Thày mo làm lễ cúng thần linh.
(Cinet – DTV) – Hàng năm người La Ha tổ chức Lễ hội tạ ơn thầy lang nhằm tỏ lòng cảm tạ, tri ân thầy lang đã có công cứu, chữa bệnh tật cho bà con.
Lễ hội tạ ơn thầy lang được tổ chức vào trước ngày Rằm hàng tháng trong 3 tháng mùa xuân với sự tham gia tự nguyện của người bệnh được thầy lang chữa khỏi. Ngày khai lễ hội do thầy lang quyết định. Thầy lang là người chủ trì chuẩn bị về thủ tục, chuẩn bị các loại con vật, hoa rừng trang trí và các dụng cụ cần thiết khác, để tổ chức tại nhà thầy lang.
Khi đã cúng xong, thầy lang cho các con nuôi về dâng lễ, cúng mời các vị thần mà dân tộc La Ha che chở cho người La Ha trường tồn, để có được sức mạnh như Thần Hổ - chúa sơn lâm thắng mọi dã thú, bảo vệ cuộc sống cho dân bản. Cúng các thần xong, thầy lang biểu diễn các trò mà ông đã chữa khỏi cho "bệnh nhân"... Ông giả làm người bị bướu cổ khi buộc cái bát ăn cơm vào cổ mình. Ông diễn các trò làm người què chân, người ngớ ngẩn, hình ảnh người đi coi nương vung cây sào, hú đuổi lũ chim, sóc cút khỏi nương nhà. Cuối cùng là trò giả làm con khỉ (tô rôốc), ông bò quanh cây móc giữa nhà, vừa bò, vừa kêu chí chóe, mắt đảo nhìn rất nhanh, để tìm hoa, ngô, chuối lộc ở cây móc, lúc thì gãi tai, gãi bụng, lúc thì nhảy nhót, chộp lấy bắp ngô. Một tiếng súng nổ, ông giả lăn đùng ra chết, nhiều tiếng cười vang khen người thiện xạ…
Thày mo đóng giả làm con khỉ trong lễ hội. Ảnh: Internet
|
Sau tăng bu, là các điệu múa cày bừa, cầu mưa, múa khăn, múa kiếm, múa trống. Cuối cùng là điệu múa "A sừng lừng", một điệu múa độc đáo ở miền núi nhiều nơi, tuy về hình thức có vẻ phàm tục, nhưng lại xuất phát từ thực tiễn cuộc sống quá nghèo thuở xưa, nạn hữu sinh vô dưỡng rất phổ biến, người La Ha nghĩ ra phải thờ "dương vật" để hy vọng người La Ha con đàn cháu đống, mẹ tròn con vuông.
Lễ hội được tổ chức trước tiên là để tỏ lòng cảm tạ, tri ân thầy lang có công vì sức khỏe cộng đồng, thứ đến là "tổng kết" khả năng cứu chữa bệnh tật của thầy lang, rồi là truyền lại cách thờ cúng tổ tiên cho con cháu. Lễ hội còn là dịp đầu xuân năm mới, việc trên nương chưa nhiều, việc dưới ruộng không có, để con cháu, bà con bản dưới mường trên gặp nhau giao lưu văn hóa, văn nghệ, cùng nhau gìn giữ vốn văn hóa dân tộc, và tiếp nhận nền văn hóa các dân tộc anh em khác trên địa bàn.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét