Gia Lai: Độc đáo Lễ cầu thần mưa của người Gia Rai


Trong các nghi lễ của người Gia Rai, cầu mưa là một trong những lễ hội quan trọng, là sự kiện mang ý nghĩa tâm linh, cầu mong thần linh đem mưa về cho buôn làng, để đồng bào Gia Rai ở khắp mọi nơi có cuộc sống ấm no, hạnh phúc … Người Gia Rai ở huyện Krông Pa (Gia Lai) quan niệm, “thần mưa” là vị thần cho những hạt nước để mang lại sự sống cho vạn vật, và mang lại nhiều may mắn và hạnh phúc cho người dân nơi đây. Người Gia Rai gọi mưa là “Hơ Jan” và rất coi trọng “Hơ Jan” vì giúp họ giải được nhiệt của cái nắng oi bức, rát bỏng, làm cây cối, hoa màu ở nương, rẫy trở nên tươi tốt và cho họ no cái bụng. Nếu làm phật lòng các vị thần thánh thì các vị thần thánh sẽ không ban tặng nước mưa xuống, bệnh tật xuất hiện, đói rét đeo bám liên miên. Vì thế mỗi năm người Gia Rai luôn tất bật chuẩn bị cho lễ cầu thần mưa.

Để chuẩn bị cho lễ cầu mưa, trước tiên người Gia Rai dựng một cái giàn để cúng bến nước trước. Tiếp là cúng các vị thần cây lồ ô, tre, nứa. Sau đó người Gia Rai về làng dựng cổng và làm một cái giàn ngay con đường xuống bến nước, treo lên bộ da của con chó, đặt một thanh đao, cột một đoạn sợi chỉ màu đen. Điều đó là để ngăn chặn sự xâm nhập của các con quỷ ác đến hại người dân trong làng.

Lễ cầu thần mưa khác với tất cả các nghi lễ cúng khác vì người cúng không phải Già làng, mà người có ngôi nhà ở đầu nguồn bến nước sẽ chọn người cùng hướng dãy nhà của mình để thay mặt cho dân làng đứng ra cúng. Người cúng phải đứng nghiêm chỉnh và khoanh hai tay vào nhau trước ngực, cầu khấn: “Hỡi các vị thần thánh hãy cho chúng con có những hạt mưa, hãy xua đuổi những con quỷ quái ác đến hại dân làng, hãy cho những ngôi nhà có sự mát mẻ, các cô gái không chồng, góa phụ có sự sống”…

Với người Gia Rai, không chỉ có việc cầu mưa cho buôn làng mát mẻ mà ngay cả trên nương, trên rẫy cũng phải cầu mưa để cho cây bắp lên cao, cây lúa trĩu bông. Nếu không, cây bắp, cây lúa sẽ chết khô vì cháy nắng. Trước tiên họ phải cất công đi lên nương, lên rẫy thăm dò những các vị Yàng xung quanh để các vị Yàng bày cách làm lễ cầu mưa.

Nhảy múa trong lễ hội. Ảnh: Internet

Lễ cầu mưa ở rẫy khác với lễ cầu mưa ở làng, vì ở đây chỉ cúng cho thần rẫy, linh hồn của các ông bà tổ tiên, các vị thần thánh. Giàn cúng được dựng ngay tại rẫy chứ không phải bến nước hay các bụi cây lồ ô, tre, nứa. Ở rẫy, việc cầu thần mưa năm nào cũng giống năm nào, lễ vật dâng lên duy nhất là 1 con gà nướng, một ghè rượu màu vàng, theo phong tục thì ở rẫy không được cúng ghè màu đen, mà phải là màu vàng, tượng trưng cho sự vàng ươm của hạt bắp, hạt lúa được mang về đầy chòi. Người cúng phải ngồi xuống, không được đứng như làm lễ ở làng, khoanh hai tay vào nhau trước ngực khẩn thiết cầu khấn: “Hỡi thần rẫy, hỡi ông bà tổ tiên, hỡi các vị thần thánh, xin các vị hãy cho đám rẫy của con có được hạt mưa để cây bắp lên cao, cây lúa trĩu bông, đừng để cho những con chim, con thú dữ đến phá phách cây bắp, cây lúa của nhà con!”.

Sau lễ cầu mưa, rượu ghè được mở nắp, mùi bắp non ngòn ngọt say say lan tỏa khắp khu nhà rông. Thanh niên là những người đầu tiên mở bình, nhấc cần khai tiệc rượu. Họ uống rượu trong niềm hân hoan say đắm. Bên ngoài, tiếng cồng chiêng, tiếng trống được cất lên, và những phụ nữ sẽ bước vào với điệu xoang nhịp nhàng cùng ché rượu cần sóng sánh. Sau lượt thanh niên trai trẻ là đến các cụ phụ lão. Tất cả mọi người đến với lễ, với tiệc rượu bằng tấm lòng thành kính.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét