Tây Bắc – Hành trình âm nhạc và văn hóa

Chân dung nghệ nhân Chẻo Sài Chỉn.
Chuyến đi tìm về với âm nhạc dân tộc mang đậm màu sắc văn hóa và tâm hồn con người Tây Bắc. Khi xuất phát mỗi người đều có những tâm trạng và sự kì vọng khác nhau về chuyến đi, nhưng âm nhạc là thứ gắn kết mọi cá tính, mọi câu chuyện.
Sapa lạnh dần về đêm. Nhìn ra từ ô cửa mênh mang một màu đen đầy mê hoặc, các nghệ sĩ ngẫu hứng phiêu theo dòng cảm xúc, hòa tấu saxophone, sáo, đàn môi và trống giữa không gian núi rừng rộng lớn. Âm nhạc chuyên chở những rung động của tâm hồn, cuốn sạch mọi ưu tư, giải phóng con người khỏi những chùng chình của cuộc sống.

Chơi nhạc cũng là một cách để tự tình và cũng để giao tiếp giữa những tâm hồn nghệ sĩ. Chẳng thế mà, nhà soạn nhạc người Đức Paul Hindermith đã từng nói: “Những người cùng nhau tạo ra âm nhạc không thể trở thành kẻ thù, ít nhất là khi điệu nhạc chưa kết thúc.”
Sau điểm dừng chân đầu tiên tại Sapa, Lào Cai, ngày hôm sau chúng tôi tiếp tục tới bản Nà Hoi, xã Thân Thuộc, huyện Tân Uyên, Lai Châu. Gia đình ông Cẩm bà Ngoạn tiếp đón khách bằng bữa cơm mang đậm hương vị người Thái với cá nướng, măng đắng, cơm lam, và chia sẻ những nét đẹp phong tục tập quán nơi đây. Sau bữa cơm, người dân địa phương tụ họp để đón xem và biểu diễn các tiết mục văn nghệ.
Trên nền nhạc dân tộc rộn ràng với tiếng chiêng, tiếng trống, mọi người cùng nắm tay nhảy theo những điệu múa xòe đầy bản sắc. Múa xòe còn gọi là múa cầm tay, đó là một hình thức biểu hiện tinh thần đoàn kết cũng như sự thân thiện trong văn hóa ứng xử giao tiếp của người Thái.
Từ đó ta có thể thấy, tinh thần lạc quan và đời sống phong phú yêu thích ca hát nhảy múa của dân tộc này. Ngoài ra, họ còn hát những điệu hát người Thái, hát hỏi thăm, chúc mừng. Tuy nhiên, khi hỏi những người trẻ tuổi về ý nghĩa của các bài hát này, họ đều có chung một câu trả lời là: không biết.

Hành trình tiếp tục về xã Phăng Sô Lin, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu để gặp nghệ nhân Chẻo Sài Chỉn. Trong căn nhà được làm từ đất và gỗ, bên trong đồ đạc sơ sài, ông giới thiệu về các nhạc cụ không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt tinh thần của dân tộc Dao.
Theo nghệ nhân Chẻo Sài Chỉn thì 3 nhạc cụ không thể thiếu của người Dao đó là trống, chiêng và kèn. Người Dao biểu diễn kèn, trống và chiêng trong đám cưới, lễ cấp sắc và đám ma. Về cơ bản, giai điệu đều không có nhiều khác biệt nhưng chỉ có đám cưới mới dùng kèn. Chiêng và kèn được làm bằng sắt.
Trống người Dao trước đây được làm bằng da sơn dương nhưng giờ được làm bằng da trâu, da bê hoặc da dê với điều kiện da càng mỏng thì sẽ cho tiếng vang càng lớn.
Trống được làm rất cầu kì và đòi hỏi nhiều kĩ thuật. Điểm đặc biệt của trống người Dao là những chiếc nêm trên tang trống được xếp lớp chéo. Sau một thời gian sử dụng, nếu trống bị chùng có thể đóng chặt lại các nêm để căng da mặt trống. Trống đóng vai trò quan trọng trong văn hóa tâm linh của dân tộc Dao, chính vì vậy người ta phải chọn ngày để làm trống cũng như mua trống.
* Lễ cấp sắc là một nghi lễ của dân tộc Dao. Chàng trai sau khi thụ lễ được coi như một người đàn ông trưởng thành hoàn tất về mặt thể chất và tâm linh.


Rời Lai Châu chúng tôi đến Điện Biên gặp nghệ nhân Mào Văn Ết – một chân dung cá tính độc đáo. Thông minh và sắc sảo, am hiểu văn hóa dân tộc, nghệ nhân Mào Văn Ết đem đến cho mọi người những câu chuyện đầy thú vị và cuốn hút không chỉ về những nét đẹp văn hóa của người Thái, của Tây Bắc mà còn rất nhiều những kiến thức âm nhạc và nghệ thuật có giá trị.
Theo cá nhân ông, văn hóa trữ tình của người Thái, văn hóa chia li của người Mông. Người Thái coi trọng tiết hạnh trong khi người Kinh coi trọng trinh tiết. Ông cũng kể thêm về mâm cơm người Thái không thể thiếu con gà trống – vật tổ trong gia đình người Thái (đầu gà và đôi chân gà đen) cùng 2 chén rượu thờ tổ tiên. Các món ăn kết hợp với nhau rất hài hòa. Một mâm cơm ta thấy đủ các vị đắng, cay, mặn, ngọt, chua, chát.  


Ngày tiếp theo, với sự dẫn đường của nghệ nhân Mào Ết, cả đoàn đến thăm nhà giáo – nghệ nhân Quảng Văn Hom tại bản Na Ten xã Hua Thanh – Điện Biên để nghe ông giới thiệu về âm nhạc trong cúng lễ của dân tộc Thái và các loại Pí.
Có mặt ở khắp mọi nơi, tre nứa đóng vai trò quan trọng trong đời sống vật chất và tinh thần của người dân Việt Nam. Từ thuở xa xưa, nó đã được tận dụng và chế tạo thành các nhạc cụ. Được làm ra hết sức tự nhiên và mộc mạc, các nhạc cụ dân tộc bằng tre nứa được sáng tạo tại chỗ, mang tính đặc trưng bản địa, phong phú về số lượng và chủng loại. Không cần quá cầu kì với các dụng cụ phức tạp mới có thể làm ra một nhạc cụ. Các thanh niên đi núi đi rừng, đem theo một con dao, chỉ cần chặt một đoạn nứa, sau vài công đoạn đơn giản đã có ngay một chiếc pí, để bày tỏ tâm tình, để gọi người yêu thương.
Pí là một nhạc cụ phổ biến của người Thái. Cấu tạo gồm một ống nứa có đường kính 1 cm. Thân gồm 2 đoạn nối lại với nhau, mỗi đoạn dài từ 40 – 50 cm. Trên mỗi đoạn được khoét một lỗ để thoát hơi. Pí rất phong phú và đa dạng. Các loại Pí khác nhau để dùng cho các hoàn cảnh khác nhau. Ví dụ như Pí láo nọi dành cho trẻ chăn trâu. Pí pặp cấu tạo gồm 2 pí nối lại, các thanh niên hoặc trung niên dùng để biểu diễn hay tâm tình. Pí đôi của người Thái trắng hay Pí một của người Thái đen dùng để tỏ tỉnh. Người con trai thường đứng trước cửa, bậc thang thổi sáo để báo hiệu và hát hỏi ý kiến: “Em ơi dậy đi, nhớ thương anh thì mở cửa cho anh”. Hay Tam lay là loại pí nối hay sáo nối của dân tộc Thái được thổi tùy theo tâm trạng và không gian, theo các giai điệu dân ca.
Hành trình tiếp tục đến Sơn La gặp 3 nghệ nhân thổi Pí, khèn bè và tính tẩu tại trung tâm văn hóa tỉnh. Về cơ bản Pí, pí pặp hay tam lay của dân tộc Thái ở các tỉnh không khác nhau. Khèn bè của người Thái ở Yên Châu được dùng trong các buổi văn hóa văn nghệ, đám cưới, hay các chàng trai gọi bạn tình. Tính tẩu thân được làm từ quả bầu, chơi được hầu hết các nốt nhạc, có thể hòa tấu tính tẩu và nhị. Tính tẩu (Thái trắng) có 3 giai dùng để hát chung là Long teng, hội họp mừng nhà mới, uống rượu, hát từ trưa đến tối, và gọi bạn tình. Tính tẩu chỉ khác nhau ở đầu đàn thẳng hoặc vầng trăng.
Đến tối, chúng tôi được tiếp đón tại một nhà hàng được làm với kiến trúc nhà sàn dân tộc. Các cô gái Thái trong những trong phục đầy màu sắc chuẩn bị cơm rượu mời khách. Và chẳng biết từ bao giờ người Thái ở đây uống rượu phải đứng dậy vòng tay để ôm hôn. 
Họ giải thích mấy thuật ngữ: Sơn La cao, Sơn La trung, Sơn La thấp, nghĩa là độ cao thấp tưng ứng với một tư thế ôm khác nhau. Khi chúng tôi ngạc nhiên và tỏ ý không hài lòng thì họ giải thích đó là phong tục. Sau bữa cơm thân mật, là màn biểu diễn văn nghệ. Vẫn những trang phục dân tộc sặc sỡ, nhưng những bài hát đã được cách điệu, làm mới với tiết tấu nhanh, sôi động. 
Các cô gái đa phần là người dân tộc đi học về đang chờ xin việc đi làm thêm để phụ giúp bố mẹ. Mỗi một người làm thêm vừa phục vụ vừa biểu diễn văn nghệ được trả 120 nghìn. Chúng tôi được giới thiệu hiện nay tại địa phương có hơn 3000 đội văn nghệ. Thế nhưng khi được hỏi về những người theo nghề thổi Pí, thổi khèn, chơi các nhạc cụ dân tộc thì số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay.


Bài xẩm chợ Ngược đời được tái hiện trong một không gian nhà sàn xây dựng khang trang đẹp đẽ. Hành trình biết bao kỉ niệm, bài xẩm chợ cất lên như một chất xúc tác khiến bao nhiêu cảm xúc dồn nén lại và bung ra, khiến tất cả người nghe phải nghẹn ngào. Bởi trong lòng mỗi người không chỉ thấy cái dí dỏm nhưng sâu xa của lời bài hát mà còn gợi lên thực tế đang diễn ra trước mắt. Trong cuộc sống còn lắm sự ngược đời. Dường như có những sự ngược đời ai cũng thấy, ai cũng biết, nhưng chúng ta đang coi nó là một sự hiển nhiên vì bất lực và vì việc chẳng phải của mình.
Mục đích thuần túy ban đầu là một chuyến đi tìm hiểu về các nhạc cụ Tây Bắc, nhưng sau một tuần trải nghiệm, dường như kết quả thu về không chỉ là âm nhạc, mà còn cả những kiến thức văn hóa dân tộc. Được mắt thấy tai nghe cả những điều đẹp đẽ, những thứ khó khăn, và cả những điều không được đẹp như chúng ta vẫn nghĩ. Những trải nghiệm thực tế đặt ra cho người nghệ sĩ những câu hỏi, và đã tới lúc trả lời bằng những hành động thực tiễn, bắt tay vào lao động và phát triển, không phải để mất đi mới luyến tiếc và tìm lại.
Tây Bắc, tháng 3 năm 2015

Đinh Hồng Châm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét