Trước đây, nhiều nơi thuộc tỉnh Sơn La
như: Thuận Châu, Chiềng Cơi, Hua La và Mai Sơn có nhiều gia đình làm nghề gốm.
Nhưng hiện nay ở những nơi này nghề gốm đã mất hẳn, chỉ có Mường Chanh, huyện
Mai Sơn là duy trì nghề gốm.
Cư trú lâu đời ở Mường Chanh đồng bào Thái có nền nông
nghiệp khá phát triển, họ trồng được một loại lúa nếp ngon nổi tiếng trong vùng
gọi là nếp “tan nhe”. Đặc biệt người Thái ở Mường Chanh còn có một nghề thủ
công đặc sắc đó là nghề gốm.
Gốm được làm từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau,
trong thời gian này khí hậu khô ráo, ít mưa. Nguyên liệu làm gốm là bằng đất
sét, được gia công cho thật nhuyễn, mịn và không còn tạp chất.
Nguyên liệu làm gốm Mường Chanh
Nguyên liệu làm gốm ở Mường Chanh chủ yếu là đất sét màu
trắng nhạt, xanh đen, vàng, rất mịn và dẻo nên không phải qua công đoạn sử lý
hoặc pha trộn thêm cao lanh. Trước đây, đất được cho vào cối dùng chày tay giã
cho thật nhuyễn, ngày nay họ để đất lên bàn kê bằng gỗ và dùng gậy gỗ để đập.
Vì thế, việc sử lý đất không những trở lên nhẹ nhàng mà có năng xuất cao hơn.
Công cụ chủ yếu nhất trong việc tạo hình gốm của người
Thái là bàn xoay bằng thớt gỗ tròn, đường kính 39 đến 40 cm, cao 19 đến 20 cm,
úp trên một trụ gỗ chôn chặt xuống nền nhà.
Ở Mường Chanh, tất cả các thành viên trong gia đình từ
già đến trẻ đều có thể tham gia làm gốm. Đàn bà con gái và trẻ em có thể tham
gia khai thác nguyên liệu, gia công nguyên liệu, quay bàn xoay.... Còn đàn ông
phụ trách các khâu quan trọng như: thành hình sản phẩm mộc, xếp gốm vào lò,
nung gốm.
Khi dựng hình sản phẩm, người Thái thường xem thời tiết,
tránh ngày ngày mưa, nồm, độ ẩm không khí cao để khi nặn, tạo hình, thành sản
phẩm cao không bị sụt xuống. Trường hợp đang nặn gốm gặp trời mưa, họ phải đốt
lửa hơ cho khô bớt rồi mới nặn tiếp.
Việc dựng hình sản phẩm gốm ở Mường Chanh theo thể tự do,
không theo quy chuẩn, song nhất thiết phải tuân thủ quy trình tạo hình, bắt đầu
từ làm đáy, dựng thành, chuốt miệng rồi mới trang trí hoa văn và làm thể phụ.
Để làm đáy, người ta rắc một lớp tro mịn lên bàn xoay, đặt
miếng đất sét lên mặt, miết xung quanh cho đất dính chặt vào bàn, dùng gậy gỗ
dát mỏng, làm nhẵn mặt đáy, lấy dao tre cắt đáy kết hợp quay bàn xoay thành một
vòng tròn quanh đáy sản phẩm.
Hoàn chỉnh phần đáy, người Thái mới chuyển sang dựng
thành sản phẩm theo kỹ thuật đắp con trạch, dùng 2 tay vê đất thành thỏi dài từ
20 – 30 cm, dùng ngón cái của bàn chân phải quay bàn xoay, tay phải cầm thỏi đất,
vừa xoay vừa be đất tạo vòng thành đầu tiên, dùng dụng cụ hình trăng khuyết để
miết kỹ chỗ tiếp giáp giữa thành và đáy, tiếp tục làm các vòng thành khác theo
lối đắp trạch. Dùng hai dụng cụ uốn cong, một cái trong và một cái ngoài, kết hợp
chân quay bàn xoay để miết, làm cho thành sản phẩm cong theo ý muốn.
Tạo hình xong, muốn cho sản phẩm đều và nhẵn, người ta
dùng 4 mảnh tre, gỗ mỏng để chỉnh hình và chuốt sản phẩm, sau đó dùng ống thụt
kéo đất thành sợi, dao tre chạm hoa văn, móc để xén lợi, cắt miệng. Trong quá
trình nặn gốm, để chống dính, người ta thường nhúng tay vào chậu nước hay tro bếp.
Cuối cùng dùng sợi móc cắt miệng, lấy giẻ ướt vén đất tạo thành miệng sản phẩm.
Tạo hình hoàn chỉnh, người Thái bắt đầu bước sang công đoạn
tạo hoa văn. Tùy theo từng loại sản phẩm mà người Thái Mường Chanh trang
trí một loại hoa văn hình
sóng nước, hình dải chỉ nổi hay
cả hai loại hoa văn cùng lúc. Nặn xong, sản phẩm được để ngay dưới gầm sàn,
hong cho đến khi nào khô hắn mới cho vào lò nung.
Nung gốm là khâu then chốt nhất trong quá trình sản xuất
gốm của người Thái ở Mường Chanh. Vì nó quyết định chất lượng sản phẩm. Mỗi gia
đình ở Mường Chanh đều tự làm lấy lò nung gốm. Người ta chọn chỗ đất cứng hay
những chỗ đá đang phong hóa để đào lò, tiết kiệm củi đốt, sản phẩm chín tốt hơn
và vào mùa mưa không bị sập. Sau đó, họ dùng cuốc, xẻng khoét vào sườn đồi theo
kiểu lò hầm, hình dáng mu rùa (cao ở giữa và thấp dần ra quanh). Đáy lò không bằng
mà dốc nghiêng, thấp dần từ ống khói ra phía cửa lò.
Chọn ngày nắng ráo, người ta xếp sản phẩm vào lò nung.
Trước khi vào lò, chủ lò lấy bát nước gạo té lên trên miệng lò và khấn xin trời
phù hộ cho mẻ gốm thành công, sau đó cắm ta leo lên trên miệng lò. Trong khi đốt
lò, kiêng không được giã gạo, vì quan niệm làm rung long mạch đất, ảnh hưởng đến
chất lượng gốm. Khi vào lò, nhất thiết phải xếp các sản phẩm thành một lớp,
không để chồng lên nhau và cũng không lồng cái nhỏ váo cái to. Xếp xong mới bắt
đầu nung gốm. Ban đầu, người ta đốt nhỏ lửa để sấy gốm cho khô, khi
nhìn qua lỗ thông hơi thấy gốm chuyển sang màu hồng lửa, mới tăng thêm củi cho
gốm chín. Khi thấy ngọn lửa xuyên qua thân đồ nung, nghĩa là gốm đã chín. Thời
gian đốt và ủ lò khoảng 24 giờ.
Sản phẩm nghề gốm của người Thái Mường Chanh khá phong
phú, gồm hơn 10 thể loại với nhiều hình dáng, kích cỡ khác nhau, chủ yếu là gốm
gia dụng như chum, bình có quai, nồi nấu cách thủy, chày cối dùng để nghiền ớt,
lục lạc để đeo trâu, bò... Bên cạnh gốm gia dụng, các lò gốm ở Mường Chanh cũng
sản xuất một số gốm mỹ nghệ, các con giống như: Trâu, bò, ngựa, lợn, gà, vịt,
cua, cá...Người Thái Mường Chanh còn sản xuất một số đồ gốm có giá trị như:
Chum to, lọ cổ nhỏ được dùng làm của hồi môn cho con gái đi lấy chồng.
Sản phẩm gốm của người Thái Mường Chanh thuộc loại gốm
trơn, không tráng men, ít tinh xảo và thậm chí có phần hơi thô, nhưng có lẽ vẻ
đẹp của nó lại toát lên chính nhờ sự thô ráp, mộc mạc đó. Gốm Mường Chanh có
khá nhiều ưu điểm: Nhẹ hơn, khó gỡ hơn và cũng ít bị rò rỉ hơn so với các nơi
khác. Hơn nữa, khi ủ rượu, làm mắm hay ngâm măng chua sẽ có mùi vị thơm ngon
hơn và để lâu ngày không bị nổi váng. Vì thế, các sản phẩm gốm được người dân địa
phương rất ưa chuộng các sản phẩm của họ có giá trị hơn nhiều so với gốm
các nơi khác mang đến. Ở Mường Chanh hiện nay cũng có một số nghệ nhân rất lành
nghề. Trong số đó có ông Lò Văn Phóng, năm nay 50 tuổi, ở bản Cang Mường. Ông
Phóng đã cùng dân địa phương làm gốm và được suy tôn là "vua chum".
Hiện nay, ông có thể làm bất cứ sản phẩm nào mà các thợ gốm lành nghề ở Mường
Chanh làm được. Mặc dù vậy, nhưng gốm vẫn khó bán, người làm gốm mất nhiều công
sức nhưng thu nhập chẳng đáng là bao, khiến đa số họ phải bỏ nghề, làng gốm vì
thế đứng trước nguy cơ thất truyền.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét