Hết Chá – Lễ hội văn hóa tâm linh của người Thái ở Sơn La


Lễ hội hết chá là lễ hội đoàn kết cộng đồng.

Lễ hội Hết Chá của người Thái ở Sơn La là hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh sâu sắc, là lễ hội đoàn kết cộng đồng, cùng giúp nhau vượt qua những khó khăn trong cuộc sống.
Bản Áng, xã Đông Sang đã trở thành khu nghỉ mát và du lịch sinh thái thơ mộng. Mảnh đất nơi đây giàu truyền thống, con người hiền hòa hiếu khách, với nhiều nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Thái. Tháng Ba, vào mùa hoa ban rực sáng núi rừng, người dân bản Áng lại tưng bừng tổ chức “Lễ hội Hết Chá”.

Theo người dân nơi đây kể lại về nguồn gốc của lễ hội: Chuyện rằng, xưa kia, người Thái rất nghèo, không có tiền mua thuốc chữa bệnh, thường đến nhờ thầy mo. Thầy mo dùng mẹo và nhờ thần linh nên đã chữa được bệnh cho dân làng. Mang ơn thầy mo, nhiều người xin được làm con nuôi của ông. Và rồi, cứ mỗi dịp cuối năm (vào 29, 30 Tết), con cháu lại đến tạ ơn thầy mo, nhưng thời điểm đó đang bận rộn cho tết nên thầy mo ấn định lễ tạ ơn sẽ tổ chức vào tháng 3 hàng năm... Lễ hội Hết Chá từ đó mà thành.
Lễ hội cũng là dịp để người dân tạ ơn đất trời, tạ ơn đấng sinh thành, giáo dưỡng, cầu chúc cho vạn vật hòa hợp, sinh sôi nảy nở, cuộc sống yên vui, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt bội thu, mọi người ấm no hành phúc.
Giống như bao lễ hội khác lễ hội Hết Chá cũng gồm 2 phần: lễ và hội. Phần lễ là dịp để người con nuôi bày tỏ lòng thành kính với thầy mo đã chữa bệnh cho mình, mang tính nhân văn sâu sắc. Thông qua phần lễ với những tích xưa được kể và dựng lại do chính những người dân biểu diễn, người tham dự lễ hội sẽ được truyền dạy kinh nghiệm sản xuất cũng như nghe những lời răn dạy để mọi người sống với nhau tốt hơn. Điểm nổi bật của những tích trò là tính hài hước, hóm hỉnh theo lối gái giả trai, trai giả gái, làm cho người xem cười thỏa thích.

Một nghi thức trong lễ “Hết Chá” của người Thái trắng

Phần hội diễn ra những trò diễn dân gian vui nhộn, dạy con cháu khai hoang ruộng, tập cho trâu cày, khơi dậy nền văn minh lúa nước của đồng bào dân tộc. Đan xen một số tiết mục kịch câm dí dỏm, vui nhộn phê phán những thói hư tật xấu, khích lệ những cái hay, cái đẹp trong cuộc sống thường nhật.

Phần hội diễn ra những trò diễn dân gian vui nhộn.

Bên cạnh đó, là những điệu xòe uyển chuyển, nhịp nhàng, duyên dáng quanh cây nêu hòa cùng tiếng trống, chiêng rộn rã và âm thanh chầm bổng của đội nhạc như đang mời gọi. Điệu xòe trong Lễ hội Hết Chá được gọi là “Xòe Chá” gồm 6 mục chủ yếu, mỗi mục gắn với một sự việc, được minh họa bằng kịch câm.
Mọi hoạt động trong Lễ hội được diễn ra xung quanh một cây nêu, khơi dậy cuộc sống bình dị với thiên nhiên hoang dã được thể hiện trên cây nêu, với hoa ban, hoa mạ, hình con thú, con chim, ve sầu, ong bướm, chống chiêng… đủ mầu sắc treo trên cây nêu, tượng chưng cho sự sống, mùa xuân. Gốc cây nêu đặt những chum rượu cần để mời khách.

Trong phần hội còn diễn ra những hoạt động vui chơi giải trí vui nhộn ở nhiều khu vực, thi: xòe dân tộc Thái, món ăn dân tộc, đi cầu kiều, đi cà kheo…  Lễ hội Hết Chá không chỉ là hình thức sinh hoạt văn hóa tâm lin, còn thể hiện ý thức gắn kết cộng đồng dân tộc Thái sinh sống trên mảnh đất Sơn La giàu đẹp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét