán một tháng.
Trong những hoạt động đón tết cổ truyền ngoài rượu, thịt thì giã bánh dày là thứ không thể thiếu được với đồng bào mỗi dịp tết đến xuân về. Bánh dày, theo quan niệm của người Mông, là thứ bánh tượng trưng cho mặt trăng và mặt trời, là nguồn gốc sinh ra con người và vạn vật trên mặt đất.
Cứ vào dịp Tết, ngày 29 Tết là đồng bào lại tất bật ngâm gạo, giã bánh dày. Đến sáng ngày 30 thì giã bánh, chiều 30 thì làm thủ tục ăn Tết gà (Tết của người Mông). Cho nên, trong ngày Tết, cả bản người Mông cứ thậm thịch tiếng chày giã bánh, nồng đậm hương thơm của nếp giã bánh dày.
Trong bản người Mông, nhà nhà làm bánh dày, cả bản cũng làm bánh dày. Thứ bánh làm từ nếp, giã nhuyễn, nặn hình tròn, sau đó đặt lên những chiếc lá dong xanh này cũng coi như thức ăn hằng ngày nên người Mông thường làm bánh để mang lên nương, lên rẫy dùng khi đói lòng. Nhưng cũng có khi làm bánh trong những ngày giỗ người đã khuất.
Tục lệ chính liên quan đến bánh dày là giã bánh dày để thờ cúng ông bà, cha mẹ. Làm bánh dày để mời ông bà, cha mẹ đã mất về chia vui ngày tết cùng gia đình. Theo phong tục của người Mông là trong ngày giỗ bố mẹ, ông bà cũng phải giã bánh dày. Trong ngày ấy, làm một cái bánh to, đặt trên cái mẹt thờ đến hết ngày giỗ. Tức là con người, người sống ăn bánh dày, chết đi cũng ăn bánh dày.
Chuyện làm bánh dày cũng công phu và mất thời gian. Đầu tiên phải xát gạo, ngâm gạo, đồ xôi, giã bánh rồi mới nặn bánh. Tức là cũng phải mất một ngày thì mới làm xong một mẻ bánh. Muốn làm bánh dày ngon thì trước tiên phải chọn gạo. Gạo ngon tức là gạo nếp cẩm, hoặc là gạo trắng nhưng hạt gạo phải to đều, khi đồ lên phải thật dẻo.
Gạo được ngâm trong vòng 1 ngày, lúc đồ thì cũng phải đồ lâu, khoảng 1 tiếng, để cơm chín kỹ. Tức là khi sờ thấy hạt gạo đã dẻo thì thêm một chút nước lên bề mặt gạo để gạo chín thêm cho mềm, dẻo, càng có độ dính thì càng tốt. Khi chuẩn bị giã thì chọn vừng, rang lên và giã. Còn phải luộc trứng, bỏ đi lòng trắng, chỉ lấy lòng đỏ để xoa tay và xoa các dụng cụ để nặn bánh để không bị dính. Đồ gạo xong, lúc xôi còn đang nóng thì phải mang ra để giã luôn. Nếu để nguội mới giã thì bánh không nhuyễn, sẽ cứng, khô và khi nặn bánh thì bánh sẽ bị nứt nẻ, không ngon. Giã xong rồi thì cũng phải nặn bánh ngay, nếu để nguội thì không nặn được.
Khi bánh dày còn là vật cúng lễ, còn là món ăn truyền thống của người Mông, thì con trai, con gái người Mông ở bản Nà Tấu, Điện Biên vẫn còn giã bánh dày trong mỗi dịp Tết đến xuân về.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét