Nét đẹp Tẳng cẩu của người phụ nữ Thái

Từ bao đời nay Tẳng cẩu vẫn luôn song hành và gắn bó mật thiết với cuộc sống của những người phụ nữ Thái đen
Dân tộc Thái là dân tộc chiếm số lượng đông nhất trên địa bàn tỉnh Điện Biên. Họ có nhiều phong tục mang đậm nét văn hóa đặc sắc, một trong số đó là tục Tẳng cẩu của ngành Thái đen. Tục Tẳng cẩu của người Thái đen hiện đã có nhiều thay đổi với những nét văn minh, tiến bộ nhưng vẫn giữ được những nét đẹp văn hóa cổ truyền của một nền văn hóa.
Giản dị, mộc mạc nhưng từ bao đời nay Tẳng cẩu vẫn luôn song hành và gắn bó mật thiết với cuộc sống của những người phụ nữ Thái đen; trở thành nét đặc trưng quan trọng – một dấu hiện nhận biết không bị nhầm lẫn với bất cứ dân tộc nào khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Tẳng cẩu có từ bao giờ? Chúng tôi đem câu hỏi này đến gặp một vài cụ lớn tuổi trong cộng đồng người dân tộc Thái ở Điện Biên nhưng không ai trả lời được. Chỉ biết rằng việc búi tóc trên đỉnh đầu người phụ nữ Thái đen đã thành luật tục nối tiếp từ đời này sang đời khác. Đến nay, nó vẫn được các thế hệ đi sau lưu truyền, bằng chứng là ở bất cứ đâu trên mảnh đất Mường Thanh có người Thái đen sinh sống thì ở đó sẽ có những người phụ nữ Tẳng cẩu. Chiếc áo cóm với 2 hàng khuy bướm bạc ôm sát vòng eo thon thả, chiếc váy nhung đen huyền hoặc cộng với búi tóc ở trên đỉnh đầu lại càng làm tôn thêm vẻ thanh tao của người phụ nữ Thái đen.
Bà Lò Thị Thâng, Bản Pa pe, xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên cho biết: "Theo phong tục của dân tộc Thái, người phụ nữ kể từ ngày Tẳng cẩu không bao giờ được thả tóc xuống nữa, kể cả khi làm việc hay đi ngủ vẫn phải Tẳng cẩu. Chỉ đến khi chồng mất mới được thả tóc xuống, đoạn tang chồng thì lại Tẳng cẩu lên. Nếu người chồng còn sống, thì phải Tẳng cẩu cho đến già đến hết đời. Người Thái rất coi trọng đầu tóc nên có những điều kiêng kỵ như: Trong những ngày cúng cơm không được gội đầu hay khi gội đầu xong không được thả tóc đi giữa bản. Những điều này đã trở thành luật tục và cho đến bây giờ chúng tôi vẫn đang duy trì nó."

Tục Tằng cẩu của người Thái đen được bắt nguồn từ truyền thuyết kể rằng: xưa kia, ở một bản người Thái nọ, có đôi vợ chồng sống rất hạnh phúc với 3 người con. Nhưng không hiểu tại sao, người vợ bỗng dưng phải lòng người đàn ông khác, bỏ chồng bỏ con. Người chồng giận lắm, chặt một cây nứa vót nhọn, quyết đi tìm người vợ hư hỏng để trả thù. Một buổi chiều, người chồng đi qua bến nước của bản, thấy vợ và người tình đang ôm nhau dưới gốc cây. Trong cơn giận, người chồng lao cây nứa nhọn về phía hai người. Cây nứa nhọn xuyên qua cả hai, khiến họ cùng chết. Hồn bay lên trời. Ông trời Phỏ Phạ liền bắt nhốt cả hai linh hồn tội lỗi vào ngục tối. Khi ông Then Na, vị thần thay mặt Phỏ Phạ mở cửa địa ngục cho các linh hồn tội lỗi xuống trần gian đầu thai làm kiếp khác, người vợ được Then Na cho được đầu thai nhưng phải chịu cắm một vật nhọn lên đầu mãi mãi, như một lời nhắc nhở, răn đe của Then Na đừng bao giờ phản bội chồng mình. Nếu không nghe, vật nhọn đó sẽ đâm vào đầu giống như cây nứa của người chồng ngày trước vậy. Vật nhọn đó chính là cái trâm. Do không thể cắm chiếc trâm đó vào đầu người còn sống, nên Tẳng cẩu chính là vật thay thế cái đầu.

Tuy câu chuyện ít tính thuyết phục, nhưng đã giải thích cho một tục lệ đã có từ xa xưa và rất bền vững, tồn tại mãi trong tâm thức của một cộng đồng người Thái từ trước tới nay. Đây chính là nét đẹp văn hoá truyền thống độc đáo trong đời sống giao tiếp xã hội và là khuôn phép, lối sống đạo đức để bảo vệ hạnh phúc, hôn nhân gia đình của tộc người Thái. Tẳng cẩu là một khái niệm dành riêng cho tất cả những người phụ nữ Thái đen đã có chồng bắt buộc phải đưa búi tóc lên đỉnh đầu. Do đó, ngoài làm thể hiện tô điểm của trang sức, làm tăng thêm vẻ đẹp cho người phụ nữ Thái đen thì Tẳng cẩu còn khẳng định sự thủy chung, sự kính trọng đối với nhà chồng. Khi đã về làm dâu mái tóc ấy sẽ vĩnh viễn không bao giờ được buông thả bởi lời thề trọn một lòng son sắt. Tuy nhiên, Tẳng cẩu chỉ phổ biến ở ngành Thái đen còn ngành Thái trắng thì khi lấy chồng phụ nữ vẫn búi tóc sau gáy như thời thiếu nữ.

Chị Quàng Thị Thanh, bản Hoong Lếch Cang, xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên chia sẻ: "Từ khi sinh ra cho đến lúc lớn lên tôi đã được cha mẹ truyền cho là khi lấy chồng thì phải Tẳng cẩu. Đây là bản sắc của dân tộc mình nên phải trân trọng, giữ gìn."
Tẳng cẩu gắn liền với cuộc sống của phụ nữ Thái đen bắt đầu từ ngày Khửn cẩu. Khửn cẩu là phong tục từ ngàn xưa - một nghi lễ linh thiêng để lại nhiều dấu ấn không phai mờ trong suốt cả cuộc đời phụ nữ Thái đen. Lễ Khửn cẩu được tiến hành tại nhà gái, trước khi làm lễ đón dâu về nhà chồng. Khi Khửn cẩu thì cô dâu ngồi giữa quay mặt về phía mặt trời mọc, mọi người ngồi và đứng xung quanh. Các lễ vật mà nhà trai mang đến đều được đựng trong một cái hổ gồm 2 bó tóc rời, một trâm bạc, hai vòng tay bằng bạc, khăn piêu, vải trắng, vải đỏ… Tất cả lễ vật đều thành đôi thể hiện sự chung thuỷ, hạnh phúc của đôi vợ chồng cho đến lúc đầu bạc răng long. Có hai chủ hôn, một bên nhà gái, một bên nhà trai và 2 người phục vụ đứng bên cạnh cô dâu. Chủ hôn nhà gái gỡ búi tóc đằng sau của cô dâu ra trước, chải thật mượt rồi đưa cho chủ hôn nhà trai kết hợp cùng hai bó tóc rời thì hất ngược toàn bộ tóc đằng sau lên đỉnh đầu, một người giữ búi tóc cuộn tròn lại, kéo mái tóc và hai bên hơi chùng, bồng ra. Để trang điểm búi tóc cho đẹp và giữ tóc khỏi bị tuột, người ta dùng một chiếc túi lưới màu đen chụp lên trên. Vật không thể thiếu chính là cây trâm bạc được làm theo kiểu ống cuộn tròn, một đầu đính đồng tiền bạc hoa xòe và sợi dây xọi, đầu kia thì vuốt nhọn để xuyên qua búi tóc. Đồng tiền bạc quay về phía trước hơi lệch bên phải, dây xọi móc vào phía đầu nhọn của cây trâm hơi lệch sang trái. Có thêm sự tô điểm của trang sức làm cô dâu tăng thêm vẻ đẹp và sự duyên dáng. Khi lễ Khửn cẩu xong, chủ hôn đưa cô dâu, chú rể vào giường cưới rồi khẽ hát những lời dặn dò yêu thương và chúc mừng hạnh phúc cho tình yêu đôi lứa: “Mái tóc dài, chải cho mượt/Búi ngược lên thành “Tẳng cẩu”/Từ nay về sau, người đã có chồng/Nước không đổi dòng, lòng không đổi hướng, con ơi”.

Tẳng cẩu là một khái niệm dành riêng cho tất cả những người phụ nữ Thái đen đã có chồng bắt buộc phải đưa búi tóc lên đỉnh đầu.

Để có một Tẳng cẩu đẹp thì vật không thể thiếu chính là bó tóc rời được người phụ nữ Thái bỏ rất nhiều tâm huyết để làm nên. Hàng ngày khi chải tóc xong, họ thường giữ lại những tóc rụng này cất riêng trong túi nhỏ. Khi chiếc túi đã đầy thì đem ra gỡ. Đây là công đoạn mất nhiều công sức nhất, bởi tóc rối được lưu giữ có khi cả năm trời mới đem ra gỡ nên mất rất nhiều thời gian. Khi gỡ xong, tóc rối được bó chặt lại thành bó nhỏ, khi Tẳng cẩu người cẩu sẽ cho thêm bó tóc này để làm Tẳng cẩu to, dày và đẹp hơn. Thông thường, búi tóc này thường được mẹ chồng làm để tặng con dâu trong lễ Khửn cẩu. Từ đây, Tẳng cẩu cùng chiếc trâm cài đầu gắn bó với người phụ nữ Thái đen như hình với bóng và theo họ suốt cả cuộc đời. Khi về già, khi mái tóc đã bạc trắng họ cũng vẫn dùng trâm cài đầu khi Tẳng cẩu.

Với người phụ nữ Thái đen, bên cạnh Tẳng cẩu thì gội đầu và chăm sóc tóc được coi là cả một nghệ thuật mới mẻ với nhiều nét độc đáo. Từ xưa tới nay người Thái vốn luôn coi trọng đầu tóc, họ gọi đó là phồm, phồm không đơn giản chỉ có nghĩa là đầu tóc mà nó còn có ý ám chỉ đến một phần linh hồn của họ. Con gái Thái ngày xưa luôn để tóc dài cho đến khi đi lấy chồng, họ quan niệm phải để dài thì mới Tẳng cẩu đẹp được. Ngày nay các cô gái Thái vẫn thường cắt tóc, tạo kiểu bình thường nhưng một khi họ đi lấy chồng người Thái thì vẫn phải Tẳng cẩu lên theo phong tục của dân tộc. Để cho mái tóc dài luôn sạch, phụ nữ Thái đen có một bí quyết riêng. Bí quyết này được truyền từ đời này sang đời khác, hết sức đơn giản nhưng lại rất hữu hiệu chính là dùng nước gạo. Đó phải là nước vo gạo nếp để lắng ít nhất 2 ngày đêm, gạn phần nước trong đi đến khi thành một hỗn hợp đặc sệt thì mới được đưa ra để gội đầu. Do đó, Tẳng cẩu luôn đẹp và chắc, không bị lỏng lẻo trong suốt cả ngày làm việc. Khi đi làm hoặc ra ngoài người phụ nữ Thái hay quấn chiếc khăn Piêu lên đầu, chiếc khăn vừa giúp họ làm đẹp và bảo vệ đầu tóc. Người phụ nữ Thái khi đi ngủ cũng chỉ bỏ trâm cài đầu hoặc những lọn tóc giả để lộn vào trong búi tóc đi, chứ không hề thả tóc xuống nghĩa là họ vẫn Tẳng cẩu ngay khi đã đi ngủ. Sáng dậy họ dành 5 đến 10 phút để búi lại tóc. Những cô dâu trẻ thường phải chật vật mãi với cái kiểu tóc mới sau khi lấy chồng, vì họ vẫn chưa quen tự búi tóc cho mình vì thực ra Tẳng cẩu không phải là dễ, nên những cô dâu trẻ này bao giờ cũng phải nhờ đến sự giúp đỡ của mẹ chồng trong những ngày đầu tiên. Mẹ chồng vừa hướng dẫn cách làm vừa giúp con dâu Tẳng cẩu tạo sự gần gũi, gắn kết hơn giữa mẹ chồng với nàng dâu mới.

Cùng với sự phát triển đi lên của cuộc sống, do ảnh hưởng của văn minh đô thị, nhiều phong tục đẹp của người Thái đang dần biến hóa, đơn giản hoá đi tuy không hẳn là biến mất nhưng nó đã thay đổi để phù hợp với cuộc sống mới. Người Thái ở những vùng kinh tế phát triển bây giờ hầu như không ra suối tắm gội nữa khi mà nước sạch đã về đến từng hộ gia đình, họ gội đầu ở nhà nhưng về căn bản thì cách gội đầu truyền thống vẫn được lưu giữ lại. Đối với những người phụ nữ Thái đã Tẳng cẩu thì hình như không có một loại dầu gội nào có thể thay thế được nước vo gạo.
Tục gội đầu ở sông suối đã không còn nhưng tục Tẳng cẩu thì vẫn được lưu giữ. Nhiều cô gái Thái ở thành phố Điện Biên Phủ khi lấy chồng người Thái vẫn thích được Tẳng cẩu theo truyền thống mặc dù họ đang đi làm tại các cơ quan, công sở. Thành phố Điện Biên Phủ là một trong số ít những thành phố trong cả nước là nơi tập trung nhiều dân tộc Thái đen sinh sống. Ở giữa lòng thành phố sầm uất và xinh đẹp này, chúng ta rất dễ dàng bắt gặp rất nhiều người phụ nữ Thái Tẳng cẩu, mặc váy cóm đi làm, đi chơi… chính những điều này càng làm toát lên vẻ đẹp của một thành phố đậm đà bản sắc dân tộc.
Tẳng cẩu là một nét đẹp độc đáo của người phụ nữ Thái. Chiếc trâm cài trên Tẳng cẩu như những ngôi sao nhỏ trên gương mặt tươi tắn, hồng hào của người phụ nữ Thái tạo cho họ sự duyên dáng và kiêu hãnh. Sự coi trọng của người Thái đối với đầu tóc là một phong tục mang đậm bản sắc văn hóa, qua đó cũng thể hiện sự tôn kính của người Thái đối với đấng sinh thành, tổ tiên những người đã tạo ra họ. Đó là phong tục đẹp ngàn đời, cần phải được lưu truyền và gìn giữ đến mai sau./.

Lường Hương-Huy Long-Trọng Lâm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét