Thêm chú thích |
ở nhiều nơi, đồng bào còn gọi Xíp xí là Tết trẻ con. Vào ngày này, trẻ em được ông bà, cha mẹ may cho những bộ quần áo rực rỡ sắc màu để mặc đi chơi Tết. Ngoài ra, tết còn có ý nghĩa như dịp "sơ kết" và ăn mừng cho thành quả lao động vất vả trong sáu tháng đầu của một năm. Dịp này, trẻ con không phải chăn trâu, làm việc nhà mà được vui chơi và thoải mái, ăn những gì chúng thích. Bà Hà Thị Diêu, xã Quang Huy, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La cho biết: “Tết Xíp xí còn được gọi là tết trẻ con. Trẻ con thường đi trăn trâu, nên ngày đấy phải gói xôi, gói thịt, gói bánh ít cho chúng mang đi để ăn. Quần áo mới thì có thể tự may lấy hoặc đi mua về mặc cũng được. Hôm xíp xí ăn trưa xong thanh niên trẻ em rủ nhau đi chơi Tết, vui lắm.”
Tết Xíp xí có 2 phần, đó là phần “mo” tức thờ cúng tổ tiên, nhớ công ơn người khai phá tạo mường, lập bản và phần ăn uống, vui chơi văn hóa, văn nghệ. Ở phần “mo”, đồ vật cúng có nhiều thứ như rượu, thịt, “khẩu cắm” tức cơm nếp nhuộm màu…Song, có 2 thứ không thể thiếu là thịt vịt và bánh ít. Bánh ít (hay còn gọi là bánh cặp) được làm từ bột nếp ngon, trong có nhân bằng đỗ nho nhe, thịt băm và hạt tiêu đen. Gạo nếp sau khi đãi sạch, sẽ được xay thành bột. Gạo đạt tiêu chuẩn thì khi xay ra bột trắng và mịn như bột lọc, nhào không bị cứng và cả khi bột sống đã rất thơm. Lá để gói bánh cũng phải được chọn lựa rất kỹ. Bột nhào xong sẽ được tán dẹt, bỏ nhân và nặn tròn lại như quả trứng. Trên mỗi mảnh lá chuối sẽ có hai quả bánh đặt ở hai đầu lá, được từ từ cuốn lại thành một ống dài. Ðôi bàn tay khéo léo của người làm bánh sẽ cầm đỡ hai đầu, nhẹ nhàng vặn ngược chiều nhau, cuối cùng gập lại và buộc chặt bằng lạt giang (lạt phải được chẻ mỏng, dai để khi buộc sẽ rất mềm và không làm gẫy lá. Những người kỹ tính buộc bánh đúng hai vòng, đầu lạt còn lại được thắt chéo cẩn thận). Sau đó, bánh được đưa lên đồ bằng chõ gỗ. Làm như vậy là để bánh vừa không bị nhão lại giữ được hương vị đặc trưng. Cùng với bánh ít là thịt vịt. Người ta giải thích rằng con vịt gắn bó với đồng ruộng, sông suối, đời sống sản xuất của con người. Xíp xí cúng thịt vịt là muốn con vịt ăn hết sâu bọ hại lúa; con vịt mang điều không may mắn, điềm xấu trôi theo dòng sông nước. Còn bánh ít gói theo cặp tượng trưng cho đôi lứa hạnh phúc…
Tết Xíp xí được tổ chức theo từng gia đình, có nơi theo dòng họ và tùy từng hoàn cảnh gia đình mà tổ chức to, nhỏ khác nhau. Sau khi cúng, các thành viên trong gia đình sẽ cùng ngồi quây quần bên mâm cỗ. Con cháu chúc người già sống lâu trăm tuổi; người lớn cầu mong lớp trẻ yên vui, khỏe mạnh. Với người Thái trắng, Xíp xí cũng là dịp đồng bào thể hiện lòng mến khách của mình. Khách thân quen được mời từ trước đó mấy ngày. Khách lạ cũng như khách quen đến nhà đều được đón tiếp nồng hậu, chu đáo, được thưởng thức những món ăn đặc trưng chỉ có trong ngày Tết Xíp xí. Dịp này, gia đình nào càng mời được nhiều bà con, khách khứa đến dự càng may mắn. Vui vẻ là vậy song bà con không quên nhắc nhau ăn uống phải chừng mực để Tết Xíp xí đảm bảo linh thiêng, an toàn và lành mạnh. Anh Hà Hồ Bắc, ở xã Huy Tân, huyện Phù Yên, cho biết: “Xíp xí theo phong tục tập quán là phải vui chơi lành mạnh, tiết kiệm, nhất là uống rượu phải có tầm, uống để đủ vui chứ không uống quá chén để hạn chế được tai nạn giao thông”.
Xíp xí không chỉ có ăn uống, vui chơi mà gắn với hoạt động ấy là “khắp chúc muôn”, nghĩa là hát chúc mừng; “khắp sòn côn” là hát dạy làm người và “khắp báo sao” tức hát giao duyên lúc ăn uống và lúc thăm nhau. Ngày nay, buổi chiều ngày Xíp xí, chính quyền nhiều địa phương còn tổ chức hội vui chung. Ấy là tổ chức cho bà con vui chơi các trò chơi dân gian như ném còn, đẩy gậy và múa, hát các bài dân ca mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Để rồi, những ai từng được tham gia, chứng kiến không khí Tết Xíp xí cùng đồng bào, dù chỉ một lần cũng phải nhớ mãi./.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét