Điện Biên: Người phụ nữ Hà Nhì gửi hồn vào trang phục truyền thống

Phụ nữ Hà Nhì.

Dù cuộc sống vẫn còn nhiều gian khó nhưng người phụ nữ Hà Nhì, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé (Điện Biên) vẫn luôn gìn giữ những nét văn hóa đặc trưng đã ăn sâu vào tiềm thức đó là bộ trang phục.

Đối với phụ nữ Hà Nhì bộ trang phục tượng trưng cho văn hóa, vẻ đẹp riêng của dân tộc mình… Theo truyền thống người Hà Nhì, dệt vải may quần áo là tiêu chuẩn rất quan trọng để đánh giá đức hạnh của người phụ nữ. Con gái mà không biết dệt vải, thêu thùa, khâu vá thì sẽ rất khó lấy chồng. Vì lẽ đó, người phụ nữ Hà Nhì từ bé đã được dạy cách trồng bông, dệt vải, thêu thùa...

Đến Sín Thầu trong những ngày hội truyền thống người Hà Nhì, trên dải đất biên cương Mường Nhé không khó để bắt gặp hình ảnh những chàng trai, cô gái trong trang phục truyền thống. Để làm ra những bộ trang phục truyền thống, người phụ nữ Hà Nhì phải tự đo, cắt và khâu chắp nối các mảnh vải lại với nhau. Để làm thủ công một bộ quần áo mặc trong ngày lễ, tết người phụ nữ phải thêu khoảng từ 5 - 6 tháng mới xong. Bắt đầu từ nguyên liệu, mô típ hoa văn trên áo; những mảnh kim loại với hình thù khác nhau, như: Hình tam giác, hình núi, hình tròn... được đính trên áo của người phụ nữ, tôn lên vẻ đẹp duyên dáng và mềm mại với trang phục truyền thống.

Trang phục truyền thống người Hà Nhì rất đa dạng và phong phú về chất liệu và nghệ thuật, gồm: Áo, quần, khăn... nét đặc trưng trong trang phục của người Hà Nhì nằm ở mái tóc và chiếc khăn đội đầu. Khăn (tiếng Hà Nhì là ù khu) dùng để đội đầu, có tác dụng che đầu khi trời nắng, mưa... giúp người phụ nữ Hà Nhì thuận tiện hơn trong lao động sản xuất. Cuộc sống thường ngày, công cụ chủ yếu phụ nữ Hà Nhì mang theo để đựng là cái sọt (kha kas) có dây dùng đầu để gùi vì thế cần phải có khăn cho đỡ bị đau. Phụ nữ Hà Nhì thường đội khăn vuông may bằng vải nhuộm chàm có kích thước khoảng 40cm - 60cm, ở rìa bốn góc khăn thường thêu hoa văn hình ô vuông hay nổi bật hơn đó là những đường viền lượn cong như sóng nước và mây vờn, gắn thêm các tua chỉ màu. Phụ nữ Hà Nhì La Mí để tóc dài vấn khăn quanh đầu khi chưa có chồng. Khi đã có chồng họ thường tết tóc vào một cuộn rồi vấn quanh đầu sau đó mới đội khăn; người nào ít tóc thì cho một đụn tóc giả bằng chỉ màu đen để giữ khăn không bị rơi khi lao động sản xuất.

Khăn là một phần không thể thiếu trong bộ trang phục thường ngày của phụ nữ Hà Nhì; không chỉ có giá trị trong đời sống văn hóa tâm linh mà còn là một món đồ trang sức gắn liền với bộ y phục truyền thống của dân tộc được trang trí cầu kỳ và đa dạng; trên khăn ngoài những hoa văn như hình núi, sao, hình tam giác thì còn những vải màu li ti ghép vào nhau. Bốn bên đầu khăn đính những hạt cườm với màu sắc khác nhau, khi đội khăn người ta gấp đôi theo chiều dài, rồi quấn quanh đầu, để lộ hoa văn và hạt cườm ra phía ngoài.

Áo khác với quần, áo phụ nữ Hà Nhì có thân màu đen hoặc màu chàm, tay áo với nhiều khoanh vải kín từ bả vai tới khuỷu tay, thường ghép vải màu đen và màu xanh đan xen nhau. Vạt áo ở trước ngắn hơn, vạt áo ở sau để thuận tiện cho việc sản xuất và đi rừng; áo thường được làm rộng khiến người mặc cảm thấy thoải mái, thể hiện sự khéo léo của phụ nữ. Cổ áo đứng, tạo cho người mặc cảm giác như phần cổ của mình vươn cao hơn, làm tôn thêm vẻ đẹp duyên dáng của người phụ nữ. Áo 5 thân và xẻ ngực, xẻ tà, cài khuy vải phía bên trái. Quần thường may theo kiểu “chân què’’ cạp lá tọa, ống rộng... màu đen hoặc màu chàm. Để tô điểm cho những bộ trang phục phụ nữ Hà Nhì không thể thiếu những món đồ trang sức hoa tai, vòng tay… là những yếu tố chính trong trang phục. Ngày thường, phụ nữ Hà Nhì ít khi dùng trang sức, mà có cũng chỉ là một số các thiếu nữ.

Nhìn hình ảnh những thiếu nữ, phụ nữ Hà Nhì trong những bộ trang phục truyền thống miệt mài đưa từng đường kim mũi chỉ có thể cảm nhận được lòng tự hào, tình yêu những giá trị truyền thống mà người phụ nữ Hà Nhì gửi gắm vào những bộ trang phục, gìn giữ nét văn hóa cổ truyền cho thế hệ mai sau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét