Lễ cúng Xên hươn của đồng bào Thái (Sơn La)

Thầy cúng Đường Văn Dòm đang rót rượu chuẩn bị lễ

Tại nhà dân tộc Thái, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã diễn ra Lễ cúng Xên hươn của người Thái đến từ xã Chiềng Ly, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Khác với Lễ Xên mường, Xên bản, Lễ Xên hươn được tổ chức trong phạm vi gia đình và mang ý nghĩa tưởng nhớ tổ tiên ông bà, cha mẹ, anh chị em trong dòng họ gia chủ đã khuất nhân dịp đón đầu xuân năm mới.

Người Thái khi cúng thường gọi là "Xên". “Xên hươn” tức là cúng ma nhà, cúng trong phạm vi từng gia đình. Hàng năm khi ngày Tết đến người Thái quét dọn, trang trí lại bàn thờ và thay chiếu mới để làm lệ cúng ma nhà. Người tái hiện lễ cúng là thầy cúng Đường Văn Dòm, 63 tuổi đến từ xã Chiềng Ly, huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La, là thầy cúng của bản và được gia chủ mời cúng lễ.
Theo phong tục của đồng bào Thái, lễ Xên hươn được tổ chức bắt đầu từ mùng 1 Tết trở đi. Lễ được cúng vào buổi sáng và chỉ cúng một ngày. Các gia đình tự lựa chọn một ngày phù hợp để cúng từ mùng 1 Tết đến hết tháng Giêng.

Mâm lễ cúng Xên hươn của người Thái

Nếu gia chủ mời thầy cúng, gia chủ phải chuẩn bị danh sách tên các cụ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em đã mất trong gia đình của gia chủ để thầy cúng làm lễ. Phần lễ vật cần có con lợn, con gà. Lợn và gà được mổ sạch, luộc và lựa chọn đầy đủ các phần: đầu, hàm, lòng, thịt, xương… Ngoài ra, trong mâm lễ còn có cau, trầu, rượu cúng, muối trắng, bát nước luộc, tiết canh.

Không gian thờ cúng của người Thái trong ngày Tết

Trình tự lễ cúng như sau: Trước mâm lễ cúng, thầy cúng sẽ gọi tên gia chủ, giới thiệu họ tên gia chủ và cúng mời hương hồn các cụ, tổ tiên, ông bà, cha mẹ trên thiên đàng xuống, tiếp đó, thầy cúng báo cáo với tổ tiên, ông bà, cha mẹ, anh chị em của gia chủ đã khuất. Lời cúng đại ý nói: sau một năm lao động sản xuất, dành dụm được, hôm nay, ngày Tết để tưởng nhớ đến ông bà, tổ tiên và những người đã mất, gia chủ mổ lợn, mổ gà thờ cúng tổ tiên, mời mọi người về ăn cơm cúng…

Thầy cúng đọc lời cúng

Tiếp đó, thầy cúng theo danh sách sẽ gọi tên từng người một về ăn và sẽ bón cho từng người theo cách: chuẩn bị sẵn một cái lỗ trên vách, phía dưới đặt sẵn cái bát, thầy cúng gọi đến tên ai thì thầy sẽ gắp một chút thức ăn bỏ vào lỗ, mời người đó ăn. Lần lượt cúng gọi tên cho đến hết.
Sau khi cúng xong, thầy cúng lại đọc bài cúng đưa hương hồn các cụ về thiên đàng. Lễ cúng kết thúc và gia chủ cùng con cháu được thụ lễ.
Đây là tục lệ đáng quý, thể hiện sự tôn kính ông bà, tổ tiên của đồng bào dân tộc Thái.

Quang cảnh không gian nhà dân tộc Thái trong ngày tổ chức Lễ Xên hươn

H.Huyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét