Trống đất của người Cor, Quảng Nam

Trống đất là nhạc cụ truyền thống từ bao đời nay của người Cor

Trống đất là nhạc cụ truyền thống từ bao đời nay của dân tộc Cor sống lâu đời trên vùng Trường Sơn-Tây Nguyên. Trống đất hiện vẫn là loại nhạc cụ thiêng liêng được người Cor (Quảng Nam) gìn giữ và bảo tồn.Là nơi gìn giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống, vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc Cor trong đó có trống đất - một trong những nhạc cụ cổ nhất và thiêng liêng được người Cor ở Bắc Trà My (Quảng Nam) gìn giữ và bảo tồn.
Người dân nơi đây truyền lại rằng: Trong quá trình đào đất chôn cột làm nhà nghe được âm thanh thình thình của tiếng đào đất dội lại thật lạ tai nên tổ tiên ông bà người Cor đã nghĩ tới việc làm trống đất. Từ đó, trống đất đã trở thành nhạc cụ thiêng liêng và ăn sâu vào tiềm thức trong đời sống của dân tộc Cor…
Trống đất được làm bằng mo cau để trên 5 miệng lỗ đào dưới đất. Mỗi lỗ có bề ngang, bề dài, độ sâu vào khoảng một gang tay(khoảng hơn 20cm), có dạng hình chum trên một mặt đất phẳng. Mỗi lỗ cách nhau cũng chừng một gang tay (có thể xếp thành hai hàng, hàng trước 3 lỗ, hàng sau 2 lỗ). Dùng 2 chiếc bẹ bương khô xếp tráo đầu đuôi đậy lên miệng hố làm mặt trống. Sau đó, lấy một chiếc lạt tre chốt một đầu và sâu qua chính giữa 2 chiếc bẹ đó. Mặt trống được ghim xuống đất bằng 4 que tre sau đó được ép phẳng kín với mặt đất bằng 4 chiếc nẹp nứa. Công việc tiếp sau đó là đóng 2 chiếc que được làm bằng nhánh cây bương, cách tâm của mặt trống chừng 10cm về hai phía. Lấy sợi dây rừng nhỏ buộc căng vào hai đầu của 2 chiếc que vừa đóng rồi kéo sợi dây từ mặt trống buộc căng chặt lên sợi dây rừng.
Âm thanh của trống đất phụ thuộc vào độ kín của mặt trống, độ căng của sợi dây cũng như đường kính, độ dài của sợi dây và chiều rộng, chiều sâu của hố đất. Độ mịn, quánh, dẻo của đất cũng có tác động lên âm thanh của trống. Hai chiếc que buộc với sợi đây rừng có chức năng của một cần âm thanh.
Theo truyền thống, người Cor đánh trống đất vào những lúc nắng hạn để cầu xin ông trời cho mưa thuận gió hòa. Khi trời có sấm sét thì đem ra đánh và đánh trống đất cho tới khi trời mưa thì mới thôi. Người đánh trống cầm 1 dùi gõ lên mặt trống, từ mặt trống âm thanh của nó qua sợi dây lạt truyền xuống đất. Những âm thanh trầm bổng được vang lên có lúc âm rền dữ dội, có lúc khoan thai. Nếu người đánh trống dùng một tay đánh vào mặt trống thì trống có âm thanh ngân dài và vang xa. Còn nếu chặn một tay vào mặt trống, thì tiếng trống sẽ khô và đanh hơn mà lại không vang. Ngoài ra, người chơi trống có thể tạo ra các âm thanh như có tiếng náo động và dồn dập, có lúc như tiếng reo vui...
Là nhạc cụ truyền thống từ bao đời nay của người Cor sống lâu đời trên vùng Trường Sơn-Tây Nguyên, trống đất hiện vẫn là loại nhạc cụ thiêng liêng được người Cor gìn giữ và bảo tồn. Và trống đất được coi là linh hồn của người Cor gửi gắm và thể hiện tiếng lòng thành của mình với trời đất, với thiên nhiên núi rừng hùng vĩ. Âm thanh mà trống đất bộc lộ là nét tươi sáng và giản dị như tâm hồn của người Cor ở Bắc Trà My./.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét