Chuẩn bị mâm lễ
(LVH)-
Sáng 15/2/2016 (mùng 8 Tết), đồng bào dân tộc Thái đến từ tỉnh Sơn La đã tổ chức
lễ cầu an (xên bản, xên mường) tại không gian nhà dân tộc Thái, Khu các làng
dân tộc I, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội).
Đây là nghi lễ mùa màng mang đậm bản sắc của cư dân nông nghiệp được chính chủ
thể văn hóa thiệu với du khách Hà Nội trong dịp đầu năm mới.
Lễ cầu
an của đồng bào thường được tổ chức vào cuối tháng giêng, đầu tháng 2 âm lịch
hàng năm. Theo quan niệm của đồng bào, lễ hội này có ý nghĩa và vai trò quan trọng
đối với đời sống vật chất và tinh thần của bà cả bản mường, đến mùa màng, sức
khỏe và sự làm ăn của cộng đồng mỗi năm. Vì vậy, đồng bào luôn tổ chức rất trọng
thể. Dân chúng trong mường, ngoài bản, từ già trẻ gái trai đều có nghĩa vụ và
quyền được tham gia, đóng góp tùy sức mình.
Ông mo rót rượu chuẩn
bị cho nghi thức cúng chính
Người
chịu trách nhiệm chính trong tổ chức lễ hội cầu an bản mường là a nha, nhưng người trực tiếp điều hành buổi lễ
lại chính là ông thầy cúng (mo mường). Từ sáng sớm, ngay tại không gian làng
dân tộc Thái, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, bà con đã chuẩn bị
làm lợn, gà, vịt, cá… cho nghi lễ quan trọng này. Những món ăn truyền thống đặc
trưng của ẩm thực người Thái đã sẵn sàng cho lễ cầu an.
Ông mo tiến hành làm
lễ
Bắt
đầu buổi lễ, ông mo thắp một nén nhang lên bàn thờ khu nhà Thái sau đó dẫn đầu
đoàn người ra phía gốc cây to ngoài sân để làm lễ. Trước các mâm cúng, mỗi mâm
tượng trưng cho 1 mường, ông mo đeo thanh kiếm và túi đựng sách chữ Thái cổ, đọc
bài cúng tổ tiên, thần đất, chủ nguồn nước, thổ công thổ địa... về nhận lễ vật,
dùng cỗ, vui vẻ với cộng đồng dân cư bản mường, đồng thời cầu mong tổ tiên thần
linh ban phúc, phù trợ cho bản mường bình yên, làm ăn suôn sẻ, con người khỏe mạnh,
ngô lúa sinh sôi, gia súc gia cầm đàn đàn, lớp lớp. Khấn xong, mo mường và dân
bản mường vái lạy tổ tiên và các vị thần. Mo mường ném hai quả trứng (một đỏ, một
trắng) và một nắm cơm, ít thức ăn và 1 ít rượu vẩy ra xung quanh. Đây là những
nghi thức cúng chính được chủ thể tiến hành giới thiệu cho du khách đến tham
quan “Ngôi nhà chung”. Trong thực tế, lễ này được tiến hành trong 3 ngày.
Sau
nghi thức cúng của ông mo, mọi người bắt đầu vào phần hội với ăn uống, vui chơi
thể thao, văn nghệ... Những trò chơi truyền thống như ném còn, tó mắ lẹ… hay nhảy
sạp đã lôi cuốn đông đảo các cộng đồng khác đang hoạt động tại "Ngôi nhà
chung" và du khách tham dự.
Nhảy sạp
Với
lễ cầu an, du khách được khám phá nét văn hóa truyền thống đặc sắc của người
Thái tỉnh Sơn La với các nghi thức cúng trang nghiêm cũng như nghệ thuật ẩm thực,
nghệ thuật diễn xướng dân gian và những trò chơi truyền thống được đồng bào gìn
giữ từ bao đời nay. Đây cũng là cơ hội để các cộng đồng dân tộc thấu hiểu và gần
gũi với nhau hơn tại “Ngôi nhà chung”.
Một số hình ảnh khác:
Đồ xôi chuẩn bị cho lễ
cầu an
Ông mo khấn tổ tiên
và thần linh
Những trò chơi truyền
thống của người Thái thu hút sự tham gia của các cộng đồng đang hoạt động tại
"Làng " cũng như du khách
Đào Loan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét