Còn lại gốm Mường Chanh


Tỉnh Sơn La, có hai nơi làm gốm cổ truyền, đấy là Mường Chanh (huyện Mai Sơn) và Bản Lầm (huyện Thuận Châu).
 dưới xuôi, việc hình thành một làng gốm thường giống nhau, đó là những xóm làng nằm kề một con sông quê hương, con sông đó là nơi chuyên chở vật liệu (đất sét và than, củi đốt) và sản phẩm hàng hóa đi các vùng tiêu dùng. Mường Chanh và Bản Lầm đều ở xa sông ngòi. Phương tiện chuyên chở chính ở cả hai nơi đều là đường bộ.
Mường Chanh cách thị xã Sơn La trên ba chục cây số đường rừng. Ở đây, ta gặp cảnh những anh thanh niên người Thái, người Mèo gò lưng đạp xe chở những chiếc chum nhỏ, những lu gốm được đóng lại trong chiếc rọ tre chắc chắn, chở từ quê gốm Mường Chanh đến những bản làng xa xăm. Những chòm bản người Thái ở thấp thì đỡ, chứ những bản làng cao chót vót trên đỉnh núi của người Mông, nơi hiếm hoi nguồn nước, thì những cái chum, cái lu gốm đựng nước kia càng quý giá. Từ lâu đời, gia tài cha mẹ để lại cho con cái trong đó có hai vật quý đó là cái ninh đồng và cái chum đựng nước. Chum gốm, vò gốm từ lâu được coi trọng tính giá trị bằng những đồng bạc trắng hoa xoè. Những chiếc chum vại ở miền núi cũng có đặc điểm riêng, thường nhỏ hơn: gọn hơn và tạo dáng không được bay bướm như gốm dưới xuôi. Một lẽ đơn giản, vật liệu (đất sét) làm gốm ở miền núi hiếm hoi, chất lượng không được tốt bằng đất sét của những làng gốm ven sông đồng bằng. Lò gốm ở Mường Chanh cũng nhỏ hơn lò gốm ở Bát Tràng, Hương Canh, Phù Lãng… Người thợ gốm thì ở nơi nào cũng đòi hỏi đôi tay khéo léo, tài hoa. Ở đâu cũng vậy, người thợ đốt lò giữ ngọn lửa lò vẫn là quan trọng nhất, gốm Mường Chanh từ lâu nay vẫn đốt bằng củi là chính. Có thời xa hơn, người thợ Mường Chanh còn đốt bằng cỏ gianh, gốm ra lò rất đẹp.

Một sản phẩm gốm dân tộc: Ngói âm dương
Nhân nói về nghề gốm, chúng tôi muốn điểm qua vài nét về gốm kiến trúc của đông bào dân tộc.
Ở vùng Sơn Động, Chũ, ta gặp rất nhiều mái nhà đồng bào dân tộc lợp loại ngói máng. Hình thức lợp ngói máng đơn giản. Cứ mỗi hàng ngói xấp, lại tiếp hàng ngói ngửa. Hình thức lợp chồng nhau như thế, tạo thành một mái liền và liên tiếp có những đường máng cho thoát nước. Đó là kiểu lợp mái nhà của đồng bào Tày, Nùng. Người dân tộc có thói quen, gọi đó là hình thức lợp xấp-ngửa. Những viên xấp coi là dương và ngửa coi là âm. Bởi vậy, ngói này còn có tên gọi là ngói âm dương. Vậy thì cách làm ngói âm dương như thế nào?

Việc đầu tiên vẫn là làm đất. Đất cho ngói âm dương cũng đòi hỏi kỹ càng như đất cho ngói ta. Đất nhào xong thì chuyển thành cối đất (hoặc quả đất). Người thợ dùng kéo xén đất thành từng thỏi vật đi, vật lại kỹ càng, để tạo đất thành một viên hình hộp chữ nhật, có chiều dài bằng chu vi và chiều rộng bằng chiều cao của khuôn ngói hình ống tròn. Khuôn ngói là một khung tre ngoài bọc vải, nom như một cái vại. Có điều trên khuôn có ba gờ nổi lên để chia khuôn thành ba phần bằng nhau. Người thợ chỉ việc lấy kéo cắt đất thành những lát mỏng (có bề dày chừng 1cm) rồi đem lá đất đó, miết quanh thành khuôn ngói. Tay vừa miết đất cho tạo dáng đẹp và chân đạp bàn xoay. Vậy là cái khuôn ngói quay tròn. Cả ba múi đất hiện ra trước mắt người thợ. Khi sửa sang đẹp đẽ, người thợ bưng khuôn ngói kia ra sân phơi. Với động tác khéo nhẹ, người ta tách cho khuôn ngói và vòng đất kia rời nhau. Bởi vì, trên khuôn đã có gờ, nên tự nhiên vòng tròn đất kia đã hình thành ba viên ngói máng hoặc ngói âm dương. Khi phơi khô, người ta chỉ việc gõ nhẹ, là ba viên ngói rời nhau, giống nhau và bằng nhau chằn chặn.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét