Tộc người Xinh Mun (Tà Mun) ở Tây Ninh

Tộc người Tà Mun ở Tây Ninh có nét văn hóa truyền thống rất đặc sắc và riêng biệt, cho đến nay đồng bào vẫn còn lưu giữ được những giá trị văn hóa, tinh thần, tín ngưỡng dân gian; các phong tục tập quán cổ truyền…Tây Ninh là địa phương có sự giao thoa, hội tụ văn hoá giữa nhiều dân tộc sống cộng cư trên địa bàn. Trong đó, người Tà Mun được xem là nhóm có số dân đứng hàng thứ tư sau người Hoa, Khmer và Chăm, có những nét văn hoá đặc thù, góp phần làm phong phú bản sắc văn hoá các dân tộc trong tỉnh. Người Tà Mun sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi. Do cuộc sống đa phần gắn với rừng (hiện nay đa số ở nông thôn) nên người Tà Mun trước đây dựng nhà bằng các vật liệu từ cây rừng, để thích ứng với điều kiện rừng núi, bà con thường dùng các vật liệu như cây rừng, lá rừng, dây rừng để cất nhà cửa, nhà ở thường là nền đất ba gian hoặc năm gian. Trong quá trình cộng cư với các tộc người láng giềng, trong đó có người Kinh, hiện nay người Tà Mun cũng biết xây nhà tường, gạch, ngói, tole, thậm chí nhiều nhà cửa rất khang trang. Về các công trình kiến trúc tâm linh, người Tà Mun cũng chưa có công trình nào đặc sắc, chủ yếu là các Miếu, Am rất nhỏ thường nằm nép mình ở hai bên đường, ở các gốc cây cổ thụ hoặc bên cạnh một góc chùa để thờ các thần linh: UNCÔ, UNTÀ, các vị thần bảo hộ của làng.

Trang phục của người Tà Mun được chia thành nhiều loại. Trang phục nam, nữ; trang phục sinh hoạt văn nghệ, lễ hội. Hầu hết trang phục của họ có nét tương đồng với các dân tộc ở Nam Trường Sơn, khá giống trang phục của người Khmer. Nam thường mặt áo cổ đứng vận Sarong, nữ mặc áo dài không xẻ (compong) và vận váy. Trong các lễ hội và đám cưới, người đi lễ và cô dâu, chú rễ mặc những tranh phục màu sắc rực rỡ và đẹp. Hiện nay rất ít người Tà Mun còn mặc đồ truyền thống; chỉ có các già làng, phụ nữ cao tuổi còn mặc váy và quấn khăn trên đầu; đàn ông trước kia đóng khố nay hầu hết mặc quần như người kinh; có khi mặc áo dân tộc khá giống trang phục Khmer.
Về tín ngưỡng của người Tà Mun rất phong phú. Đồng bào tin rằng có các  thần linh nói chung được gọi “UNCÔ” có nghĩa là Ông, Bà. “UNCÔ” trong ngôn ngữ phổ thông của người Tà Mun dùng để chỉ những người thuộc thế hệ cha – ông của cha mẹ mình, nên họ rất tôn kính. Tuy nhiên “UNCÔ” thường được sử dụng một cách ẩn dụ để chỉ các thần linh cao hơn như” “UNCÔHE” là thần đất; “UNCÔMIR” là thần rẫy; “UNCÔPANÂM” là thần núi và “UNCÔLÊ” là thần sông …
Ngoài ra người Tà Mun còn tin rằng con người và động vật đều có linh hồn; do đó sẽ có một thế giới bên kia cho linh hồn của người chết (hoặc động vật). Linh hồn của người chết trong họ hàng thân tộc mình là người cao niên – nối chung là thế hệ “tổ tiên” được người Tà Mun gọi là “UNTÀ”. “UNTÀ” có nghĩa là “Bà – Ông” hay “Ông – Bà” với nghĩa ẩn dụ là “Tổ tiên”. Như vậy người Tà Mun luôn luôn tôn kính ông – bà, tổ tiên và các vị thần linh của mình. Chính vì thế người Tà Mun cũng có rất nhiều lễ hội gắn với việc thờ cúng ông bà, tổ tiên của mình đó là: Lễ cúng ông bà; Lễ cầu mưa; Lễ quăkuntà; Lễ cúng miễu; Lễ rước bông; Lễ cưới và Tết cổ truyền của người Tà Mun.
Người Tà Mun không có chữ viết, chỉ lưu giữ được tiếng nói riêng của mình. Hiện nay nhóm người này đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc xác định, chứng minh về nhân thân. Mong muốn của bà con người Tà Mun là được quan tâm khôi phục lại các tập tục cổ truyền và được khẳng định mình là dân tộc Tà Mun- chứ không phải là Stiêng hay Khmer như nhiều người nhầm lẫn. Việc chưa có tên trong bảng danh mục 54 thành phần dân tộc Việt Nam đã ít nhiều tác động tiêu cực đến tư tưởng, tình cảm, tâm lý của nhóm người Tà Mun trong nhiều năm qua.
Văn hoá các dân tộc thiểu số là tài sản quý giá góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng và thống nhất của văn hoá Việt Nam nói chung, tỉnh Tây Ninh nói riêng. Giữ gìn bản sắc và sự đa dạng của văn hoá các dân tộc là vấn đề có ý nghĩa chính trị - xã hội to lớn ở kỷ nguyên toàn cầu hoá.
Do đó, việc nghiên cứu sưu tầm về bản sắc văn hoá và xác định thành phần dân tộc của người Tà Mun ở Tây Ninh sẽ mang lại hiệu quả thiết thực góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá dân tộc, giảm sự chênh lệch mức hưởng thụ văn hoá giữa các vùng miền, góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét