Chàng trai, cô gái Chu Ru trong ngày cưới
Tục bắt chồng bắt nguồn từ chế độ mẫu hệ của người Chu Ru ở huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Trải qua thời gian vẫn còn lưu giữ đến tận bây giờ. Người Chu Ru là một trong những dân tộc thiểu số thuộc ngữ hệ Mã Lai - Đa đảo ở miền Nam, có dân số tương đối ít. Với khoảng 10.000 nhân khẩu, người Churu phân bố trong tỉnh Lâm Đồng và một số ít ở Ninh Thuận, Gia Lai. Họ có những tục lệ rất độc đáo. Trong đó phải kể đến tục “bắt chồng”.
Khi một cô gái Chu Ru ưng ý một chàng trai nào đó, cô sẽ về thưa chuyện với bố mẹ để làm lễ đến hỏi cưới chàng trai. Trong 3 tháng mùa xuân, nhà gái chọn ngày mang hoa quả đến nhà trai và dò hỏi. Nếu nhà trai từ chối, nhà gái ra về và hẹn sẽ còn đến nhiều lần cho đến khi nhà trai đồng ý gả con cho mới thôi. Lần đến sau, nhà gái sẽ đi đông người hơn và vào buổi tối để tránh tiếng. Cô gái sẽ không đi cùng đoàn, phòng trường hợp nhà trai từ chối nữa thì dân làng biết, sẽ xấu mặt. Lần này, nhà gái vừa thuyết phục vừa cố gắng đeo nhẫn vào tay chàng trai. Nếu chàng trai từ chối, những người đàn ông của nhà gái sẽ cố tìm cách đeo nhẫn vào tay cho bằng được.
Để làm nên được cặp nhẫn cưới người Chu Ru cũng phải tốn khá nhiều công sức. Vật liệu chính để làm cặp srí này ngoài bạc sẽ là sáp ong, phân trâu và một ít đất sét lấy từ nơi bí mật trong khu rừng già. Họ quan niệm con trâu là một vật linh thiêng và mang sức mạnh của sự đấm ấm, sung túc, còn sáp ong thể hiện sự chăm chỉ, cần mẫn.
Khi ngón tay của chàng trai đã có chiếc nhẫn của nhà gái thì chàng trai chính thức trở thành chàng rể. Nếu không đồng ý, chàng trai tháo nhẫn trả lại nhà gái thì nhà trai sẽ phải chuẩn bị trâu, rượu đền cho nhà gái. Còn khi hai bên đã thuận tình, nhà gái sẽ chuẩn bị đầy đủ lễ vật để chuẩn bị cho ngày đón rể. Nhà trai chủ động đưa ra yêu cầu về lễ vật dẫn cưới và được hai bên cùng chấp nhận.
Đại diện nhà gái đeo nhẫn vào cho chàng trai. Ảnh: Internet
|
Sau khi được đồng ý, cô dâu sẽ phải ở nhà chồng một tuần. Ngoài việc trổ tài làm nội trợ và làm các công việc nặng nhọc khác, cô dâu mới còn phải tự bỏ tiền túi ra sắm sửa một số đồ dùng cần thiết cho chồng. Đến ngày thứ 8 hoặc thứ 10 thì nhà gái mới đem lễ vật, có thể là một con heo hoặc lương thực, thực phẩm đủ làm 5-7 mâm cỗ cho nhà trai, gái thết đãi họ hàng, bà con. Tàn cuộc vui, nhà gái đưa các con về ở bên nhà mình.
Ngày cưới, đầu giờ sáng, nhà gái cùng nhà trai tiến hành các thủ tục làm lễ rước rể về nhà cô dâu. Sau màn dặn dò và chia của hồi môn, mẹ cô gái choàng, thắt khăn cột đôi bạn trẻ lại với nhau. Việc trùm khăn lên cô dâu chú rể là một nghi thức quan trọng cầu cho lứa đôi hạnh phúc, luôn sát cánh bên nhau trong hạnh phúc cũng như hoạn nạn.
Những chàng trai cô gái người dân tộc Chu- ru múa hát trước lễ hội bắt chồng. Ảnh: Internet
|
Theo tục lệ của người Chu Ru ở Lâm Đồng, người phụ nữ quyết định mọi việc lớn nhỏ trong gia đình. Ngay cả trong hôn nhân, họ cũng là người chủ động và con cái sinh ra đều mang họ mẹ. Tuy nhiên, vị trí và vai trò của người chồng không vì thế mà bị xem nhẹ.
Tục bắt chồng của người Chu Ru hiện vẫn còn được lưu giữ ở nhiều bản làng Lâm Đồng, góp phần tạo nên nét đặc sắc, hấp dẫn và đa dạng trong văn hóa của vùng đất này. Để rồi, mỗi mùa xuân đến, những thiếu nữ Chu Ru lại bồi hồi, rạo rực, chờ đợi giây phút được lồng chiếc nhẫn vào ngón tay người mình thương nhớ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét