Dân tộc Thái


Tên tự gọi: Thái
Tên gọi khác: Tày Thanh, Man Thanh, Tay Dọ, Thổ, Hàng Tổng, Man Thanh, Tày Đăm, Tày Khao, Nhại, Hàng Tổng (Tày Mường), Pu Thay, Thổ Đà Bắc..
Nhóm địa phương: Có hai nhóm chính: Thái Ðen (Tay Ðăm), Thái Trắng (Tay Ðón hoặc Khao).
Số dân:  1.550.423 người (Tổng cục Thống kê năm 2009), là dân tộc có dân số đứng thứ 3 tại Việt Nam.
Ngôn ngữ và chữ viết: Thuộc nhóm ngôn ngữ Tày - Thái (ngữ hệ Thái - Ka Ðai). Người Thái sớm có chữ viết theo mẫu chữ Sanscrit nên nhiều vốn cổ (văn học, luật lệ, dân ca).
Nguồn gốc lịch sử: Người Thái có cội nguồn ở vùng Đông Nam Á lục địa, người Thái có mặt ở Tây Bắc Việt Nam từ rất sớm.
Địa bàn cư trú: Người Thái có mặt trên tất cả 63 tỉnh, thành phố trong cả nước nhưng tập trung chủ yếu tại các tỉnh Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình, miền Tây Thanh Hóa và Nghệ An.
Đặc điểm kinh tế: Người Thái đã trồng lúa nước với hệ thống thuỷ lợi nông nghiệp vùng thung lũng độc đáo. Đồng bào trồng bông, cây thuốc nhuộm, dâu tằm để dệt vải. Sản phẩm nổi tiếng của người Thái là vải thổ cẩm, với những hoa văn độc đáo, màu sắc rực rỡ, bền đẹp. Đồng bào chăn nuôi nhiều gia súc, gia cầm, ngoài ra còn đánh bắt cá, đan lát, làm gốm bằng tay…
Phong tục tập quán:
Ăn: Đề nếp là lương thực truyền thống. Trên mâm ăn không thể thiếu món chéo. Họ có những món độc đáo như nặm pịa, món nộm, nhúng (lạp, cỏi), ướp muối, làm mắm từ thịt cá tươi. Đặc biệt là các món chế biến từ cách nướng, lùi, đồ, sấy... Họ ưa thức ăn có các vị: cay, chua, đắng, chát, bùi... hay uống rượu cần, hút thuốc lào.
: Bản người Thái thường gồm 50 nóc nhà sàn. Nhà sàn người Thái đen nóc hình mai rùa, chỏm đầu đốc có khau cút. Nhà người Thái trắng gần với nhà người Tày-Nùng. Ở Thanh Hóa, Nghệ An, nhà người Thái có 4 mái… Mỗi nhà người Thái thường có hai bếp, một bếp để tiếp khách, sưởi ấm, một bếp khác để nấu cơm.
Phương tiện vận chuyển: Người Thái vận chuyển bằng gánh là phổ biến, ngoài ra gùi theo kiểu chằng dây đeo vắt qua trán, dùng ngựa cưỡi, thồ nay. ở dọc các con sông lớn họ rất nổi tiếng trong việc xuôi ngược bằng thuyền đuôi én.
Hôn nhân: Nam nữ tự do tìm hiểu, lựa chọn. Trước, người Thái theo chế độ hôn nhân mua bán và ở rể nên việc lấy vợ và lấy chồng phải qua 2 bước cơ bản là cưới lên (đong khửn) và cưới xuống (đong lông).
Tang ma: Người Thái quan niệm chết là tiếp tục "sống" ở thế giới bên kia. Vì vậy, đám ma là lễ tiễn người chết về "mường trời". 
Lễ hội: Người Thái có nhiều lễ hội như: Lễ cầu mùa, cầu mưa, hoa Ban, Hạn Khuống, Kin Pa Then, xang khan, xên bane, xên mường, xíp xí, xòe chiêng..
Tín ngưỡng: Cúng tổ tiên ở người Thái Ðen vào tháng 7, 8 âm lịch. Người Thái Trắng ăn tết theo âm lịch. Bản Mường có cúng thần đất, núi, nước và linh hồn người làm trụ cột.
Trang phục: Phụ nữ Thái đội khăn piêu, mặc váy đen, áo ngắn, đính cúc bạc hình hình bướm, nhện, ve sầu... áo bó sát, thắt eo bằng vải lụa xanh lá cây; đeo dây xà tích bạc ở bên hông. Ngày lễ có thể vận thêm áo dài đen, xẻ nách, hoặc kiểu chui đầu, hở ngực có hàng khuy bướm của áo cánh, chiết eo, vai phồng. Nam mặc quần cắt để thắt lưng; áo cánh xẻ ngực có túi ở hai bên gấu vạt. Ngày lễ mặc áo đen dài, xẻ nách, bên trong mặc áo trắng. Ngày thường cuốn khăn đen theo kiểu mỏ rìu, ngày lễ cuốn dải khăn dài một sải tay.
Đời sống văn hóa: Đồng bào có nhiều tác phẩm văn học bằng chữ Thái (ca dao, tục ngữ, Thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, truyện thơ, ca dao…). Người Thái thích ca hát, đặc biệt là khăp tay. (Ngâm thơ hoặc hát theo lời thơ, có thể đệm đàn và múa. Nhiều điệu múa như múa xòe, múa sạp.. Hạn khuống, ném còn là hai đặc trưng văn hóa nổi tiếng.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét